Nguyễn Nguyên Thảo
Những ngôn từ đao to búa lớn, rổn rảng ồn ào, đầy toan tính nhưng rỗng về nội
hàm tình cảm ngày càng được phát ra nhiều hơn. Cho đến khi người ta có thể nói
hay hơn về tình thương yêu để che giấu trái tim vô cảm thì đó là nguy cơ cho đời
sống.
Một lần, có dịp vào dự
hội thảo tại một trường đại học, tôi thử đếm từ cổng trường vào đến phòng hội
thảo, thấy có đến 38 bảng giới thiệu các lớp đào tạo, dạy kèm, các chương trình
hoạt động, 17 câu khẩu hiệu (slogan) về phấn đấu giáo dục và kêu gọi hưởng ứng
các phong trào hoạt động của sinh viên, chưa kể nội dung các bản tin, bài báo
tường chi chít chữ.
Một lần khác, đi ngang
cổng một trường trung học lớn ở quận 1, tôi cũng đã làm phép đếm tương tự. Có
hàng chục khẩu hiệu, băng rôn, bảng ghi các khẩu hiệu, từ "tiên học lễ, hậu học
văn", "kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "thi đua dạy tốt học tốt", "nhất tự
vi sư, bán tự vi sư" cho đến "nói không với tệ nạn trong học đường" hay "toàn
trường thi đua lập thành tích trong năm học mới"... Các bảng khẩu hiệu đều được
thiết kế chữ to, màu sắc nổi bật, giăng trên những vòm cây, lối đi, những vị trí
quan trọng nhất trong khuôn viên trường học, chiếm ngự hết cả các bức tường, tạo
cảm giác không gian trong sân thường bị bí bức vì bị... chữ đè.
Khẩu hiệu xuất hiện ở
khắp nơi, nhiều đến nỗi làm người ta phát ngán, nhất là khi nó che đậy những
hiện thực tương phản!
Trong tình hình đời sống
hiện nay, chúng ta có dịp giao tiếp, trò chuyện, phát biểu nhiều hơn. Tai chúng
ta phải nghe người khác nói nhiều hơn, nhưng có vẻ như hiệu quả sự truyền đạt
cũng như sự tiếp nhận thông tin lại không được nâng lên. Chữ nghĩa vây bủa không
gian, lời nói lấp đầy mọi khoảng trống, thậm chí, truất hữu cả khả năng quan sát
và suy nghĩ, để che đậy một thứ hiện thực bạc màu, những mối quan hệ chứa đầy
nguy cơ rạn nứt.
Những ngôn từ đao to búa
lớn, rổn rảng ồn ào, đầy toan tính nhưng rỗng về nội hàm tình cảm ngày càng được
phát ra nhiều hơn. Cho đến khi người ta có thể nói hay hơn về tình thương yêu để
che giấu trái tim vô cảm thì đó là nguy cơ cho đời sống.
Hãy thử đặt mình vào vai
một lữ khách đi lạc vào một xứ sở xa lạ, nơi người ta không dùng ngôn từ để giao
tiếp, bạn sẽ tự hỏi, bằng cách nào người bản địa "truyền thông" với nhau? Hay ở
một tình thế khác tệ hơn: một buổi sáng thức dậy, cả thế giới con người bỗng
dưng mất giọng nói, mất khả năng nghe và trống rỗng ký ức về chữ viết, lúc đó
người ta sẽ giao tiếp với nhau thế nào?
Trong buổi tiệc Vô ngôn,
người ta hạn chế tối đa khả năng sử dụng ngôn từ
|
Có lẽ năng lực giao tiếp
của con người lúc đó là quan sát để nắm bắt thông điệp, tình cảm từ người khác.
Trong hai tình huống giả
định này, bạn có thể nghiệm ra rằng, sự quan sát là điều cần thiết trong giao
tiếp, hơn cả mọi hình thức ngôn từ. Quan sát là khâu nền tảng, khởi đầu trong
quy trình tìm hiểu về thế giới chung quanh. Quan sát đem lại khả năng nhận thức
và thông đạt, nhờ đó, phá vỡ những rào cản ngôn ngữ, văn hóa...
Trung tuần tháng 10 vừa
qua, ở TPHCM có một hoạt động gây chú ý, đó là bữa "tiệc vô ngôn" (Silent
party), quy tụ gần 300 người, nhỏ nhất 2 tuổi, lớn nhất 67 tuổi. Trong buổi tiệc
đó, người ta hạn chế tối đa khả năng sử dụng ngôn từ. Họ tắt hết điện thoại,
micro, không dùng đến chữ viết, chỉ thông qua quan sát cử chỉ, điệu bộ để "trò
chuyện" với nhau. Nhiều người sau 60 phút tham gia buổi gặp gỡ không lời ấy, cho
biết họ cảm thấy hạnh phúc vì thoát khỏi thế giới hàng ngày đầy những ngôn từ,
lời nói được dùng một cách phung phí, vô tội vạ, để trở về với sự tinh tế nhất
trong giao tiếp, và sâu xa hơn nữa là sự thấu cảm tâm tình những người chung
quanh thông qua quan sát và ngôn ngữ ký hiệu.
Có người nhận ra, sự vô
cảm và giả dối có thể bị đẩy lùi nếu chúng ta không ngừng đánh thức khả năng
quan sát và thực sự có nhu cầu hiểu được trạng thái tình cảm, nỗi khổ đau và
hạnh phúc của những người sống quanh mình.
·
Theo TBKTSG