Mượn xây chùa để “xây người”?

Minh Thạnh

Tất nhiên, tôi không theo xu hướng lo xây chùa không lo “xây người” (1), và cũng đã có lần đặt vấn đề có những điều cần cho Phật giáo hơn là chùa to tượng lớn.

Tuy nhiên, để lý giải vì sao một bộ phận không nhỏ tu sĩ và tín đồ Phật giáo nghiêng về xu hướng chùa to tượng lớn, lo xây chùa không lo “xây người”, chúng ta cần đặt mình vào vị trí những người nghĩ như vậy và làm như vậy, thì chúng ta mới hiểu được căn nguyên của vấn đề, từ đó, nghĩ đến cách điều chỉnh nó.

Trực trạng lo xây chùa không lo “xây người” mà một số bài viết, ý kiến trên mạng đề cập, tuy sơ nét, nhưng chúng ta đều có thể hình dung ra ngay vấn đề, rất rõ ràng và đầy đủ, vì chúng ta đều trực diện cảm nhận trong thực tế.

Đó không phải là thực trạng chỉ có ở Phật giáo Trung Quốc hay Phật giáo Bắc tông, vì ở nhiều nước Phật giáo Nam tông, không chỉ có chùa to, tượng lớn, mà đã đi tới mức chùa vàng tượng vàng, và lớp vàng kim loại quý đó ngày càng dày lên theo thời gian với sự nhiệt thành của Phật tử.

Tôi không phải là người theo chủ nghĩa thực dụng và giải thích mọi việc theo con mắt của triết học thực dụng, nhưng cách nhìn của triết học thực dụng, trong một số trường hợp có thể giúp chúng ta lý giải được vấn đề.

Suy cho cùng, thì dù giới hạn, nhưng triết học thực dụng vẫn phảng phất màu sắc nhân duyên của Phật giáo. Tôi muốn nói đến nhận định của W. James được coi là kinh điển của triết học thực dụng: “… các căn cứ thực tế duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra để nói rõ tại sao nói chung có một cái gì xuất hiện trên thế giới, đó là có một người nào đó muốn rằng cái ấy xuất hiện”.

Theo quan điểm ấy thì bất cứ một hành động nào, bất cứ một hành vi nào, miễn là có ích ngay cho những cá nhân “tích cực hoạt động” thì đều là chính đáng như nhau” (2).

Vậy, từ một thực trạng, muốn hiểu nó, thì phải tìm hiểu nguyên nhân. Phật giáo, triết học Mác hay triết học thực dụng… cũng đều quan tâm đến nguyên nhân, dù có khác nhau về cách nhìn.

Vậy, thực trạng chùa to tượng lớn, lo xây chùa hơn lo “xây người”… có cái lý do tồn tại của nó, có ích lợi của nó, có những chủ thể tích cực tạo tác theo xu hướng đó, có nguyên nhân hợp lý của nó.

Chúng ta hãy tìm hiểu những cái đó, vì nó hết sức cần thiết, khi muốn tìm cách điều chỉnh thực trạng.

Hiển nhiên, có không ít tu sĩ và tín đồ Phật giáo rất muốn xây dựng chùa to tượng lớn, xem đó là ưu tiên hàng đầu, trên hết và họ “tích cực hoạt động” cho điều đó, rất “muốn rằng” như thế… Điều đó dẫn tới hiện trạng “Bỏ quá nhiều tiền xây chùa mà không xây người”, như một bài viết đã đề cập.

Điều đó, phải từ số nhiều, hay nói dè dặt, một số không nhỏ, hay dè dặt hơn nữa, số người có nhiều tiền. Lẽ đơn giản, vì phải chăng có nhiều tiền nên một số đó mới có khả năng định hình thực trạng chùa to tượng lớn trên phạm vi toàn thế giới như hiện nay.

Trước tiên, phải hiểu xây dựng chùa to, tượng lớn là điều dễ làm. Vì dễ làm, nên đây là cách những người nhiều tiền, còn những người chỉ có ít tiền cũng dễ lựa chọn khi muốn bày tỏ lòng tôn kính Phật, tâm nguyện muốn phụng sự cho đạo Phật, dù với tài chính hiến cúng ít ỏi.

Trong khi “xây người” là một cái gì đó rất trừu tượng, xa xôi cả về hình dung công việc lẫn kết quả. Còn “xây chùa” thì có thể thấy kết quả cụ thể rõ ràng, trước mắt, bền vững (theo nghĩa vật chất), mau chóng kết quả (chỉ sau vài tháng).

Những người đứng ra tổ chức chỉ đạo việc xây chùa dựng tượng hay những người gửi gắm tiền của vào việc đó đều có thể dễ dàng thoả mãn kết quả, mà họ có thể coi là sự thể hiện tâm đạo, của việc tích lũy công đức của mình qua những vật thể rất cụ thể, nhìn thấy, sờ thấy, nghe thấy… Họ khởi sự hỷ lạc dễ dàng đối với điều có thể rất đơn giản, mà cũng rất chính đáng đó.

Sự hưởng thụ, hoan hỷ với kết quả rất cụ thể đó có thể là động lực, sự thôi thúc, thuận duyên cho những việc làm tương tự tiếp theo… Cứ thế, sự tôn kính Đức Phật, sự sùng mộ đạo Phật, sự hoan hỷ đối nối nhau thể hiện bằng chùa to tượng lớn, có thể từ hàng ngàn năm trước, không phải đến bây giờ mới có. Ngày xưa người ta hình dung công đức bằng vàng thỏi, bạc nén. Ngày nay, người ta nói đến con số triệu đô la như trong một vài bài viết.

Tuy nhiên, cũng cần thấy đây không phải là vấn đề của riêng của Phật giáo, mà là của chung phần lớn các tôn giáo. Hầu như một số không nhỏ nói chung tu sĩ và tín đồ các tôn giáo đều thể hiện lòng nhiệt thành tôn giáo của mình cùng một cách như nhau, không riêng gì ở Đạo Phật. Những ngôi nhà thờ còn hoành tráng hơn nhiều so với những ngôi chùa. Những tượng chúa, tượng đức mẹ, thánh giá trên khắp thế giới, nhất là ở những quốc gia như Ba Lan, Brasil… còn nhiều, còn lớn hơn so với tượng Phật.

Xu hướng như thế không chỉ có ở phía tôn giáo mà cũng có ngay cả từ phía “không tôn giáo”. Chúng ta không xa lạ với cụm từ “bệnh tượng đài”…

Đó là nhìn vấn đề trên bình diện rộng, còn thu hẹp giới hạn tìm hiểu vấn đề ở chỉ riêng Phật giáo Việt Nam, thì chúng ta có thể thấy nhiều nguyên nhân nữa để lý giải vấn đề.

Trong bối cảnh nước ta và có lẽ cũng ở nhiều nước khi xây chùa, dựng tượng, người hiến cúng yên tâm hơn, vì số của cải mà mình đã bỏ ra để làm việc công đức định hình chùa, tượng ngay. Còn như “xây người” thì nó mơ hồ như dấu ngoặc kép phải đặt ở bên trên cụm từ.

Xây chùa dựng tượng thì chắc có chùa có tượng, theo cách nghĩ trước tiên ở nhiều người, còn “xây người” thì chính là xây vào cái dễ dao động nhất.

Trong không ít trường hợp, xây chùa dựng tượng cũng góp phần gia tăng mức “Phật hóa” những bất động sản đã thuộc về Tam Bảo. Nói cách khác, nó ngăn chận việc chiếm dụng của chung đàn na tín thí, biến thành của tư. Mảnh đất có một tượng Phật, hay một ngôi chùa to thì nó đã được xác lập “sở hữu Phật”, điều mà những người cúng dường muốn thấy, hơn là mảnh đất trên đó có một ngôi trường chẳng hạn. Vì vậy, dù trong thâm tâm, có người cũng ý thức được giá trị tầm quan trọng của việc “xây người”, nhưng họ vẫn hướng đến việc xây chùa hơn là “xây người”.

Quán tính tập thể trên đã có từ truyền thống nhiều ngàn năm cũng là những nguyên nhân cần kể đến. Phật giáo cả thế giới vẫn xây chùa to tượng lớn, tổ tiên ông bà chúng ta cũng thế, nên để lại cho con cháu hôm nay một số lượng lớn chùa chiền, mà thực lòng, chúng ta vẫn còn thấy chưa phải là nhiều? Thế thì tại sao lại đặt vấn đề cân nhắc việc xây chùa đúc tượng…?

Cũng có thể có vị cho rằng xây chùa to, dựng tượng lớn…, cũng là những pháp môn tu, nói đến ở kinh này, kinh khác. Tu như thế, thì rõ ràng là rất dễ…

Tựu trung lại, “Bỏ quá nhiều tiền xây chùa mà không xây người” có những nguyên nhân hợp lý của nó. Rất khó để có thể điều chỉnh từ hướng xây chùa sang định hướng “xây người”.

Ở đây, chúng tôi hướng tới việc vẫn xây chùa nhưng trong điều kiện lồng ghép, kết nối chặt chẽ, gắn bó mật thiết việc xây chùa với việc “xây người”.

Tức là làm sao không tách rời 2 mục tiêu xây chùa và xây người trong các hoạt động của Phật giáo.

Điều này thuộc trách nhiệm và cũng như trong khả năng của quý vị tôn đức, tăng ni.

Chúng ta có thể quan niệm xây chùa là phát triển phần cứng của Phật giáo, còn “xây người” là phát triển phần mềm của Phật giáo.

Nếu phần cứng và phần mềm phát triển không đồng bộ, thì ắt sẽ phát sinh tình trạng bất hợp lý, việc phát triển bị trở ngại, phát sinh lãng phí, hệ thống vận hành què quặt.

Vì vậy, đương nhiên “phần cứng” và cả phần mềm phải phát triển song song đồng bộ.

Theo hình mẫu của sự phát triển công nghệ thông tin, chúng ta có thể nghĩ đến 3 cách:

1.                  Phát triển có kế hoạch song song phần mềm và phần cứng. Đối với Phật giáo tức là “xây người” song song với xây chùa, trong sự gắn kết, phối hợp. Điều này không khả thi lắm, vì Phật giáo Việt Nam nói riêng, Phật giáo thế giới nói chung có những biểu hiện nghiêng hẳn về phía xây chùa riêng biệt, tức là phát triển “phần cứng” tách rời với “phần mềm”, ít tính đến yêu cầu phát triển phần mềm hơn, nên có thể có chùa to, nhưng là chùa “rỗng”, tượng lớn, nhưng là tượng lạnh, vì thiếu người chăm sóc, lễ bái, hương khói trường kỳ (thậm chí rồi muốn phá là phá được ngay, như 2 pho tượng khổng lồ ở Afghanistan, chùa chiền tượng Phật ở Trung Quốc trong bão táp của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa…).

 

2.                  Phát triển phần mềm và lấy phần mềm thúc đẩy việc phát triển, phổ biến phần cứng tương ứng, như cách làm của công nghệ thông tin. Cách làm này đương nhiên không thích hợp với Phật giáo, đang chỉ có xu hướng chạy theo phần cứng (chỉ lo chùa to, tượng lớn).

 

3.                  Vẫn phát triển phần cứng, nhưng có dụng ý đòi hỏi phần mềm tương ứng. Cách này được hiểu trong hoàn cảnh Phật giáo là cũng ưu tiên lo xây chùa, nhưng ghép yếu tố “xây người” vào đó một cách có tính toán. Mục tiêu chính là “xây người”, mượn xây chùa để “xây người”.

Ba phương cách nói trên, Phật giáo Việt Nam đều có thể vận dụng nhưng như đã trình bày, cách thứ ba là cách thuận tiện, phù hợp hơn cả.

Ở cách thứ nhất, có thể lấy ví dụ là các chùa Phật học ở miền Nam trước 1975. Một số Phật tử hành đạo theo xu hướng xây chùa to tượng lớn, không chú trọng nhiều đến Tăng Bảo.

Nên buổi đầu các chùa Phật học do Hội Phật học lúc đó sở hữu thường là không có tăng, quyền điều hành phần lớn nằm trong tay các vị cư sĩ hội viên. Thế là phát sinh vấn đề “phần cứng” cần “phần mềm”. Quý vị cư sĩ lập chùa phải tìm quý tôn đức, tăng ni đạo cao đức trọng, nhất là có trình độ Phật học uyên bác về để góp phần điều hành chùa, trụ trì chùa.

Đã là chùa “Phật học” thì không thể rước thầy cúng. Điều này gián tiếp đưa tới kết quả là một số chùa Phật học trước đây nay đã được điều hành bởi nhiều vị tăng ni Phật học uyên bác.

Tiêu biểu cho cách thứ hai là trường hợp của Phật học đường Nam Việt, tức chùa Ấn Quang ngày nay.Với cơ sở này, quý vị tôn đức lúc đó lo việc “xây người” hơn là xây chùa, xác định rõ trong tên gọi Phật học đường Nam Việt, tức là cơ sở đào tạo tăng ni cho khu vực mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Bộ. Kết quả là khi đã đào tạo được một số vị tăng tài, thì việc kiến tạo chùa chiền cũng theo đó mà phát triển, hình thành một hệ thống chùa thuộc Tổ đình Ấn Quang. Đó là phần mềm thúc đẩy phần cứng.

Còn cách thứ ba thì có lẽ thích hợp hơn cả với hoàn cảnh Phật giáo Việt Nam hiện nay, và nằm trong khả năng của chư tôn đức, chư vị chủ trì việc xây chùa, nhưng lồng ghép vào đó mục tiêu xây dựng cơ sở đào tạo tăng tài, tức “xây người”. Cơ sở vật chất của việc “xây người” đã được lo trước, tức là đã đi được nửa đoạn đường “xây người”. Cơ sở chùa chiền sẵn có sẽ là một áp lực để tăng ni Phật tử chú trọng hơn việc “xây người”.

Có thể xem tiêu biểu cho cách thứ ba này là các “thiền viện” do Hòa thượng Thanh Từ tạo dựng. Xây thiền viện là xây chùa, mà cũng chính là xây cơ sở vật chất cho việc “xây người”. Dạng thiền viện như vậy, như chúng ta thường thấy, có chính điện không lớn lắm, vừa đủ cho thiền sinh hành lễ. Nhưng tăng xá khá quy mô, phục vụ hiệu quả việc tu học cho đông đảo tăng ni. Đó là một dạng trường Phật học không có chữ trường, mà là thiền viện, tức là chùa. Đã có cơ sở vật chất, thì công việc còn lại sẽ là trách nhiệm của chư tôn đức.

Ở thiền viện, chúng ta ít thấy tượng Phật lớn. Có lẽ đó cũng là một cách điều chỉnh theo phương án 3, mượn xây chùa để “xây người”, có thể ví von là phát triển “phần cứng” có tính toán để thúc đẩy phát triển “phần mềm”.

MT

 

Nguồn: Tập San Hoằng Pháp 32

………………………………………………………………………………………

1.      “Xây người” tức là đào tạo tăng tài. Cụm từ “xây người” được một số bài viết trên mạng dùng để đối với cụm từ “xây chùa”.

2.      Dẫn lại theo sách của Viện Sư phạm Nhà nước K. Đ. U-sin-ski ở I-a-rô-sláp.


 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle