Ninh Giang Thu Cúc
Trong nỗi bồi hồi, Thủy đặt chân lên Tam quan chùa, cảm
giác mát lạnh từ những viên gạch bát tràng lát trên nền cổng chùa thấm qua đế
giày vào tận lòng của mỗi bàn chân làm Thủy thích thú như được sống lại những
ngày thơ ấu chạy chân trần chơi các trò chơi cùng chúng bạn trên sân gạch của
ngôi chùa thân thương này.
Thủy khẽ khàng bước từng bước băng qua hồ bán nguyệt,
băng qua mảnh sân trước, bước lên bậc đá có hai ngã - rẽ trái sẽ vào nhà quán
đường và nhà khách, rẽ phải sẽ vào nhà trù – đang phân vân không biết nên vào
đâu trước bỗng như ký ức thúc giục Thủy ngẩng phắt đầu về phía tay trái và reo
lên mừng rỡ:
- A! Cây hồng, cây hồng vẫn còn.
Thủy quá xúc động đứng im nhìn đăm đăm
vào cây hồng đang còn vài quả muộn và òa khóc ngon lành. Từ gian đầu của
nhà quá đường, mấy vị tỳ kheo trẻ và một số chúng điệu bước nhanh ra, họ vây
quanh Thủy; một vị tỳ kheo trẻ nước da trắng bóc như con gái trạc ngoài 20 tuổi
rẽ chúng bước tới đối mặt Thủy:
- A Di Đà Phật! Nì, O ở nước ngoài mới về phải không, đi
lâu mới về chùa mừng quá nên khóc hỉ?
Cố nén xúc động, Thủy chắp hai tay
thành hình hoa sen trước ngực cung kính:
- A Di Đà Phật! Dạ bạch thầy, ở nước ngoài về thì không
phải, nhưng đi xa lâu quá mới về chùa, con mừng quá thầy ơi!
- A Di Đà Phật! Để thầy đưa chị vào nhà khách gặp ôn trụ
trì.
Thủy líu ríu bước theo
vị tỳ kheo lên tam cấp vào nhà khách, vị Thượng tọa kế thừa bổn sư của Thủy đang
ngồi điềm đạm trên chiếc ghế trường kỷ mắt nhắm tay lần chuỗi, phong thái khoan
hòa tự tại.
Thủy phủ phục:
- A Di Đà Phật! Con phật tử T.H xin đảnh lễ thầy tọa chủ.
- A Di Đà Phật! Sao lâu quá chị không về Tổ đình? Thôi
xuống rửa ráy tay
chân mặt mày thầy đưa chị lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ.
Giọng nói thân thương từ ái của thầy tọa chủ làm Thủy ấm
lòng, đồng thời chạnh lòng vì nhớ vị bổn sư tôn kính, vị đại lão hòa thượng đạo
hạnh viên dung đã viên tịch vừa tròn 29 năm.
Thuở ấy Thủy là cô bé hay khóc nhè nhưng xinh xắn và
thông minh vô cùng. Lúc lên 5 tuổi cha mẹ Thủy cho quy y với
hòa thượng TQ. Gia đình Thủy đều quy y ở chùa nầy.
Thủy thường được theo cha mẹ về chùa thường xuyên để
nghe kinh kệ, những buổi thuyết giảng của Hòa thượng và quý thầy qua năm tháng
đã thấm lần, thấm lần vào cân não Thủy. Thủy sống và lớn lên
trong sự thương mến, dạy dỗ của các bậc chân tu đạo hạnh và trí dũng vẹn toàn
tại ngôi chùa xa trung tâm thành phố 5km với phong cảnh hữu tình.
Chỉ với cái tên gọi của ngôi cổ tự đã nói lên đầy đủ đạo
hạnh, đức độ của vị tổ khai sơn và đó là một trong những yếu tố để tác động vào
đời sống của Thủy, ảnh hưởng sâu đậm suốt cả cuộc đời nàng, đã cho nàng được một
đời vẹn toàn đức hạnh, có một tấm lòng vị tha nhân ái để biết thương yêu cả
những động vật côn trùng, cỏ cây hoa lá…
Với một tâm hồn khá nhạy cảm và đa cảm, cộng với cái
nghiệp dĩ khóc mướn thương vay nên gương mặt lúc nào cũng mang một nét buồn u
ẩn, thầy mẹ của Thủy thuở sanh tiền thường bảo:
- Con bé này rồi đến khổ cả đời cho dù có sống trong
nhung lụa.
Vâng, lời tiên cảm quả không sai!!!
Ba mươi năm qua kể từ khi rời khỏi vòng
tay cha mẹ nàng chưa có được một giây phút êm ả an nhiên, mặc dầu chưa
một lần khổ đau vì cơm áo.
Tiếng nói của thầy tọa chủ cắt ngang dòng suy nghĩ của
Thủy:
- Trông chị còn chưa khỏe sau chuyến đi, vậy xuống phòng
nghỉ ngơi, ngày mai tha hồ trò chuyện, đừng đứng mãi ngoài vườn gió lạnh.
- Bạch thầy, con không mệt đâu ạ, con chỉ buồn vì…
- Vì nhớ Ôn và nhớ bao kỷ niệm cũ, nhớ từng trái hồng,
trái khế Ôn cho mỗi khi thuộc một bài kinh chứ gì, chị chẳng có chi thay đổi,
vẫn đa sầu đa cảm như thuở nào, đa sầu chỉ chuốc nhiều phiền não mà thôi, là con
Phật chúng ta nên tránh xa phiền não tập trung vào trí tuệ để lo tu học.
Thủy cúi đầu kính cẩn lắng nghe từng lời giáo huấn của vị
cao tăng đạo hạnh, lòng nhẹ nhàng phơi phới một niềm an lạc mà từ lâu không còn
trong Thủy bởi cuộc sống của nàng quá nhiều hệ lụy cộng với bao nghiệp lực nặng
nề ngăn cản bước chân khiến Thủy cứ phải xa dần, xa dần các bậc Như Lai sứ giả…
Thủy nghĩ thầm: Mình có một nơi nương tựa quá vững vàng
đó là Tam bảo, mọi oan khổ bất công mà mình chịu đựng bao lâu nay chỉ là một
chướng ngại nhỏ chẳng thấm vào đâu so với ơn phước lớn lao mà mình đã và đang có
– đó là Phật pháp, là minh sư, là ngôi cổ tự uy nghiêm hùng vĩ, nơi đây đã từng
là cái nôi ấp ủ nuôi nấng tâm hồn mình tự ngày xưa, bây giờ và mãi mãi sau nầy.
Một tuần ở lại chùa được gặp lại bao nhiêu người thân quý,
được làm chút đỉnh công phu, một tuần lễ ngập tràn hạnh phúc – niềm hạnh phúc
thanh tịnh bình yên với những buổi thiền hành, những giờ thuyết giảng, những
thời công phu hôm sớm cùng đại chúng, những bữa cơm rau dưa đạm bạc song thấm
đậm mùi pháp vị an nhiên – đối với Thủy đó là một tuần lễ ngập tràn ơn phước.
Ngày mai Thủy phải giã từ miền thánh địa giải thoát nầy
để trở về với đời sống phàm tục, với bao nhọc nhằn đối phó, với bao ràng buộc
trái ngang!
Chiều nay, sau buổi công phu Thủy quỳ trước Phật đài dâng
lên Tam bảo lời khấn nguyện:
- Lạy Tam bảo, lạy Phật đấng phước trí vẹn toàn, lạy tổ
lạy thầy – tùy theo nhân quả để mỗi chúng sanh phải
sống theo thọ nghiệp – song bất cứ hoàn cảnh nào con cũng cầu nguyện và cầu mong
tất cả hãy nhớ để tìm về nguồn cội, tìm về Phật tánh vốn có trong mỗi chúng sanh.
Tiếng chuông thu không như cùng
hòa điệu và hưởng ứng lời cầu nguyện của nàng. Thủy hân hoan ngâm khe khẽ:
“Canh tàn Từ Hiếu chuông ngân
Nhắn ai cuối nẻo hồng trần gắng tu”
Huế - giỗ tổ tháng hai (1994)
Đệ tử: Phạm Thị Thu Cúc
Pháp danh: Trừng Hòa