GS
Trịnh Xuân Thuận, người được coi là bậc thầy của ngành vật lý học thiên thể với
hơn 120 công trình đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu các hội nghị khoa
học, vừa về thăm đất nước lần thứ tư sau bảy năm xa cách. Sáng 6.12 tại Hà Nội,
giáo sư đã có buổi gặp mặt các nhà khoa học vật lý trong nước tại viện Vật lý,
mở
đầu chuỗi sự kiện của giáo sư tại Việt Nam. Ngay sau đó, giáo
sư đã dành cho phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị một cuộc trò chuyện thú vị.
Những cuốn sách khoa học của ông không chỉ được
xếp hạng bán chạy nhất mà còn góp phần làm lan
toả tình yêu khoa học trong độc giả trẻ. Đây có thể hiểu là cách ông quan tâm đến việc đầu tư cho khoa học cơ
bản và phổ biến kiến thức tại Việt Nam?
Tất nhiên rồi, sẽ đến lúc khoa học cơ
bản mở rộng ở Việt Nam. Tôi đến viện Vật lý cũng như tham dự các buổi diễn thuyết trong nước
sắp tới cũng vì mục đích này. Người Việt Nam không kém
chất xám nhưng chúng ta chưa có phương tiện nên chưa đạt đến mức như các nước.
Khoa học cơ bản rất cần thiết với một
nước muốn ngang hàng nước khác. Nhưng vì đầu tư cho khoa học
cơ bản chưa nhìn thấy lợi ích ngay, nên nhiều khi chúng ta chưa chú tâm.
Ông có thể cho biết,
cách phổ biến khoa học hiện nay của chúng ta đang mắc những lỗi gì? Việc
đầu tư cho khoa học đã hợp lý chưa?
Có một thực tế là hiện nay giáo sư
chỉ làm khảo cứu trong phòng thí nghiệm mà không ra ngoài đời phổ biến khoa học
nhiều cho lắm. Ở châu Mỹ hay châu Âu cũng vậy, nhà khoa học
chỉ được thăng chức tăng lương khi họ “kiếm ra” cái gì đó, còn việc phổ biến
kiến thức nhiều khi không được thưởng. Họ sẽ bảo anh chỉ làm
phổ biến mà không khảo cứu. Đó cũng là mâu thuẫn.
Tôi cho rằng, lúc trẻ mình có nhiều
sức khoẻ và trí lực nhất thì nên tập trung cho công tác khảo cứu. Đến tuổi 40, 45
nên dành thời gian để phổ biến những gì mà mình đã học hỏi được để chia sẻ tới
mọi người.
Cuộc sống mưu sinh nhiều áp lực,
người ta thường tìm đến những ngành dễ kiếm thu
nhập hơn là nghiên cứu khoa học. Theo ông đâu là cách để nuôi dưỡng, khơi gợi
tình yêu khoa học trong những người trẻ?
Thế nên tôi mới viết sách.
Tôi mong diễn thuyết hay viết sách sẽ giúp độc giả thay đổi cách nhìn đời. Nhưng dù sao ngay từ đầu anh phải có đam mê, nếu không có đam mê thì
rất khó. Như tôi lúc đầu cũng phải hy sinh rất nhiều thứ, xa nhà, xa bố mẹ để
chăm chú vào đường mình đi. Mình chỉ có một đời, nên
không thể làm nhiều thứ, nên để làm một thứ đến nơi đến chốn phải biết hy sinh.
Bên cạnh đó, theo
tôi, nghề giáo và những người làm giáo dục cần có trách nhiệm truyền đạt tới
giới trẻ tình yêu khoa học. Cũng như nhà khoa học, công việc
đầu tiên là học hỏi, thứ nhì là khảo cứu – tạo ra cái mới, thứ ba là viết sách
để chia sẻ đam mê của mình với mọi người.
Không chỉ riêng cuốn Từ điển yêu
thích bầu trời và các vì sao, mà trong tất cả các tác phẩm của mình, giáo sư
luôn chú ý sử dụng một ngôn ngữ đơn giản và văn phong hấp dẫn được đa số độc
giả. Dường như, đó là một lựa chọn và một tư duy khác biệt so
với các đồng nghiệp?
Nhiều đồng nghiệp của tôi chỉ chú tâm viết dưới
dạng khảo cứu, cho một đối tượng thu hẹp là các nhà chuyên môn. Nhưng tôi
thì muốn viết cho quần chúng, chứ không chỉ cho giới khoa học.
Tôi luôn nghĩ, khi mình đã hiểu cặn kẽ một vấn đề nào đó thì nên tìm cách chia
sẻ với độc giả, những người ham thích khám phá bầu trời và vũ trụ, nhưng lại
không phải là các nhà khoa học.
Nếu ngôn từ khô khan thì làm sao lôi cuốn được độc giả, mà đó
chắc chắn không phải là mong muốn của tôi. Bao giờ khi viết sách, tôi
cũng đặt ra hai tiêu chí: một là kiến thức khoa học, hai là giá trị thưởng thức.
Tuy nhiên, với một nhà khoa học
chỉ quen làm việc với kính thiên văn, để có thể vận dụng văn chương làm cầu nối
giữa khoa học và độc giả, hẳn không dễ dàng?
Nếu xác định mục tiêu của mình chỉ có khoa học
đơn thuần, đúng là công việc nhàn hơn. Nhưng cũng may, tôi viết lách không đến
nỗi tệ, vì văn chương là một sở thích khác của tôi. Tuy thế,
cuốn sách đầu tiên – Giai điệu bí ẩn, đúng là một thử thách, nó khiến tôi mất
nhiều công sức. Nhưng tới giờ, khi đã hoàn thành được
hơn mười tác phẩm, tích luỹ được kha khá kinh nghiệm, mọi chuyện trở nên dễ dàng
hơn, và tâm lý cũng thoải mái hơn nhiều rồi.
Không chỉ nghiên cứu vật lý thiên
văn, ông còn nghiên cứu về Phật giáo. Tinh thần, triết lý Phật giáo đã hỗ trợ
ông thế nào trong nghiên cứu khoa học?
Phật giáo có nói đến sự vô thường,
cái gì cũng thay đổi. Đó cũng là đề tài của khoa học thế kỷ 20. Trước
kia, người ta tưởng vũ trụ là bất biến, theo quan điểm của Aristotle.
Nhưng sau này, khoa học đã chứng minh, vũ trụ thay đổi.
Và trong vũ trụ, mọi vật đều thay đổi. Mỗi một thứ đều
được sinh ra, sống cuộc đời của nó rồi chết đi. Thứ hai, Đức Phật cũng nói rằng, mọi sự vật trên thế gian đều hiện
hữu dưới hình thức các mối quan hệ. Đó là hai ví dụ cho thấy điểm tương đồng trong cách nhìn của Đức
Phật và khoa học. Trong nhiều trường hợp, cái nhìn của
Phật giáo giúp khoa học đến gần hơn với chân lý.
Triết lý nào của đạo
Phật làm nhà khoa học trong ông tâm đắc nhất?
Tôi thích nhất câu vạn vật đều nằm
trong một mối liên hệ với nhau. Đó là mối liên hệ giữa loài người, với các sự sống trên trái đất.
Liên hệ đó là sợi dây, tạo ra cách hành xử khi đối diện với
mọi người. Đừng bao giờ nghĩ mọi thứ không thay đổi.
Hạnh phúc không phải do mình tạo nên, mà hạnh phúc sẽ đến khi mình đem hạnh phúc
đến cho người khác.
Ngoài thiên văn học, Phật giáo,
ông còn nghiên cứu nhiều vấn đề như môi trường, xã hội. Đâu là điều ông trăn trở nhất hiện nay?
Tôi thấy mình xây dựng nhiều quá.
Nước mình phong cảnh rất đẹp, đa dạng sinh học rất tốt, nhưng
phát triển phải đi kèm với tôn trọng môi trường. Tôi
được biết, con tê giác một sừng cuối cùng ở nước mình vừa chết; tôi đi Hạ Long
thấy vịnh nhiều khách sạn quá, nước vịnh rất ô nhiễm. Đây là những thứ
quý giá mà thiên nhiên ban tặng, nếu ta làm hỏng sẽ không thể lấy lại được.
Đã bao năm tìm kiếm nhưng các nhà
khoa học chưa phát hiện ra hành tinh nào đặc biệt và có sự sống như trái đất,
nên mình phải giữ gìn và bảo vệ trái đất bằng mọi giá. Thay vì đi khai thác các vệ tinh khác, hãy bảo
vệ và lo cho trái đất, vì con cháu của chúng ta trước.
Cảm ơn ông!
THANH TUYỀN – HƯƠNG LAN thực hiện
Nguồn Sgtt.vn
http://www.phapluan.us
(*) Tựa đề do PL đặt