Thi ca: Suối nguồn tình thương

                        Ninh Giang Thu Cúc

 

 

PHIÊN BẢN

 

Ngày xưa tháng lương đầu con biếu mẹ

Gói trà thơm cùng hộp bánh trung thu

Mẹ mỉm cười mắt thoáng âm u

Mi chớp nhẹ tròng đoanh giọt đọng

Mẹ mãn nguyện bởi vẹn tròn ước vọng

Con lớn khôn xuân sắc mẹ phai tàn

Con lớn khôn giờ khắc của ly tan

Ôi quy luật ai dám nào vượt khỏi

Con đi xa mẹ bao chiều mòn mỏi

Bao đợi chờ trông tưởng dấu chân quen.

Nắng xuống chiều lên nhấp nhỏm sau rèm

Tóc xanh thắm mây trời pha trắng muốt

Mẹ một thuở ôm bao điều mơ ước

Con bây giờ khác trước chút nào đâu

Cũng nhớ thương ray rứt trắng canh thâu

Cũng đau đáu ôm niềm vui hội ngộ

Một phiên bản với bao điều vui khổ

Xưa làm con nay làm mẹ nhiệm mầu

Một nhịp cầu cho hai bến gần nhau

Bến hiếu đạo bờ yêu thương tuyệt mỹ.

 

 

 

 

 

 

 

MẸ

 

Nhọc nhằn bao quản tấm thân già

Sương gió tảo tần lạnh buốt da

Cơm áo một thời chân sấp ngửa

Sách đèn bao độ mãi bôn ba

Vinh quy bái tổ dâng công mẹ

Phổ hệ, đề danh trả nghĩa cha

Nợ nước ơn nhà ghi nhớ đủ

Sơn hà một dải rộng bao la.

 

¯¯¯

 

Sơn hà một dải rộng bao la

Tình mẹ cho con vẫn nhất mà

Con khổ - lòng đau như muối xát

Con vui – mắt mọng giọt hồng sa

Buồn ơi thao thức từng đêm vắng

Lạnh quá vơ thiếu mẹ già

Con vẫn mồ côi dù bạc tóc

Từ ngày cưỡi hạc mẹ về xa.

 

 

SA TRƯỜNG NGỌA

 

Cha ngã xuống phương nao

Con đau đớn tự hào

Máu đào dâng Tổ quốc

Cha anh dũng xiết bao.

 

MẸ TỔ QUỐC

 

Đất nước tôi có bao nhiêu bà Mẹ

Tiễn con đi ào ạt bước quân hành

Chắp hai tay Mẹ nguyện giữa trời xanh

Cho các con

Chân cứng đá mềm bền tâm đánh giặc

Lũ cướp nước phải đầu hàng cúi mặt

Bỏ dã tâm xâm chiếm núi sông nầy.

Những bà Mẹ Việt Nam

Lam cù đày

Quang gánh sớm chiều đồng sâu ruộng cạn

Khó khổ trăm điều không lần than vãn

Xem con như báu vật quý vô ngần.

Thế nhưng

Khi Tổ quốc cần

Là cống hiến

Không phân vân ái ngại

Đã có bao đứa con

Ra đi là mãi mãi

Quyết tử một lần

Cho Tổ quốc quang vinh

Mẹ hy sinh

Bao giọt máu thâm tình

Để chiều xuống

Lắng thinh niềm cô quạnh

Và tự hỏi – nhiều lần – ta bất hạnh

Không,không,không – Mẹ hạnh phúc trăm lần

Bởi Mẹ

Là điểm tựa của các anh hùng

Đứng lồng lộng

Giữa trời mây bất tử.


TỔ QUỐC ƠI !

 

Con úp mặt nghe niềm đau trở giấc

Ngày cha đi con mới tuổi lên hai

Vệ quốc quân niềm vinh dự đời trai

Cờ kháng Pháp cha giương cao lẫm liệt

Triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt

Tự ngìn xưa chẳng chịu cúi lòn ai

Lê – Lý – Trần biết bao bậc trí tài

Đã vùng dậy đánh tan loài cướp nước

Thế hệ cha lại oai hùng tiếp bước

Chẳng mềm lòng vướng bận nợ thê noa

Họa xâm lăng đang đe dọa muôn nhà

Xếp nghiên bút giã nhà ra chiến trận

Mẹ chinh phụ với tháng ngày lận đận

Ôm con thơ đau đáu đợi tin chồng

Khách chinh phu vẫn muôn dặm ruổi dong

Đường thiên lý dấn mình vào gió cát

Đâu còn giặc là đó vang tiếng hát

Quyết bảo tồn sông núi chết không lui

Đêm hằng đêm đối bóng mẹ ngậm ngùi

Thương con trẻ thiếu tay cha chăm sóc

Thay phụ thân nuôi dạy con ăn học

Đợi chồng về với khúc khải hoàn ca

Cho đến khi thống nhất nước non nhà

Mẹ mới biết lâu rồi – mình hóa đá.

 

 

 

ĐẤT NƯỚC TRONG TÔI

 

Phương ngôn bảo

Con gái về làng

Như Thành Hoàng về miễu

Tiền hô hậu ứng kẻ đón người chào

Có mái nhà có giếng nước cầu ao

Đang chờ đợi người xưa về soi bóng

Có cha mẹ chờ con chiều lóng ngóng

Có em thơ trông chị để đòi qùa

Còn tôi ư

Kẻ cùng tử không nhà

Về cố thổ như lạc vào nẻo lạ

Hai cuộc chiến

Trận địa nào cha đã ngã

Mẹ một đời hoài vọng  - bỗng hư vô

Chiến thắng cô đơn – cám dỗ - xô bồ

Vọng phu mãi

Cho đến giờ nhắm mắt

Cha có biết

Suốt đời con cúi mặt

Thấy nhà ai

Đoàn tụ vợ chồng con

Lầm lũi bước đi – côi cút, héo hon

Nhưng lòng mãi tự hào

CỜ TỔ QUỐC THẮM THÊM BỞI MÁU CHA ĐÃ ĐỔ.

 

(Viết lúc bị xã Hương Long cưỡng chế lấy nhà năm 1984)

 

ƠN THIỀN TỪ HIẾU

(Kính dâng Giác Linh Bổn sư

Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Quý)

 

Hoàng mai vương vãi lối đi

Thiền môn rộng đón chim di trú về

Xa xăm vạn nẻo sơn khê

Hồn quê là nỗi lê thê canh dài

Về đây quỳ dưới Phật đài

Lời kinh vang vọng hôm mai nhắc đời

Ngày con bé dại thầy ơi

Tháng ngày gần gũi nhận lời dạy khuyên

Nhận tình thương, nhận thiện duyên

Tuổi thơ hạnh phúc vô biên bên thầy

Thầy đi vắng bóng từ ngày

Tháng hai mồng chín trời mây u sầu

Thầy đi từ cõi bể dâu

Về miền cực lạc thiên thâu nhẹ nhàng

Con về cảnh cũ lang thang

Sáng chiều thương nhớ vương mang u hoài

Ngẩng đầu chiêm ngưỡng tượng đài

Pháp thân ngời sáng dáng gầy hôm nao

Mắt thầy như một VÌ SAO

Trong ngần không gợn lao xao bụi trần…

 

Canh tàn Từ Hiếu chuông ngân

Nhắn ai cuối nẻo hồng trần gắng tu.

 

Mồng 9 tháng 2 năm Mậu Thân 1968

 

NGÀY VỀ

(Kính tặng Thầy Thích Chí Mậu)

 

Lặng lẽ về đây chốn cội nguồn

Lòng con xúc động lệ trào tuôn

Thân thương ngưỡng vọng ngôi chùa cũ

Thành kính dâng lên nén tâm hương

Quỳ dưới chân Tam Bảo

Đê đầu cảm tạ hồng ân

Hơn một lần

Vì biệt nghiệp phải quay lưng

Kẻ cùng tử hôm nay tìm về tổ ấm

Cửa thiền môn rộng mở đón mừng con

Niềm hân hoan

Con bật khóc no tròn

Giọt nước mắt

Mừng vui giờ hội ngộ

Cha cưỡi hạc

Vân du miền đất tổ

Con trở về

Cảnh cũ vắng người xưa

Con cả cha chung

Nên gặp gỡ chẳng bất ngờ

Tình huynh muội cho con niềm xúc động

Con bơi lội trong đạo tình cao rộng

Trong tia nhìn từ ái của sư huynh

Anh thay cha

Phụng sự tổ đình

Trên ấm dưới êm cháu con sum họp

Niềm hạnh phúc đã làm con choáng ngợp

Xin cúi đầu

Cảm tạ ơn trên.

 

Từ Hiếu mùa xuân 1982

(Ngày về hầu kỵ bổn sư mồng 8 tháng 2 âm lịch)


VỌNG BÁI

(Kính dâng Giác Linh Hòa thượng Thích Chí Mậu)

 

Người đi non nước Hương Bình

Bâng khuâng tưởng niệm bóng hình cao tăng

 

Hương lòng vọng bái…tiễn đưa

Thầy về xứ Phật, Huế mưa điệu buồn

Nhớ thời gai góc đồi truông

Cửa “Từ…” gồng gánh ngọn nguồn cam go

Tang điền kén lép tơ co

Trụ thân… định lực chăm lo phụng thờ

Người đi đẹp một trời thơ

Bước qua hệ lụy đến bờ tịch nhiên

Bụi trần sạch trược phiền

Anh linh du hóa về miền an vui

Môn đồ pháp quyến ngậm ngùi

Lời kinh siêu độ thơm mùi pháp âm

Thiền sàng ấm đọng hương trầm

Thiền Đường vắng bóng âm thầm tiếc thương

Thiền hành quạnh nẻo tinh sương

Hoàng y “nhẹ gót chân thường” dung uy

Dáng Sư Tử hống oai nghi

Nụ cười Di Lặc từ bi độ đời…

 

Con về nguồn cội Tổ đường

Lặng nhìn di ảnh buồn vương lệ nhòa

Vọng về ký ức ngày xa

Một thời ấm cúng, một nhà đoàn viên

Bên thầy bên pháp hữu hiền

Tâm linh huyết thống thiêng liêng đạo tình

Vô thường đùa cợt tử sinh

Tây Phương quảy gánh vân trình nhẹ tênh.

 

Ngày 17 tháng 6 năm Kỷ Sửu 2009

 

ANH ĐI SAO?(!)

(Kính viếng anh linh nhà thơ Việt Trang

Phạm Gia Triếp)

 

 

Anh về thiên cổ rồi sao?

Đâu lời hứa hẹn lúc nào lên thăm

Địa dư cách trở xa xăm

Thân em đang bệnh nằm chong đèn buồn

Thương anh trời đất giọt tuôn

Xôn xao biển sóng ngọn nguồn quê hương

Đồng tông tộc nghĩa vấn vương

Lời anh còn đó, nghĩ -  thương quặn lòng

Anh đi nhẹ bước thong dong

Bến bờ cực lạc đang mong đón Người

Gia đình đau xót khôn nguôi

Anh em bầu bạn chín muồi xót xa

Tiễn anh nâng chén quan hà

Khấu đầu hai lạy giọt sa… đẫm lòng…

 

11h 13/6 Canh Dần

(24/7/2010)

 

 

 

 

DÒNG SÔNG QUÊ MẸ

 

Mùi thạch xương bồ của dòng sông đất tổ

Ươm tẩm con từ thuở tuồi nằm nôi

Đến lớn khôn xuôi ngược vạn sông đời

Vẫn đau đáu vọng dòng sông quê mẹ

Nguồn mát ngọt vỗ về thời thơ trẻ

Mỗi buồn vui soi rọi đáy tâm linh

Sông quê ơi! Chất ngất vạn thâm tình

Phù sa mật nuôi bờ tre chẹn lúa

Hoa trái rợp tươi xanh vườn vạn thuở

Mạch sông ngần bón tưới vạn chồi non

Con xa xôi thương nhớ đến mỏi mòn

Dòng nước mát sông quê mình ngoài nớ

Biết khi mô về

Để tha hồ - hít thở

Mùi sông quê thoang thoảng lúc tan sương

Hương, Ninh ơi! Nỗi nhớ ngút ngàn

Đường áo trắng thời vàng son trẻ dại

Xây ước vọng – theo từng trang vở trải

Từng mùa thi vang vọng tiếng ve ngân

Nợ sách đèn vay trả biết bao lần

Xếp nghiên bút… hóa thân… buồn thiếu phụ

Nơi xa ngái thương hồi chuông Thiên Mụ

Dòng sông xanh soi bóng tháp u hoài

Phút chia lìa… thê thiết điệu Nam ai

Chân dợm bước… mắt lưng tròng… giọt đọng

 

Sông Ninh đó vẫn một đời hoài vọng

Nhắn con xa nhớ nhé – sớm quay về

- Vâng, sẽ về - bởi đó chốn Chân Quê

Còn vạn nẻo chỉ là vùng di trú.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle