* Kính dâng tất cả
mọi người mang tấm lòng, lý tưởng, tình yêu đi vào vô thường, huyễn mộng
với ước nguyện làm lợi lạc, giảm thiểu
khổ đau cho con người…
* Thương tặng Diệu
Tịnh, người bạn Đời và bạn Đạo, với tình thương, lòng kham nhẫn đi bên cạnh săn
sóc trong những ngày cuối đời của tôi.
* Thương tặng hai
con, để hiểu và luôn luôn nuôi sống lý tưởng cùng Ba…..
Cư sĩ Liên Hoa
Bên nắng hồng xưa
cũ
Màu lam phủ chân
đồi
đời người bao suơng gió
niềm tin vẫn lên ngôi
Gió thức giấc sáng
nay
sưởi ấm lòng ẩn sĩ
bên vô ngã vô thường
an nhiên cùng chánh pháp ..
Thành phố tôi đang cư ngụ, được hai ngày mưa trút xuống, làm mát rượi cả bầu
trời, sau gần ba tháng hạn hán. Cây cối hình như đang
cố vươn mình lên, sống lại, sau những ngày tháng dài thiếu nước, cỏ lá vàng khô,
dù Thu chưa tới. Nạn cháy rừng đã lan rộng ở nhiều nơi trong Tiểu bang,
mấy chục ngàn mẫu rừng bị đốt cháy hoang tàn, trơ trọi, ngay cả nhà cửa, trên
một ngàn căn, nhiều nơi là di tích lịch sử, nhưng vẫn không cứu vãn được, gây
nên thiệt hại trầm trọng, trong khi mà thời buổi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Mưa đổ xuống đem lại sức sống cho mọi người, cây cối, làm khí trời trong tươi,
mát mẻ hơn.
Hình như mọi vật đều mở rộng trái tim, mọi khứu giác để thưởng thức, để ngửi cho được mùi mưa
đã bị thiếu vắng, chào đón cho những ngày mới.
Tuy nhiên, chỉ mới có vỏn vẹn vài ngày mưa thôi, làm sao đủ đem lại sức sống
tươi mát cho mọi người cùng cây cỏ, do hậu quả kéo dài, nhưng lại có nhiều người
cảm thấy bị trở ngại vì những việc cần làm đã chuẩn bị, hay các tổ chức cho cuối
tuần, sợ ảnh hưỡng của cơn mưa làm gián đoạn những dự tính, nên thầm cầu mong
cho đừng mưa nữa. Đó cũng là điều ngịch lý của đời thường, nhưng cũng đã có sự
than vản, mong được như vậy, mà vô tình quên đi biết bao nhiêu thảm cảnh đã và
đang xẩy ra do hạn hán. Nghĩ cũng vui cho những ước muốn của con người, chỉ vì
mong cầu những gì ích lợi nhỏ bé của mình, mà đôi khi lại quên đi tất cả. Cho
nên, trong cuộc đời, nếu như mọi người chỉ cần chuyển tâm, ý thức và chấp nhận
những hy sinh nhỏ nhoi của mình, cũng có thể làm cho biết bao nhiêu các cảnh khổ
có thể giảm thiểu rất nhiều trên thế gian nầy. Đó là sự chuyển tâm hay là thay
đổi cách nhìn, không còn bị đóng khuông trong cái ngã nhỏ bé hạn hẹp, vì tất cả
các pháp là như vậy, không có sự vật gì hiện diện, tồn tại độc lập, mà nương tựa
lẫn nhau và cũng là tư tuởng của đạo Phật, chứng thực và nói lên sự tương duyên
tương sinh của vạn pháp và các pháp vốn vô ngã.
Nhìn các hình ảnh của rừng cháy, thiêu rụi nhà cửa, hạn hán nói lên sự nóng đốt,
tiêu hũy, tàn phá…làm nhớ đến lời Kinh thường dạy:” Một niệm sân hận vừa khởi, có thể tiêu hũy
hết rừng công đức”.
Lửa của ngoại giới có thể làm hư hại cho
con người và vật chất, nhưng lửa của nội tâm trong những cơn giận dữ, tiểu hũy
cả các rừng công đức, thiện nghiệp của con người đuợc tích lủy trong cuộc đời và
dẫn đến con đường nối tiếp nhiều khổ lụy, luân chuyển, khổ đau. Nhưng, chỉ với
cơn mưa, vâng, với giọt nước từ bi rơi nhẹ nhàng trên cái tâm đang hừng hực
lửa, có thể làm dịu lại, làm mát ruợi trái tim, làm cho
niềm an lạc có mặt.
Nay, nắng lại lên rồi, hãy cười vui
cùng tuế nguyệt, để nghe lại những ca khúc tự ngàn xưa vẫn réo rắc trong tâm, để
vượt qua những chặng đường vô tướng “gate
gate paragate parasamgate”, để thành tựu “svaha”. Con đường xưa của người cùng tử
vẫn là trở về, trong niềm cô đơn tịch liêu, đơn độc, nhìn mây trắng lưng đồi,
nghe lại gió heo mây thoảng dịu hương thơm kỳ diệu của tự tánh.
đất trời đang thay áo
người khoác suối mây ngàn
ngàn năm lời tình tự
ngày vắng tỏ trăng vàng.
Trong ngả ngách, chiều sâu của tâm thức, nhìn rõ tận bờ sông vô thường, nghe lại
lời Phật dạy:”các pháp như huyễn” mà lúc nào đó, hình
như quên mất, để chạy theo thời gian, theo thị hiếu kêu gọi tâm buông lung. Mây
trời thay áo, có gì là lạ chăng, gió đuổi theo mây, mây vờn mình qua gió, bồng
bềnh phiêu lãng, tụ lại là mây, tan đi là gió, có có không không, người vẫn ngàn
xưa có cùng Phật tánh, an nhiên trong Pháp giới, có chăng vì nằm ngủ quên lối
về, chợt giật mình thức giấc, thấy trăng vàng soi tỏ lúc nắng vẫn còn say, lúc
ngày vắng, lúc tâm trong, không phải là các pháp vẫn thường “bất
sinh bất diệt…”ư?
Sao đạo Phật hay nói về Vô thường, không có gì tồn tại mãi ?
Điều mà thường tình, chúng ta lại sợ hãi khi nghe lập đi lập lại ngôn từ chân
chất nầy, vì không ai muốn mất đi tất cả những sở hữu đang có. Nhà nấy
của tôi, tài sản của tôi, thân tôi đây
v.v..tất cả nằm trong bàn tay tôi, của chính tôi, và đang hiện
hữu, tồn tại cùng tôi, thì làm sao nói là vô thường được.
Chúng ta trốn tránh và tham chấp vào những pháp được cấu tạo bằng huyễn hoá,
duyên sinh và rồi đau khổ, vì không dám đối diện thẳng vào Khổ đế.
Ta bước chân thưở
đó
hạt cát chuyển lời thơ
lăn tròn theo vòng xoáy
hai hàng tâm ngẫn ngơ..
Bước chân vẫn ung dung chạy theo vô thường của thưở nào
đó khi nắm bắt được một số hiện hữu, để rồi lăn tròn theo vòng xoáy cát bụi,
biến hình thay dạng, Trốn tránh, phủ nhận để không dám nhìn sự thật, vì sự thật
là Vô ngã. Đức Phật vì lòng thương con người nên chỉ rõ con đường Chân thật, tìm
lại tâm mình trong những sóng gió khổ đau, biến đổi, mà tìm thấy được Chân
thường trong Vô thường, không có nghĩa là hũy diệt tất cả mọi sở hữu, là bi
quan, yếm thế…nhưng là để chuẩn bị tư lương cho cuộc trùng phùng, nhìn rõ chân
tướng của Sự thật, để tránh khỏi đau khổ, buồn lo, do tham đắm, ái ngã.
Trong cuộc đời, chúng ta đã sinh ra, rồi lớn lên, trưởng thành, rồi già, rồi
bệnh và còn một cánh cửa mở rộng, vì ai cũng phải đi tới, đó là cái chết.
Cái gì có mặt trong ta, trong suốt khoảng thời gian gọi là dài cho một đời
người, nhưng lại ngắn đối so với không thời gian, phải chăng là sự biến chuyển
của thành trụ hoại không, là điều dĩ nhiên.
Chúng ta hoảng sợ trước những biến đổi quá nhanh của những hiện tượng ngoại
giới, nên cần phải tân trang để bồi đắp, để kéo dài thời gian, hoặc nhân đôi
lên, nhân nhiều lần hơn, để tích lủy, để tránh mất mác, tàn phai, úa tàn và để
rồi, vẫn được chiêm nghiệm những được mất, vinh nhục, thịnh suy … trong cuộc
đời. Đó là một thực tế của cuộc đời, không phải để mang lòng bi quan,
chán nản, nhưng để nhìn rõ tường tận các pháp. Tiền tài, danh vọng, sắc
đẹp, nhà cửa… thật phù du như sương rơi buổi nắng sáng, có đó mất đó, dù chúng
ta cố bám víu, gìn giữ, và chính các pháp nầy lại gây nhiều đau khổ. Điều nầy,
ai trong chúng ta cũng điều trải qua, kinh nghiệm được, nhất là hiện lúc có quá
nhiều biến đổi xung quanh do môi trường, do thiên tai,
nhân tai, do chiến tranh v.v…
Tìm các pháp hữu vi bên ngoài, chúng ta mang dấu vết của tàn tích khổ đau, dày
xéo trên cuộc đời ngắn ngủi, vô thường, khiến chúng ta tìm trở về chính bản thân
của mình với cái thân được cấu tạo bởi năm uẩn, mong muốn được tồn tại mãi với
thời gian….Trong Kinh, thường được nhắc nhở:
“Các pháp từ duyên sinh .
cũng do duyên mà diệt.
Thầy tôi Bậc Tỉnh Thức
thường dạy điều như thế.”
( Chư pháp tùng duyên sinh, Diệc phục tùng duyên diệt. Ngã Phật đại Sa
môn,Thường
tác như thị thuyết).
Điều nầy đánh mạnh vào tâm thức của mỗi con người để nhận thức đúng sự hiện
sinh, hiện hữu của các pháp, tâm cũng như vật, đều là do duyên sinh. Có nhận
thức đúng, chúng ta mới không khỏi bâng khuâng, đau khổ,
lang thang đi tìm cho những vấn nạn của chính đời mình
trong những hoang tưởng về sự sinh tồn miên viễn của các pháp giả hợp…
vô thường nên rớt lời thơ
chép thơ lại thấy vô thường đùa vui
làm sao lại hỏi vô thường
bài thơ nào chẳng từ vô thường rơi..
Trong đạo Phật nói rằng:”Phật
pháp không lìa pháp thế gian” (Phật pháp bất ly thế gian pháp). Khi các
duyên sinh, khởi hiện, thành hình dù là tâm hay vật, qua dữ kiện đó, cũng nói
lên được hình ảnh tương liên của các dữ kiện với những gì của đời thường, để mà
giải thích, chỉ dẫn, nhận thức, hầu chuyển đổi tâm ý để cho cuộc sống có nhiều
an vui, tối đẹp hơn, thay vì ôm chấp vào những gì chỉ là giả hợp và rơi vào khổ
đau, do sự chấp trước.
Trái đất được hình thành do bởi nghiệp lực chung của
tất cả mọi sinh vật cấu tạo nên, để là môi trường sinh sống và mỗi hữu tình đều
có biệt nghiệp riêng lẻ… hiện nay, đang có vấn đề, nóng dần lên, gây nhiều thiên
tai, lụt lội ở nhiều nơi trên thế giới. Điều đó biểu hiện tâm con người ngày
càng xa lìa suối nguồn của Chân Tánh, thiếu chia sẻ, thiếu đời sống tâm linh, dù
rằng cuộc sống văn minh hơn, tiến bộ hơn, đầy đủ nhu cầu vật chất hơn v.v… Có
những vấn nạn mà con người phải đối diện, nhưng vẫn không có những đáp án cần thiết để có thể cứu nguy cho một số người từng vùng
địa phương khổ nạn, huống chi là cho toàn thể nhân loại, cho con người trên trái
đất nầy. Nếu những người thiếu bình tâm, nhìn cuộc diện thế giới, đôi khi bị
quay cuồng theo vòng xoáy do tác động muôn đời của tham
sân si, gây nên những khổ đau cho nhau và trong tận cùng của mọi vấn nạn, chúng
ta bắt gặp được hình ảnh vô thường có mặt trong tất cả các pháp.
Vẫn là điệp khúc
được lập lại, đời thật là vô thường, không có gì tồn tại mãi với thời gian, như
trong Kinh Kim Cang nói:” Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng” (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng). Đây là điều thật hiễn nhiên, rõ
ràng vì mọi vật đều diễn biến, chuyển biến liên tục, có đó mất đó.
Trong lịch sử của nhân loại, đã bao
nhiêu nền văn minh có mặt và biến mất, đã bao nhiêu quốc gia thành hình và bị
hũy hoại, đã bao nhiêu con người có mặt trên trái đất nầy và đã ra đi, dù là
Thánh nhân hay phàm tục, dù là người giàu sang phú quí hoặc nghèo nàn, tất cả
không chừa một ai. Ngay những người thân thương của mình, ai
cũng cầu mong cho được sống trường thọ, sống mạnh khoẻ, nhưng nay thì ai còn ai
mất.
Ngay cả chính bản thân, cơ thể của mình, cũng không thể nào kiểm soát được, vì
đến một lúc nào đó, cơ thể bỗng nhiên đỗi tánh, gây nên bệnh hoạn, nay đau chỗ
nầy, mai nhức chỗ kia, dù chúng ta không ai mong đợi.
Một buổi sáng soi gương, tôi ngạc
nhiên khi nhìn trong gương, thấy một con người với hình hài xa lạ xuất hiện.
Có phải là tôi chăng, sau bao tháng tịnh duỡng bệnh tình?
Hay là một con người khác, vì có rất nhiều sự khác biệt …Một con người mà nhìn
thật lâu, thật kỹ, cảm thấy chán vô cùng, không có chút xíu gì để có thể thương
mến được. Ôi, cuộc đời trở nên thật đẹp, thật nhiều ý nghĩa hơn, phải chăng?
Trong đời thường, tôi vẫn ước muốn tấm lòng mang ân đức Phật được trải rộng đến
mọi người để cùng tắm mình trong mưa Pháp, để làm giảm thiểu đi gánh nặng phong
sương trên đôi vai đời xuôi người trong những ngày còn có mặt trên thế gian nầy
…
tay ôm đoá hoa hồng
màu sắc hương tuyệt diệu
chắp tay dâng cúng Phật
ngọn gió vô tình qua
từng cánh hoa rải rác
bay đi về chốn nao
ta vói tay gom lại
chỉ còn là bài thơ…
Đoá hồng tươi đẹp trong cuộc đời dâng lên đức Từ Phụ, như một tấm lòng và dù gió
có cuốn đi bao ước vọng, dù thời gian có làm mờ đi bao tấm lòng, nhưng trong cõi
« sơ tâm » vẫn còn muôn vạn lời nói tình tự
gom lại, kết thành những bài thơ, bài thơ của xương thịt trong nội tâm trở về
với Tánh giác.. Và dù có cảm khái khi cảm nhận rõ bốn đại : đất nước gió lửa từ
từ rời bỏ trong sắc uẩn, để hỏi lại cùng ta trong ngày tháng….
ồ hay da thịt đi đâu
ồ hay sao chỉ còn là bộ xương
may nhờ Chân tánh vẫn nương
nên chăng còn lại nụ cười dễ thương …
Dù da thịt có mất đi, dù đất nước trong bốn đại có làm hũy hoại hình hài, tiêu
hao sức mòn những gì còn lại của cơ thể, tôi vẫn nương vào Chân Tánh để sống vui
hồn nhiên, an bình trong từng tâm niệm, để có còn lại nụ cười, dâng tặng lại
cuộc đời, vì nụ cười nầy thoát thai, sinh khởi từ những quán niệm về duyên sinh
duyên diệt. Tôi đã từng quán chiếu về vô thường của các Pháp, nhưng nay là lúc
thực nghiệm, thể nghiệm lại tất cả, không phải là những gì trừu tượng, trong tư
tưởng, trong cảm xúc với các giả thiết mông lung, nhưng là những gì cảm nhận
được trong từng ngày, từng giờ, trên từng sớ thịt biến chuyển của cơ thể mình.
Đó là bài học sâu
sắc về duyên sinh, để nhận thức đúng ý nghĩa của cuộc đời, là những gì thấu
triệt đến căn nguyên của của sự đối đải của các Pháp, tìm đến Tánh Thể sâu thẳm
của Tâm, của Thực tại mà Đại Thi Hào Nguyễn Du, người từng đọc nhiều Kinh Phật
thốt lên rằng"Nhân liễu thử tâm nhân tự độ. Si tâm quy Phật, Phật sinh ma"(Tạm dịch :
Người tự biết lòng mình thì người tự cứu. Si tâm quy Phật, Phật sinh ma) và
để rồi, nhận ra được:”"Tài tri vô tự thị chân kinh"(Tạm
dịch: Mới biết rằng không có chữ là chân kinh).
Chân Kinh là vô tự, vì đó là sự sống. Cuộc sống có mặt
khi con người chào đời và cuộc sống sẽ chuyển hoá, khi con người đối diện đến
cái Chết, đó là con đường đi chắc chắn, tất yếu của mọi sinh thể trên trần gian
nầy.
Sống đề Chết và Chết để Sống. Có thể nói đó là quán niệm về cái Chết để cuộc
sống có ý nghĩa đẹp hơn, vì không còn gì để lưu luyến, chấp thủ, mở rộng tâm cho
hồn gió lồng lộng trong từng tâm thức, cho những nốt nhạc cuộc đời là diệu hương
thanh khiết, cho những hướng tâm là hạt cơm thơm ngát trời Hương tích, cho vô
luợng cõi Phật trụ trong mỗi hạt vi trần và vươn cao trên phương cao rộng, do
sức nguyện ra đi. Người hành giả phải là người mở tâm, mở mắt sâu rộng để nhìn
rõ con đường đi..
buổi sáng nghe chim hót
màu xanh cỏ thấm vai
hạt sương vô tình rớt
suơng mai bẻn lẽn cười
nhìn nhau, màu sương khói
hồn nhiên, nhật nguyệt vui
thường mở tâm nhìn lại
từng tràng thơ tuôn rơi…
Chiến tranh đang tràn lan khắp mọi nơi, bao khổ cảnh
đang thành hình dày xéo lên thân phận con người, muôn loài trên quả hành tinh
xanh nầy. Giải pháp nào cho những nguy cơ có thể hũy diệt toàn thể nhân loại
khi lửa tham sân si luôn luôn hừng cháy?
Đọc tin tức, được biết có một số
quốc gia mà Bộ Giáo Dục đã chấp thuận cho áp dụng Thiền trong những lớp học,
thật là một sự vui mừng, vì phải chăng, họ nhìn được căn nguyên của vấn nạn của
con người. Chúng ta tha thiết mong mỏi rằng, nếu có thể, thì “ Năm Giới Chánh
Niệm” của đạo Phật, được Thầy Nhất Hạnh biên soạn lại từ Năm Giới Cấm trong đạo
Phật, cũng được cho phép tất cả học sinh ở khắp mọi nơi được học, từ lớp nhỏ đến
lớp cao hơn, vì đây là ý nghĩa của cuộc sống, để chuyển hoá nội tâm, xây dựng
con người an lạc, nhân bản và xây dựng xã hội được thanh bình, giảm thiếu những
khổ đau, bất hạnh .. từ
tinh thần đến vật chất, đóng góp cho nền văn minh của nhân loại, đó là:
- Ý thức được những khổ đau do sự
sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ
sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện sẽ
không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết
hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày
của
con.
- Ý thức được
những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học
theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để
chia xẻ thì giờ, năng lực và tài vật của
con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ
một của cải nào không phải do mình tạo
ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của
kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu
một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.
- Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây
ra, con xin học theo
tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn
của
mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn
nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động
bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn
bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam
kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để
bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ
của các gia đình và của đời sống
đôi lứa.
- Ý thức được
những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học
theo
hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau
của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho
người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin,
an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết
và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những
lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không
biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những
điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm
tan vỡ gia đình và đoàn thể.
- Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy
và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân
thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con
nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân
tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất
ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số
sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết
rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và
cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù,
sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con
và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân,
tâm thức cộng đồng và xã hội.).
Nguyện cầu xin
tất cả những tôn giáo lớn của nhân loại, hãy đem những tinh túy, tinh hoa của
đạo trên tinh thần hoà đồng, vị tha, giải thoát, ban vui cứu khổ … của tôn giáo
đích thực, để giúp cho loài người chuyển hoá và giải thoát, vượt qua những vấn
nạn do tham sân si, để đem lại Thanh bình và Hạnh phúc chân thực.
Cầu xin cho
Giáo Pháp của đức Từ Phụ tràn lan khắp mọi nơi chốn, để giọt nước cành dương
tưới tắt bao ngọn lửa hận thù, đau khổ, bất hạnh của loài người, để cho muôn
loài đều sống chan hoà trong Hạnh Phúc, trong đó có chúng ta và bao nhiêu thế hệ
sau nầy…
người ôm một giấc phù du
đi vào sương gió, tình trong gọi là
nắng rơi vạn nẻo sơn hà
bước chân thưở đó vẫn còn thong dong
tay mừng giữ lấy bàn tay
chép kinh vào chỗ chẳng phai bụi đời
một mai, nắng rọi chân kinh
lời thơ còn đó, giữ đời cùng nhau…
Xin được kính dâng tất cả mọi người để chia sẻ với tất cả lòng quí kính và trân
trọng.
Những ngày vào Thu
18.10. 2011