Buông

buong

Doãn Lê

      

        Một hôm ông hiệu trưởng đến nhà và nói với tôi: “Sếp rất mê đồ cổ và không biết ai mách mà chiếc đồng hồ nhà anh đã lọt vào vòng ngắm. Ông nhờ tôi ngỏ ý với anh tìm cho ông cái như thế, giá cả không thành vấn đề! ” Chiếc đồng hồ treo tường hiệu Wesmingter là vật gia bảo từ đời ông nội tôi, lâu nay được bọc cất kỷ để tránh khỏi bị xếp vào tầng lớp… Mấy năm nay đổi mới nó được phục hồi chức năng, treo lên tường đã nhanh chóng lấy lại phong độ. Tiếng chuông đổ trong veo, tiếng tí tách làm sống lại căn nhà ẩm mốc bấy nay.

     Là kỉ vật mang đậm dấu ấn gia đình nên trước tình thế nan giải tôi thật không biết phải tính liệu làm sao! Nó gắn với kỷ niệm êm ấm gia đình tôi trong bàn tay che chở đùm bọc của nội nên đánh đổi với bất cứ giá nào, tôi một hai cũng không, dù có lúc nhà không còn hột gạo “Bao nhiêu thứ đã mất chỉ còn chiếc đồng hồ!” Sau nhiều đắn đo cân nhắc tôi tự nhủ: “Mặc dù nó quí thật nhưng sự ổn định đời sống lại còn quí hơn. Xưa nay có gì tồn tại mãi, ngay cả thân xác mình cũng sớm còn tối mất! Vả lại đã bị chiếu khư khư giữ không khéo lại gay go. Vấn đề là tính sao để vớt vát mới là điều quan trọng!” Nói giá cả không thành vấn đề nhưng khi biết được ý của tôi, ông hiệu trưởng lại đến cò kè. Thừa biết cấp trên hẳn bao giờ cũng khôn khéo nên tôi đáp: “Đây là kỷ vật vô giá đối với gia đình tôi nên không thể bán dù bất cứ giá nào, nói chi định giá! Tuy nhiên sếp đã biết quí đồ cổ, tức là biết trân trọng quá khứ nên gia đình tôi quyết định xin biếu!” Cuối cùng tôi được đề bạt chức hiệu phó kèm theo lời ân cần:“Cố gắng phấn đấu nhiều cơ hội đang chờ đợi!” Con đường thăng tiến của tôi sẽ êm dầm mát mái, nếu không có tiếng ra tiếng vào nhỏ to xì xầm “Anh ta vốn trước đây…mà nay lại…kể cũng lạ!” Tôi bước lên võ đài như thế không mấy tự tin, cứ tưởng mình như phạm phải một lỗi lầm! Tôi tự đặt sang một bên, bên kia là những người đồng nghiệp cũ và tình hình cứ như âm ỉ ngột ngạt. Tôi cố tìm cách hàn gắn nhưng càng cố tôi càng rơi vào bế tắc vì mâu thuẫn từ chính bản thân. Sai một ly đi một dăm, nhưng đã phóng lao tôi phải theo lao. Biết thế nhưng không hiểu sao tôi nhiều khi đâm bực bội với chính mình. Sau cùng tôi tự an ủi “cố làm tốt chuyên môn!” Nhưng thực tế đâu có đơn giản, làm sao tách khỏi vận hành của guồng máy, ngay trong việc thực hiện chuyên môn cũng không thể không dùng đến quyền hành mà hệ quả thường chỉ là tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng” Tôi luôn ở thế đối đầu phải lo lắng...Thật ra sự đồng tâm nhất trí lắm khi chỉ là đối phó bề ngoài. Và việc phải đến chỉ là vấn đề thời gian.

        Là hiệu phó chuyên môn tôi được phân công viết và đọc báo cáo tổng kết năm học. Tân một giáo viên trẻ năng động, giảng dạy nhiệt tình nhưng có thái độ ngang bướng, một số chủ trương biện pháp nhà trường đề ra thường không được sự đồng tình hưởng ứng của một số thành viên hội đồng khởi xuất từ anh ta, không ra mặt cũng ngấm ngầm. Điều đó gây không ít khó khăn cho ban Giám hiệu trong quản lý, điều hành...Qua báo cáo tập thể Ban giám hiệu thống nhất nhận xét đánh giá về Tân “Giáo viên có năng lực nhưng thiếu ý thức kỉ luật có biểu hiện gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào thi đua nhà trường”. Vừa kết thúc bảng báo cáo, không chờ chủ tọa cho phép, Tân vội đứng lên phản bác. Anh nêu những sai trái, khuyết điểm của Ban giám hiệu, nêu đích danh Hiệu phó thiếu dân chủ, phân công phân nhiệm không hợp lý vị nể...thiếu minh bạch trong chi tiêu..Sử dụng quỉ Công Đoàn làm quà biếu....không đúng mục đích. Những việc trên rơi vào tôi người thực hiện mặc dầu có gì tôi tự quyết đâu mà đằng sau là chủ trương của lãnh đạo nhà trường. Dù sao trước mũi dùi đả kích thẳng thừng không nương tay, tôi thấy bị xúc phạm nên yêu cầu anh ta dừng lại! Tân không chịu dừng, với sự đồng tình ngấm ngầm một số thành viên hội đồng, anh ta càng sôi nổi hơn nêu bằng cớ, dẫn chứng cụ thể từng sự việc ngày giờ... Tôi đập bàn ra lệnh “Phải dừng ngay nếu không tôi buộc phải mời anh ra khỏi phòng họp!” Tân dừng lại và tỏ vẻ bình thản như định ra ngoài nhưng thay vì vòng sau lưng người ngồi cạnh, anh ta lại bước qua chiếc bàn trước mặt tôi. Chiếc bàn nghiêng, Tân mất thăng bằng tôi né tránh nhưng không kịp. Chiếc cùi chỏ anh ta vô tình rơi trúng ngay đầu làm tôi loạng choạng té chúi. Ai nấy hết sức kinh ngạc. Mấy người ngồi trên vội đỡ tôi lên. Tôi giận run cả người, tự ái làm tôi quên cả đau. Tôi cố lấy bình tỉnh yêu cầu thư ký hội đồng lập biên bản và đề nghị mọi người ký. Mọi người kể cả Hiệu trưởng và những người vốn thân cận tôi đều khuyên tôi bình tĩnh và hoà giải nội bộ. Danh dự và cả thân thể tôi bị xúc phạm còn có thể hòa giải? Bằng mọi giá tôi quyết đáp trả đích đáng. Tôi hậm hực bước ra sân nhờ anh bảo vệ chở đến bệnh viện. Sau khi khám bác sĩ cho biết không có gì trầm trọng nhưng để chắc chắn phải chờ kết quả CT. Tôi đề nghị được nằm viện theo dõi và để đạt mục đích tôi đến nhà riêng bác sĩ. Một mặt tranh thủ Lãnh đạo nhân danh bảo vệ kỹ cương chung đề nghị thi hành kỷ luật nặng đối với giáo viên vô kỷ luật, xâm hại thân thể ban Giám hiệu.... cố hạ sát ván cho hắn không còn ngóc đầu lên mới rửa được mối nhục. Suốt thơì gian nằm viện tỉnh dưỡng nhưng phải chạy đôn chạy đáo vận động, tranh thủ hết Phòng đến Ban... đầu óc tôi có lúc nào yên! Quên ăn bỏ ngủ cố thực hiện cho bằng được mưu đồ. Thế mà bao công sức của tôi đều đổ sông bỏ biển trước một quyết định chung chung.“Để khỏi gây ảnh hưởng cho ngành và giữ mối đoàn kết tập thể hội đồng nhà trường” Kèm lời nhắn gởi của sếp “Lên voi phải múa vố, đã trao quyền cho mà không hành để bị hạ thủ còn ân hận gì!” Tôi và Tân mỗi người được chuyển đến một nhiệm sở mới. Nỗi căm tức của tôi như lửa tưới thêm dầu phừng phực. Đứng ngồi bồn chồn không yên. Tôi nghi ngờ cả sự công minh trời đất mà bao lâu tôi hằng tin tưởng!

