Nguyễn Minh Tiến biên dịch
Bao giờ cũng vậy, thật khó mà biết được
làm thế nào để kết thúc một cuốn sách. Trong cuốn «Don’t Sweat the Small
Stuff» (Đừng cáu
gắt vì những chuyện vặt), tôi kết thúc bằng cách đề nghị là bạn hãy
sống như thể hôm nay là ngày cuối
cùng của bạn trên mặt đất này – bởi vì cũng rất
có thể là như thế,
bạn không bao giờ thật
sự biết trước được.
Tôi quyết định kết thúc cuốn sách này bằng cách đưa ra một đề
nghị tương tự, chỉ khác là lần
này được hướng đến gia đình của
bạn.
Trong giải pháp này, tôi đề
nghị bạn hãy đối xử với những người trong gia đình,
và cả những người bạn yêu thương
nhất, như thể đây là lần cuối
cùng bạn còn được gặp mặt họ.
Có bao
lần
chúng ta thường hối hả ra cửa
mà quên
nói
một lời tạm biệt, hay nói ra điều
gì đó không được tử tế lắm, hoặc làu bàu trong
miệng một lời chỉ trích thay cho
một lời chia tay
khi chúng ta rời nhà?
Có bao lần chúng
ta coi
thường
những người
ta yêu
thương,
chỉ dựa chủ yếu vào một điều
là cho
rằng
mọi người sẽ mãi mãi
bên nhau. Hầu hết chúng ta dường như đều cư xử với một sự mặc nhận là, chúng ta có
thể đối xử tốt hơn vào lần
sau, rằng bao giờ cũng
còn có
một
ngày mai. Nhưng liệu đó có phải là
cách sống khôn ngoan
chăng?
Cách đây mấy năm, bà nội
tôi qua đời.
Tôi nhớ những lần viếng thăm bà trước
đó, luôn biết rằng mỗi lần viếng thăm đều rất có thể là
lần cuối cùng tôi còn
gặp được
bà. Mỗi chuyến thăm
viếng đều diễn ra như
thể là lần cuối cùng, nên vô
cùng đặc biệt. Mỗi lời từ
biệt đều chất chứa đầy tình yêu thương, sự trân trọng
và suy
ngẫm.
Nhìn lại lúc đó,
quả là những thời gian đặc biệt thấm đẫm tình thương yêu, bởi vì mỗi
một phút giây đều vô cùng quý
giá.
Cuộc
sống hàng ngày của chúng ta cũng
có thể quý giá như
thế. Một bài
tập để thực hành đều đặn là hãy tưởng
tượng rằng
đây là lần từ biệt cuối cùng của bạn. Hãy tưởng tượng
rằng, vì một lý do nào đó, sau
lần gặp gỡ này bạn
sẽ chẳng bao giờ còn
gặp lại người thân trong gia đình
của mình nữa. Nếu điều này
là sự thật (và luôn luôn có
khả năng đó), liệu bạn có suy
nghĩ và hành động giống như thế chăng? Liệu bạn có nhắc lại
với cha mẹ mình, vợ hoặc chồng, con cái, anh chị
em, hay những người thân khác... về những thiếu sót, lỗi lầm hay khuyết điểm mà họ đã mắc phải chăng? Liệu lời cuối của bạn có thể là
những lời phàn nàn hay
nhận
xét bi quan nào đó, cho
thấy là bạn ao ước
rằng cuộc sống của bạn khác hơn chăng?
Chắc chắn là không!
Có thể là, nếu
bạn nghĩ rằng bao giờ cũng có khả năng
đây là lần gặp gỡ cuối cùng, bạn sẽ dành thêm
một đôi phút để ôm chặt lấy
người mình yêu thương, và trìu mến
nói lời tạm biệt. Hoặc có thể
là bạn sẽ nói một
điều gì đó tử tế hơn, dịu dàng hơn, một khẳng định cho tình yêu
thương của bạn, thay vì là một
câu chào xã giao theo kiểu trong quan hệ
công việc. Nếu bạn nghĩ đây là lần cuối
cùng bạn gặp gỡ con cái mình, chị
em, cha mẹ, vợ, chồng... bạn có thể
sẽ đối xử với những người này khác hơn,
tử tế hơn, và nhiều
tình thương hơn. Thay vì hối hả
chia tay,
bạn có thể sẽ mỉm cười và nói với
những người
đó, bạn yêu thương họ như thế nào. Tâm hồn bạn sẽ cởi mở hơn.
Tôi đưa ra đề nghị này không phải
để tạo một không khí lo sợ, nhưng để khuyến khích bạn hãy nhớ
rằng gia đình mình quý giá như
thế nào, và bạn sẽ
thương nhớ mọi người thân của mình như thế
nào nếu họ không còn bên cạnh
để chia sẻ cuộc sống cùng bạn. Việc thực hiện
giải pháp này trong cuộc
sống của chính tôi đã
tạo thêm sự trân trọng
hơn nữa với những gì là quan
trọng nhất.
Tôi tin rằng nó sẽ giúp
cho bạn trở nên kiên
nhẫn hơn và yêu thương
hơn – và, có thể quan
trọng hơn hết, nhớ không cáu gắt
vì những chuyện nhỏ nhặt với gia đình mình.