Chăm sóc tôn giáo đối với người Việt xa xứ

Đi tượng được nói đến đây là người Vit sng xa T quc, bên ngoài các khu vc Bc M, châu Âu và Úc.

Tại sao lại trừ ra những khu vực kể trên? Vì ở những nơi đó đã có chùa Việt Nam với nhiều tông môn, hệ phái, tổ chức…, phụ trách phần chăm sóc đời sống tôn giáo cho người dân Việt Nam ở những khu vực này.

Những nơi còn lại là những nơi chưa có chùa Việt, chưa có Tăng bảo, chưa thực hiện được việc chăm sóc đời sống tôn giáo đối với tín đồ Phật giáo.

Đi vào cụ thể, đối tượng được nói đến ở đây là những người nhập cư tạm thời vào những khu vực trên (như du học sinh, lao động xuất khẩu, hay định cư lâu dài như cô dâu). Những quốc gia, lãnh thổ có thể kể đến ở đây như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…

Khi động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật, các phương tiện truyền thông đại chúng có thông báo việc giúp đỡ của Tăng ni sinh Việt Nam du học Nhật Bản, đưa những người Việt ở vùng bị ảnh hưởng sóng thần và nhiễm xạ về tá túc trong những ngôi chùa. Đó là một hoạt động từ thiện, nhưng cũng là một sự chăm sóc, trợ giúp tinh thần từ Phật giáo Việt Nam, vì người thực hiện là quý tăng ni.

Điều này hết sức đáng quý, vì tự thân nó đã là một hoạt động hoằng pháp. Trong hoàn cảnh đất khách quê người, lại lâm vào cảnh khó khăn hoạn nạn, sự trợ giúp vật chất dưới mọi hình thức cũng là sự chăm sóc tinh thần. Và nếu chỉ có sự hỗ  trợ chăm sóc tinh thần thôi cũng là điều đáng quý, cũng có tác dụng an ủi họ, đưa người được cứu giúp đến gần tôn giáo đã ra tay trợ giúp.

Rất tiếc, là trường hợp hoạt động của những tăng ni Việt Nam du học tại Nhật Bản chỉ là trường hợp cá biệt, hiếm thấy.

Còn trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, thì điều hết sức đáng lưu ý, là việc chăm sóc tinh thần và hỗ trợ vật chất đối với những đối tượng xa quê ở những nơi vừa kể ở trên, đều do các linh mục, mục sư, thầy truyền đạo của các tôn giáo khác thực hiện.

Nghe nói nhiều là ở Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…,  đặc biệt, có một số trường hợp ở Thái Lan, Campuchia…, là những nước Phật giáo.
Linh mục, mục sư… làm việc chăm sóc tinh thần đối với người Việt xa xứ có trường hợp cũng là người Việt, có trường hợp là người nước ngoài, một vài trường hợp nước ngoài đó nói được tiếng Việt.

Theo các cơ quan truyền thông nước ngoài, là khi vừa đặt chân đến xứ người, những người lao động xuất khẩu, cô dâu Việt, du học sinh đã nhận được thông báo về nơi giúp đỡ. Đó là những cơ sở tôn giáo không phải Phật giáo.

Tùy theo hoàn cảnh, sự “giúp đỡ” đó muôn hình vạn trạng, nhưng trên hết vẫn là tinh thần. Một số ít tiền trong cơn hoạn nạn, khó khăn, bệnh tật cũng có, nhưng ít khi được nhắc tới.  Công việc cho du học sinh làm kiếm thêm cũng có, nhưng càng hiếm nhắc tới hơn nữa. Có lẽ vì những thứ đó cụ thể, giá trị xác định, thường đi kèm với việc đánh đổi niềm tin tôn giáo.

Còn về tinh thần thì sự giúp đỡ đó được nói đến nhiều hơn, trước hết chắc là vì số lần giúp cũng nhiều, không tốn tiền, thường cũng không đi kèm với đánh đổi trực tiếp đối với đức tin (nhưng cũng có sự đánh đổi gián tiếp chứ chẳng phải không).

Đó có thể hiền lành như việc đứng tổ chức những chuyện gặp mặt, du lịch trong ngày… cho những người Việt xa xứ. Những cuộc gặp gỡ như vậy thường được tổ chức chung với cộng đồng những người Việt có tôn giáo khác với Phật giáo, và những người Việt Phật giáo cũng phải cầu nguyện, xem lễ (dự khán)… như những người cùng đi, thuộc thành phần đứng ra tổ chức.

Còn việc bênh vực khi xảy ra những điều gây khó khăn cho người Việt xa xứ vẫn là điều thường được thông tin. Theo hướng dẫn ngay lúc vừa mới nhập cảnh, người Việt ở Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc…, khi gặp khó khăn, hoạn nạn, thì liên  hệ ngay với vị tu sĩ ở một cơ sở tôn giáo nào đó để cầu cứu.

Những đài nước ngoài thường thông tin về những trường hợp như vậy. Có trường hợp xung đột xảy ra giữa người chủ bản xứ và người lao động Việt Nam xuất khẩu. Một vị tu sĩ lên tiếng can thiệp Bản tin thuật lại là người chủ sử dụng lao động trả lời ông ta chỉ chịu trách nhiệm với pháp luật, không chịu trách nhiệm với nhà thờ.

Người tu sĩ phản ứng bằng cách viết đơn tố cáo giúp người Việt Nam, ấn máy photo hàng trăm bản và email đến hàng trăm địa chỉ, đặc biệt là báo chí. Đồng thời, ông cũng lấy tư cách một nhà từ thiện để can thiệp trực tiếp với chính quyền. Họ tích cực lắm, vì đây, ngoài mục tiêu tác động đến đối tượng để họ mang ơn, nó còn là dịp để khẳng định một kiểu quyền lực mềm, nếu làm với tâm nhỏ hẹp.

Chưa bao giờ người viết nghe được, đọc được từ các cơ quan truyền thông một hành động như vậy là do một nhà sư Phật giáo tiến hành, dù có khi chỉ là an ủi, hay kêu gọi cứu giúp.

Thậm chí, đã có lần lại nghe nói người Việt sống ở Campuchia (đúng ra là người Khmer sống ở Việt Nam nay chuyển qua sinh sống ở Campuachia) nhờ đến các tu sĩ không phải là Phật giáo giúp đỡ. Điều này lại xảy ở một quốc gia Phật giáo, và người Khmer dù ở Việt Nam hay Campuchia tuyệt đại đa số đều theo Phật giáo!

Mong muốn Phật giáo làm những công việc giúp đỡ người Việt xa xứ ở những khu vực đã nói là điều khó khăn hơn rất nhiều. Những tu sĩ các tôn giáo khác làm như vậy để cải đạo tín đồ Phật giáo và tu sĩ tôn giáo khác đứng ra thực hiện công việc được sự phân công, có sẵn cơ sở tôn giáo, có nguồn tài chính đài thọ hoạt động.

Nhưng không lẽ Phật giáo Việt Nam lại buông xuôi? Một số đông du học sinh, lao động xuất khẩu sẽ trở về Việt Nam với một tôn giáo mới, và rất có thể, họ lại là người hoạt động tích cực cho tôn giáo họ vừa cải sang đó, vì ân nghĩa, vì tác động tinh thần (thí dụ như vụ ở trước sân vận động Mỹ Đình do những người từ Nga về).

Đề xuất của chúng tôi, là Phật giáo Việt Nam cũng nên nghiên cứu đến việc cử một vài vị tăng ni, hay phân công cho những du học sinh tăng ni ở nước có người Việt đến cư trú cả ngắn hạn và dài hạn (ngoài Bắc Mỹ, châu Âu và Úc) làm nhiệm vụ hoằng pháp, chăm sóc đời sống tinh thần, tâm linh, giúp đỡ đồng bào khi gặp khó khăn. Việc này cũng cần sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ sở Phật giáo bản xứ, cũng như sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại.

Người đi lao động xuất khẩu, theo chồng xuất cảnh, du học sinh… đều trong lứa tuổi thanh niên. Mà thanh niên là đối tượng hàng đầu của hoạt động hoằng pháp. Đó là tương lai của Phật giáo. Việc cải đạo một bộ phận thanh niên đã trải qua một thời gian sống ở nước ngoài không phải chỉ là chuyện bất lợi chỉ riêng cho Phật giáo, như đã từng xảy ra với kết quả đáng lo ngại cho nhiều phía.

Minh Thạnh

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle