Giáo dục Việt Nam- bệnh nan y hay "tâm bệnh"?

Tác giả: Trần Ngọc Thạch

·          

Mọi cái mới trước khi được thừa nhận đều trải qua một giai đoạn quá độ 'thai nghén' khó nhọc. Không phải thay đổi nào cũng thành công, nhưng nếu không có sự thay đổi thì cũng không thể có thành công. Muốn thay đổi được những cái lớn, trước hết cần phải thay đổi tư duy. Hãy thử tư duy ngoài chiếc hộp!

Một đất nước, xã hội không coi trọng đúng nghĩa nền giáo dục; trầm trọng hơn, nếu nền GD đó mang những mầm bệnh trong một thời gian dài... thì đất nước, xã hội đó có vấn đề!

Nhiều lãnh đạo, nhà giáo lão thành, nhà khoa học tâm huyết từng lên tiếng. Nghị trường Quốc hội cũng 'nóng' trong nhiều kỳ bàn thảo. Cộng đồng mạng bức xúc... Nhưng, hầu hết như những viên đá ném xuống ao bèo! Bộ GD và ĐT vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong khi xã hội lại lãnh đủ những hệ luỵ, sản phẩm tồi của nó. Từ lâu lắm rồi.

Ai cũng biết đầu tư cho GD là đầu tư khôn ngoan nhất. Nhìn sang các nước lân cận, một nền GD tiên tiến luôn đi kèm (nếu không muốn nói là điều kiện tiên quyết) để một xã hội, đất nước phát triển. Ví dụ rõ nét nhất là Singapore và Hàn Quốc.

Ở ta, trong những nhiệm kỳ qua, Nhà nước cũng đã đầu tư cho ngành GD với những khoản tiền không nhỏ. Thế nhưng, nền GD nước nhà vẫn như một cỗ xe ngựa ì ạch, dù được trang trí, sơn phết, thay thế phụ tùng... hàng năm.

Một cơ thể yếu đuối, suy nhược thường hay nảy sinh bệnh tật. Một khi căn bệnh kéo dài, lờn thuốc, nếu không phải là triệu chứng của một căn bệnh "nan y" thì chỉ có thể là "tâm bệnh".

 

Ai cũng biết đầu tư cho GD là đầu tư khôn ngoan nhất. Ảnh minh họa - Nguồn: Thanh Vũ - TTXVN

Luật nhân- quả

Nếu có niềm tin tâm linh, thì luật nhân- quả hầu như hiện diện ở cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình, trong xã hội, trong môi trường sống hàng ngày của chúng ta. Nền GD Việt Nam cũng không nằm ngoài qui luật trên.

Nền GD thiên về 'học để thi', kết quả: Xã hội có thừa đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên '400-m-vượt rào' trong thi cử nhưng thiếu kỹ năng sống và làm việc.

Nền GD thiếu trân trọng với 'người thầy'(để họ tự bươn chải kiếm sống bằng 'đủ thứ' nghề phụ). Kết quả: Sản phẩm ra lò (học sinh tốt nghiệp) thường phải được các doanh nghiệp đào tạo lại, nhất là kỹ năng thực hành.

Các doanh nghiệp (chủ yếu là DNNN, cơ quan hành chính công ...) coi trọng bằng cấp, tung hô thành tích (với những con số ảo). Kết quả: Nền GD luôn cung ứng thừa cho xã hội sản phẩm 'đúng theo đơn hàng'. Ai dùng được thì dùng.

Không những thế, mà còn hơn nữa.

Abutaliv, nhà thơ xứ Daghestand vùng Trung Á đã từng nói: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác." Thật vậy, xã hội Việt Nam đang phải gánh chịu những 'quả đắng' từ một nền GD 'đi ngược' với trào lưu tiên tiến.

Một bạn đọc trên mạng đưa ra lời nhận xét đầy hình tượng mà rất có lý: "GD ở Việt Nam đang chạy marathon ngược. Các nước phương Tây tiên tiến: Nhỏ học vừa đủ (chạy chậm theo nhịp ), học kỹ năng sống là chủ yếu, tăng dần đến ĐH và sau ĐH thì học cật lực. Ra đời bon chen cật lực (chạy nước rút).

Việt Nam ta: Nhỏ thì học kiệt sức lực (chạy nước rút) cho đến khi qua được kỳ thi tuyển ĐH là bắt đầu lơ tơ mơ... (chạy tự do)".[1] Chung qui là, nền GD nước ta đang bị thả nổi hoặc bị hấp lực "đồng tiền" và "bằng cấp" chi phối. Bởi bản chất nền GD chúng ta là học để thi, không phải học để làm.

Tư duy ngoài chiếc hộp

Chúng ta đã từng nghe nói đến Gallileo với câu nói nổi tiếng: "Dù sao thì trái đất vẫn quay" trước khi bị Giáo hội La Mã đưa lên dàn thiêu, vì dám ủng hộ học thuyết trái đất quay xung quanh mặt trời của Copernicus.

Trong cuốn "Lãnh đạo và sự tự lừa dối", Arbinger đã đưa ra khái niệm tư duy ngoài chiếc hộp (với nghĩa đen là đặt 'cái Tôi' ra ngoài trung tâm tư duy) đối với nhà lãnh đạo muốn giải quyết những vấn đề đang bế tắc của công ty. Với nhà lãnh đạo một tổ chức lớn, nếu chỉ quanh quẩn với kiểu tư duy nằm trong 'chiếc hộp', anh ta sẽ thiết lập sai tầm nhìn, và có nguy cơ dẫn cả tổ chức đi sai mục tiêu.

Thử hình dung một quốc gia là một tòa nhà với thiết kế đơn giản như hình 1, ta thấy rõ 3 phần: (1) Phần móng với nền tảng bao gồm các giá trị phi vật chất như tôn giáo, văn hóa và GD. (2) Phần không gian trung tâm kinh tế với ba trụ cột chính là DNNN, DN tư nhân và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI). (3) Phần mái thể hiện cho thể chế và hệ thống chính trị.

Rõ ràng là, ngoài hai thành tố có tính liên kết, bổ trợ là tôn giáo và văn hoá, thì GD là một thành tố cơ bản của nền tảng xã hội. Nó cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho ba trụ cột kinh tế chính và cho cả hệ thống chính trị để phát triển bền vững. Với nguồn nhân lực yếu, tất nhiên cả bộ máy kinh tế và hệ thống chính trị sẽ hoạt động rệu rã, thiếu sinh khí.

Như vậy, trong thời điểm cần tái thiết lại nền kinh tế quốc gia và thể chế chính trị phù hợp, chúng ta cũng cần xác định mô hình chuẩn (tương đối) cho nền GD Việt Nam nếu thực sự chúng ta muốn chấn hưng GD.

Qua tham khảo (sách báo) các nền GD của các nước tiên tiến, dù không dám "múa rìu qua mắt thợ" người viết bài xin được lạm bàn dạng mô hình GD hình phễu của các nước, như hình 2.

Mô hình GD của Việt Nam hiện nay, cơ bản dựa vào cơ cấu tổ chức với 2 hệ thống GD cơ bản và giáo dục nâng cao. Việc điểm định chất lượng tuỳ thuộc vào tiêu chí (độ khó tăng dần) của hai đợt khảo thí (thi tốt nghiệp, chủ yếu là thi tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp CĐ/ĐH).

Việc giám sát chất lượng dạy và học sẽ do một Ban Giám sát, tuỳ vào cấp độ, liên kết giữa Bộ GD và ĐT và Ban Giám sát của Quốc hội và tổ chức xã hội (gồm các nhà giáo, nhà khoa học đã nghỉ hưu v.v.) tại mỗi địa phương, tổ chức giám định theo định kỳ và thông báo kết quả giám sát trên website của Bộ hoặc của Quốc hội.

Như vậy, với hệ thống giáo dục nâng cao, chúng ta chỉ cần giám sát theo quá trình và quản trị theo mục tiêu 'đầu ra' của mỗi cơ sở, với hình thức thi tín chỉ. Số lượng và chất lượng đầu vào do cơ sở xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, chỉ tiêu tuyển sinh và cơ sở trường lớp (không tổ chức hoặc tổ chức thi tuyển cục bộ, tuỳ trường).

Nếu xem các trường CĐ/ĐH là một loại hình DN kinh doanh 'sản phẩm GD' đặc thù, thì chất lượng 'đầu ra' của nó sẽ do thị trường GD (cá nhân sinh viên, gia đình và xã hội) kiểm chứng và giá trị thương hiệu của nó sẽ quyết định giá cả 'đầu vào', không phân biệt ĐH dân lập hay ĐH công lập.

Nếu đã là DN có tư cách pháp nhân thì mọi 'hoạt động sản xuất-kinh doanh' của nó phải tuân thủ theo đúng pháp luật, ở đây là Luật GD ĐH, nếu được Quốc hội thông qua và ban hành (Tôi không rõ các trường ĐH ở các nước tiên tiến chịu sự quản lý và chi phối của cơ quan luật pháp nào?).

Với những ngành nghề đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh thuần tuý (tài chính, marketing, quản trị - kinh doanh, v.v.) có thể cho phép các tổ chức nước ngoài liên kết hoặc tự thành lập trường, tạo sự canh tranh bình đẳng để kích thích sự phát triển và nâng tầm cho các cơ sở quốc nội.

Việc chuẩn hoá dạy và học phụ thuộc vào quan điểm của xã hội, nhà trường, gia đình và thầy cô, về việc xác định vị trí chủ thể (học sinh) nằm ở đâu? Phụ thuộc hay là chủ thể? Từ đó đề ra phương pháp dạy và học phù hợp cho từng giai đoạn của học sinh.

Môi trường GD- hoặc nâng lên, hoặc nhấn chìm

Cũng cần phải xác định rằng, môi trường GD, chất lượng giáo viên, cơ sở và phương pháp dạy- học có tác động rất lớn đến việc tiếp thu tri thức của đứa trẻ. Điều này giải thích cho hiện tượng, đa số du học sinh Việt Nam tại các trường nước ngoài đều học suất sắc, khi có điều kiện tương tác và giao tiếp phù hợp.

"Môi trường GD" là thứ rất quan trọng, đặc biệt trong GD. Nó có thể nâng tầm học sinh (và giáo viên) lên nhưng cũng có thể nhấn chìm họ trong dòng nước xoáy của nó.

Xem hình 3, ta thấy sự tương tác chéo giữa giáo viên và học sinh sẽ giảm dần từ bậc tiểu học lên bậc CĐ/ĐH, giai đoạn mà hầu như học sinh được chủ động hoàn toàn trong cách thức và phương pháp tiếp thu thi thức.

Với các trường tiên tiến ở Mỹ, học sinh hầu như chủ động việc học, giáo viên chỉ gợi ý và giải đáp câu hỏi, từ bậc THCS. Với nền tảng công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc học chuyên sâu sẽ dễ dàng hơn với học sinh nhờ lượng kiến thức đồ sộ trên mạng và mối giao tiếp rộng mở, nếu khá về khả năng ngoại ngữ và kỹ năng vi tính.

Bàn sâu hơn về chất lượng 'đầu ra' cho xã hội, theo thiển ý của tôi, với nền GD tiên tiến, chúng ta cần đào tạo những con người trí dũng, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Để có được con người trí dũng, thì mục tiêu của hệ thống GD là nhằm đào tạo con người có đủ ba phẩm chất TRÍ - THỂ - MỸ.

Đó là những phẩm chất: Có năng lực thu nạp và ứng dụng tri thức, có thể chất cường tráng và có xúc cảm mỹ học (nhân ái, yêu cái đẹp, nghĩa khí,...). Từ kinh nghiệm của bản thân, thì người thầy (cô) có vai trò rất lớn trong việc hình thành một phần nhân cách và trí tuệ của học sinh sau này, là tấm gương sáng cho lớp trẻ kể cả khi chúng vào đời.

Năng lực trí tuệ (chỉ số IQ) của con người, qua các mẫu khảo nghiệm ngẫu nhiên bình quân trên thế giới, thường có phân bố như hình 4.

Sự phân bố trong tự nhiên của giới động - thực vật cũng tương tự trong môi trường sống của chúng. Trong nông- lâm nghiệp chúng ta đã ứng dụng công nghệ nhân giống vô tính với 10-20% của những cá thể ưu việt trong quần thể, tạo ra những cánh đồng lúa, khoảnh rừng năng suất vượt trội, kháng chịu được sâu bệnh v.v. trên diện rộng.

Với xã hội Do Thái cổ, từ xưa người ta đã biết 'kết giao' giữa tầng lớp doanh nhân giàu có với giới học giả, tri thức trong xã hội. Điều này lí giải vì sao người Do Thái thường thông minh hơn trong cộng đồng đa sắc tộc tại Mỹ và châu Âu.

Số 5% IQ vượt trội này (nguồn lực chất xám), ở từng giai đoạn, nếu được xã hội 'trọng dụng' (và 'nhân rộng' nguồn gene, bằng nhiều hình thức - hình 5) trong đội ngũ các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý v.v... thì chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá trong việc tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, nhằm đẩy mạnh nền kinh tế đất nước.

Về vấn đề này, GS. Tom Plate đã chia sẻ trong cuốn Đối  thoại với Lý Quang Diệu[2]: Ông cũng đồng quan điểm với A.J. Toynbee rằng một nền văn hóa, hoặc quốc gia nếu thiếu đi những nhân vật tinh hoa nhiệt tình, trình độ cao, có khát vọng lớn lao là được phục vụ xã hội thì đất nước sẽ rơi vào tình trạng phản ứng chậm chạp - đây có thể là bi kịch, thậm chí trở thành một thảm họa." (p.75) "Nếu không có giới tinh hoa lãnh đạo thì Singapore không thể được như ngày nay." (P.107)

Và, Lý Quang Diệu tin rằng "một nền chính trị mà những quyết định quan trọng lại nằm trong tay những người không đủ năng lực, hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích nhỏ nhen có tổ chức và các nhóm vận động hành lang thì nền chính trị đó là kẻ thù của chính sách công tốt." (P.256)

GD, chính sách công hay những thứ tương tự suy cho cùng, cũng chỉ là những công cụ, phương tiện thực thi quyền lực của bộ máy Nhà nước. Nếu rơi vào tay người điều hành tốt, nó là phương tiện hữu ích. Ngược lại, nó sẽ là công cụ trục lợi nếu rơi vào cá nhân (hoặc nhóm người) điều hành vị kỷ. Điều này cũng dễ dàng kiểm chứng khi cái lợi ích cốt lõi, cuối cùng của những chính sách trên rơi vào đối tượng nào?

Chấn hưng giáo dục, mệnh lệnh của cuộc sống!

Tôi xin mượn lời của GS Hoàng Tụy [3] và nhóm các nhà tri thức trong và ngoài nước (nêu trong bản kiến nghị năm 2009), về đề xuất cải tổ cơ cấu hệ thống GD tập trung vào ba vấn đề lớn:

+ Cải tổ cơ cấu hệ thống GD: "Phải cải tổ cơ cấu hệ thống GD, trong đó cải cách mạnh mẽ hệ thống GD phổ thông và dạy nghề...  Cơ cấu đào tạo khiến cho trong nước thiếu công nhân lành nghề, thiếu kỹ thuật viên trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi."

"GD ở Việt Nam đang chạy marathon ngược. Các nước phương Tây tiên tiến: Nhỏ học vừa đủ (chạy chậm theo nhịp ), học kỹ năng sống là chủ yếu, tăng dần đến ĐH và sau ĐH thì học cật lực. Ra đời bon chen cật lực (chạy nước rút).

Việt Nam ta: Nhỏ thì học kiệt sức lực (chạy nước rút) cho đến khi qua được kỳ thi tuyển ĐH là bắt đầu lơ tơ mơ ... (chạy tự do)".[1] Chung qui là, nền GD nước ta đang bị thả nổi hoặc bị hấp lực "đồng tiền" và "bằng cấp" chi phối. Bởi bản chất nền GD chúng ta là học để thi, không phải học để làm.

+ Đổi mới phương pháp dạy & học, phương thức thi cử: "Học thì cứ miệt mài, nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi vẫn mãi một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng có thể là cơ hội kinh doanh, làm tiền của một số người... Đã có rất nhiều hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, nhưng cho đến nay chủ yếu vấn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa."

+ Đổi mới giáo dục đại học: "GD ĐH của chúng ta đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới... từ nội dung, phương pháp giảng dạy, cho đến việc đào tạo tiến sĩ, tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, ...  Thế nên, cần những giải pháp mạnh trong ba vấn đề lớn: Cải thiện chất lượng đầu vào; thay đổi phương thức đào tạo; tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học."

Hãy thử tư duy ngoài chiếc hộp một lần xem. Từ góc nhìn ngược 1800, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng đứa con trai có-vẻ-hư-hỏng của ta cũng có cái lý của nó. Rằng đối thủ kinh doanh của ta cũng có những điều hay cần phải học. Rằng xã hội ta cần có nhiều điểm sáng (như Bộ trưởng Đinh La Thăng,...) để cộng đồng tiếp thêm lửa, để đốm lửa 'đổi mới' không có nguy cơ cháy âm ỉ rồi tắt ngấm...

Mọi cái mới trước khi được thừa nhận đều trải qua một giai đoạn quá độ 'thai nghén' khó nhọc. Không phải thay đổi nào cũng thành công, nhưng nếu không có sự thay đổi thì cũng không thể có thành công. Muốn thay đổi được những cái lớn, trước hết cần phải thay đổi tư duy.

Hãy thử tư duy ngoài chiếc hộp!                                            

(tuanvietnam.net)     

                                                                                                 

Tham khảo:

[1]: Bài của Mẫn Chi, "Đẻ xong là có bằng thạc sĩ, tiến sĩ," (VietNamNet, ngày 02/11/2011).

[2]: GS. Tom Plate, tác giả cuốn Đối  thoại với Lý Quang Diệu - Nhà nước công dân Singapore: Cách thức xây dựng một quốc gia.

[3]: Bài của Hạ Anh, GS Hoàng Tụy  buồn ... (VietNamNet, ngày 26/09/2011).

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle