Vẫn cám ơn cuộc đời

  • Nguyễn Thị Thanh Dương

 

 

May qúa hôm nay tiệm hơi vắng khách, thì có bữa nọ bữa kia, chứ ngày nào cũng nhiều việc, khách mang quần áo tới sửa và chị làm luôn tay thì giờ đâu mà ngồi nghĩ ngợi, rầu rầu như thế này?

Chị vừa luôn cái gấu quần vừa miên man nhớ tới câu chuyện sáng sớm nay, lúc chị đang chuẩn bị làm đồ ăn sáng cho con ăn đi học thì phôn reo, chị biết ngay, giờ này chỉ có mẹ chị bên Việt Nam gọi sang thôi. Thằng Nhẫn chắc cũng nghĩ như chị, nó chạy ra bốc phôn thì đúng là bà ngoại nó gọi, nó mở speaker cho mẹ cùng nghe:

- Chào bà ngoại, bà ngoại có khỏe không?

- Bà khỏe lắm, thế cháu có gì vui kể cho bà  nghe đi?

Thằng bé 8 tuổi mà triết lý như một ông cụ :

- Đời có gì vui đâu ! Có hai mẹ con buồn lắm bà ơi!

Chỉ có thế mà bà ngoại đã mau nước mắt, khóc nghèn nghẹn trong phôn, chị bảo con ra ăn sáng và cầm phôn nói chuyện với mẹ, mẹ chị lại nài nỉ như đã từng nài nỉ:

- Con tính lẹ đi, hai mẹ con về Việt Nam sống, gần mẹ, gần anh chị em ấm áp tình thương của gia đình, mẹ sẽ cho con cái cửa tiệm tạp hóa này dư sức nuôi sống hai mẹ con cả đời, cần gì ở Mỹ mà cô đơn lạnh lẽo vậy con?

Chị vẫn khẳng định:

- Con đã dứt khóat nói với mẹ rồi, con sẽ sống ở Mỹ và nuôi thằng Nhẫn cho tới khi nó khôn lớn nên người cho người ta biết.

Mẹ chị lại sụt sùi khóc và nói chuyện thêm một lúc nữa, cho đến giờ chị đi làm bà mới đành dứt phôn.

Chị thương con và thương mẹ mình qúa, tự trách chỉ vì mình không dấu kín được sự khổ đau trong lòng mà làm khổ lây tới những người thân yêu nhất. Cái câu chị thường thốt ra than van mỗi khi nói chuyện với mẹ hay bất cứ ai “Đời có gì vui đâu” đã thành một điệp khúc quen thuộc làm thằng Nhẫn học thuộc lòng từ lúc nào, và nó bắt chước mẹ cũng nói y như thế mỗi khi có ai hỏi chuyện.

Chị đang sống yên lành với gia đình ở Việt Nam thì Phê từ Mỹ về, hai người chưa hề có một kỷ niệm thân thương dù thuở nhỏ học cùng trường, ở cùng xóm. Anh phiêu du qua Mỹ lâu lắm và trở về tìm cách tiếp cận chị để nói đã từng thương trộm nhớ thầm chị, muốn cưới chị mang sang Mỹ, làm chị bất ngờ và sung sướng cảm động qúa. Nhan sắc chị trung bình, là cô giáo, ngoan hiền, con nhà khá gỉa mà duyên số lận đận vẫn độc thân chiếc bóng ở lứa tuổi ngoài ba mươi.

Nay có Việt Kiều Mỹ về cưới, anh Phê đẹp trai, ăn nói có duyên nên ai cũng khen chị có phước, có phần. Chị thầm cám ơn trời Phật độ trì cho chị nên duyên, cám ơn cuộc đời đã run rủi cho anh Phê còn nhớ đến chị, về hỏi cưới chị.

Sang Mỹ, chị chưa vui hưởng hạnh phúc là bao, khi vừa chớm đậu thai là lúc anh Phê trở mặt, nói ra một sự thật phũ phàng. Anh đã có người yêu là một cô gái xinh đẹp, cô gái bỏ anh, nên anh hận đời về Việt nam cưới vợ… để trả thù. Nay cô người yêu lại quay về, nên anh Phê sẽ chia tay chị để đoàn tụ với người yêu dấu. Anh sợ trách nhiệm nên nằng nặc bắt chị đi phá thai để sự chia tay rảnh rang không còn gì liên quan, dính líu nữa.

Chị đau đớn kinh hãi, anh đã coi chị như một món hàng, một trò đùa, khi thích thì mua về, chán thì đổi ý. Bỗng dưng đang lúc bụng mang dạ chửa, mới chân ướt chân ráo đến Mỹ  thì  bị bỏ rơi, chị hết lời khuyên ngăn anh Phê, năn nỉ anh Phê hãy vì thương đứa con trong bụng mà ở lại với chị, chị vẫn muốn sống suốt đời bên anh. Nhưng người đàn ông vẫn lạnh lùng, anh ta có yêu thương gì chị đâu mà cảm động.

Thế là chị ở lại căn apartment một mình và nhất quyết giữ bào thai trong bụng, vì chị không nỡ đang tâm phá hủy một mầm sống. Ban đầu anh em bên chồng thấy việc làm bất nhân của Phê ai cũng xót xa, xúm vào giúp đỡ chị, sau khi li dị, chị sinh con, họ giúp chị xin hưởng tiền trợ cấp nuôi con nhỏ… chứ chị không bao giờ thèm thưa kiện để mong sự trợ cấp của người chồng, người cha vô lương tâm ấy. Chị hận cuộc đời, hận Phê lắm, đặt tên cho thằng con trai của mình là Nhẫn, có hai ý nghĩa, một là chửi thằng chồng ăn ở nhẫn tâm, hai là khuyên mình nên nhẫn nhịn chịu đựng mọi gian khổ trong cuộc đời.

Tình thương của anh em bên chồng chỉ có hạn, họ cũng thưa thớt thăm nom khi chị đã dần dần tự lập được, còn Phê biệt tăm biệt tích không một lần hỏi thăm chị hay đứa con, dù chỉ là qua phôn, nghe nói anh ta đã cưới được cô người yêu và họ đang sống  bên nhau.

Tất cả hình đám cưới của hai người chị mang ra cắt lìa hình ảnh của Phê và vứt vào thùng rác, chỉ giữ lại hình chị vì không nỡ cắt xé hình ảnh của chính mình. Chị cấm con không được hỏi về cha khi nó có chút khôn lớn, tò mò hay thắc mắc. Có lần thằng Nhẫn nhìn thấy tấm hình Phê còn sót lại mà chị quên chưa cắt đi, nó hỏi:

- Mẹ ơi, có phải cha con đây không?

Chị gắt với con:

- Mẹ đã dặn con là không được gọi tiếng “cha” rồi mà.

Thằng bé thông minh, vội… sửa lại:

- Mẹ ơi, “chú” này bây giờ ở đâu ?

- Mẹ không biết. Coi như ông ta chết rồi, con đừng bao giờ hỏi mẹ điều này nữa nghe?

Từ đó trở đi thằng Nhẫn đã hiểu mẹ nó oán hận cha nó, nên không bao giờ hỏi tới nữa, mà nó cũng chẳng quan tâm làm gì đến một người cha chưa bao giờ tìm gặp nó hay trò chuyện với nó dù chỉ một câu.

Tám năm trôi qua kể từ khi thằng Nhẫn chào đời, chị đi làm vất vả ở hãng xưởng, sau này mới xin được việc làm trong một tiệm sửa quần áo của người Việt nam, thời gian du di hơn để chị có thể lo cho con, và đồng lương khá hơn, nhưng bù lại chị phải làm việc nhiều hơn, ở lại tiệm trễ  hơn. Ở đời chẳng có quyền lợi nào cho không ai cả.

Mãi sau này, khi không thể dấu mẹ, dấu gia đình của mình mãi được, chị mới kể hết sự thật, làm mẹ chị mủi lòng, thương con thương cháu, bà đòi sang Mỹ thăm hai mẹ con.

Đó là những ngày mùa Xuân tươi đẹp, mẹ chị đến Mỹ thấy phố phường lộng lẫy, chợ búa của Mỹ hay của người Việt nam đều sầm uất, đông vui, thấy hoa lá nở, thấy cỏ xanh non ngoài đường, ngoài sân nhà…Nhưng người mẹ gìa dày dạn kinh nghiệm đời vẫn nhận thấy sự u uẩn, cô đơn của mẹ con chị, nơi căn apartment bé nhỏ nghèo nàn.

Sống ở Mỹ nhà nào biết nhà nấy, chị có một hai người bạn thân nhưng thỉnh thoảng mới đến nhà nhau. Có bà ngoại căn phòng ấm cúng hơn, vui hơn. Thằng Nhẫn được bà ngoại cưng chiều nó sinh động hẳn lên, không lặng lẽ bên mẹ như thường ngày nữa.

Những ngày vui qua mau, ngày bà ngoại lên đường về lại quê hương, tại phi trường thằng Nhẫn ôm cứng bà, nó đòi theo bà về dù chẳng biết Việt nam là nơi đâu, chị phải gỡ con ra cho bà ngoại tất tưởi quay đi, cả ba người hôm ấy đều khóc nghẹn ngào.

Chị thấy mắt mình cay cay, ướt mi, chỉ nhớ lại chuyện cũ thôi mà cũng mau nước mắt qúa. Chị đã luôn xong hai gấu quần rồi, những lúc rảnh thế này bà bạn gìa nhiều chuyện Jessie không đến mà tán dóc, hôm chị bận làm, bà đến nói hết chuyện nọ đến chuyện kia, làm chị mải nghe mấy lần đâm cả kim vào tay.

Tiệm sửa quần áo nằm trong một town nhỏ, có nhiều ông bà gìa tuổi đã về hưu, các ông bà hay lẩn thẩn đi shopping tiệm quần áo cũ, rồi tha về nay cái áo sứt chỉ, mai cái quần dài ống  v..v.. thế là bèn mang đến tiệm sửa, tốn 10 - 15 đồng là thường, trong khi món hàng họ mua chỉ vài ba đồng bạc. Khi đến ngày hẹn lấy đồ, họ mặc thử với vẻ hào hứng thích thú lắm, hôm nào chị quên không đúng hẹn là có bà còn hờn giận, làm như đó là cái áo duy nhất để bà mặc, không có nó thì không xong.  Đến tuổi gìa, người ta bỗng trở nên trẻ con vớ vẩn thế đấy.

Bà Jessie là một trong những “đứa trẻ con lớn tuổi” ấy, luôn kiếm cớ mang cái áo hay cái quần cũ đến sửa để được tán dóc với chị, và tẩn mẩn ngồi giúp chị gấp đống quần áo của khách mang đến, một gìa một trẻ trở thành đôi bạn. Tiếng Anh chị không nhiều, bà Jessie hiểu điều đó, bà nói chuyện với chị bằng những từ thông dụng đơn giản nhất, đủ để hai bên đối đáp và hiểu nhau. Sao mà linh thiêng thế, chị đang nghĩ tới bà Jessie thì bà đã lò mò đẩy cửa bước vào:

- Chào baby của tôi (bà vẫn âu yếm gọi chị như thế)

- Chào Jessie, khỏe không?

Bà cười móm mém:

- Tôi vẫn đủ khỏe để ăn một bữa gà Tây của Thanksgiving sắp tới đây.

Chị reo lên và nồng nhiệt:

- Bà nhắc tôi mới nhớ, chiều nay tôi phải ghé chợ mua gà tây cho Thanksgiving chứ, thằng con tôi thích ăn gà tây nướng lắm. Bà Jessie, bà đến nhà tôi trong bữa Thanksgiving này nhé?

Bà gìa có vẻ cảm động, bà gật gù:

- Chỉ có hai mẹ con thấy vắng vẻ qúa, nhất định tôi sẽ đến.

Là một bà gìa Mỹ độc thân cô đơn nên bà Jessie rất thông cảm và thương cho hoàn cảnh mẹ độc thân của chị. Bà mến người phụ nữ Việt nam trẻ mà chịu khó và hiền lành này chỉ sau mấy lần đến sửa quần áo và chuyện trò.

Thêm một người khách bước vào, là một người đàn ông Việt nam trung niên, tiệm sửa quần áo rất ít khách Việt nam nên người khách này bước vào là chị nhớ ra ngay, anh đã đến cách đây vài ngày..

Chị mau mắn:

- Anh lại bị đứt cúc áo nữa hả?

Anh bối rối, ấp úng:

-  Không… không… Lần này anh khệ nệ mang theo một gói gì có vẻ nặng lắm, với vẻ e dè, anh ngập ngừng nhìn chị và nói:

- Tôi xin lỗi đã đột ngột đến đây, không phải để sửa quần áo gì cả, mà là…mà là…

Chị ngạc nhiên nhìn anh, và nhớ lại hình ảnh lần đầu tiên anh mang cái áo sứt cúc đến nhờ chị đơm lại, công việc qúa đơn giản nên chị không tính tiền mà chỉ làm giúp anh, với suy luận có lẽ vợ anh bận rộn nên anh mới phải mang ra tiệm. Hôm ấy anh đã dịu dàng nhìn chị bằng ánh mắt biết ơn, không phải vì chị không tính tiền, mà vì anh cảm động  thì đúng hơn.

- Vâng, anh cứ tự nhiên, tôi có thể giúp gì được cho anh?

- Chị ạ, hôm nọ chị làm cúc áo cho tôi mà không lấy tiền làm tôi ngại qúa, sẵn hôm nay hãng cho mỗi công nhân một con gà tây nhân dịp lễ Thanksgiving, tôi mang đến…tặng gia đình chị.

Chị ngạc nhiên, buộc miệng:

- Sao anh không để ở nhà dùng? Tôi chỉ có hai mẹ con…ăn gì hết con gà tây to như thế này?

Anh càng bối rối hơn:

- Tôi… thì chỉ có…một mình, lại chẳng biết nấu nướng gì.

Hai người ngỡ ngàng nhìn nhau, giây phút ấy nhanh chóng có một sự cảm thông vô hình và bỗng cả hai cùng bối rối. Bà Jessie không hiểu tiếng Việt nam, nhưng chứng kiến sự kiện, bà cũng đoán gìa đoán non ra câu chuyện, nên góp ý với chị:

- Chị đang cần mua một con gà tây thì tại sao không nhận món quà này nhỉ?

Người khách Việt nam mừng rỡ:

- Bà ấy cũng nói thế, mong chị nhận cho tôi vui.

- Vâng, cám ơn anh, tôi đã mời bà Jessie này đến ăn lễ Tạ Ơn với mẹ con tôi. Nếu như anh không bận thì cũng xin mời anh luôn.

Lần này gương mặt anh càng vui mừng hơn:

- Thật hân hạnh cho tôi. Nhân dịp này tôi phải Tạ Ơn cuộc sống run rủi cho tôi đã bước vào cửa tiệm này và được làm quen với chị và với bà Mỹ dễ thương kia.

Bà Jessie làm quen với người khách mới:

- Tôi tin chắc là chị này sẽ làm món gà tây khéo lắm, vì may vá cũng khéo tay, chị ấy là một người bạn tốt của tôi đấy.

Anh nói với bà Jessie:

- Hôm nay tôi cũng được là bạn của cô ấy và cả bà nữa. Chúng ta sẽ gặp nhau hôm Thanksgiving nhé.

Anh lấy ra một mảnh giấy, một cây bút trong túi, và hỏi địa chỉ nhà chị, ghi ghi chép chép cẩn thận, như chỉ sợ ghi sai thì sẽ không thể nào gặp được chị nữa, rồi anh cũng không quên cho địa chỉ và tên của anh.

Anh chào ra về rồi mà chị vẫn thấy lòng lâng lâng khi nghĩ đến ngày Thanksgiving đang tới…

Kể từ ngày chia tay với người chồng tàn nhẫn ấy, chị hận đời, hầu như chẳng muốn quen ai, dù có một hai đám do bạn bè thân tình giới thiệu nhưng đôi bên đều không hợp nhau nên chẳng đi đến đâu. Vậy mà chẳng hiểu sao lần đầu thấy anh mang cái áo đứt cúc đến tiệm chị đã chạnh lòng, và tỉ mỉ làm cho anh khật kỹ, để lần sau anh khỏi phải mang đến tiệm nữa. Đơn giản chỉ thế thôi, chứ chị nào biết gia cảnh nhà anh. Chị nôn nao nghĩ  đến bữa tiệc Tạ Ơn, sẽ làm những món gì, vì năm nay không chỉ có hai mẹ con chị. Chắc chắn bà Jessie và anh ấy sẽ đến, trong ánh mắt anh ấy, chị đã đọc thấy lời hứa hẹn như thế.

Chị bỗng thấy cuộc đời vẫn còn niềm vui, vẫn còn ý nghĩa. Chị vẫn phải cám ơn cuộc đời này, dù đã mang đến cho chị những đau thương, mất mát, nhưng lại cho chị niềm hi vọng, đợi chờ khác.

- Tôi thấy anh ta có vẻ vui mừng khi được làm bạn với chị đấy. Anh ta có vẻ cô độc làm sao !

Bà Jessie nhận xét như một bà gìa chưa bao giờ lẩm cẩm. Chị trìu mến nhìn bà :

- Thôi nào, Jessie, hãy nói cho tôi biết cần làm những gì cho bữa ăn lễ Tạ Ơn của chúng ta đi.

Bà gìa hăng hái:

- Đúng rồi, tôi sẽ giúp chị được nhiều việc lắm, để tôi lấy tờ giấy ghi ra những thứ chúng ta cần mua và cần làm cho ngày Tạ Ơn thật vui này chứ.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Theo PSN

Chia sẻ: facebooktwittergoogle