Thái
Nam Thắng
Hãy
để học sinh có quyền ngợi ca, cảm thông, lên
án những điều mà các em nhận thức được. Còn nếu cảm
thấy khó giảng dạy, khó phân tích dưới các góc nhìn khác mới hơn, thì hãy mạnh
dạn đưa ra khỏi sách giáo khoa phổ thông, chứ xin đừng làm theo cái cách "gọt chân cho vừa giầy" như mẹ con cô Cám...
Khát khao hướng
thiện là khát khao chính đáng và căn bản của con người. Song
trong cuộc sống, cái bên phải của mình có khi lại là cái bên trái của người khác.
Vì thế vấn đề thiện - ác và những lý giải chung
quanh nó sẽ không bao giờ có điểm dừng.
Đừng
lấy danh nghĩa dân gian nặn truyện cổ theo ý mình
Cuộc tranh luận
cô Tấm "hiền" hay "ác" trong truyện cổ tích Tấm Cám từng kéo dài hàng chục
năm qua, nay tiếp tục được khơi dậy khi một số người có ý định "sửa" lại truyện
cổ tích này. Có ý kiến cho rằng hành vi "làm mắm" Cám
của cô Tấm là dã man. Có ý kiến lo sợ đoạn kết của truyện sẽ ảnh hưởng đến nhân
cách của học trò... Nhưng trớ trêu, ý tưởng "sửa" kia lại giống với hình ảnh "gọt chân cho vừa giầy" của mẹ con
cô Cám trong chính truyện cổ tích này.
Thực tế, truyện cổ tích Tấm Cám cho chúng ta thấy trọn vẹn cái diễn biến nhân
quả "ác giả ác báo, thiện giả thiện lai". Theo thuyết nhân
quả của nhà Phật, có những nghiệp (thiện - ác), người ta phải trả báo ngay trong
đời này, nhưng có những nghiệp đời sau mới phải trả.
Cô Tấm đã bốn lần bị hại, mỗi lần bị hại là một lần tái sinh để trả nghiệp. Và
mẹ con cô Cám là hiện thân cho sự trả thù, báo oán ấy. Cuối cùng cô Tấm dùng
chính cách đối xử ác độc của mẹ con cô Cám để "trả lại" cho cô Cám. Đó là cách "lấy
oán báo oán", khác với cách "lấy ân báo oán" theo
tinh thần Phật giáo. Bởi trong kinh Phật dạy "Lấy oán báo oán,
oán nọ chất chồng. Lấy ân báo oán, oán ấy liền
tiêu".
Hiện các văn bản (có hay không có dị bản) của truyện cổ tích đã định hình và trở
thành di sản văn hoá tinh thần của dân tộc. Các dân tộc trên thế giới đều coi
văn học dân gian là di sản văn hoá của dân tộc mình, bởi sự sáng tạo hồn nhiên,
không chịu sự quy định của bất cứ thế lực tinh hoa nào của nó.
Việc sửa truyện
cổ tích này sẽ phá vỡ chủ thể sáng tạo của thể loại này là dân gian. Và khi chủ
thể sáng tạo dân gian bị phá vỡ thì nó sẽ không còn tính chất đặc thù của truyện
cổ tích nữa. Đặc thù của văn học dân gian là truyền khẩu, vì
truyền khẩu nên mới có các dị bản khác nhau. Cho nên, nếu ai muốn sửa văn
bản, xin hãy ghi tên của mình vào đó, chứ đừng lấy danh nghĩa dân gian để nhào
nặn truyện cổ theo
ý mình.
Cách
làm bất ổn
Khi còn là sinh
viên, chúng tôi từng có lần đi sưu tầm văn học dân gian ở miền Tây Nam Bộ và
được biết ở đây nhân vật "hiền" là cô Cám chứ không phải cô Tấm. Nhưng chương
trình sách giáo khoa đã chọn dị bản cô Tấm. Vì thế cái tên "Tấm", "Cám" cũng
chẳng phải cố định để chúng ta chọn ra người "hiền". Có thể
nói, cách chúng ta "chọn" dị bản để đưa vào giảng dạy, và cách chúng ta giảng
dạy, mới là điều đáng bàn.
Còn bản thân dân gian đã đưa ra một câu chuyện báo oán, dù thế nào cũng không
thể thoả mãn với tất cả chúng ta.
Ở môi trường truyện kể dân gian, câu chuyện phù hợp với tâm lý
chung của con người khi phải lựa chọn hai cách giải quyết khác nhau. Thực
tế, trong cuộc sống, cách "lấy oán báo oán", vẫn phổ biến hơn là cách "lấy
ân báo oán". Cả hai cách này đều là quá trình của hành
vi
nhân quả, tạo ra nghiệp và quả báo tốt xấu.
Trong chiến tranh, Nguyễn Trãi từng căm ghét quân giặc đến mức phải thốt lên "thề
không cùng sống".
Bài quốc ca mà học sinh hát hàng tuần có câu "đường vinh quang xây xác quân thù"...
Và những chuyện mổ bụng, moi gan, ăn
thịt người... trong chiến tranh hiện đại của nhiều quốc gia, từng là chất xúc
tác để người ta nuôi dưỡng lòng căm thù quân giặc.
|
Tấm Cám cho chúng ta thấy trọn vẹn cái diễn biến nhân quả "ác giả
ác báo, thiện giả thiện lai"
|
"Thời bình dụng
văn, thời loạn dụng võ", câu đúc kết của người xưa này chẳng phải cũng là cách
mà người ta "thanh toán" với nhau bằng các công cụ đoạt mạng hay sao. Bậc thánh túng kế thì cũng phải dùng đến gươm đao. Chẳng lẽ
cách trả thù của cô Tấm khác với cách trả thù của người văn minh, hiện đại như
chúng ta.
Theo lý giải của Phật giáo, hận thù ở những hoàn cảnh nào đó có thể tạo ra sức
mạnh. Nhưng nó vẫn là một thứ độc hại tàn
phá cơ thể và tâm hồn con người. Điều người ta phải nhận ra, phải
theo dõi được, chính là kiểm soát hành vi, ý nghĩ của mình. Một người khi
bị áp bức thường trút lòng căm thù lên đối tượng, nặng thì mong đối tượng bị
chết, nhẹ thì mong đối tượng bị phá sản, bị mất chức... Lòng
căm thù ấy thoắt ẩn, thoắt hiện trong tâm chúng ta.
Vì thế, giáo lý
nhà Phật quả đã không bỏ qua những cái ác được khởi lên từ trong tâm này, nên
mới khẳng định các hành vi như "tự tác, giáo tha tác, kiến tác tuỳ hỷ" (tự
tay
mình làm, bảo người khác làm, thấy người khác làm mà vui theo) đều phạm tội ác
giống như nhau. Đó cũng chính là những lý giải cho câu nói "Miệng nam mô, bụng
đầy bồ dao găm", "Khẩu Phật, tâm xà"...
Truyện Tấm Cám luôn được lý giải ở một góc nhìn khác, nặng về đấu tranh sinh
tồn. Vì thế, định tính cho cái "thiện"
của cô Tấm theo phạm trù đạo đức học cũng cần gắn với môi trường truyền khẩu và
thời đại của nó. Nhà Phật xem lòng từ bi mới là sức mạnh.
Trong hoàn cảnh lòng căm thù giặc dâng cao, sẽ có người bảo lòng từ bi ấy là nhu
nhược, yếm thế. Nhưng khi thấu hết nỗi khổ và sự tàn phá của thù hận, người ta lại
đề cao lòng từ bi, khoan dung của nhà Phật.
Cho nên người ta
mới nói, trong từng hoàn cảnh, không phải cái "thiện" nào cũng tích cực và không
phải cái "ác" nào cũng tiêu cực. Chúng ta không nên sửa hành
vi, tính cách của cô Tấm để cho nó "thiện" một cách bất biến. Khám phá
những sáng tạo tinh thần, nghệ thuật của dân gian cần có một cách đọc "liên văn
bản".
Bởi nếu sửa được truyện Tấm Cám thì người ta cũng có quyền sửa hết những truyện
khác.
Cách chúng ta dùng "hội đồng" với cái gọi là "thống nhất ý kiến..." để minh oan,
phán xét, thậm chí viết lại lịch sử, văn học... luôn chỉ ra những bất ổn. Chúng ta có cần thiết phải làm như vậy để cho nó phù hợp với tinh
thần thời đại?
Xin
đừng "gọt chân cho vừa giầy" như mẹ con cô Cám
Xin hãy nhìn vào cách trả oán của người dân mình hiện nay sẽ rõ.
Không nói cô Tấm bị giết chết tới bốn lần, mà chỉ cần nhìn những kẻ
ăn
trộm chó, bị người ta đốt xác mới thấy hết lòng hận thù của con người như thế
nào. Thực tế cái ác ấy, đâu có kém hơn hành vi làm mắm
cô Cám của cô Tấm.
Tại sao dân gian
lại để một con người luôn bị dẫn dắt bởi cái ác bản năng như cô Cám chịu một cái
chết đầy ngờ nghệch như thế? Ai cũng rõ, không thể tắm nước
sôi để cho da trắng được, thế mà Cám vẫn tin bằng một sự cả tin của người không
bao giờ làm chủ được mình. Còn bà dì ghẻ luôn là người bày mưu ác
kia, đến cả ăn thịt con mình mà cũng thấy ngon. Chỉ khi con quạ cho biết
"ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng" thì mới... ngã ngửa.
Trong phần kết
của truyện cổ Tấm Cám, có cách trả oán, báo oán rất dân gian, mà những yếu tố
tinh thần Phật giáo không thể can thiệp được. Thế nên, dù mấy lần trước Bụt hiện
ra để an ủi thì cũng không ngăn được hành vi giết cô
Cám sau mấy lần cam chịu chết của cô Tấm.
Dân gian luôn có
cách giải quyết của họ, trong hoàn cảnh chịu áp bức bất công, trông chờ vào pháp
luật của triều đình, trông chờ vào việc ban ân giáng họa của trời, không phải lúc nào cũng là lựa chọn
của họ. Có người cho rằng, tại sao không để mẹ con cô Cám bị cái kết cục
trời đánh như các truyện khác. Nếu như vậy thì còn gì
là sự phong phú, hồn nhiên của truyện dân gian. Tại sao
họ không thể tự giải quyết cuộc sống của mình mà cứ phải giao phó mọi chuyện cho
trời?
Cho dù là trời
đánh thì cũng là hành vi không muốn nhân vật kia thoát
chết của dân gian. Vì thường khi phải dùng đến quyền uy của trời, thì một là
người kia
bế tắc, hai là muốn giết lắm nhưng mượn búa sét của trời để không mang tiếng ác,
ba là họ đã sẵn sàng tha thứ nhưng (quả thật?) trời không tha thứ.
Một khi dân gian đã muốn kẻ gây ác phải chết (chứ không thể sống),
thì dù giết bằng cách nào, trực tiếp hay gián tiếp thì dân gian cũng bộc lộ
rất rõ yêu ghét của mình. Trong lịch sử, các cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm
máu của nhân loại đều nhân danh thánh thần cả, nhưng sự giết hại vẫn đến từ
đôi bàn tay và suy nghĩ đầy thù hận của con người.
Vì bên này nghĩ mình là con người, còn bên kia nghĩ đó là ác quỷ,
mà thói thường người ta nghĩ giết ác quỷ thì dù có giết bằng cách gì thì
cũng "hợp lý" cả. Cái "hợp lý" ấy được số đông chấp nhận thì trở thành
"thánh tử đạo" và nghiễm nhiên nó sẽ nhảy vào phạm trù đạo đức học để trở
thành "hiền", "thiện"...
|
Nếu con người đã
thực lòng tha thứ mà trời còn đánh chết họ, thì trời thua con người ở lòng từ
bi, bao dung. Bởi vấn đề đó của tôi, mắc gì tôi đã tha thứ rồi
mà ông còn đang tâm giết hại họ. Chỉ trừ khi trong truyện Tấm Cám người
gây tội không chết và sau đó sửa sai phục thiện, bằng không thì đó cũng là cách
"mượn dao giết người" của dân gian, rằng tôi tha cho anh, nhưng trời không tha
cho anh, nên anh phải chết.
Một khi dân gian đã muốn kẻ gây ác phải chết (chứ không thể sống), thì dù giết
bằng cách nào, trực tiếp hay gián tiếp thì dân gian cũng bộc lộ rất rõ yêu ghét
của mình. Trong lịch sử, các cuộc chiến tranh
tôn giáo đẫm máu của nhân loại đều nhân danh thánh thần cả, nhưng sự giết hại
vẫn đến từ đôi bàn tay và suy nghĩ đầy thù hận của con người.
Vì bên này nghĩ
mình là con người, còn bên kia
nghĩ đó là ác quỷ, mà thói thường người ta nghĩ giết ác quỷ thì dù có giết bằng
cách gì thì cũng "hợp lý" cả. Cái "hợp lý" ấy được số đông chấp nhận thì trở
thành "thánh tử đạo" và nghiễm nhiên nó sẽ nhảy vào phạm trù đạo đức học để trở
thành "hiền", "thiện"...
Sự khủng khiếp
của hận thù có thể biến một con người hiền lành trở nên hết mức chịu đựng, trở
thành dã man như ác quỷ... cho dù được bộc lộ ra bằng cách nào, bằng hành
vi nào. Vậy thì điều chúng ta cần giảng dạy là hãy ngừng việc định tính
một chiều cho cái "thiện"... Hãy để cô Tấm là cô Tấm, có thiện ác, có vui buồn,
có tha thứ, có hận thù...
Hãy để học sinh
có quyền ngợi ca, cảm thông, lên
án những điều mà các em nhận thức được. Còn nếu cảm
thấy khó giảng dạy, khó phân tích dưới các góc nhìn khác mới hơn, thì hãy mạnh
dạn đưa ra khỏi sách giáo khoa phổ thông, chứ xin đừng làm theo cái cách "gọt chân cho vừa giầy" như mẹ con cô Cám...
(tuanvietnam.net)