Nguyễn Duy Nhiên
Vài tuần trước, tôi nhận được lá thư của một thầy giáo cũ thời Trung học, sau hơn ba mươi mấy
năm trời mất liên lạc. Nhận được thư của ông tôi rất vui và cũng thật bất ngờ.
Tôi viết cho ông, “Ngày xưa khi mới gặp thầy, mình đang chuẩn bị bước vào đời,
với bao ước mơ vào tương lai không biết ngày mai sẽ như thế nào. Hôm nay
viết cho thầy đây, thì cũng đang vào cái tuổi của 'tri thiên mệnh' rồi! Tương lai của ngày nào bây giờ đã trở thành một quá khứ. Nhắc
lại cứ tưởng như tất cả chỉ mới là hôm qua đây thôi! Mà trong
khoảng thời gian ấy, biết bao nhiêu mênh mông việc đã xảy ra Thầy nhỉ?”
Thời gian yên lặng mà lại trôi rất nhanh.
Thân ta hiểu được lý vô thường
Có lần đức Khổng Tử đứng nhìn một dòng sông và cất lời cảm
thán:
Thệ giả như tư
phù bất xả trú dạ! "Ngày
đêm chảy mãi thế này ư!" Chúng ta trôi theo ngày tháng, rồi
một ngày nhìn lại tóc màu sương khói bao giờ không hay.
Mà chúng ta bắt đầu “già” từ lúc nào bạn nhỉ? Bà Darlene Cohen, một vị giáo thọ của thiền viện San
Francisco Zen Center, có những chia sẻ như sau.
“Ba tôi, qua đời với chứng bệnh ung thư ruột già. Có lần trong lúc bị hành hạ với căn bệnh,
ông quay sang bảo tôi, ‘Nhớ đừng bao giờ già nghe con!’ Câu nói ấy của ông mỉa
mai ở điều là: làm như người ta có thể tránh được tuổi già vậy. Ba tôi thì lúc
nào cũng thường hay tự châm biếm cái tuổi già của mình, ông nói ‘Ba già lắm rồi,
Ba quen biết với cả cha mẹ của Thượng Đế!’
Khi tôi được 28 tuổi, tôi tìm đến thiền
viện San Francisco Zen Center với một ý định duy nhất: để bước vào cảnh
giới an lạc tuyệt vời của Niết bàn, và rồi sẽ không bao giờ bước ra nữa. Và tôi
dự định là sau khi đạt được niềm an vui vĩnh cửu ấy rồi, tôi sẽ rời bỏ tu viện
chán ngắt ấy, để làm một cái gì đó với cuộc đời mình, ví dụ như mở trường lớp,
dạy thiền, giảng triết lý, giúp tham vấn... tôi sẽ tự tại đến đi mà chẳng có
chút gì là bận tâm với cuộc đời.
Nhưng tôi lại không ngờ sự buồn chán trong đời sống ở tu viện đã
giúp tôi khám phá được lại chính mình sâu sắc hơn, khiến tôi không còn muốn làm
một điều gì khác nữa. Và cuối cùng, tôi đã ở lại và sống trong thiền viện San
Francisco Zen Center trong suốt một thời gian dài. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy
rằng, nhờ bỏ đi cái ý định hấp tấp ‘đánh rồi chạy’ ban đầu ấy, mà tôi cũng đã
ngẫu nhiên dùng một phần lớn cuộc đời mình để chuẩn bị cho: bệnh, lão và tử.
Khoảng vài năm trước đây, tôi bắt đầu nhận thấy rằng, mỗi khi nhìn
mùa xuân đến, tự nhiên tôi cũng có một cảm giác sầu muộn, tiếc nuối nhẹ nhàng
nơi lồng ngực, như mỗi khi tôi nhìn ánh nắng chiều vàng óng trên những chiếc lá
bắt đầu đổi màu, báo hiệu sự chấm dứt của một mùa hè. Tôi ghi nhận điều này với
một chút mâu thuẫn trong lòng: một mặt tôi cảm thấy hạnh phúc vì vẻ đẹp thiên
nhiên đã giúp tôi dừng lại, bước ra khỏi những bận rộn của cuộc sống hằng ngày,
nhưng một mặt tôi lại cảm thấy có chút gì buồn lo trong sự chú ý đột ngột đến
những thay đổi của ngày tháng.
Tại sao bây giờ tôi lại có những cảm xúc như thế này nhỉ? Tôi đoán có lẽ tôi bắt đầu ý thức được rằng, cũng sẽ chẳng còn bao
nhiêu những mùa xuân xanh lá và mùa thu rực rỡ nữa, để làm cho tôi dừng lại trên
con đường nhỏ mình đi? Rồi còn có bao nhiêu lần mà tôi sẽ thoát ra được khỏi
những buồn lo của mình, khi dừng lại và ngửi mùi hương phảng phất trong không
gian lành lạnh khi trời bắt đầu vào đông? Tôi có chia sẻ những
cảm nghĩ riêng tư này với một vị giáo thọ trong khóa tu vừa qua, bà ta nói,
‘Phải rồi, thân này của ta hiểu được giáo lý vô thường sâu sắc hơn ai hết.’
”
Có lần vào
một tiệm sách tôi thấy có một quyển sách với tựa là "How To Be Sick: A
Buddhist-Inspired Guide
for the Chronically Ill", viết về phương cách làm sao để ta sống với
tật bệnh của mình theo giáo lý của đạo Phật. Tác giả chia sẻ những kinh nghiệm
tu học để giúp đỡ cho những ai đang phải đối diện và sống với một chứng bệnh
kinh niên nào đó. Bạn biết không, tôi nghĩ chúng ta cần phải có nhiều hơn những sách
thuộc loại này, vì đạo Phật phải giúp chúng ta chuyển hóa được những khó khăn cụ
thể của mình trong cuộc sống. Tôi nghĩ giáo lý của Phật
sâu sắc nhưng cũng rất là thực tiễn, nó có thể giúp ta sống hạnh phúc giữa những
khó khăn và phiền não của cuộc đời.
Ngày xưa, có một vị Thầy viết quyển "Nói với tuổi 20"
và quyển sách ấy cũng giúp tôi được nhiều. Bây giờ thì
mình cũng cần thêm những quyển "Nói với
tuổi 40, 50+" nữa rồi phải không bạn?
Tiếng cây
lá chuyển mùa
Bây giờ đang
bắt đầu vào cuối mùa hè, nhưng tôi cũng đã thấy bóng dáng của mùa
thu
đang về. Tôi không biết một chiếc lá bắt đầu “thu” từ lúc nào, chỉ biết một buổi
sáng thức dậy nhìn sang khu rừng cạnh nhà, thấy toàn màu sắc.
Và trong cuộc đời cũng vậy, chúng ta bắt đầu biết là mình “già” khi nào bạn nhỉ?
Khi nhìn đứa con của mình ra trường, đi làm, lập gia đình; hoặc khi thấy người
chủ mới trong công ty còn trẻ hơn mình; hay khi thấy vị bác sĩ khám cho ta,
người cảnh sát chận ta lại, chỉ đáng tuổi con cháu mình mà thôi…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết về chiếc lá
thu phai với những "chập chùng lau trắng trong tay". Ông ví tuổi này như
một chiếc lá mùa thu mà còn bị phai màu! Nhưng lá
thu nơi đây không có phai mà lại rất đậm màu! Tôi thích mùa thu nơi này vì nó không phải là màu của hoàng hôn, của đoạn
cuối, mà tôi thấy chúng tượng trưng cho sự sống và sự chín tới.
Ở vùng tôi ở
không gian rất đẹp vào mùa thu, khi những chiếc lá bắt
đầu đổi màu. Tôi thích được đi thiền
hành dưới những cơn mưa của màu sắc, có tiếng gió lùa những chiếc lá khô chạy
đuổi nhau lào xào trên mặt đường cuốn theo mỗi bước chân. Vòm cây bóng mát che ngang trên con đường
nhỏ mình đi có muôn màu lá chín. Mỗi tờ lá cũng có một mùi
thơm
riêng của nó! Bạn có tưởng được trên vũ trụ này có biết bao
nhiêu là màu vàng khác nhau không? Biết bao nhiêu là
những màu cam, màu tím, màu đỏ khác nhau không? Một ngày ngồi yên trong rừng, ta có thể lắng nghe được tiếng cây lá
chuyển mùa.
Một buổi chiều toàn vẹn
Bạn biết không, khi đến một tuổi mà ta chợt ý thức rằng “cũng sẽ chẳng còn bao nhiêu những mùa xuân xanh lá và mùa thu rực
rỡ nữa, để làm cho tôi dừng lại trên con đường nhỏ mình đi", thì ta cũng
bắt đầu hiểu được những gì mình thật sự có chỉ là giây phút này mà thôi, ngoài ra không còn
gì khác hơn nữa. Ta cũng biết được rằng, mình không bao giờ nắm bắt được một
điều gì hết, chúng sẽ xảy ra và rồi sẽ qua đi, dù ta có mong cầu hay ghét bỏ.
Có lẽ cái Tôi của mình cũng không còn cứng nhắc như xưa, ta dễ tiếp nhận và sống
thật với những gì xảy ra hơn. Và tôi cũng kinh nghiệm rằng, những lời nói
dầu hay đẹp đến đâu cũng không có giá trị bằng cách ta đối xử với nhau; rằng sự
chấp nhứt là gốc rễ của mọi thứ khổ đau, và biết buông bỏ là cánh cửa của hạnh
phúc.
Tất cả cũng chỉ là một sự thực tập mà thôi, và nếu như không phải là lúc
này thì sẽ là lúc nào đây bạn nhỉ? Một chiếc lá chín cũng cần ngày tháng... Cuộc sống qua nhanh lắm!
Có một người bạn chia sẻ rằng anh thấy cuộc đời này rất ngắn, vì vậy cho nên câu
châm ngôn sống của anh vào tuổi này là “Just
Do it!” Tôi thì nghĩ khác, vì cuộc sống này ngắn
nên mình cần sống cho chân thật hơn và sâu sắc hơn.
Just do it is not enough! Ngày nay tôi tập thở có ý thức, bước đi cho vững
chãi, giữ cho lưng mình được thẳng để có thể tiếp xử với những bất ngờ và khó
khăn xảy đến, và giữ cho lòng mình được mở rộng để vẫn có thể cảm thông được
những khổ đau của nhau. Tôi không còn tìm kiếm xa xôi, mà ý thức được rằng phép lạ là được
đi từng bước thong dong và hạnh phúc trên mặt đất này.
Có những ngày đi trên con đường nhỏ phủ lá quanh bờ hồ, nhìn
mặt nước phẳng lặng phản chiếu bóng rừng cây màu lá, tôi cảm thấy một hạnh phúc
thật vững vàng và bình yên. Trong cuộc sống, nhiều khi vì thôi kiếm tìm mà ta
lại có thể tiếp xúc được với những hạnh phúc rất tự nhiên, chân thật và sâu sắc,
đó có thể là một buổi chiều cuối thu, tuy tiếng chuông ngân từ một ngôi chùa xa
đã ngừng vang, nhưng trong không gian vẫn còn vương mãi hương thơm ngát…
Temple bells die
out.
The fragrant
blossoms remain.
A perfect evening!
Basho
Chùa xưa,
chuông lặng tiếng ngân
Hương hoa
vẫn thoảng
Chiều buông vẹn toàn.
Nguồn: Tập san Hoằng Pháp 32