Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Sau mùa an cư thứ ba
(một mùa tại Lộc Uyển, hai mùa tại Trúc Lâm), hầu hết các trưởng lão, các
tỳ-khưu A-la-hán đều xin đức Phật đi du phương hành hóa các nơi.
Đầu tiên là tôn giả Mahākassapa và chúng đệ tử của ngài - muốn thể hiện
hạnh đầu-đà nên tản mác khắp thành Rājagaha để làm gương cho chúng.
Tiếp đến là nhóm tôn giả Yasa và chúng đệ tử của ngài muốn đi hoằng pháp
tại các quốc độ phía Tây nam. Một số các tôn giả trong
nhóm Pāyāva và chúng đệ tử muốn trở lại tuyên giáo các xứ sở miền Tây bắc.
Nhóm tôn giả Nandīkassapa,
Gayākassapa và chúng đệ tử lại chia nhau sang các xứ Đông nam để truyền
bá giáo pháp! Các tôn giả Koṇḍañña, Assaji, Vappa, Bhaddiya (cũ),
Mahānāma, Uruvelākassapa và một số đệ tử chững chạc thì ở lại để chăm
lo công việc và giáo giới cho các vị tân tỳ-khưu. Nhóm các ông hoàng và
các tỳ-khưu dòng tộc Sākya một số ở lại, một số theo
chân tôn giả Kāḷudāyi qua bờ bắc sông
Gaṅgā
đi gieo duyên hóa độ các tiểu bang và các nước cộng
hòa ở đấy. Hai vị đại đệ tử thì thường theo
hầu đức Phật để tiếp thu các thời pháp hoặc nhận những chỉ thị từ ngài. Tỳ-khưu
Ānanda thì rất ham mê nghe pháp, không cận kề đức Phật thì gần gũi tôn giả
Sārīputta, nhóm ngài Koṇḍañña để nghe lại các thời
pháp từ hồi còn ở Lộc Uyển, rừng Kappāsīya, tụ lạc Uruvelā...
Sa-di Rāhula thì rất chăm ngoan lắng nghe, học hỏi, tu tập từ vị
giáo thọ sư của mình cùng các vị khác nữa.
hình minh họa
Như vậy là chỉ non
nửa tháng sau, Trúc Lâm chỉ còn hơn một nghìn vị tỳ khưu! Tuy
nhiên, chỉ mấy hôm sau là nhân số Trúc Lâm được bổ túc thêm.
Đầu tiên, đức Phật tiếp đón chàng thiếu niên Sotthiya và gần hai mươi bạn
hữu chăn bò từ Uruvelā tìm đến. Đức Phật mỉm
cười, thân thiên chuyện trò, tiếp nhận rồi bảo tôn giả Sārīputta cho họ
thọ giới sa-di. Kế đến là đạo sĩ Pukkusa
– người bạn từ đạo tràng đầu tiên - dẫn theo cả mấy
trăm đạo sĩ, đệ tử cũ của đạo sư Ālāra, đạo sư Uddaka đến xin quy
giáo. Gặp lại đức Phật, đạo sĩ Pukkusa rất vui mừng.
Sau khi đảnh lễ vị Phật mà ông ta đã vô cùng ngưỡng mộ, đồng thời, danh tiếng
của đức Đạo Sư vô song đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của các đạo sĩ –
Pukkusa kể lại sự sa
sút của cả hai đạo tràng sau khi hai vị đạo sư mất đi... Sau một thời pháp giáo
giới về những điểm căn bản của đạo giác ngộ, đức Phật chứng minh để các vị
trưởng lão làm lễ cho họ xuất gia tỳ-khưu.
Thời gian này đức
Phật còn có ý chợ đợi một người - một nhân vật hộ pháp quan trọng, và cũng là
nhân duyên cho giáo pháp lan sang các quốc độ phương xa.
Trúc Lâm là một thủ phủ của miền Đông nam.
Phải cần một thủ phủ lớn rộng hơn thế ở miền Tây bắc nữa để hai nơi hỗ trợ cho
nhau...
Ngày hôm sau, đức
Phật giao trọng trách Trúc Lâm cho tôn giả Mogallāna
và tôn giả Koṇḍañña - đặc biệt lưu tâm đến Nandā
và Rāhula - rồi cùng với tôn giả Sārīputta,
thị giả Upavāna, thêm một số ít tỳ-khưu khác nữa - đến ngụ cư tại cụm
rừng Sītavana phía Tây thành phố! Đức Phật ở đây để hóa độ những người hữu duyên, đồng thời, cố ý chờ
đợi môt người. Và nhân vật ấy là Sudatta!
Ông là một thương gia
giàu có, còn trẻ, tên thôi nôi là Sudatta;
nhưng vì hằng tâm, hằng sản, do danh thơm bố thí và hay giúp đỡ những người
nghèo khổ với lòng quảng đại vô song - nên được người đời kính trọng, mến thương
ban tặng cho tôn hiệu Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc)
- có nghĩa là: Nuôi ăn những người nghèo khổ, trợ cấp cho những kẻ cô độc!
Sāvatthī (Xá Vệ), vương quốc Kosala là quê hương sinh quán của ông.
Là chủ tịch một nghiệp đoàn thương mãi, chuyên kinh doanh vàng bạc, đá
quý nổi tiếng của kinh đô vương quốc Kosala - trưởng giả Sudatta
có dịp đi đây đi đó luôn để liên hệ chuyện làm ăn. Ông kết hôn với em gái của một phú thương ở Rājagaha nên hay lui
tới thành phố kinh tế và thương mãi này.
Hôm kia, vào khoảng những ngày cuối tháng mười năm năm trăm tám
lăm (tr.CN),
trưởng giả Sudatta đến Rājagaha, ghé nhà ông anh rễ. Bình thường
thì trưởng giả Sudatta được cả nhà đón tiếp rất nồng hậu, rất niềm nở;
nhưng nay thì chẳng thấy ai chào hỏi cả - mặc dầu ông đã bước vào cửa trong!
Trưởng giả Sudatta
thấy ai cũng bận rộn sắp đặt, trang hoàng, trần thiết, dọn dẹp sạch sẽ chỗ này,
chỗ kia với chổi quét, với sơn vôi, với khăn lau, với bình hoa, chuỗi hoa, tràng
hoa – như để chuẩn bị đón tiếp một vị thượng khách nào! Dường như chẳng ai chú ý
đến ông! Và chính chủ nhân cũng đang lúi húi công việc ở nhà sau!
Chẳng lấy làm điều,
chẳng để bụng chuyện đó, Trưởng giả Sudatta chỉ tò mò, ngạc nhiên hỏi:
- Hôm nay cả nhà ta,
có kỵ giỗ, có hỷ sự gì trọng đại lắm phải không?
Ông anh rễ mỉm cười,
bí mật:
- Không phải thế!
- Hay là một người
bạn chí cốt, tương giao nào đó của ông anh mà đệ chưa biết?
- Nếu là vị ấy - thì
có ai thâm tình, chí thiết hơn ông em rễ của tôi đã chứ!
Trưởng giả Sudatta
nhăn mày, suy đoán:
- Hay là đón tiếp đức
vua, các trọng thần của triều đình?
- Các vị ấy cũng là
thượng khách hy hữu đấy, nhưng không đến nỗi để tôi quên cả ông em rễ quý trọng!
- Vậy thì còn ai trên
trời đất này nữa nhỉ?
- Có đấy, hơn cả trời
đất nữa, ông em thân mến ạ! Vị ấy là thầy của chư
thiên và loài người, đấy là đức Buddha
và Tăng chúng đệ tử của ngài!
Mới nghe danh từ
Buddha, tâm Sudatta chợt nhiên rúng động, bồi hồi - một cảm xúc siêu
thoát như chớm nở dịu dàng trong lòng ông, trưởng giả Sudatta lắp bắp:
- Buddha! Buddha!
Kỳ diệu làm sao, ông anh ơi! Buddha! Buddha! Sao âm vang
kia nó như xao động vào chiều sâu ký ức tiền kiếp của em vậy! Ôi! Em mong
muốn được diện kiến đức Buddha
ấy biết bao nhiêu!
- Rồi ngày mai ông em
sẽ được gặp ngài mà!
- Ở đâu?
Hiện tại vị ấy ở đâu? Trái tim
trưởng giả Sudatta xao xuyến, hỏi dồn dập – Có xa đây không hả ông anh
kính mến?
- Cũng gần đây thôi,
nơi cụm rừng Sītavana,
qua khỏi một nghĩa địa, phía Tây thành phố - Ngài đang ở đấy cùng với một số ít
sa-môn!
Thế là trưởng giả Sudatta bắt đầu nóng ruột, ông muốn đi gặp đức
Phật ngay, nhưng tiếc thay, trời đã tối. “Qua hôm sau sẽ gặp! qua hôm sau sẽ gặp! Và ta sẽ có cơ hội
chiêm bái ngài!” Sudatta
nhủ thầm như vậy, rất lấy làm hoan hỷ rồi yên
tâm đi nằm ngủ. Vừa chợp mắt, trưởng giả Sudatta đã
giật mình tỉnh dậy, mong cho trời mau sáng. Và cứ vậy, ông
thắc thỏm, nằm rồi thức dậy nhiều lần.
Đến đầu canh ba, trưởng giả Sudatta
không còn chờ đợi được nữa, trong bóng tối, ông làm vệ sinh cá nhân, mặc áo
trong, choàng áo ngoài, vấn khăn, cột đầu chỉnh tề - rồi chẳng đợi ông anh chỉ
lối, ông mở cửa khẽ khàng. Trăng hạ tuần soi tỏ mờ mờ, sương
mù dầy đặc. Trưởng giả Sudatta nhắm hướng Tây bươn bả đi.
Trời chấp chóa, trưởng giả Sudatta nôn nao nên vấp ngã luôn, dầu vậy, ông
cũng lần mò đến được nghĩa địa. Bóng cây vật vờ chỗ này, ánh lân tinh từ
những đốt xương người lấp lóa chỗ kia. Sự hoang vu và yên lặng của nghĩa địa làm cho người can
đảm nhất, tóc tai cũng phải dựng ngược.
Nhờ nghĩ đến “đức Buddha chí tôn của mình”, trưởng giả Sudatta
thản nhiên cất bước, đức tin càng lúc càng vững mạnh, càng trong sạch ở trong
ông.
Trạng thái tâm lý thuần nhất ấy làm cho ông phát sanh phỉ lạc (pīti): Toàn
thân phát sáng - sáng hơn cả lân tinh! Vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi,
trưởng giả Sudatta dừng lại quan sát. Ánh sáng nơi toàn thân lại mất!
Trưởng giả Sudatta
ngơ ngác không biết chuyện gì, không hiểu nguyên nhân làm sao; ông đứng sững hồi
lâu, bần thần suy nghĩ...
Chợt nhiên, ngay lúc
đó, trong gió nhẹ xao, từ hư không rơi xuống bên tai ông - lời nói ngọt ngào,
dịu hiền, ấm cúng - như lời mẹ ru con, như lời khuyến khích của đấng nghiêm phụ
đối với đứa con trai duy nhất của mình:
“ – Này Sudatta! Đừng có sợ hãi, không có gì phải sợ
hãi! Hãy theo cái tâm của ông mà bước tới! Hãy
theo
tiếng gọi thâm sâu từ vô thức mà bước tới! An lạc và chân phúc là những bước
chân đi tới - chứ không phải dừng lại hoặc ngoảnh lui phía sau!
Cứ hãy thản nhiên mà bước tới!”
Trưởng giả Sudatta
đưa mắt nhìn quanh, không thấy ai, vậy có lẽ là thiên thần!
Cảm nhận được thiện ý của lời khuyến khích nên trưởng giả Sudatta mạnh
dạn bước đi. Ông lại nghĩ đến “đức Buddha chí tôn của mình”
với đức tin trong sạch – ánh sáng nơi thân phát sanh trở lại! Ông sợ hãi một lần
nữa, ánh sáng lại biến mất.
Giữa hư không, tiếng
lời dịu dàng lại tiếp tục:
“- Này Sudatta!
Hãy bước tới,
chớ có dừng lại!
Dẫu hằng trăm
thân ngựa giỏi,
hằng trăm thớt tượng hay,
hằng trăm cỗ xe thiện xảo,
hằng ngàn mỹ nữ
cổ vòng vàng và ngọc đeo tai -
tất cả giá trị và lạc thú trần gian
kia –
thật không thể bằng một phần mười sáu
hạnh phúc của một bước chân đi tới!
Vậy hãy tiến
bước,
và manh dạng đi tới, này Sudatta!
An lạc và chân phúc
đang chờ ông ở phía trước!”
Tiếng nói kia là của thiên chủ Sakka. Sau khi thấy rõ nhân duyên to lớn của ông triệu phú đối với đức Phật
và giáo pháp – nên vị thiên chủ đã tìm cách khuyến khích, hỗ trợ.
Cho đến lần thứ ba như vậy, trưởng giả Sudatta mới đến được cụm rừng
Sītavana.
Khi đó trời vừa hửng
sáng, đức Phật đang đi kinh hành ở ngoài trời và đang có ý đợi ông. Thấy trưởng
giả Sudatta xuất hiện ở đầu bìa rừng, đức Phật cất tiếng khẽ gọi:
- Hãy lại gần đây,
này Sudatta!
Tiếng gọi sao mà quá thân thuộc. Chợt nhiên, trưởng giả Sudatta biết chắc đấy là vị ấy, là “đức
Buddha
chí tôn của mình” - chứ không phải ai khác!
Trưởng giả Sudatta
bước nhanh lại và quỳ xuống:“Con đây, hỡi
ngài, hỡi đức Buddha chí tôn kính yêu”. Ông lắp bắp.
Ông cảm xúc quá! Ông hoan hỷ quá! Ôi! Đức Buddha là vị này đây! Một nhân
cách giản dị, bình thường – nhưng dường như ở đâu cũng tỏa sáng! Ôi!
nụ
cười dịu nhẹ của ngài mới tự tại và siêu thoát làm sao! Dung sắc của ngài sao mà
hoàn mỹ như cả mặt trời, mặt trăng đồng long lanh soi rạng! Cái bóng của ngài
vừa hiền hòa, vừa uy nghiêm vừa định tĩnh như trùm lấp, thu
nhiếp cả không gian xung quanh!
Trưởng giả Sudatta
chiêm ngưỡng mãi, không biết nói gì! Lâu lắm, ông mở miệng:
- Đức Buddha có được yên vui không?
Trưởng giả Sudatta
thấy câu hỏi của mình thật là ngớ ngẩn, lạc lõng và vô duyên làm sao – nhưng đức
Phật lại từ hòa đáp:
- Này Sudatta
con! Chắc chắn lúc nào một vị A-la-hán cũng yên vui! Vì bên trong các ngài mọi
thứ lửa nung đốt đều đã được dập tắt! Tất cả dục vọng đeo níu, đắm trước đều
không còn dư tàn! Tất cả mọi mầm giống ác uế đều đã bị hoại diệt! Tất cả mọi
trói buộc, xích xiềng đều đã được gỡ thoát ra! Tất cả mọi đau khổ, phiền não đều
đã được đoạn tận! Do vậy, tâm của vị A-la-hán luôn trong sạch, thanh tĩnh và mát
mẻ! Tâm vị ấy, như vậy, là đã thành tựu một vương quốc hòa bình, an lạc và chân
phúc!”
Nghe xong, ngay giây
khắc ấy, trưởng giả Sudatta đắc quả Nhập lưu, đi vào dòng thánh! Trưởng
giả cảm nhận một cách sâu sắc rằng, mình vẫn là con người cũ thôi - nhưng cái
thấy, cái biết, cái trí, cái tâm của ông bây giờ đã đổi khác! Có cái gì đó đã
vững vàng, ổn định ở bên trong! Đức tin vắng lặng, trong sạch và thánh thiện ở
trong ông - dường như vừa nở một đóa kỳ hoa! Trưởng giả Sudatta
lặng lẽ quỳ xuống, đảnh lễ đức Phật một lượt nữa với vô vàn sự tri
ân và lòng quý kính!
Ngày hôm sau, đức
Phật thọ trai tại tư gia của ông anh rễ trưởng giả Sudatta, thuyết pháp
sách tấn, khuyến khích sự tu học, đặt cả gia đình vào quy giới rồi trở về Trúc
Lâm!
Trưởng giả
Sudatta, lúc này, không muốn rời xa đức Phật và hội chúng sa-môn – ông nghe
pháp, chú tâm vào pháp và ông thấy mình thật yên bình và hạnh phúc!
Đời sống sa-môn đệ tử Phật với hạnh tri túc, thiểu dục tạo cho ông một ấn tượng
quá tốt đẹp về giáo pháp này, hội chúng này – có đức Tôn Sư dẫn đầu. Nhìn
Trúc Lâm tịnh xá với quy mô nhà giảng, nhà ăn, nhà hội, nhà khách, nhà kho... và
cả hàng ngàn cốc liêu rải rác đây đó - nghe nói, trong mùa an cư, chư Tăng các
nơi vân tập về có thể hơn ba ngàn vị - với tam y, bình bát nhẹ nhàng, thanh
thoát vào ra...lòng ông bồi hồi xúc động. Trưởng giả chạnh nghĩ đến quê nhà, và
ước gì, ở kinh thành của ông cũng có một trung tâm tu học, to lớn, kỳ
vĩ hơn cả Trúc Lâm này - thì thật là hạnh phúc cho quốc độ!
Hôm kia, trưởng giả
Sudatta vào bạch Phật, thỉnh ngài và Tăng chúng về Sāvatthī để truyền
bá chánh pháp - hy vọng rằng với giáo lý an bình, thanh tịnh và siêu việt này có
thể nhiếp phục chúng ngoại đạo và hóa độ cho nhiều người hữu duyên! Vấn đề đất
đai và thiết lập quy mô tịnh xá thì ông sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm,
kiến tạo và cúng dường! Đức Phật thấy đây là duyên lành - đúng như sự thấy biết
của ngài - nên im lặng nhận lời; sau đó gợi ý cho trưởng giả Sudatta hay
rằng, đời sống xuất gia phạm hạnh thường thích hợp những nơi vắng vẻ, an tĩnh,
không gần mà cũng không xa xóm làng!
Hoan hỷ xiết bao,
trưởng giả Sudatta quỳ vập đảnh lễ Phật, rồi ngần ngừ một lát, ông nói
say sưa:
- Bạch đức Thế Tôn!
Sāvatthī là kinh đô của vương quốc Kosala, một thành phố thịnh vượng
và giàu mạnh ở Tây bắc, cư dân đông đúc, mức sống khá cao – tuy nhiên, về mặt
văn hóa, so với Rājagaha thì nó chỉ là vùng biên địa xa xôi - nhân dân
bản chất thuần hậu nhưng còn hoang dã, mọi rợ, cả tin và cuồng tín! Đây cũng là
vùng đất màu mỡ, là thủ phủ lý tưởng cho bọn bàng môn tả đạo lập căn cứ địa lộng
hành! Chúng nghênh ngang làm tiền, mê hoặc đám dân đen ngu muội bằng phép lạ, thuật số, bùa chú, ngải nghệ... cùng
hằng trăm kiểu cúng tế khác nhau. Thần linh và các ngẫu tượng dâm loạn, ma mị
ngồi đầy khắp am miếu, đền đài, bờ sông, đình chợ, đường sá, công viên... với
trầm hương nghi ngút, với hoa quả, với đầu súc vật còn tươi máu...
Chúng tu ngồi xổm,
hai tay ôm đầu và nhảy với vũ điệu rắn! Chúng tu hạnh
quét đất, nằm ra đất mà lạy mà bò! Chúng để râu tóc như cỏ rậm, ở truồng đi tồng
ngồng chỗ này chỗ kia, rồi còn chễm chệ trong các điện
thờ! Chúng tu hạnh nằm giữa đất, ăn
trên đất. Chúng ngồi trong vũng bùn, cống rãnh. Chúng
treo ngược người trên cây và ăn mỗi ngày từng hạt, từng
trái nhặt được... Còn giới cấp bà-la-môn tại gia, trưởng giáo,
trí thức hoặc tư tế thì sống trong những dinh thự, những điền trang kín cổng cao
tường như những tiểu vương. Chúng độc quyền liên hệ, đối thoại với thần
linh – nên chúng độc quyền về lễ tang, cưới hỏi, tế thần, tiểu hỷ, đại hỷ, lạc
thành, hướng nhà, hướng cửa, giờ tốt xấu... với những giá cắt cổ, bóp hầu, nặn
họng đám lương dân nghèo đói! Chúng thuyết về con đường khổ hạnh, xả ly, trầm
tư, thiền định để thể nhập với Phạm thể ở trên cao - còn chúng thì sống phong
lưu ở dưới này để hưởng thụ mọi thứ xa hoa, dục lạc!
Bạch đức Thế Tôn! Có
lẽ do duyên lành vạn kiếp, mặc dầu bị bên này vận động, bên kia kéo lôi - nhưng đệ tử vẫn trơ trơ không theo bọn chúng,
không ngả theo đạo nào! Nhờ vậy, đệ tử mới hạnh ngộ đức Thế Tôn và Tăng chúng
thánh hạnh; được nghe giáo pháp trong sáng, lành mạnh và tốt đẹp nhất trần đời.
Do vậy, kinh đô Sāvatthī, quê hương của đệ tử, cần thiết phải có mặt giáo
pháp vô thượng của đức Thế Tôn! Rác và bụi trong mắt mọi người cần phải được lau
quét sạch sẽ! Cuồng tín và ngu
si cần phải có ngọn đèn trí tuệ chiếu soi. Những hôi hám, dơ dáy, bẩn thỉu trong
các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cần phải được làm cho thanh khiết, thanh tịnh!
Bạch đức Thế Tôn!
Khái quát như vậy để biết rằng, đến Sāvatthī sẽ gặp vô vàn khó khăn, phức
tạp; chắc chắn sẽ có nhiều thành phần chống đối, phá hoại từ nhiều phía! Ngoại
trừ đức Thế Tôn hoặc các vị đại trưởng lão nhiều tuệ lực, nhiều thần thông lực -
chớ khó ai có thể đảm nhận trọng trách cam go này, từ việc đặt viên đá xây dựng
cơ sở cũng như đặt viên đá giềng mối đầu tiên cho giáo pháp!
Đức Phật và một số
các vị trưởng lão lắng nghe chăm chú, rất chăm chú những nhận thức đúng đắn của
trưởng giả Sudatta - rồi đức Phật nói với ông:
- Ừ! Như Lai cũng
biết là sẽ rất khó khăn! Bất cứ sự cảm hóa, cải thiện nào - mặc dầu có lợi ích - vẫn bị sự
phá hoại, chống đối từ nhiều phía.
Đương nhiên pháp thế gian là vậy! Con người không dễ dàng thay đổi một thói
quen, nhất là những thói quen đã biến thành lễ nghi, tập quán cắm rễ, ăn sâu
trong truyền thống từ đời này sang kiếp nọ!
Tôn giả Sārīputta
chợt quỳ thưa:
- Tuy nhiên, giáo
pháp giác ngộ, giải thoát cần phải được xiển dương, cần phải được tăng trưởng,
lớn mạnh, cần phải đi vào lòng người và xã hội! Giáo pháp của trí tuệ và từ bi
phải là ánh sáng, là ngọn đèn dẫn đường cho những tâm thức nô lệ, yếu hèn và
ngu muội! Chúng đệ tử của đức Tôn Sư phải biết giương cao ngọn cờ
Muñja - ngọn cờ của bậc thiện trí! Phải biết vô vi,
vô dục mở rộng vòng tay đón nhận những chúng sanh lưu lạc quay về! Phải biết
bình lặng như đại địa, kham nhẫn như đại địa – tùy duyên mà giáo hóa nhân quần!
Đức Phật mỉm cười:
- Vậy này
Sārīputta!
Ông hãy nghiêng vai mà nhận lãnh trách nhiệm ấy! Tất cả mọi khó khăn vào buổi
đầu, Như Lai giao phó cho ông đấy!
Tôn giả Sārīputta cúi đầu lạy tạ. Trưởng giả Sudatta xin thưa tiếp:
- Với quy mô xây dựng
như Trúc Lâm này, đức Thế Tôn thấy nó thuận lợi hoặc chưa thuận lợi cho sinh
hoạt của Tăng chúng hiện nay – và cả sự phát triển trong tương lai nữa?
Biết ý ông triệu phú chưa hài lòng lắm các công trình xây dựng ở Trúc
Lâm. Mặc dù đức
vua Seniya Bimbisāra đích thân chỉ đạo, không ngại tốn kém công quỹ, sự
đóng góp của hoàng gia; nhưng ông cũng không ngờ là giáo hội phát triển quá
nhanh nên những buổi thuyết giảng lớn, cả hàng ngàn người thì giảng đường đã trở
nên chật hẹp! Tăng chúng tạm cư chừng vài ngàn vị thì đây đó đã phát sanh nhiều
vấn đề từ chỗ ăn ở, vệ sinh, nhà kho cũng như rác thải - phải được tính
toán kỹ lưỡng xa rộng hơn! Nghĩ vậy, đức Phật mỉm cười nói:
- Ông là người có đầu
óc, có tầm nhìn, này Sudatta!
