Lam Yên
Một sáng mùa Thu, tháng 11 năm
2011, người viết đến một ngôi chùa tại Thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến,
Trung Quốc, trong một cuộc thăm dò ý kiến “tín ngưỡng Phật Giáo trong tâm lý
người Trung Quốc”.
Chuyến đi của chúng tôi, gồm hai
sinh viên Việt Nam, hai sinh viên Trung Quốc và một vị Phật tử Trung Quốc thuần
thành. Thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nơi đây được mệnh danh
là thành phố cây Dung (榕城),
vì nơi này có một loại cây vô cùng đặc biệt, rễ treo lơ lửng trên thân và chạy
dài xuống tận gốc như mái tóc dài của thiếu nữ, hai bên các con phố của Phúc
Châu chỉ trồng duy nhất loại cây này để tôn vinh nét đặt biệt của thành phố,
đồng thời giúp con người có được mảng màu xanh để hít thở trong xã hội ngày một
công nghiệp hóa.
Hôm ấy, “Pháp hội khai quang Phật”
của ngôi cổ tự Kỳ Sơn Vạn Phật tọa lạc tại khu Mân Hàu - Kỳ Sơn, thành phố Phúc
Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc do Phương Trượng thích Quảng Lâm trú trì.
Bước vào quần thể sinh thái của
chùa đồ sộ, chung quanh là những ngọn núi nho nhỏ với một màu xanh lục lam rộng
ngút ngàn, có thể hướng tầm mắt nhìn ra xa có chút gì đó trông thật huyền ảo với
những đám mây sáng sớm Thu còn vương trên những ngọn cây to nhỏ liền kề, quả là
cảnh sắc làm xao xuyến quyến luyến lòng cố khách một khi đã đi qua! Đúng là
“danh lam thắng cảnh” kỹ vĩ của đất nước Trung Hoa.
Giữa không khí giao mùa của tiết
Thu, lòng người nô nức đổ về ngôi cổ tự để dự pháp hội “khai quang Phật” và cũng
là ngày sinh nhật của vị Phương trượng chùa này.
Sơ lược về nguồn gốc ngôi
cổ tự
Ngôi cổ tự Vạn Phật, nguyên thủy
có tên là Linh Phượng Tự được kiến lập vào đời Tống (năm 1010). Năm Triệu Hưng
thứ 10 (năm 1140) chư tăng của chùa đã xây một trụ đá “Thiên” cạnh ngôi chùa,
đồng thời trồng một cây cổ thụ có tên Long trảo tùng (loại cây có hình dáng như
móng của con rồng). Do vậy, Linh Phượng Tự được người ta gọi thành Thạch Tùng
Tự. Trải qua năm tháng, ngôi cổ tự có lúc thạnh lúc suy, chư Tăng đến rồi đi,
không có cái gọi là sở hữu mà chỉ xem ngôi cổ tự là nơi an trú trong bước đường
hoằng dương phật pháp.
Thế rồi, cùng với nhịp phát triển
của xã hội, chùa chiền ngày càng được chính phủ để mắt đến như một nơi tín
ngưỡng tâm linh của nhân loại, cũng là thắng cảnh để khách du lịch vãng lai
chiêm ngưỡng.
Năm 1999, Phương trượng Thích
Quảng Lâm trú trì Tuyết Phong Tự tọa lạc tại thành phố Phúc Châu, khu Mân Hàu đã
kiến nghị cùng chính quyền địa phương và ban Tôn giáo trùng kiến, mở rộng, tôn
tạo ngôi cổ tự Vạn Phật, và ngôi cổ tự này ngày nay được xem là lớn nhất toàn
quốc với cái tên Kỳ Sơn Vạn Phật tự.
Năm 2001, chính quyền thành phố
Phúc Châu, Trung quốc đề cử phương trượng Thích Quảng Lâm đảm nhiệm chức vụ trú
trì, với sự phát tâm hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp tư nhân có tâm từ thiện
cao độ là Phật tử Hoàng Như Luận, ủng hộ tịnh tài tịnh vật trùng kiến ngôi Kỳ
Sơn Vạn Phật Tự trên tổng diện tích là 1310 mẫu [1 mẫu (亩)
= 666,67 m2 (平方米),
theo Baidu].
Diện tích và tổng thể xây
dựng của ngôi cổ tự
Trên tổng diện tích 1310 mẫu,
trong đó diện tích xây dựng 380 mẫu, bao gồm: Thiên Ngọc điện (điện Thiên Ngọc);
Chung cổ lầu (lầu chuông trống); Đại hùng bảo điện (chánh điện); Học giới đường
(phòng giảng dạy thiền môn quy cũ); tọa thiền đường (nơi tọa thiền); trai đường
(nhà ăn); niệm Phật đường (gian nhà dành cho Phật tử tu tập); Bát nhã đường (nơi
dành cho Tăng chúng tu tập), và một số công trình phụ gồm 300 mẫu (như nơi để xe
cho khách thập phương, chỗ nghĩ chân cho khách du lịch…) hoa viên 570 mẫu, hồ
phóng sanh 60 mẫu, cổng chùa cao 23 mét, rộng 60 mét, đại hùng bảo điện cao 30
mét, và đặt biệt 12 trụ cột được khắc biểu tượng rồng bằng chính ngọc Miến Điện.
Ngoài ra còn có lầu phương trượng (khu đặt biệt dành cho cao Tăng). Nhìn tổng
quan, quả là công trình kỳ vĩ có một không hai.
Nhưng đó chỉ là về mặt “tổngthể”,
còn về phần “chất lượng” thế nào? Mời mọi người hãy cùng chúng tôi suy nghĩ về
một “Pháp hội” đông đúc và quy mô tại ngôi cổ tự này!
Pháp hội khai quang
Có lẽ không ít Phật tử hoặc du
khách việt Nam đã từng đi du lịch sang Trung Quốc, cũng tận mắt thấy được sự kỳ
vĩ về kiến trúc chùa chiền của đất Trung Hoa. Thế nhưng, nên hay không khi quá
quan tâm đến hình thức kiến trúc kỳ vĩ để làm bắt mắt khách du lịch mà vô hình
chung biến hình ảnh vị Bổn Sư cao cả của chúng ta thành mục tiêu để làm du lịch.
Cái giá trị nhiệm mầu của giáo lý đạo Phật ngày nay đã thực sự phai nhạt trong
xã hội Trung Hoa, nhất là giới trẻ. Ở Trung Hoa hiện nay, giới trẻ chỉ biết tôn
sùng “chủ nghĩa kim ngân” khi mà hầu hết mỗi gia đình chỉ có duy nhất một con.
Thời hoàng kim Phật giáo Trung Quốc bây giờ còn đọng lại chỉ là cái bóng mờ của
quá khứ. Điều này chứng minh qua những sự kiện lễ hội gọi là “lễ khai quang”,
“lễ an vị”, hoặc trai đàn “Dược Sư”, tuần lễ “vía Di Đà”, lễ hội “Quan Âm”,
“tháng phóng sanh”, v.v… Vẫn biết tất cả những việc làm ấy đều đem lại những lợi
lạc không ít cho người Phật tử, nhưng chúng ta dùng cái “tâm” để tổ chức, và
“tùy duyên bất biến” theo giáo lý của đức Phật để mà bố giáo hay khuyến hóa con
người bước vào đời sống tinh thần thì hay biết bao! Thế nhưng thực trạng thế nào
khi bản thân nhìn nhận một buổi lễ kéo dài 5 giờ đồng hồ trong sự ồn ào không
một chút thanh tịnh, không một thời bố giáo và không ngớt tiếng ồn chát chúa bao
vay. Chùa là gì? Là nơi trang nghiêm thanh tịnh, là nơi nương tựa tinh thần lao
nhọc cho con người sau những ngày vất vả nhọc nhằn vì cơm, áo, gạo, tiền hay
những lúc mỏi mệt nhất, họ muốn tìm đến tiếng chuông, lời kinh, tiếng kệ trầm
bỗng thanh thoát, giúp tinh thần giảm bớt bì quyện; ấy vật mà, một buổi lễ kéo
dài 5 giờ đồng hồ với khoảng hơn 3000 người đến tham dự pháp hội trong tiếng
pháo nổ ầm ĩ, cùng những tiếng trống rước lân, múa rồng không ngớt của những đội
lân tranh nhau đua tài. Thêm vào đó là khói hương nghi ngút đến ngạt thở, những
cây hương to và cài đến cả mét vẫn được liên tục đốt và cắm lên. Trên đại hùng
bảo điện, mặc chư Tăng dùng micro tụng kinh vẫn không thể nghe được tiếng kinh
lời kệ, bên ngoài chánh điện là khoảng sân rộng với hai đội lân tranh tài, cùng
tiếng vỗ tay và những tràng pháo đại đì đùng không dứt, thậm chí hai người ngồi
kề nhau vẫn phải kề sát tai mới có thể nói nghe được. Thế thì một lễ hội như thế
sẽ đem lại lợi lạc gì?
Tổ chức “lễ hội” thế nào
để lợi lạc hữu tình
Pháp hội là gì? Cũng gọi là “pháp
sự”, hay “trai hội”, tức tổ chức những sự kiện mang tính Phật giáo, trong đó có
chư Tăng vân tập và Phật tử thập phương câu hội. “Pháp hội” tức tụ hội trong sự
trang nghiêm thanh tịnh, sự việc thanh tịnh, trong đó có sự cúng dường Phật
phương chư Phật, chư Bồ Tát, và đồng thời thiết trai nghi cúng dường chư Tăng
Ni, thuyết pháp, thí thực, hoặc tán thán công đức của chư Phật trong sự kiện đó,
ấy là ý nghĩa của việc tổ chức Pháp hội. Nhưng có lẽ tùy theo từng quốc gia lãnh
thổ mà ý nghĩa pháp hội có chút sai biệt, chung quy vẫn không ngoài những điều
đã nêu. Đối với đất nước Trung Hoa, trong lễ hội dường như yếu tố múa rồng, múa
lân hay đốt pháo luôn được hiện diện, cùng với một số tập tục dân gian nơi từng
bản địa là điều không thể thiếu. Tôi thiết nghĩ, tập tục cũng xuất phát từ văn
hóa bản địa dân gian, do vậy, Phật giáo mỗi nơi đều có sự ảnh hưởng nhiều ít
trong văn hóa bản địa ấy. thế nhưng những tập tục dân gian ấy có thể chấp nhận
để cho buổi lễ thêm phần long trọng, nhưng nghi lễ dân gian ấy chỉ nên thực hiện
khi cung nghinh quan khách hoặc giới chức sắc mà thôi, và sau đó là sự trang
nghiêm yên tịnh để chư Tăng đi vào nghi lễ Phật giáo, mà mọi người đến tham dự
pháp hội đều nhận được sự thanh tịnh và đầy đủ ý nghĩa ngay trong Pháp hội ấy.
Thật quá ngỡ ngàng và hụt hẫng
khi nhìn Pháp hội giống như một cái đám cúng đình. Mấy ngàn người bao gồm tín đồ
từ phương xa dùng mọi phương tiện đến dự pháp hội với mục đích gì? Phải chăng họ
đến với quan niệm rằng là thắp hương, xá Phật để được Ngài bảo hộ tai qua nạn
khỏi, hay cầu tài, cầu phúc… giống như học giả Trung Quốc đã nói: “Đạo Phật ở
Trung quốc chỉ còn ứng dụng cho người già hay người buôn bán cầu tài, cầu phúc”
(trong phần hiện tượng cơ bản của tín ngưỡng Phật giáo của tác phẩm Tín ngưỡng
Phật Giáo và xã hội biến thiên. Tác giả: Pháp sư Lãng Vũ, Pháp sư Thánh Khải và
Lý Hướng Bình, trang 86-93. Văn hóa Tôn giáo xuất bản, 2007); hay họ đến vì sự
hiếu kỳ?
Vì muốn pháp hội được rộng mở một
cách có ý nghĩa, trong đó Phật giáo ngày càng hưng thịnh, hay những dòng pháp
nhũ được đến với tín đồ trong pháp hội quy mô hiếm có như thế, tôi xin nêu lên
những gì mình cảm nhận như vậy để chia sẻ cùng bạn đọc.
Chúng ta hãy làm đúng theo tinh
thần đạo Phật vì sự hoằng truyền Phật pháp, “tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy
duyên”, đừng để pháp hội ngày càng nhiều mà lợi ích của pháp hội đem đến lại
càng mỏng dần và thậm chí mờ nhạt. Lợi lạc hữu tình là bản hoài của chư Phật,
làm Pháp hội là cách hoằng dương Phật pháp, một cách nhân rộng hình ảnh của Đạo
Phật trên toàn cầu, nhưng xin đừng để cho ý nghĩa “Pháp hội” ngày càng sai lệch
với ý nghĩa của hoằng Pháp.
(Ngày 5 tháng 11 năm 2011)
phapluanonline