         Tôi vô cùng thất vọng và chới với không còn biết tựa vào đâu...bỗng một biến cố bất ngờ xảy tới làm đảo lộn tất cả. Một cụ già nói là bạn đồng nghiệp cũ của ba tôi đến thăm và xin thắp hương cho ông giáo. Ông nhìn quanh. Tôi hiểu ý và giải thích là nhà chật cần chỗ để lao động và con cái học tập nên bàn thờ đã chuyển lên gác. Nói xong tôi giật mình “biết đâu ông đòi lên thắp hương thì không biết phải tính sao”. Thật ra lâu nay tôi bận bịu đủ thứ bỏ quên chuyện hương khói. Điều lúc sinh thời ba mạ tôi cho là hệ trọng và nhắc con cháu không được lơ là. Sau mấy câu thăm hỏi tình hình ba tôi trước ngày ra đi ông không nhắc chuyện thắp hương mà đề cập chuyện vừa xảy ra của tôi và khuyên tôi xả bỏ. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao ông lại biết và quan tâm chuyện đó mặc dầu nó chẳng có gì kín đáo khi nhiều nơi trường học, quán cà phê, quán nhậu...đã đem ra bàn cải, mổ xẻ. Ông bảo:“Dầu sao sự việc đã rồi, có tranh phải trái, ai đúng ai sai thì được gì? Danh dự ư! Toan tính của hai bên chỉ làm danh dự thêm tồi tệ!” Áp sát tai tôi ông nói: “Người mà anh đang oán giận và tìm cách trả thù cũng đang tìm cách để đáp trả lại như anh đang làm với hắn!” Tôi cảm thấy tức giận hơn khi nghĩ ông đến chỉ để thuyết phục, kêu gọi tôi bỏ qua việc tôi bị cấp dưới làm nhục. Hẳn ông có liên quan? Tôi cố nén giận và cảm ơn về sự quan tâm nhưng thẳng thừng trả lời:“Làm thế khác nào chấp nhận bị sỉ nhục. Điều không ai có thể làm kể ông hay bất cứ ai!” Ông đứng lên và bằng một cử chỉ dứt khoát đưa hai tay kéo tôi đứng dậy. Tôi như lò xo bật dậy. Ông chỉ lên gác và quắt mắt nhìn tôi: “Anh nghĩ lại xem truyền thống gia đình. Sinh thời ông cụ, bà cụ đã sống thế nào và trước đây anh đã dạy những gì! Anh biết chứ hành động của hắn cũng bởi nhiều nhân duyên. Thử soi lại mình xem anh có can dự tạo ra tình huống? Nếu mọi việc xảy ra đều theo ý mình và không chịu ảnh hưởng của bất cứ nguyên nhân nào khác thì mọi người ắt hạnh phúc biết bao! Nhân quả-nghiệp báo, phải chăng điều anh từng giảng dạy cho học sinh và các em đoàn sinh! Tất cả còn sờ sờ đó!” Ngừng một lúc như chờ tôi kịp lấy lại bình tỉnh, ông tiếp “Cú đấm hay chút danh lợi đã làm anh vướng? Cú đấm chưa đủ làm anh tỉnh?”  Đứng lên ông còn nhấn mạnh: “Vô minh tạo sân hận chứ có ai gây ra mà tìm cách trả thù. Thù nào trả được hay tự mình chuốt khổ vào thân. Ai gieo gió nấy gặt bão, có gì phải bận tâm! Trả thù thì hận thù sẽ nối tiếp hận thù, thêm chồng chất khổ đau, chỉ có sự khoan dung biết tha thứ mới hóa giải hận thù, đem lại an lạc! Lời Phật dạy, anh từng khuyên các em. Anh quên rồi sao?” Bước ra sân ông còn ngoái lại “ Buông bỏ tức an vui, hạnh phúc có ngay!” Đưa ông ra đến ngõ tôi bỗng dưng không thấy ông đâu. Tôi quay vào, những lời ông nói xoáy vào đầu như một mệnh lệnh làm tôi nao núng. Hình ảnh ba mạ tôi cùng bao kỷ niệm xưa bỗng ùa về. Sinh hoạt Gia đình Phật tử...ngày nào tưởng đã xa rồi giờ đây hiện ra trước mắt như cuộn phim quay chậm như một động cơ thúc đẩy tôi bước lên gác. Đến lưng chừng cầu thang bỗng đập mạnh vào mắt bức màn che, lâu nay vẫn nằm chình ình trước mắt tôi nào thấ! Sau đó là bàn thờ Phật và bàn thờ ba mạ tôi, một không gian tâm linh mà lúc còn sống ba mạ tôi hết sức quan tâm. Một thời gian tôi vô tình bỏ quên cho đến mấy phút trước đây lại có sức lay động tôi. Bước hết bậc thang gác tôi đưa tay vén bức màn, ánh sáng ban mai bất chợt ùa vào làm toả rạng ánh hào quang từ bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài đang từ bi nhìn tôi. Tôi thảng thốt như bắt gặp lại điều gì đó thân quen mà lâu nay khuất lấp bởi lo toan, buồn phiền. Những lời nhắc nhủ của ba mạ tôi mồn một bên tai! Nét mặt uy nghi với cái nhìn từ bi của Phật như giọt nước cam lồ có sức mầu nhiệm làm tôi dịu lại, lòng nhẹ hẩng như chưa từng chuyện gì xảy ra! Ngày hai buổi sáng tối tôi lên gác thắp hương, thành tâm sám hối lỗi lầm và bày tỏ lòng biết ơn sâu xa Bồ Tát Quán Thế Âm. Một câu hỏi bỗng gợi lên trong đầu: Ông cụ là ai với hành tác lạ lùng? - Một đồng vọng quá khứ hay phóng chiếu của tâm thức tôi! Tôi nhớ có lần đọc được đâu đó “Lòng từ bi là một thần dược nhiệm mầu có thể cải đổi tâm con người từ ác ra thiện, xấu trở nên tốt, khổ đau thành an lạc.” Giờ đây tôi nhận ra Tân cũng đang khổ như tôi và sự an lạc của tôi không tách khỏi sự an lạc của anh ta. Chừng nào anh ta chưa yên tôi nào vui được. Đó à bài học vô giá tôi chiêm nghiệm từ hạnh bi mẫn của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tôi thành tâm cầu nguyện Ngài phù hộ cho Tân và ai đó có ý hại tôi đủ bình tĩnh, sáng suốt để hành động đúng đắn. Chỉ bởi vô minh, thiếu tỉnh thức chúng ta đã tạo điều ác và gây khổ cho nhau!

         Trong buổi chia tay trước khi đến nhiệm sở mới, khi được đề nghị phát biểu tôi nêu ý kiến: “Sự việc đáng tiếc xảy ra giữa chúng tôi, một phần trách nhiệm thuộc về tôi. Có thể tôi đã sai, tôi xin lỗi trước tập thể và bày tỏ lời cảm ơn đối với thầy Tân, người đã cho tôi cơ hội để quay lại mình. Tôi được điều đến nhiệm sở mới là phù hợp nhưng không vì thế làm ảnh hưởng đến phong trào chung! Thầy Tân là giáo viên có năng lực, nhiệt tình. Vì vậy, do yêu cầu chất lượng dạy và học nhà trường, tôi đề nghị cấp trên lưu thầy Tân ở lại trường” Cả hội trường bỗng im bặt! Khác nào khi tôi bị té chúi lần trước, hội đồng giáo dục lại “sốc” trước thái độ bất ngờ của tôi. Mọi ngạc nhiên không phải hướng về tôi mà đổ dồn về phía thầy Tân, chờ đợi. Người giáo viên hăng hái, sôi nổi với những chuyện phải trái hơn thua đang im lặng cúi đầu. Một điều xảy ra bất thường đối với anh. Nhiều suy đoán...! Một sự ăn năn...?                                                                                                               

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle