Nguyên Minh
Cội nguồn ban sơ
Đạo Phật do đức Phật Thích-ca
Mâu-ni sáng lập từ cách đây hơn 25 thế kỷ tại Ấn Độ. Kể từ đó đến
nay, đạo Phật đã vượt xa ra bên ngoài biên giới của đất nước này để lan
tỏa khắp thế giới.
Chân lý giải thoát mà đức Phật đạt đến và truyền dạy là duy nhất và không thay
đổi, nhưng bản thân đạo Phật vốn cũng là một thực thể hữu vi như bao nhiêu thực
thể hữu vi khác trong cuộc đời này, và vì thế không thể tránh khỏi sự biến đổi
thăng trầm qua thời gian, thậm chí chắc chắn rồi cũng sẽ đi đến giai đoạn suy
tàn như chính đức Phật đã từng dự báo. Tuy nhiên, khi thời mạt
pháp vẫn còn chưa đến thì công năng giáo hóa, cứu khổ ban vui của đạo Phật vẫn
là điều không thể phủ nhận được.
Và từ xưa đến nay, đạo Phật đã làm được điều này chính là nhờ vào những chuyển
biến, thay đổi thích hợp để phát triển qua từng thời đại, cũng như mỗi khi được
truyền bá vào những cộng đồng xã hội khác nhau.
Trong quá trình phát triển đó, hình thức tối sơ của Phật giáo
nguyên thủy dần dần không còn nữa. Chúng ta ghi nhận
được sự phân chia thành hai nhánh lớn là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu
thừa.
Những cơ sở phát triển của Phật giáo Đại thừa không đi ngoài tinh thần giáo pháp
đã được Phật truyền dạy, cho dù những kinh văn chính thức mang tư tưởng Đại thừa,
chẳng hạn như tư tưởng Bát Nhã, chỉ xuất hiện sớm nhất cũng là vào khoảng 300
năm sau khi Phật nhập diệt, và các nhà nghiên cứu lịch sử tin rằng sự hình thành
của Đại thừa là vào khoảng những năm đầu Công nguyên.
Phật giáo truyền sang Trung Hoa trong khoảng từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4,
nhưng từ thế kỷ thứ 6 cho đến thế kỷ thứ 9 mới là thời kỳ phát triển hưng thịnh
nhất. Trong khoảng thời gian này, chúng ta được biết có ít
nhất là 8 tông phái khác nhau hình thành và phát triển. Đó là các tông
sau đây:
1. Luật tông, do ngài Đạo Tuyên (596-667) sáng lập.
2. Tam luận tông, do ngài Cát Tạng (549-623) sáng lập.
3. Pháp tướng tông, do ngài Huyền Trang (596-664) sáng lập.
4. Mật tông, do ngài Bất Không (705-774) sáng lập.
5. Hoa Nghiêm tông, do ngài Đỗ Thuận (557-640) sáng lập.
6. Thiên Thai tông, do ngài Trí Khải (538-597) sáng lập.
7. Tịnh độ tông, do ngài Thiện Đạo (613-681) sáng lập.
8. Thiền tông, do ngài Bồ-đề Đạt-ma (470 – 543) sáng lập.
9. Bồ-đề Đạt-ma là tổ sư thứ 28 của thiền Ấn Độ, đến Trung Hoa vào khoảng năm
520 và trở thành Sơ tổ của thiền Trung Hoa. Kể từ đó về sau,
thiền dần dần phát triển trở thành một tông phái độc lập với những nét riêng
biệt.
Nhưng phải truyền nối qua 5 đời nữa, đến tổ thứ 6 là Huệ Năng (638-713) thì
thiền mới thực sự phát triển rộng khắp và trở thành một trong những tông phái
lớn nhất thời bấy giờ. Và đến tổ Bách Trượng Hoài Hải (百?懷?海 – 720-814) thì Thiền tông đã phát triển đến
mức hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức, với các thiền viện chuyên tu và nội quy sinh
hoạt đặc thù rất chặt chẽ.
10. Như vậy, sự truyền nối của Thiền tông ở Ấn Độ kể từ đức Phật Thích-ca Mâu-ni
cho đến tổ Bồ-đề Đạt-ma là một chuỗi liên tục không đứt đoạn. Các vị tổ sư thiền
Ấn Độ trong 28 đời được kể ra như sau:
11. Phật Thích-ca Mâu-ni truyền cho ngài Ma-ha Ca-diếp là Tổ
thứ nhất.
12. Tổ thứ hai là ngài A-nan, tổ thứ ba là ngài Thương-na Hòa-tu, tổ thứ tư là
ngài Ưu-ba-cúc-đa, tổ thứ năm là ngài Đề-đa-ca, tổ thứ sáu là ngài Di-giá-ca, tổ
thứ bảy là ngài Bà-tu-mật-đa, tổ thứ tám là ngài Phật-đà Nan-đề, tổ thứ chín là
ngài Phục-đà Mật-đa, tổ thứ mười là Hiếp Tôn giả, Hiếp Tôn giả ( 脅?ð者) cũng có
tên là Bà-lật Thấp-bà (婆?濕?婆 ) tổ thứ
mười một là ngài Phú-na Dạ-xa, tổ thứ mười hai là ngài Mã Minh, tổ thứ mười ba
là ngài Ca-tỳ Ma-la, tổ thứ mười bốn là ngài Long Thọ, tổ thứ mười lăm là ngài
Ca-na-đề-bà, tổ thứ mười sáu là ngài La-hầu-la-đa, tổ thứ mười bảy là ngài
Tăng-già Nan-đề, tổ thứ mười tám là ngài Già-da Xá-đa, tổ thứ mười chín là ngài
Cưu-ma-la-đa, tổ thứ hai mươi là ngài Xà-da-đa, tổ thứ hai mươi mốt là ngài
Bà-tu Bàn-đầu, tổ thứ hai mươi hai là ngài Ma-nô-la, tổ thứ hai mươi ba là ngài
Hạc-lặc-na, tổ thứ hai mươi bốn là ngài Sư Tử, Cũng có tên là Sư Tử Bồ-đề (Siṃhabodhi– 師?子?菩Ð提 ). tổ
thứ hai mươi lăm là ngài Bà-xá Tư-đa, tổ thứ hai mươi sáu là ngài Bất-như Mật-đa,
tổ thứ hai mươi bảy là ngài Bát-nhã Đa-la, tổ thứ hai mươi tám là ngài Bồ-đề Đạt-ma.
13. _ Nhưng cũng cần phân biệt giữa sự truyền thừa của Thiền tông nói riêng và
Phật giáo nói chung. Bởi vì trên phương diện lịch sử,
Phật giáo quả thật không có được sự may mắn để được truyền thừa
theo cách như vậy. Trong thực tế, sau khi Phật nhập diệt không bao lâu thì quá trình
phân chia các bộ phái bắt đầu xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến sự phân chia có thể là do nơi sự nhận hiểu khác nhau về giáo
pháp cũng như việc nhấn mạnh vào các phương thức tu tập khác nhau. Vì thế, cho
dù vẫn đi theo một con đường lớn là Phật giáo nhưng mỗi bộ phái dần dần
hình thành những nét riêng của mình. Tất cả đều tuân theo
giáo pháp của đức Phật đã truyền dạy, nhưng có những bất đồng nhất định trong
việc nhận hiểu và thực hành giáo pháp.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu thừa nhận đã có sự phân chia ra khoảng 18 bộ phái
lớn, mặc dù trong thực tế có thể kể tên đến hơn 30 bộ phái khác nhau được phân
chia từ Phật giáo. Quá trình phân chia nổi bật nhất có thể thấy trong biểu đồ
sau:
Sự phân chia các bộ phái lớn
140 năm sau Phật nhập Niết-bàn
(khoảng 340 trước CN)
200 năm sau Niết-bàn
(khoảng 280 trước CN)
Đại chúng bộ Thượng tọa bộ
(Mahsnghika) (Sthaviravda)
Trụ tử bộ 236 năm sau Niết-bàn
(Pudgalavda) (khoảng 244 trước CN)
Nhất thiết hữu bộ
Phân biệt bộ (Sarvstivda)
(Vibhajyavda)
Như vậy, việc ghi nhận sự truyền thừa liên tục từ đức Phật Thích-ca Mâu-ni cho
đến các vị tổ sư thiền qua các thế hệ cũng là một đặc điểm nổi bật của Thiền
tông. Hơn thế nữa, vấn đề truyền thừa trực tiếp từ thầy đến
trò rất quan trọng đối với Thiền tông, vì nhà thiền chỉ lấy đó làm chứng cứ xác
thực chứ không dựa vào kinh điển, giáo pháp. Ngay cả
những “vật chứng” truyền thống như y bát (áo cà-sa và bình bát) mà một bậc thầy
truyền lại cho đệ tử đích truyền cũng chỉ được xem là thứ yếu, không quan trọng
bằng sự “tâm truyền”. Chính vì vậy, kể từ đời Lục Tổ
Huệ Năng trở về sau thì y bát đã thôi không truyền nữa.
1. Nhập môn thiền học
Một trong những cách hiểu sai lệch thường gặp nhất là sự nhầm lẫn giữa Thiền
tông như chúng ta vừa đề cập đến ở trên với thiền định là một trong 6 pháp
ba-la-mật đã được Phật truyền dạy. Sáu pháp ba-la-mật, còn gọi là Lục độ, bao
gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.
Thiền tông thường lấy phương pháp tu thiền định làm một trong những phương pháp
tu tập chính, nhưng điều đó không có nghĩa là bỏ qua các phương pháp khác, và
cũng hoàn toàn không phải vì thế mà thiền định có thể đồng nhất với Thiền tông.
Như vậy, về cơ bản khi chúng ta nói đến thiền học hay Thiền tông, chúng ta đề
cập đến một tông phái độc lập với những nét đặc thù trong giáo pháp và phương
thức tu tập, tuy vẫn nằm trong hệ thống giáo lý chung của Phật giáo nhưng lại có
những nét rất riêng so với các tông phái khác. Trong khi đó,
thiền định là một trong các phương pháp tu tập và không chỉ được sử dụng riêng
bởi Thiền tông mà còn được thấy ở hầu hết các tông phái khác.
Chúng ta sẽ có dịp trở lại một cách chi tiết hơn với những
khác biệt cơ bản của hai khái niệm này. Tuy nhiên, sự
phân biệt một cách khái quát như trên là cần thiết ngay khi chúng ta bắt đầu tìm
hiểu về thiền.
Bởi vì những gì sắp được đề cập tiếp theo đây sẽ sử
dụng khái niệm thiền học chứ không chỉ đến riêng một pháp môn thiền định.
Thiền – Giản đơn hay phức tạp?
Đối với những ai lần đầu
tiên tìm đến với thiền, những gì được nghe thấy sẽ có vẻ như hoàn toàn khác lạ,
thậm chí là kỳ bí so với những kiến thức thông thường. Vì
thế, khi bạn tìm đến với thiền giống như bao nhiêu môn học khác, bạn thường vấp
phải những trở lực không thể vượt qua về phương diện ngữ nghĩa. Nói cách khác, bạn có thể sẽ hoàn toàn ngơ ngác trước một cách diễn
đạt nào đó trong nhà thiền, trong khi điều đó lại mang đầy ý nghĩa với những ai
đã trải qua một quá trình tu tập nhất định trong thiền môn. Những người
tìm đến thiền với mong muốn đi tìm một khái niệm diễn đạt chính xác hoặc khái
quát về môn học này – họ thường nghĩ như thế – cuối cùng thường phải chấp nhận
thất bại, hoặc nếu không cũng sẽ đi đến chỗ đưa ra những cách hiểu gán ghép,
gượng gạo và sai lệch về thiền.
Những người như thế thường nhận thấy thiền cuối cùng chẳng qua
cũng chỉ là những khái niệm hoàn toàn vô lý và khôi hài, hoặc cho rằng thiền
luôn cố ý tạo ra sự khó hiểu để nhằm chống lại sự phê phán của người khác đối
với một tính chất sâu sắc giả tạo.
Nhưng đối với những người thực sự hiểu và thực hành thiền, những phát biểu có vẻ
như hoàn toàn nghịch lý, mâu thuẫn của thiền lại không phải là sự giả tạo nhằm
che đậy sự thật phía sau lớp sương mù kỳ bí, khó hiểu, mà chỉ đơn giản là vì khả
năng biểu đạt bằng ngôn ngữ thông thường không đủ để diễn tả chân lý sâu thẳm
nhất mà thiền trực nhận được. Chân lý này không thể được trình
bày bằng lý luận, mà cần phải được chứng nghiệm ngay trong nội tâm của mỗi người
để có thể hiểu được. Trong thực tế, những cách diễn đạt
của thiền không phải là phức tạp và khó hiểu, mà luôn đơn giản và đi thẳng vào
vấn đề đến mức khác với mọi quy ước thông thường. Vì thế, sự khó hiểu là nằm về phía người nghe hiểu chứ không phải về
phía người diễn đạt.
Khi nghe một câu đại loại như “Vôi màu trắng”, ta hiểu đây là một phát biểu đơn
giản, dễ hiểu. Nhưng khi ai đó nói “Vôi không phải màu trắng”,
ta thường phản ứng ngay bằng cách xem đây là một phát biểu trái ngược và không
thể hiểu được. Trong thực tế, chính phát biểu thứ hai cũng vô cùng đơn giản, và
thật ra là đơn giản hơn cả phát biểu thứ nhất.
Khi đưa ra phát biểu thứ nhất, hai thực thể “vôi” và “màu trắng” đã ngay lập tức
bị đóng khung vào các khái niệm tương ứng của người nghe, và sự chấp nhận những
khái niệm quen thuộc này khiến cho câu nói hoàn toàn đơn giản và dễ hiểu.
Trong phát biểu thứ hai, các khái niệm quen thuộc bị phá vỡ.
“Vôi” chỉ có thể là “vôi”, không thể là gì khác hơn ngoài chính nó.
Khi đóng khung hai khái niệm “vôi” và “màu trắng” rồi đồng nhất chúng với nhau
trong phát biểu thứ nhất, chúng ta đã loại bỏ tất cả những tính chất có thật
khác nữa của thực thể “vôi”, đồng thời giới hạn tính chất thực có của “màu
trắng”. Vì thế, “vôi không phải màu trắng” là một phát biểu
chỉ thẳng, đến gần với thực tại hơn so với phát biểu thứ nhất. Ở đây, các
khái niệm thông thường không được dùng đến, và vì thế mà phát biểu này thực sự
là đơn giản hơn cả phát biểu thứ nhất, cho dù nó vẫn chưa, và thực sự là không
thể, diễn đạt được trọn vẹn về đối tượng.
Hầu hết những cách diễn đạt của thiền đều xuất phát từ sự thực
nghiệm của mỗi cá nhân. Có thể nói, trong Thiền học thực ra không có gì khác ngoài kinh
nghiệm cá nhân. Vì thế, ngay cả một thiền sư chân chính
cũng chẳng có gì để trao cho bạn cả nếu như bản thân bạn chưa từng trải qua
những kinh nghiệm tâm linh thực sự.
Điều này nghe có vẻ khác thường nhưng lại là một sự thực vô cùng đơn giản trong
tự nhiên mà hầu hết chúng ta đều không lưu tâm đến. Những đứa bé không có nhiều
hiểu biết vì chúng chưa có nhiều kinh nghiệm cá nhân trong cuộc sống.
Nếu một đứa trẻ có thể hiểu được nhiều điều mà nó chưa từng trải qua, đó mới là
điều nghịch lý và hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn. Vì thế, để hiểu
được sự việc một cách rõ ràng và hiệu quả nhất, chỉ có một cách duy nhất là phải
tự thân trải qua sự việc ấy, hay nói cách khác là phải bằng vào chính kinh
nghiệm cá nhân của mỗi người.
Khi đối mặt thực sự với những vấn đề của bản thân đời sống,
kinh nghiệm cá nhân càng trở nên tuyệt đối cần thiết.
Không bằng vào kinh nghiệm cá nhân thì không thể nào nắm bắt được một cách chính
xác và hiệu quả những ý nghĩa sâu xa trong đời sống.
Sự hình thành ban đầu của tất cả những khái niệm đều xuất phát từ những kinh
nghiệm đơn giản, không phức tạp. Thiền học nhấn mạnh vào sự hình thành các khái niệm từ kinh nghiệm
cá nhân, và chính là xoay quanh hiện tượng đơn giản này mà thiền xây dựng tất cả
những nền tảng biểu đạt bằng ngôn ngữ cũng như khái niệm đặc trưng của mình.
Tất cả những điều này được sử dụng như một phương tiện hiệu quả để nhắm đến kinh
nghiệm tâm linh sâu thẳm nhất, và thiền giả không bao giờ được quên rằng chính
bản thân chúng cũng là những giới hạn cần phải vượt qua và xóa bỏ mới có thể nắm
bắt được thực tại cuối cùng.
Bản chất tự nhiên của tri thức con người không nhắm đến những vấn đề siêu hình.
Tính chất bí ẩn không bao giờ là đối tượng hướng đến của Thiền học.
Nhưng đối với những ai chưa nắm được bản chất cốt lõi thực sự của đời sống,
Thiền học luôn mang dáng vẻ đầy bí ẩn. Khi chúng ta có thể vượt qua tất
cả những khái niệm siêu hình, đến một lúc nào đó thì vẻ ngoài kỳ bí của thiền sẽ
đột nhiên biến mất và đồng thời trong kinh nghiệm nội tâm của hành giả lóe lên
tia sáng đầu tiên của sự trực nhận thực tại.
Chính vì thế mà Thiền học luôn nhấn mạnh và đòi hỏi kinh
nghiệm tâm linh trong nội tâm của bản thân hành giả. Những gì được xem là
quan trọng nhất đối với người học thiền không bao giờ gắn liền với kinh điển hay
sự giảng giải của các bậc thầy. Kinh nghiệm tu tập của mỗi cá
nhân không được phép phụ thuộc vào những chỉ dẫn từ bên ngoài, cho dù là của các
bậc thầy đáng tin cậy. Và phương pháp thực tiễn, hiệu quả nhất thường được người học thiền
sử dụng để đạt đến những kinh nghiệm tâm linh chính là phép ngồi thiền.
Nhưng những gì vừa nói hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận
vai trò dẫn dắt của các bậc thầy. Trong thực tế, qua lịch sử phát triển
từ xưa đến nay, Thiền học đã hình thành một hệ thống phương pháp tu tập nhằm dẫn
dắt những người theo
học một cách hiệu quả nhất trên con đường đạt đến những kinh nghiệm tâm linh.
Chính điều này đã tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa Thiền học với các hình thức
tôn giáo kỳ bí khác. Trong khi một số tôn giáo cũng có nhắc đến việc đạt được
một hình thức kinh nghiệm tâm linh nào đó, thì điều này thường là có tính cách
rất cá biệt, bất ngờ và không dựa vào nội lực của chính bản thân người tu tập mà
dựa vào sự cầu xin ở một quyền năng thiêng liêng, bí ẩn.
Nhưng Phật giáo nói chung và Thiền học nói riêng không
thừa nhận một đấng quyền năng siêu hình trong việc đạt đến sự giải thoát.
Và vì thế mà những phương pháp tu tập của Thiền học hoàn toàn mang tính chất
thực tiễn và có hệ thống. Ngay từ những ngày đầu tiên khi Thiền học được truyền dạy tại Trung
Hoa, khuynh hướng này đã bộc lộ rất rõ nét.
Nhưng với sự phát triển qua thời gian thì hệ thống phương pháp tu tập trong nhà
thiền ngày càng được định hình một cách toàn diện và hiệu quả hơn trong việc
giúp cho người tu tập có thể tiến triển theo
đúng con đường hướng đến sự giác ngộ. Chính trong việc hình
thành những phương pháp tu tập đặc trưng của mình, Thiền học đã thể hiện được
tính cách hoàn toàn thực tiễn. Trong khi phát triển
những luận giải chặt chẽ về mặt lý thuyết thì đồng thời thiền cũng nhấn mạnh đến
sự tu tập có phương pháp nhằm tạo ra được những phẩm chất tinh thần thanh cao
tốt đẹp nhất nơi người tu tập.
Đôi khi thiền được biểu lộ trong mối quan hệ với những sự kiện rất gần
gũi trong đời sống thực tiễn hằng ngày, và điều đó làm cho chúng ta dễ
quên đi tính chất sâu xa của nó. Nhưng chính những giá trị đích thực của thiền
lại nằm ở đây, bởi vì một thiền giả thực sự có kinh nghiệm tâm linh thường luôn
nhận ra được những ý nghĩa sâu xa không thể diễn đạt bằng lời ngay cả trong một
hành động đơn giản như đưa lên một ngón tay hay chào hỏi một người bạn tình cờ
gặp gỡ. Theo cách nhìn của nhà thiền, điều thực tiễn nhất
chính là điều mang ý nghĩa sâu xa, thâm thúy nhất. Và
toàn bộ hệ thống phương pháp tu tập của Thiền học đều là xuất phát từ kinh
nghiệm nền tảng này.
Còn có một lý do khác nữa khiến cho nhiều người nhận thấy rằng Thiền học là bí
ẩn, khó hiểu. Ngay từ trong bản chất của mình, thiền luôn luôn
bất chấp, và thậm chí là thách thức những bộ óc phân tích lý luận.
Cũng giống như rất nhiều hệ thống tư tưởng khác của phương Đông, thiền nhấn mạnh
vào bản năng trực giác của con người, và điều đó không phải bao giờ cũng có thể
nhận hiểu được qua phân tích lý luận. Chính vì thế mà những tư tưởng
thiền không bao giờ có thể trình bày theo cách liệt kê
để bất cứ ai cũng có thể đọc hiểu.
Thiền luôn hiển bày trong đời sống quanh ta, vì thế không thể
phủ nhận sự hiện hữu ấy. Nhưng ngay khi ta muốn nắm bắt lấy, muốn đặt nó
vào tầm phân tích, khảo sát của chúng ta để có thể hiểu được một cách chặt chẽ
hơn, hệ thống hơn, chúng ta ngay lập tức không còn khả năng nhận biết được
thiền. Vì thế, thiền luôn trở nên bí ẩn, khó hiểu với những ai muốn
theo đuổi, nắm bắt nó nhằm mục đích phân tích, khảo sát.
Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng hiểu được tính chất bí ẩn này cũng
có nghĩa là hiểu được thiền.
Nhưng tính chất bí ẩn của thiền – nếu có thể gọi như thế – hoàn toàn không có
nghĩa là vô lý hay ức đoán hoặc xuất phát từ trí tưởng tượng. Sự bí ẩn của thiền
hoàn toàn có thể được soi rọi dưới ánh sáng của trí tuệ. Tính
chất gọi là bí ẩn ấy lại được thể hiện qua những tư tưởng bình thản, êm ả, yên
tĩnh, không chia tách và luôn hướng về một chân lý thường tồn. Tuy nhiên,
sự êm ả và yên tĩnh ở đây không hề đồng nhất với tính cách lười nhác hoặc không
năng động; không phải sự yên lặng chết chóc của cánh đồng hoang không cây cỏ hay
của tử thi đang chờ thối rửa theo thời gian. Tính chất
yên tĩnh ở đây là của một hố sâu vượt thời gian mà trong đó tất cả cội nguồn của
những mâu thuẫn hay điều kiện đều tan biến. Nhà thiền gọi đây
là sự “im lặng sấm sét”, và từ đó nảy sinh sự sống vô cùng sinh động và linh
hoạt.
Như đã nói, Thiền học đã phát triển qua thời gian với sự đóng
góp đáng kể của nhiều thế hệ thiền sư. Điều này đã mang lại cho thiền những nét đặc trưng khác hẳn với tất
cả những tông phái Phật giáo khác. Một trong những khác biệt này chính là
cách tiếp cận với sự việc hết sức đơn giản, trực tiếp và thực tiễn, cũng như
luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống thường ngày. Rất nhiều cách
hiểu sai lệch về thiền đã xuất phát từ việc không nắm bắt được những đặc điểm
khác biệt này.
((xem tiếp phần.2)