Nguyên Minh
Thiền – Triết học?
Không ít người đã ngộ nhận thiền như một thứ triết lý siêu hình. Điều không thể phủ nhận là
thiền thực sự có liên quan đến rất nhiều yếu tố triết học phương Đông, nhưng
điều đó không có nghĩa là có thể xem thiền như một loại hình triết học.
Điều chắc chắn là thiền không phải một hệ thống được xây dựng
trên cơ sở phân tích lý luận. Trong thực tế, thiền đối
lập hoàn toàn với kiểu lý luận phân tích chia tách chủ thể và đối tượng.
Thiền xem trọng sự sáng suốt của lý trí, bởi vì yếu tố này là một phần trong
toàn bộ tâm thức. Nhưng thiền không chấp nhận xem tâm thức như
một tổng thể kết hợp nhiều thành tố mà khi chia tách ra sẽ chẳng còn lại gì.
Nếu nhìn từ góc độ phân tích bằng lý trí, thiền chẳng có gì để truyền dạy cả, và
cũng chẳng có bất cứ một hệ thống giáo lý nào để buộc những người tin
theo
phải chấp nhận. Về phương diện này, nhiều người có thể nói rằng thiền là một
kiểu học thuyết hỗn tạp, bởi vì mỗi bậc thầy có thể đưa ra những luận thuyết
khác nhau theo nhận thức riêng của mình, dựa vào kinh nghiệm của chính bản thân
mình, và không hề được truyền dạy những điều ấy từ những người đi trước. Vì thế,
Thiền học thực sự không có những “thánh kinh” hay “giáo điều”, cũng không có bất
cứ khuôn mẫu cố định nào để có thể tuân theo nhằm đạt đến mục đích cuối cùng.
Trong ý nghĩa này, thiền không dạy cho chúng ta bất cứ điều gì
cả. Nếu có bất cứ điều gì được giảng dạy trong nhà
thiền, thực ra đều là xuất phát từ bản tâm mỗi người. Người học thiền chính là tự học.
Thiền chỉ là phương tiện để chỉ ra cho chúng ta một hướng đi.
Ngoài ý nghĩa chỉ bày này ra, không có gì được cố ý dựng lên như là những giáo
lý căn bản hay nền tảng triết lý nào cả.
Chính những gì vừa nói đã giải thích vì sao Thiền học là một tông phái hình
thành từ Phật giáo, nhưng khi đề cập đến mục tiêu tối hậu của người tu thiền thì
tất cả kinh điển, sớ giải của đạo Phật lại bị xem như là giấy vụn không hơn
không kém. Nhưng điều này lại không nên ngộ nhận như là một
biểu hiện của chủ thuyết hư vô. Bởi vì chủ thuyết hư vô
chỉ có thể là sự hủy hoại chính mình và không dẫn đến bất kỳ một kết quả nào
khác.
Sự phủ nhận có vẻ như cũng là một phương thức tiếp cận vấn đề,
nhưng sự thật cuối cùng lại chính là sự khẳng định. Mặc dù thiền không có
bất cứ một triết lý nào và phủ nhận tất cả những học thuyết được truyền dạy,
cũng như xem thường những gì được gọi là kinh điển, giáo lý, nhưng chúng ta
không được quên đi một thực tế là: sự phủ nhận này thật ra là một thái độ hoàn
toàn tích cực và nhắm đến một sự khẳng định rốt ráo. Chúng ta sẽ làm rõ hơn điều
này trong những chương tiếp theo sau đây.
Thiền – Tôn giáo?
Nếu hiểu tôn giáo
theo ý nghĩa thông thường của từ ngữ này, có lẽ thiền khó lòng được chấp
nhận như một tôn giáo. Thiền không tôn sùng, thờ kính một đấng thiêng liêng tối
cao hay một vị giáo chủ, cũng không thực hành những nghi thức, lễ nghi như
thường gặp ở các tôn giáo. Thiền cũng không nói về một thế giới dành cho những
người đã chết hay sự thưởng phạt dành cho những việc làm tốt hoặc xấu. Và cuối cùng, thiền không chấp nhận việc có được một tâm hồn thanh
thản nhờ vào bất cứ người nào khác. Thiền hoàn toàn không chịu sự trói buộc vào khuôn khổ cứng nhắc của
những giáo điều.
Tuy nhiên, khi những người tin vào Thượng đế cho rằng thiền
phủ nhận Thượng đế, họ đã hiểu sai về thiền. Thiền
không hề phủ nhận Thượng đế, nhưng cũng không xác nhận sự tồn tại của ngài. Trong cách nhìn của thiền, khi phủ nhận một đối tượng thì ngay trong
sự phủ nhận đó đã hàm chứa sự thừa nhận một đối tượng nào khác, và ngược lại.
Phủ định và khẳng định là hai mặt đồng thời xuất hiện trong quá trình hình thành
tư duy lý luận. Như đã nói, thiền không rơi vào phạm trù lý luận mà vượt lên trên để
đạt đến một mức khẳng định cao hơn – nếu có thể tạm gọi như thế – khi không còn
tồn tại những tính chất đối nghịch, tương phản giữa các sự vật, hiện tượng.
Vì thế, sự thật là thiền không phủ nhận cũng không thừa nhận Thượng đế, chỉ đơn
giản là vì trong nhà thiền không có sự hiện diện của một Thượng đế tương tự như
một số tôn giáo khác. Và cũng vì thế, có thể nói thiền không
phải là một tôn giáo.
Thiền – Thiền định?
Như đã nói, đây là một
sự nhầm lẫn rất thường gặp ở nhiều người, ngay cả ở một số Phật tử. Hầu như tất cả những người
học thiền đều thực hành thiền định như một phương pháp tu tập chính.
Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là có thể đồng nhất hai danh từ này.
Tu tập thiền định chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống của người học thiền,
nhưng không phải là mục đích cuối cùng.
Mục tiêu nhắm đến của thiền là nhận ra và tự mình làm chủ được bản tâm, bằng sự
quán sát sâu vào bản chất thực sự của tâm. Việc nhận ra được bản chất thực sự
của tâm thức được nhà thiền gọi là “kiến tánh”, hay thấy tánh, và được xem là
mục tiêu cơ bản nhất của người học thiền. Vì thế, thiền không
đơn thuần là thiền định, mà trong thực tế chỉ sử dụng thiền định như một trong
các phương thức để đạt đến mục tiêu của mình.
Toàn bộ các phương pháp tu tập, rèn luyện của thiền là nhắm
đến việc mở rộng nhận thức nội tâm để có thể nhìn thấu bản chất của sự hiện hữu.
Khi thực hành thiền định, hành giả tập trung tư tưởng vào một
đối tượng nào đó, chẳng hạn như quán tưởng về lòng từ bi không giới hạn, hoặc về
tính chất vô thường của đời sống. Theo cách nhìn của
thiền thì sự quán tưởng này cũng chỉ là phương tiện, không phải mục đích.
Bởi vì thiền nhấn mạnh sự vượt thoát mọi ràng buộc, mọi nỗ lực phi tự nhiên. Về bản chất, thiền định cũng là một nỗ lực phi tự nhiên. Trong cách nhìn của một thiền giả, chim bay giữa trời, cá bơi trong
nước, tất cả đều đã là quá đủ và không cần có bất cứ một nỗ lực thay đổi nào.
Tại sao chúng ta phải bận tâm đến những điều như là sự hợp nhất giữa con người
và Thượng đế, hay tính chất vô nghĩa của đời sống? Tại sao phải phí bỏ thời gian
quý giá trong cuộc sống để bận tâm đến thiên đàng của các vị thần thánh hay hỏa
ngục với lửa dữ thiêu đốt? Vì thế, thiền định cũng chỉ được
xem là một phương tiện giúp hành giả đạt đến một kinh nghiệm tâm linh và mở rộng
nhận thức nội tâm, tiến gần hơn đến việc trực nhận thực tại đời sống.
Trong ý nghĩa đó, việc thực hành thiền định trong nhà thiền rõ ràng cũng có phần
khác biệt mà không hoàn toàn giống như ở các tông phái khác.
Đối với thiền, thực ra không có đối tượng nào để tâm thức có
thể hướng đến. Thiền là đám mây trắng bềnh bồng trôi
giữa bầu trời trong xanh. Không có gì trói buộc, kiềm
hãm nó. Nó trôi đi tùy thích. Đôi khi, thiền dạy
chúng ta suy ngẫm về tính đồng nhất của vạn vật khi mọi sự khác biệt và bất đồng
được soi rọi trong ánh sáng trí tuệ và triệt tiêu hoàn toàn. Đôi khi, thiền cũng
dạy chúng ta biết rằng mỗi bông hoa dại nhỏ nhoi trên cánh đồng rộng lớn đều
phản chiếu ánh sáng hiện hữu huy hoàng của toàn vũ trụ.
Nhưng điều mà thiền thực sự nêu lên là: “Xét cho cùng, vạn hữu có thể gom về
nhất thể, nhất thể ấy sẽ gom về đâu?” Thiền vốn nhắm đến giải phóng tâm thức
khỏi mọi sự ràng buộc, ngăn ngại, nên đối với thiền thì ngay cả ý tưởng “một”
hay “tất cả” cũng đã là một thứ chướng ngại, một thứ bẫy rập đe dọa siết chặt sự
tự do của tâm thức. Và việc thực hành công phu thiền định trong nhà thiền không được
phép rơi vào những sự trói buộc đó.
Thiền là gì?
Thiền không bao giờ
đặt ra vấn đề so sánh các đối tượng theo cách cái này
“là” hay “không phải là” cái kia. Vì thế, ngay cả việc đặt ra
câu hỏi thiền là gì đã là một điều không thể có trong nhà thiền. Nhưng đây lại chính là nỗi ám ảnh không sao tránh khỏi của những
người mới bước chân đến cửa thiền. Rốt lại, thiền là gì mà chúng ta lại
phải bỏ công tìm hiểu hay thâm nhập?
Và nếu phải hé mở cánh cửa thiền để mời gọi những ai đang đứng
phía bên ngoài, thiền có thể sẽ tạm đưa ra một vài ý tưởng gợi mở để thỏa mãn
cơn khát tri thức của những người ngoại cuộc. Thiền là sự trực nhận cảm
giác nóng ấm của lửa hay giá lạnh của băng, bởi điều rất đơn giản là chúng ta ai
cũng run lên khi bị lạnh và sẽ thích thú nếu lúc ấy được lại gần lửa ấm.
Sự trực nhận là tất cả những gì thiền quan tâm đến, bởi vì mọi lý thuyết đều
không thể đạt đến bản chất của thực tại.
Nhưng sự trực nhận cảm giác được đề cập ở đây phải được hiểu
theo ý nghĩa sâu xa nhất, hoặc trong dạng thức thuần khiết nhất của nó.
Ngay khi ta sinh khởi một ý niệm đơn giản như “Tôi nhận biết cảm giác”, lập tức
sẽ không còn có sự hiện hữu của thiền nữa. Bởi vì vấn đề đã bị
đóng khung vào khái niệm, trong khi thiền lại luôn chống lại sự hình thành các
khái niệm.
Và đó chính là lý do vì sao thiền rất khó nắm bắt đối với những bộ óc đầy khái
niệm.
Thiền hướng đến sự quán sát mọi sự vật theo đúng với
bản chất tự nhiên của chúng. Thiền tiếp cận với mọi sự vật
trong mối tương quan trực tiếp và chặt chẽ với đời sống thực tiễn hằng ngày,
bằng cách trực nhận mà không nhắm đến khái quát hay chia chẻ chúng. Vì
thế, thiền giúp cho chúng ta thâm nhập để rồi cuối cùng hòa nhập với đối tượng
quán sát, và thực sự xóa bỏ ranh giới phân biệt giữa chủ thể và đối tượng.
Điều thú vị là trong hầu hết các trường hợp, thiền tỏ ra có
sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những ai lần đầu tiên được nghe nói đến.
Nhưng ngay khi bắt tay vào việc “tìm hiểu”, “nắm bắt”
lấy thiền, người ta liền nhận ra là thiền không dễ hiểu chút nào! Kết quả tất
nhiên thường là một sự chia tay, hoặc đi đến những nhận
thức lệch lạc như chúng ta đã đề cập. Nói một cách văn vẻ hơn, thiền dường như
rất hấp dẫn khi thoáng nhìn từ bên ngoài với khoảng cách từ xa, nhưng càng đến
gần lại càng trở nên mơ hồ, khó nắm bắt!
Nhưng những điều ấy chỉ là dáng vẻ bên ngoài, nghĩa là đối với
những ai còn đứng ngoài cuộc. Nếu bạn có thể đến với
thiền thực sự như người đi tìm một con đường sống và trải qua những năm tháng
kiên trì thực hiện phương pháp tu tập đúng đắn, có thể rồi bạn sẽ hiểu ra được
ít nhiều về thiền.
Đại văn hào Victor Hugo có lần nói: “Phương thức vươn lên để hiểu được Thượng đế
là hãy cúi xuống để nhìn sâu vào nội tâm mình.” Phát biểu này có phần nào đó
tương đồng với ý tưởng cơ bản của thiền trong việc quay về quán sát bản tâm. Nhưng thiền nhấn mạnh rằng hành giả phải làm điều này bằng cách trực
nhận và không dựa vào bất cứ yếu tố nào từ bên ngoài. Do đó, thiền giả từ
chối tất cả những gì đến từ bên ngoài, ngay cả từ một bậc thầy đáng kính. Sự tự tin tuyệt đối được đặt vào nơi bản tâm. Vì thế, bất kỳ điều gì đáng tin cậy đối với hành giả đều phải xuất
phát từ bản tâm. Điều này không chỉ là một cách nói
biểu trưng, mà là được nói ra với nghĩa chính xác nhất của từ ngữ.
Ngay cả khả năng biện giải lý luận của bản thân hành giả cũng không được xem là
chỗ dựa. Ngược lại, nó còn là rào cản trong sự trực nhận bản tâm.
Công việc của tri thức là đóng vai trò trung gian diễn dịch, mà thiền lại không
chấp nhận sự trung gian diễn dịch, trừ khi hành giả có nhu cầu giao tiếp với
người khác. Chính vì lý do này, tất cả kinh điển đối với với thiền chỉ có
ý nghĩa gợi mở, chỉ bày, không bao giờ được xem là mang ý nghĩa rốt ráo cuối
cùng.
Bản chất cốt lõi của đời sống như đang diễn ra chính là những
gì thiền nhắm đến, với một cung cách trực tiếp và sống động nhất.
Thiền tự nhận là mang tinh thần Phật giáo, nhưng kỳ thật có thể xem đây là tinh
thần của tất cả mọi tôn giáo và triết học. Khi thấu hiểu được thiền,
chúng ta đạt đến trạng thái an bình, thanh thản tuyệt đối của tâm thức và sống
theo
với ý nghĩa đích thực của đời sống. Không có tôn giáo hay triết học nào lại có
thể mong cầu nhiều hơn thế!
Một số người cho rằng thiền mang tính chất kỳ bí nên chẳng thể
xem là khác biệt so với các tôn giáo. Tuy nhiên, nếu
thiền có tính chất kỳ bí, thì đó cũng là sự kỳ bí rất đặc trưng của thiền trong
mắt nhìn của những người không hiểu thiền. Sự kỳ bí đó được thể hiện
trong những hiện tượng quanh ta như mặt trời mọc lên mỗi buổi sáng, hoa nở trong
vườn, tiếng chim hót đâu đây... Nếu những ý nghĩa ấy được xem là kỳ bí thì thiền
quả thật rất kỳ bí!
Khi ngài Triệu Châu hỏi ngài Nam Tuyền: “Đạo là gì?” Ngài Nam Tuyền trả lời:
“Tâm bình thường là đạo.” Còn có cách diễn đạt nào có thể trực tiếp và đơn giản
hơn chăng? Điều này quả thật chẳng liên quan gì đến việc phân chia các tôn giáo
hay triết học. Trong ý nghĩa này, thiền có thể được vận dụng bởi tất cả mọi tôn
giáo, cũng như các loài cá khác nhau đều có thể bơi lội thỏa thích trong cùng
một dòng nước, cùng sống hòa hợp trong một đại dương.
Thiền là đại dương của muôn loài cá, là không khí mà ta thở
hít mỗi ngày, là ngọn núi, là sấm sét, là hoa nở mùa xuân, là cái nóng mùa hè,
là cái lạnh mùa đông; và còn hơn thế nữa, thiền chính là con người.
Bất chấp tất cả những hình thức thay đổi, những quy ước hay những gì được thêm
thắt vào trong suốt quá trình phát triển của thiền, phần tinh túy cốt lõi của
thiền vẫn luôn sinh động. Chúng ta vẫn có thể trực nhận
được thực tại cuối cùng mà không bị lệch lạc bởi bất cứ định kiến nào.
Tính chất độc đáo của thiền chính là nằm ở sự rèn luyện tâm thức để có thể trực
nhận ý nghĩa sâu xa của đời sống ngay trong những gì vô cùng đơn giản. Với sự phát triển của thiền, những điều bí ẩn nhất cũng không còn là
bí ẩn nữa. Thiền biểu hiện ngay trong cuộc sống rất
bình thường và vô vị, nhưng nó dạy cho ta mở rộng nhận thức để có thể thấy được
điều tuyệt vời ngay trong những cuộc sống tầm thường.
Những điều kỳ bí nhất được nhận ra ngay trong cuộc sống diễn ra hằng ngày, hằng
giờ. Hãy nghe kệ tụng sau đây trong bài thứ 19 của tập Vô Môn Quan:
Xuân có trăm hoa, thu có trăng,
Hạ về gió mát tuyết đông giăng.
Ví lòng thanh thản không lo nghĩ,
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.
Nguyên văn chữ Hán:
春有百»¨秋?Ð月?¡
夏?Ð涼?風?¬有雪©
若無閑?挂?心ỵ
便?Ç人好?r節
Xuân hữu bách hoa, thu hữu nguyệt,
Hạ hữu lương phong, đông hữu tuyết.
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu,
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.
Quả thật, chúng ta không thấy có chút gì kỳ bí trong bài kệ
tụng trên, càng không thấy có gì cách biệt giữa cái nhìn của thiền với bất kỳ
dòng tư tưởng nào khác. Sở dĩ như vậy, là vì thiền ở
đây không phải gì khác hơn một sự trực nhận từ cuộc sống.
Khi nhận ra được ý nghĩa đích thực của đời sống, thiền giúp
chúng ta mở rộng tâm hồn để ôm trọn cả thời gian và không gian vô tận vào trong
mỗi một nhịp sống trôi qua, giúp chúng ta sống trong thế giới trần tục này như
thể đang sống trong một thiên đàng tuyệt hảo. Và tất cả những thành quả
tinh thần kỳ diệu này không phải dựa vào bất cứ học thuyết, triết lý nào để có
được, mà đơn giản chỉ là một sự xác quyết trực nhận chân lý sâu xa nằm ngay
trong bản tâm mỗi người.
Dù được biểu hiện bằng cách nào, thiền vẫn luôn mang tính chất
rất thực tiễn, bình thường nhưng đồng thời cũng là sống động nhất. Trong
thực tế, không có tính sáng tạo và độc đáo thì không thể là thiền, bởi vì thiền
không chấp nhận các khái niệm đã được dựng sẵn mà chỉ trực nhận tính chất sống
động ngay trong đời sống. Khi bị đóng khung trong các khái niệm, hành động đưa
một ngón tay lên chỉ có thể mang ý nghĩa là một cử chỉ hết sức nhỏ
nhặt trong đời sống của bất cứ ai. Nhưng một khi được soi rọi dưới ánh sáng của
thiền, cử chỉ nhỏ nhặt này bừng tỏa một ý nghĩa thiêng liêng và đầy sức sống
sáng tạo. Chính vì thiền có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi được sự ràng buộc
của những khái niệm và tập quán tự lâu đời nên chúng ta mới thực sự cần đến sự
hiện hữu của thiền.
Nghĩa
không trong Thiền học
Mặc dù là vị tổ thứ 6
của Thiền Trung Hoa, nhưng tổ Huệ Năng (638 – 713) vẫn thường được xem như vị tổ
sư nổi bật nhất khởi đầu cho một thời kỳ hưng thịnh của thiền môn.
Thực ra, nhiều người đã xem ngài như người chính thức khai sinh ra Thiền tông
Trung Hoa như một tông phái độc lập với những nét đặc thù so với các tông phái
khác tại Trung Hoa thời bấy giờ.
Lục Tổ Huệ Năng bộc lộ cái nhìn của ngài về thiền qua bài kệ nổi tiếng được
nhiều người biết đến như sau:
Bồ-đề vốn chẳng phải cây,
Gương sáng cũng chẳng phải đài.
Xưa nay vốn không một vật,
Chỗ nào bám được bụi nhơ?
Nguyên văn chữ Hán:
菩提本無樹
明鏡亦非臺
本來無一物
何處惹塵埃
Bồ-đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Bài kệ này được Lục Tổ nói ra sau khi đã đọc qua một bài kệ
khác của đại sư Thần Tú, cũng được viết ra để bày tỏ kiến giải về thiền.
Bài kệ của đại sư Thần Tú như sau:
Thân là cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thường siêng lau siêng rửa,
Chớ để bám bụi nhơ.
Nguyên văn chữ Hán:
身是菩提樹,
心如明鏡臺。
時時勤拂拭 ,
勿使惹塵埃。
Thân thị Bồ-đề thụ,
Tâm như minh kính đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.
Cả hai vị đều là môn đệ của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (602–675), và qua hai bài kệ này
mà Ngũ Tổ đã quyết định chọn ngài Huệ Năng làm tổ thứ 6 của Thiền tông.
Với sự ấn chứng này, bài kệ của Lục Tổ rõ ràng được nhiều người xem như một sự
mô tả đáng tin cậy về thiền. Và nội dung mô tả ấy có vẻ như không nêu lên gì
ngoài một sự phủ nhận toàn bộ các đối tượng được đề cập đến. Từ cách hiểu như thế, rất dễ cho rằng bài kệ đã trình bày một nghĩa
không bao hàm tất cả.
Thật ra, nghĩa không còn được đề cập đến trong rất nhiều
trường hợp khác. Và trong một chừng mực nào đó, ít nhất
là nhìn từ bên ngoài thì quả thật là thiền nói nhiều đến nghĩa không như một ý
nghĩa chủ đạo. Tuy nhiên, chúng ta hãy nghe về nghĩa không trong một bài
kệ của thiền sư Định Hương (?-1051), một thiền sư Việt Nam vào đời nhà Lý:
Xưa nay vốn không xứ sở,
Xứ sở ấy là nguồn tông.
Nguồn tông thật như huyễn ảo,
Có ảo tức chẳng có không.
本來無處所
處所是真宗
真宗如是幻
幻有即空空
Bản lai vô xứ sở,
Xứ sở thị chân tông.
Chân tông như thị ảo,
Ảo hữu tức không không.
Tính tương đối của nghĩa không đã được bài kệ nêu lên khá rõ. Hay nói khác đi, thiền sư đã cảnh báo người học về thiên hướng chấp
chặt cái không, bởi vì ngay khi nhìn nhận tính chất huyễn ảo không bền chặt của
muôn pháp thì cũng đồng thời cũng phải thấy được ngay cả nghĩa không cũng chẳng
phải là không. Trong bài thứ 26 của tập Vô Môn Quan có kệ tụng rằng:
Rèm cuốn sáng lên suốt thái không,
Thái không vẫn chưa hợp nguồn tông.
Chỗ hợp chỗ không đều vất sạch,
Mênh mông đầy khắp gió chẳng thông.
Nguyên văn chữ Hán:
卷起明明徹太空
太空猶未合吾宗
爭似從空都放下
綿綿密密不通風
Quyến khởi minh minh triệt thái không,
Thái không do vị hợp ngô tông.
Tránh tự tùng không đô phóng hạ,
Miên miên mật mật bất thông phong.
Bức tranh sinh động ở đây cho thấy rõ ràng là thiền sư không hề nhắm đến một cái
không theo nghĩa phủ nhận hoàn toàn. Để đạt đến tầm vóc
của một cái không như thế, người ta phải nắm được trong tay
mọi cái có của thế giới này!
Chúng ta không thể phủ nhận một sự thật là nghĩa không trong
thiền cực kỳ khó nắm bắt. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với tổ Bồ-đề Đạt-ma
khi ngài vừa đến Trung Hoa vào năm 520, vua Lương Võ Đế, một vị vua hết sức sùng
tín và đã làm rất nhiều điều để ủng hộ Phật pháp, đặt ra câu hỏi: “Thế nào là
nghĩa lý cao tột nhất của bậc thánh?” (如何是聖諦第一義
– Nhö haø thò thaùnh ñeá ñeä nhaát nghóa?)
Toå sö ñaùp: “Trong choã roãng rang chaúng coù baäc thaùnh.” (廓然無聖
– Khuếch nhiên vô thánh.)
Vua lại hỏi: “Đối diện với trẫm là ai?” (對朕者誰 – Đối trẫm giả thùy?)
Tổ sư đáp: “Không biết.” (不識
– Bất thức.)
Mẩu đối thoại ngắn ngủi này đã kết thúc quá trình tham học về thiền của một vị
vua vốn đầy nhiệt tình với Phật pháp, đã sai quan viên Quảng Châu ra tận cửa
biển để nghênh tiếp Tổ sư về diện kiến. Bởi vì sau đó Tổ sư
biết nhà vua không thể tiếp nhận nổi ý nghĩa sâu xa của pháp thoại nên đã ra đi
đến ở chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn thuộc đất Ngụy.
Chúng ta có thể lấy làm tiếc cho nhà vua đã bỏ lỡ cơ hội ngàn
năm có một khi không nhận được gì từ một bậc tổ sư chân truyền, nhưng chúng ta
cũng có thể hiểu được và không lấy làm lạ về sự việc. Bởi vì để nắm bắt
được nghĩa không trong mỗi một câu “Khuếch nhiên vô thánh” vừa dẫn trên, không
thể chỉ dựa vào lòng nhiệt thành mà được. Huống chi sau đó Tổ sư còn bồi thêm một liều “thuốc không” cực mạnh
với câu trả lời “không biết”. Nhà vua vốn chỉ đến với Phật pháp qua những
hiểu biết đơn thuần trong phạm vi
tạo phước, làm lành, chưa từng có những kinh nghiệm tâm linh về thiền học, tất
nhiên phải bỏ lỡ mũi tên mạnh mẽ mà Tổ sư bắn ra.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy việc nắm bắt được nghĩa không trong thiền học
quả là không dễ dàng và đơn giản chút nào.
Nhưng mặt khác, nếu bạn nghĩ đến việc bỏ ra 5 năm hoặc 10 năm để nghiên tầm kinh
điển hầu có thể nắm bắt, lý giải được nghĩa không trong Thiền học, điều đó có
thể cũng không đưa đến kết quả nào. Vấn đề ở đây là một sự
trực nhận vượt trên mọi khái niệm, nên giới hạn của ngôn ngữ không thể nào vươn
tới.
Mâu thuẫn nảy sinh của người đi tìm nghĩa không trong Thiền học chính là ở chỗ
cố dựng lên một khái niệm, một cách mô tả hoặc lý giải nào đó để “nắm bắt” lấy
nghĩa không. Nhưng điều này lại ngay lập tức đóng khung vấn đề
vào một giới hạn nhất định của khái niệm bất kỳ nào đó vừa dựng lên. Và kết quả là không làm được gì khác hơn ngoài việc tạo ra một khái
niệm mới trong rừng khái niệm vốn đã dày đặc của tri thức.
Sự trực nhận đòi hỏi quá trình rèn luyện, tu tập để khơi mở bản năng trực giác
trong tự tâm mà không phải là sự thu
lượm, tích lũy những tri thức, kiến giải từ bên ngoài. Một lần
nữa, cần nhắc lại ở đây rằng kinh nghiệm tự thân chính là điều quan trọng nhất
đối với người học thiền.
Chúng ta hãy quay trở lại với bài kệ của Lục Tổ được dẫn ra ở
đầu mục này. Nguyên do bài kệ được nói ra là trong bối cảnh đáp lại với
bài kệ của đại sư Thần Tú. Hay nói khác đi, nếu chúng ta rời khỏi bối cảnh này
để tìm hiểu nghĩa không trong bài kệ, chúng ta khó lòng tránh khỏi những nhận
thức sai lệch.
Bài kệ của đại sư Thần Tú được Ngũ Tổ khen là ít có, và khuyến khích các đệ tử
của mình thắp hương lễ bái, với nhận xét: “Y theo kệ này tu khỏi đọa nẻo ác, y
theo kệ này tu được lợi ích lớn.” (依此偈修免墮惡道.
依此偈修有大利益.
– Y thử kệ tu miễn đọa ác đạo. Y thử kệ tu hữu đại lợi ích.)
Tuy không được chọn để kế tục tổ vị, nhưng có thể nói đại sư Thần Tú đã vượt
trội hơn tất cả những môn đệ khác của Ngũ Tổ, chỉ trừ Lục Tổ Huệ Năng. Chính là
để chỉ rõ bài kệ của đại sư Thần Tú chưa nắm được yếu chỉ rốt ráo của thiền mà
Lục Tổ mới nói ra bài kệ “không” như trên. Có thể nói, đại sư Thần Tú như con
mãnh hổ sau bao nhiêu nỗ lực tinh cần và mạnh mẽ đã lên đến đỉnh núi cao nhất và
ngước nhìn bầu trời cao rộng, nhưng Lục Tổ lại như con chim bằng ngay từ đỉnh
núi ấy đã nhẹ nhàng vỗ cánh bay lên để hòa nhập, mất hút vào khoảng không mênh
mông không còn giới hạn. Vì thế, một số người đời nay đọc kinh Pháp Bảo Đàn và
cho rằng bài kệ của đại sư Thần Tú là “chưa thấy tánh”, e rằng nhận xét ấy có
phần nào chưa được thỏa đáng. Mặt khác, bài kệ của Lục Tổ vốn được nói ra để phá
sạch những chỗ vướng mắc cuối cùng của đại sư Thần Tú, như giọt nước cuối cùng
để làm tràn ly nước... Nếu tách rời khỏi bài kệ của đại sư
Thần Tú để hiểu bài kệ của Lục Tổ, tất nhiên sẽ có chỗ lệch lạc. Nói cách
khác, một khi chưa tự mình nhận ra được chỗ vướng mắc của đại sư Thần Tú mà muốn
ôm lấy nghĩa không của Lục Tổ, điều đó sẽ rất dễ dẫn đến hiểu sai về nghĩa không
đích thực trong Thiền học.
Nói tóm lại, nghĩa không được đưa ra trong thiền như một
phương tiện để đối kháng với những cái có đang đè nặng trong tâm thức mỗi người.
Nếu thoát khỏi những ràng buộc, ngăn ngại của khái niệm và tri thức, thì ngay cả
cái không cũng không thể tồn tại để bám vào. Mục đích cuối cùng của thiền, như đã nói, vẫn là trực nhận cuộc sống
như nó đang diễn ra, và điều đó là hoàn toàn có thật khắp quanh ta, làm sao có
thể nói là không?