Như Lai hiểu rất rõ những điều đằng sau câu hỏi của ông! Hôm nào lên đường về
lại Sāvatthi, sa-môn Sārīputta
sẽ đi cùng với ông! Đệ tử trưởng ưu tú của Như Lai có khả năng thay mặt Như Lai
để đối thuyết với các giáo phái chủ, giáo phái sư và chúng ngoại đạo ở đấy; và,
còn có trí biện tài, đức độ để nhiếp phục họ! Sārīputta không những rành
rẽ môn kiến trúc mà còn là một nhà địa lý, thiên văn có thực học nữa – có thể cố
vấn, tham mưu cho ông trưởng giả nhiều lãnh vực, khỏi phải lo ngại điều gì!
Được lời như mở tấm
lòng, trưởng giả Sudatta
hớn hở lên đường – và bên cạnh, được núp bóng tàn đại thụ của giáo pháp là
tôn giả Sārīputta!
Hôm ra đi, biết
trưởng giả Sudatta nôn nóng về Sāvatthī
tìm kiếm đất - tôn giả Sārīputta thông cảm nhìn ông, nói:
- Vị tỳ-khưu chỉ đi
bộ, không đi các loại xe - vậy ông cứ khởi hành bằng cỗ xe ngựa tốt, đừng để ý đến
ta. Tuy nhiên, chỗ nào ông dừng chân hoặc muốn gặp ta để học hỏi về giáo pháp –
thì tức khắc, ta sẽ có mặt ngay bên cạnh ông!
Và quả thật như vậy,
kỳ diệu xiết bao! Suốt trên đường đi, hễ khi thắc mắc điều gì thì tôn giả
Sārīputta như tự trên trời rơi xuống, như từ đám mây trắng mà hóa hiện thành
người! Và ông đã học hỏi được quá nhiều điều, nhiều hơn cả trí
tưởng của ông - về những điểm khác biệt đặc thù về giáo pháp của đức Phật so với
các tôn giáo truyền thống, các tín ngưỡng cổ sơ của các sắc tộc trong nhân gian.
Ngoài ra, tôn giả Sārīputta còn tận tình và cặn kẽ giải thích các biểu
tượng thờ cúng của đạo bà-la-môn, các lễ thánh tẩy, tắm nước sông Gaṅgā, cầu nguyện thần linh...chỗ nào là nội dung tư tưởng
khả thủ, chỗ nào là hình thức mù quáng, bá vơ! Ôi! vị
đại đệ tử này đúng là đức Phật thứ hai, chẳng có gì mà tôn giả ấy không thấy,
không biết!
Đúng là cơ ngơi của
ông triệu phú chủ tịch nghiệp đoàn buôn bán vàng bạc và đá quý nổi danh kinh đô
Sāvatthī:
Dinh thự nguy nga, lầu đông lầu tây, tòa ngang dãy dọc nhiều không xiết kể, hằng
trăm gia nhân xuôi ngược tới lui! Vừa về đến nhà là trưởng giả Sudatta
vội triệu tập tất cả mọi người tại đại sảnh, thỉnh mời tôn giả Sārīputta
ngồi chỗ ngồi cao và sang trọng nhất, bảo mọi người cùng ra mắt,
đảnh
lễ ngài. Tôn giả thuyết một thời pháp ngắn gieo duyên với gia
đình hiền thiện này. Punnalakkhaṇā, phu nhân của trưởng
giả, còn khá trẻ, đoan trang, hiền thục - rất hoan hỷ. Ba cô con gái là
Mahā-Subhadda, Culā-Subhadda và Sumana đều lắng nghe chăm chú. Riêng
chú bé trai, tên là Kāla lại lơ đễnh, có vẻ ngỗ nghịch, ham chơi.
Trưởng giả Sudatta
thỉnh mời tôn giả ngụ riêng nơi một căn lầu, nhưng ngài mỉm cười lắc đầu, bảo
ông cứ lo công việc của ông, hãy để cho những cánh chim trời được tự do, thung
dung đây đó. Thế là tôn giả Sārīputta ôm bát ra đi: Ngài muốn nắm bắt
tình hình tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các sinh hoạt nhân sinh, xã hội của kinh
đô trù phú nầy!
Trích: Một
Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt 2