Về một ngôi chùa Ni Diệu Giác trên đất Lào

Lam Khê  

Chùa có tên Diệu Giác. Ngôi chùa Ni mà tôi có duyên hội ngộ trên Đất Nước Lào trong một chuyến tham quan du lịch ngắn ngày.  

Vừa buớc chân đến Savanakhet- thành phố lớn thứ hai của Lào, chúng tôi được chú Phật tử người Huế định cư tại đây ra đón rồi đưa về một ngôi chùa Ni trong thành phố. Theo lời vị đạo hữu thì tỉnh Savanakhet có hai ngôi chùa do cộng đồng người Việt di cư tạo lập từ những năm ba mươi của thế kỷ trước. Chùa Diệu Giác Ni và chùa Bảo Quang Tăng. Những ngôi chùa Việt hiện diện trên Đất Nước Triệu Voi đều mang đậm dấu ấn quê nhà. Mái chùa quê hương trở thành nơi hội tụ giao lưu để những người con Phật gặp nhau trên khắp nẻo đường tha phương lập nghiệp.

 

            ảnh: Chùa Diệu Giác ở Savannakhet

 

Tam quan chùa hiện ra trên một con đường rộng thoáng yên tịnh. Một ngôi chùa cổ kính bình dị như bao ngôi chùa, nhưng khi bước vào, tôi có cảm giác như mình đang trở về với ngôi chùa thân quen tại quê nhà. Cổng chùa cũng là màu vàng nền nã nhẹ nhàng mà thanh thoát; bốn trụ cột cao cùng dãy tường rào lại phủ một màu xanh lam dịu mát truyền thống. Trước sân có tượng đài Quan Âm lộ thiên. Trên cao, mái ngói đỏ thẫm nổi bật dưới bóng chiều tà. Những hình rồng chạm khắc tinh tế uyển chuyển hài hòa xoay quanh bốn hướng. Trên trụ cổng có bánh xe chuyển luân, có những búp sen hồng dịu dàng vươn cao trong nắng ấm...   

Ngôi chùa Ni với một lối kiến trúc thuần Việt không hề nhầm lẫn với bất cứ ai. Mà đã nói đến tính cách riêng của mỗi dân tộc thì đâu thể dùng phép so sánh với những ngôi chùa bản xứ vốn rất tinh xảo sắc nét. Chùa Việt mang âm hưởng quê hương, hồn thiêng sông núi... để lòng người xa xứ mãi vương vấn theo nhịp chuông tiếng mõ ngân vang trong khuya sớm.  

Sư cô Đàm Luân- trụ trì chùa, là người Việt nhưng sanh trưởng tại Lào. Cha gốc Thanh Hóa, mẹ người Hải Dương, họ di cư sang Lào từ thời kháng chiến chống Pháp. Sư cô từng có nhiều năm tu học tại thủ đô Viêng Chăn trước khi về đảm nhận phật sự ngôi Tam Bảo này. Vóc người dong dõng cao, tư chất nhanh nhẹn, giọng Bắc nhẹ nhàng truyền cảm. Cung cách nói chuyện của Sư toát lên vẻ chơn chất đôn hậu mà lại tự nhiên dễ gần gũi. Thế là chẳng mấy chốc, cuộc đàm đạo quanh bàn trà giữa những người có chung màu áo và cùng ngôn ngữ đã trở nên thân tình cởi mở. Đêm đầu tiên nghỉ lại chùa, lắng nghe tiếng mưa rơi nhẹ bên thềm và sự tĩnh lặng của đường phố, cảm giác như mình vừa bước qua một thế giới tràn ngập những sắc màu yên vui tự tại.  

Không gian chùa Diệu Giác không rộng nhưng thoáng đãng và thật yên tịnh. Phòng khách treo nhiều tranh lịch hình ảnh các ngôi chùa nổi tiếng xứ Huế. Kinh sách tiếng Việt chất đầy trong tủ. Ngoại trừ tượng Phật Thích Ca là sản phẩm đặc thù của xứ sở Chămpa, các tượng khác như Di Đà, Hộ Pháp, Ông Tiêu... cho đến chuông Gia trì, Đại hồng chung, trống Bát nhã... đều là hàng Việt Nam chính hiệu. Thật thú vị khi đọc những lời Phật dạy, những câu kinh Pháp cú, bảng nội quy, nghi thức tụng niệm dán khắp tường đều bằng Việt ngữ. Hình ảnh và ngôn ngữ Việt tạo cho ngôi chùa có một phong cách riêng đầy sắc thái.

Ngoài sư cô trụ trì, chùa còn có ba vị Sa di Ni và một tín nữ. Họ đều lớn tuổi nhưng sự tu tập hành trì thật tinh tấn miên mật. Buổi khuya sau thời công phu, quý vị còn ngồi lại trên chánh điện niệm Phật cho tới sáng. Thời khóa tụng niệm khuya tối, quả đường hai buổi sáng trưa đều theo nghi thức Đại thừa Bắc Tông. Không ăn chiều, không đỏ lửa nên có nhiều thời gian tịnh tu quán niệm. Sau các thời tụng kinh chấp tác, quý cô cùng ngồi học kinh trên nhà giảng hoặc mở băng đĩa nghe thuyết pháp. Băng giảng của quý thầy từ Sài gòn và Huế gởi sang. Phật tử đến tụng kinh lễ Phật vào các ngày rằm ngày lễ. Phật tử Lào thỉnh thoảng cũng có người tới chùa lễ Phật và giao lưu học hỏi với quý Ni.   

Ni Việt Nam tu tập trên đất nước Lào không nhiều, nên việc thọ giới Tỳ Kheo Ni quả là nan giải vì Lào không có giới đàn dành cho Ni. Ni Nam Tông chỉ thọ 5 giới, quấn y trắng và không được lập chùa riêng. Một lần thầy Minh Phát từ Sài-gòn qua, nhận thấy các Ni người Việt đã làm trụ trì nhưng vẫn còn là Sa Di Ni, thầy liền gọi họ lại và nói: “Quý cô về lo may đủ ba y. Sang năm thầy trở qua sẽ truyền giới cụ túc cho. Giới pháp đầy đủ thì con đường tu tập hoằng đạo sẽ thuận lợi hơn”

Thế là năm sau (1992) Thầy Minh Phát qua Lào dự lễ trai đàn chẩn tế tại chùa Bàng Long (chùa Việt ở Viêng Chăng) cùng với quý Ôn và quý Sư bà. Có đủ hai bộ Đại Tăng, thầy liền xin tổ chức Đại giới đàn, cho mời tất cả Ni Việt trên khắp nước Lào về chùa Bàng Long thọ đại giới. Đàn giới đặc biệt năm đó, sư cô Đàm Luân cùng tám vị Ni đều được lãnh thọ giới phẩm Tỳ Kheo Ni.

Vào khoảng thập niên sáu mươi- thế kỷ hai mươi, Hòa Thượng Nhật Liên- Trụ trì Tổ đình Tây Thiên- Huế, trong thời gian du hóa sang Lào, ngài cho trùng tu lại chùa Bảo Quang và chùa Diệu Giác với quy mô rộng lớn như hiện nay. Trên bàn Tổ chùa có thờ di ảnh của Hòa Thượng. Từ mối nhân duyên đó, hai ngôi chùa Việt tại Savanakhet luôn giữ mối giao hòa liên kết với Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên- Huế. Ngoài lễ Phật đản, An cư, Vu Lan và Tết cổ truyền  (theo âm lịch Việt Nam) quý thầy ở Huế cũng thường qua thuyết pháp và chủ trì các buổi lễ quy y, thọ bát quan trai, cúng trai đàn chẩn tế cho Phật tử người Việt trong vùng. Quý Ni ở Huế qua Lào dự lễ hay đi du lịch đều tìm đến lưu trú tại chùa Diệu Giác. Thỉnh thoảng Sư Đàm Luân lại về Huế. Sư bảo: “Chùa Huế như một ngôi nhà lớn với nhiều bạn đạo thân tình. Lâu lâu có dịp là mình lại trở về nhà thăm viếng mọi người và tham quan các cảnh chùa.” Quý thầy quý cô ở Huế đều quen biết và quý trọng sư.

Rồi cũng tới lúc chúng tôi phải nói lời từ giã đất nước Lào hiền hòa tươi đẹp. Đường về qua ngõ tắt Campuchia rút ngắn mà dòng cảm xúc cứ dài thêm ra. Bởi tôi biết... mình vừa mang thêm món nợ ân tình với những người bạn đạo phương xa. Chút niềm tri ân chở theo suốt cuộc hành trình. Năm tháng rồi sẽ phôi pha và những người con Phật sẽ lại gặp nhau nơi một chốn về an nhiên tịnh lạc.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle