Minh Đức
Triều Tâm Ảnh
Thuở xưa,
đã lâu xưa quá rồi, thuở Đức Phật Ca-diếp còn tại thế, ở một thôn làng ven chân
núi Tuyết có hai vợ chồng làm nghề kiếm củi độ nhật.
Họ nghèo, nghèo lắm. Tuy nghèo nhưng họ vẫn
sống đời đức độ hiền lương. Hiếm nỗi, đã lớn tuổi mà
không con nên hai vợ chồng thường nhìn nhau thở vắn than dài.
Hôm kia đi qua làng một đạo sĩ xin ăn. Do nhân duyên tiền kiếp xa
xăm nên hai vợ chồng phát tâm để bát cúng dường.
Vị đạo sĩ
sau khi nhận vật thực, nói lời chúc phúc:
- Các
người hãy ghi dạ: “Tâm lành, quả tốt”. Hãy làm các việc lành. Hãy tạo các công đức.
Hai vợ
chồng thành kính nói:
- Chúng
tôi đã lớn tuổi mà chưa con. Xin đạo nhân ban cho lời chỉ dạy.
Vị đạo sĩ
nhìn hai vợ chồng một hồi rồi ôm bát, chống gậy bước đi, nói vọng lại:
- Tâm lành,
quả tốt. Hãy làm các việc lành.
Hãy tạo các công đức.
Từ đó, nhớ
lời dạy bảo của vị đạo sĩ, hai vợ chồng người tiều phu chí thú làm
ăn và tích cực giúp đỡ mọi người. Ai bệnh hoạn họ săn
sóc thuốc men. Ai lỡ đường họ cho ở trọ. Họ nhường cơm sẻ áo cho những kẻ cơ hàn. Họ đùm bọc,
an
ủi những người cô quả, già nua. Thấy con vật bị thương họ ân
cần băng bó, vuốt ve. Họ sưởi ấm cho cả những cánh chim khi
đông về giá lạnh.
Không bao lâu sau, mối thiện tâm và lòng từ ái của hai người đã lớn
rộng bao trùm cả một vùng. Người và vật thảy thảy được
tắm mát trong dòng suối từ vô hạn của họ. Suốt mùa
xuân, mùa hạ, chim chóc các nơi tìm về đậu đầy cây, đầy nhà với những tiếng hót
líu lo, ríu rít tưởng như bất tận. Các lũ nai, khỉ, vượn, thỏ, sóc... con đứng, con ngồi, con nằm,
con chuyền nhau chơi trên cành reo vui thoải mái.
Chẳng có
nơi nào bình yên, hạnh phúc, an lạc bằng nơi góc rừng bé nhỏ xinh xinh bên chân
núi Tuyết của hai vợ chồng tiều phu nhân đức.
Năm sau,
người vợ nghe tin mừng mình đã đậu thai. Người chồng hoan hỷ, sung sướng, lại tích cực thêm
trong các công đức như xây cầu, đắp đường, bố thí... Trong thời gian này thì đời sống họ đã no đủ lắm rồi. Có thể
họ không cần làm mà vẫn có ăn nhờ công đức trước đây họ
đã ban bố cho mọi người. Biết bao là thứ ngon vật lạ mà kẻ này người
kia biếu xén. Biết bao trái cây ngon ngọt bổ dưỡng mà khỉ vượn mang từ rừng sâu
về.
Chẳng những thế, loại thú rừng hiền lành này lại có thể đỡ đần các công việc
chân tay giúp hai vợ chồng nữa.
Đến ngày mãn nhụy khai hoa, ra đời một lúc ba trẻ khôi ngô tuấn tú,
giống nhau như ba giọt nước. Cả ba rỡ rỡ như châu ngọc,
đẹp đẽ như thiên tử nhà trời. Hai vợ chồng làm lễ tạ ơn
thần thánh. Nỗi mừng biết lấy chi cân?
Năm sau,
vừa chẵn thôi nôi, vị đạo sĩ xin ăn năm xưa trở lại. Hai vợ chồng lại hớn hở để bát cúng dường, với khuôn mặt rạng rỡ,
trình bày là đã thoả nguyện ước năm xưa.
Quanh nhà,
trên cây cối, chim chóc thi nhau hót vang rân; nào thỏ, nào sóc đổ xô chạy lại
bên đạo sĩ ve vẫy đuôi mừng rỡ. Ba con vượn lớn trân trọng bồng ba trẻ ra mắt
đạo sĩ nghèo nàn.
Vị đạo sĩ gật gật đầu rồi mỉm cười nói:
- Tâm lành
quả tốt, đúng vậy không sai! Tâm lành quả tốt, mình đã nhờ
nương mà tất cả sinh chúng cũng được nhờ nương.
Hai vợ chồng kính cẩn cúi đầu.
Vị đạo sĩ
tiếp:
- Vì nhân
duyên hội ngộ năm xưa nên giờ đây bần đạo sẽ đặt tên cho ba trẻ.
Rồi ngài
ngửng đầu nhìn trời:
- Bần đạo
là một Sa-môn không cửa, không nhà, đang bốn phương lê gót
lang thang khổ hạnh để tìm cho ra đạo lớn hầu cứu độ cho muôn loại chúng
sanh đang đau khổ. Ba trẻ ra đời trong lúc này đúng là kẻ hữu
duyên. Đúng là do nhân duyên sâu dày trong quá khứ. Ồ!
Bần đạo thấy rõ chúng rồi. Vậy bần đạo đặt tên cho ba trẻ
theo
thứ tự là: Trí Lợi, Ý Lợi và Tâm Lợi.
Nói xong
câu nói hàm nghĩa sâu xa, chăm chú nhìn ba trẻ một hồi rồi đạo sĩ cất chân từ
giã...
Quang âm thấm thoắt, ngày tháng thoi đưa, ba trẻ giờ đã lớn.
Trí Lợi là
anh, bất cứ công việc gì cũng tỏ ra thông minh, khôn ngoan, sáng suốt.
Ý Lợi là em kế, là một trẻ đầy ý chí, cương nghị, dõng lực.
Cùng với Trí Lợi, Ý Lợi giúp cha mẹ làm tất cả các công việc về rẫy bái, ruộng
vườn. Ngoài ra, họ còn vào rừng sâu làm gỗ, tìm trầm.
Đối với cả hai, chỉ có thành công, thạnh lợi chớ không có thất bại, thối giảm.
Nhờ vậy, chẳng bao lâu, nhà cửa, điền trang đều được mở rộng, một đời sống hạnh
phúc ấm no đã đến với gia đình.
Riêng Tâm Lợi thì hiền lành đến nhu nhược. Về “trí”, về “ý”,
Tâm Lợi không bằng được hai anh nhưng về “tâm” lại tràn trề lai láng. Chàng
thương người, thương vật đến quên ăn
bỏ ngủ... Chỉ có thế thôi. Còn các công việc khác thì vụng về, chậm chạp. Hai vợ chồng
thường ái ngại nhìn nhau thở ngắn, than dài:
- Thương
người, thương vật mà đến độ như nó thì vợ chồng mình cũng không bằng được. Nhưng
vụng về trong mọi công việc thế kia thì e rằng trong
tương lai nó sẽ khổ thôi.
Thời gian sau, người chồng qua đời. Và cũng
không lâu, đến phiên người vợ. Trước giờ lâm tử, bà kêu ba con đến mà dạy
rằng:
- “Tâm lành quả tốt”.
Cha mẹ chỉ nhờ học thuộc bốn chữ đó do lời dạy bảo của một vị đạo sĩ mà thành
người, nhà cửa yên ấm và đồng thời sinh hạ được ba con. Mẹ
vĩnh biệt các con trong lúc các con chưa nên gia thất, đó là điều hối tiếc nhỏ;
nhưng các con đều đã khôn lớn, sống thuận hoà, thương yêu nhau như thế này lại
là niềm vui to lớn hơn. Mẹ chẳng còn ao ước gì nữa cả.
Gia sản để lại cho các con thì hãy cùng nhau gìn giữ, bảo bọc, chí thú làm ăn.
Hãy bố thí, mở rộng lòng từ, thương yêu người và vật.
Câu nói
cuối cùng, người mẹ thều thào:
- Hãy
chiếu cố đến em!
Sau khi
cha mẹ đã mồ yên mã ấm, Trí Lợi bàn với Ý Lợi rằng:
- Em ta
vụng về, chậm chạp không biết làm ăn. Nếu toàn bộ gia sản này mà hai ta đồng nhượng lại thì em ta có thể
sống trọn đời và làm các công đức. Hai ta đều có “trí” và có “ý” thì hãy
chia tay nhau đến những phương trời xa để làm ăn. “Tâm lành quả tốt” thì lo gì chúng ta không nở mặt nở mày trong mai
hậu.
Bàn thế
xong, Trí Lợi và Ý Lợi mỗi người chỉ mang theo tiền lộ
phí, để thư lại cho em, không từ giã, bí mật lên đường, hẹn ba năm sau sẽ trở
lại quê nhà...
Trên đường
lưu lạc tha phương, băng đèo lội suối, khát thì uống nước sông, đói thì
ăn trái cây rừng. Hôm kia, Ý Lợi đi đến một thành phố miền biển.
Chàng luôn
tâm niệm lời cha mẹ dạy:
- “Tâm lành, quả tốt. Hãy làm các việc
thiện, hãy làm các công đức.”
Không biết là bao nhiêu việc lành chàng đã làm được trên đường đi.
Đẩy giúp một chiếc xe bò đang ì ạch kéo dốc.
Gánh một gánh củi nặng cho một cụ già. Gỡ một con thú bị thợ săn sập bẫy.
Băng vết thương cho một chú nai con. Khuân đá sửa lại một đoạn đường bị nước lũ. Cho vật thực đang ăn đến một kẻ đói. Vớt một ổ kiến đang bị trôi trên khe...
Ban đầu, làm những công việc này dường như là chàng noi gương cha mẹ.
Sau rốt, chàng cảm thấy mình tình nguyện làm, làm một cách hoan hỷ, làm một cách
tự nhiên. Quả thật chàng đã đạt đươc lạc thú khi làm
các công đức.
Ngày kia, chàng đứng quan sát phu khiêng các bao hàng nặng từ
thuyền to xuống. Có một cụ già đi sau cùng, dường như đôi chân
đã run run dưới bao hàng quá lớn. Chàng đến vác giúp.
Thấy một chị phụ nữ vóc người quá mảnh mai, chàng lại đến phụ một vai.
Thế là suốt một ngày, chàng đứng đó, hết khiêng cho người này một đoạn lại
khiêng giúp cho người khác một đổi. Chàng không tỏ vẻ
mệt nhọc, mà khuôn mặt vốn đã đẹp như thiên thần lại càng rạng rỡ hơn lên vì
hoan hỷ. Mọi người cảm kích nhìn chàng, chàng gật đầu
đáp trả lại bằng một nụ cười hồn nhiên như con trẻ.
Người ta bắt đầu bàn tán về anh chàng thanh niên đẹp trai kỳ dị.
Ngày hôm sau, Ý Lợi lại đến chỗ tàu cũ và tiếp nối công việc của
mình. Cuối ngày, người ta vây lại, hỏi chàng từ đâu đến và đến đây có việc
gì?
Chàng thành thật trả lời, sau đó mỉm cười kết luận rằng:
Dầu chưa
có công viêc gì để tự nuôi sống bản thân, nhưng không phải vì vậy mà không thể
giúp được cái gì đó cho mọi người xung quanh. Tâm lành thì quả tốt mà. Mẹ tôi đã từng dạy
như vậy.
Chuyện đến
tai ông chủ, được kêu đến hỏi và chàng cũng chỉ trả lời được có bấy nhiêu
với nụ cười rất dễ mến. Thế là chàng được vào làm việc với cái
nhìn thiện cảm của ông chủ và của nhiều người khác. Chỉ
mấy tháng sau, sự tài năng, tháo vác, lương thiện và lòng từ tâm, hỷ tâm của
chàng làm cho ông chủ yêu thương lạ lùng.
Chàng được làm cai coi sóc một trăm phu khiêng ở bến
tàu. Thế là chàng cảm thấy trách nhiệm của mình nên đã làm việc một cách hăng
say, nhiệt huyết và đầy thiện chí. Chẳng bao lâu, khắp cả bến
tàu, không ai là không biết tên chàng, mang ơn chàng và thương yêu chàng.
Từ giọng nói, dáng đi, cử chỉ, nụ cười của chàng dường như ban rải cho người ta
niềm tin yêu và năng lượng thanh bình, an lạc. Ông chủ
“ghiền”chàng. Phu khiêng “mến yêu” chàng.
Trẻ em “mê” chàng. Và con gái thì “tương tư” chàng.
Năm thứ
hai, ông chủ gã cho chàng một lúc hai cô tiểu thư yêu quý cùng một chiếc tàu lớn làm của hồi môn.
Chàng lại đi buôn muối và trao đổi hàng hoá, vải vóc lẫn những thổ sản đó đây
khắp các thành phố miền duyên hải. Người ta lại rủ
chàng tìm ngọc trai và buôn bán ngọc trai.
Đối với chàng, chưa bao giờ nghe đến hai chữ thất bại nên cuối năm, trong tay chàng đã có đến hàng trăm ngàn đồng tiền vàng.
Ông chủ mất, chàng được kế thừa một gia sản lớn cùng mấy chục chiếc
tàu buôn. Chưa dừng lại ở đó, chàng còn tậu một trăm con lạc đà để thồ và
vận chuyển hàng hoá giao thương với các nước vùng sa
mạc tây bắc...
Thế là Ý
Lợi đã trở thành một tay
“Phú gia địch quốc” trong chưa đầy ba năm áp dụng bí quyết gia truyền: Tâm lành
quả tốt – theo như lời trăn trối của mẹ.
Hôm kia, chàng bồi hồi nhớ lại lời ước hẹn cũ với anh và em, Ý
Lợi chuẩn bị một cuộc trùng phùng huynh đệ suốt ba năm xa cách nhớ nhung.
“- Chẳng biết anh và em ta giờ ra sao?”
Trí Lợi
lang thang vất vưởng đến một tiểu quốc. Trên đường,
chàng cũng tâm tâm niệm niệm lời cha mẹ dạy. Cũng như Ý
Lợi, chàng cũng đã làm vô lượng công đức trên đường đi.
Một buổi
chiều, chàng lạc vào một kinh thành hoa lệ, phố phường rộn rịp, đèn treo hoa kết
như sao sa. Đây một nhóm người đang
sơn quét. Kia một nhóm người đang làm đường.
Một nhóm khác đang chưng bày bàn trầm hương hoa bái
vọng.
“- Đâu cần thì ta có, đâu khó thì ta làm.”
Nghĩ thế, chẳng biết quen hay lạ, chàng hăm hở
lao vào giúp mọi người. Việc khó, chàng giúp ý kiến cho
trở thành dễ. Việc nặng, chàng giúp ý kiến cho trở
thành nhẹ. Chàng hăng hái bắt tay làm với sự
thông minh, sáng dạ của mình.
Người ta đưa mắt ngạc nhiên nhìn chàng thanh niên đẹp trai lạ mặt.
Chẳng mấy chốc, tiếng đồn lan
xa rồi các vị bô lão đến xin chàng ý kiến về cách thức bài trí phố phường như
thế nào để đón tiếp một vị Phật.
- Một vị
Phật? Chàng ngạc nhiên hỏi lại.
Một vị
trưởng lão cặn kẽ giải thích:
- Phải
rồi. Ngài, đầu tiên là một Sa-môn không cửa, không nhà.
Sau, Ngài đã giác ngộ chân lý cao cả và huy hoàng của đời sống. Và bây
giờ, Ngài đang lê gót khất sĩ khắp vạn nẻo đường để cứu độ chúng sanh.
Trong tâm Trí Lợi chợt hiện ra hình ảnh của vị Sa-môn năm xưa qua
lời thuật lại của cha mẹ chàng. Đúng rồi! Chính là Ngài! Vị đạo sĩ tình
nguyện sống đời bần hàn xin ăn đó đây với đại nguyên
tìm cho ra phương thuốc cứu độ chúng sanh. Vậy thì phải rồi: Tâm lành quả tốt!
Nghĩ thế
xong, chàng nói:
- Đối với một vị Phật, bậc Vô Thượng như vậy thì không có hình thức
đón tiếp nào cho xứng đáng được cả.
Mọi hình thức đều cần thiết, nhưng cái quan trọng hơn là: Tâm lành quả tốt – tâm
dẫn đầu, tâm sinh ra mọi nghi lễ, hình thức. Các vị tiền bối hãy như vậy thọ trì.
Chàng chỉ nói thế, không trả lời thêm, dẫu được hỏi.
Vị trưởng lão cố vấn nghi lễ và khánh tiết cũng không hiểu bèn cùng nhau cử
người đại diện đi vào nội thành.
Tiểu quốc
này là Đạt Xa, Quốc vương tên là Bố Đức. Dẫu là nước nhỏ nhưng thạnh mậu và phú
cường do nhờ đức liêm khiết, lòng nhân hậu của đức vua cũng như bá tánh. Hôm
kia, đức vua nghe tin tại Hy Mã Lạp Sơn đã xuất hiên một vị Phật, một bậc
Toàn Giác, một đấng Siêu Nhân. Ngài đã lần lượt hàng phục chúng ma suốt cả mấy
trăm tiểu quốc dọc theo
thung lũng sông Hằng. Và, hiện giờ, Ngài và Tăng Chúng trên mười ngàn vị đang du
hành qua xứ xở này. Hoan hỷ và kỉnh mộ xiết bao, đức vua cho họp triều thần lại,
cử người tức tốc dùng khoái mã đến quỳ phục bên chân Đức Thế Tôn thỉnh mời Ngài
và Tăng Chúng bi mẫn quang lâm hoá độ Đạt Xa.
Đức Thế Tôn im lặng nhân lời.
Công chúa nước này tên là Đoan Nghi, tán thán việc làm ấy của cha
rồi xin phép được góp phần công đức. Nàng đích thân
đứng ra tổ chức buổi lễ long trọng này. Tuy thế, tự trong thâm tâm không
ai hiểu được cách thức nghinh tiếp một vị Phật ra sao, nên họ chỉ có việc treo
đèn kết hoa, sửa sang lại đường sá cùng bày bàn trầm hương bái vọng.
Mọi việc đang diễn tiến êm thắm, ngờ đâu gặp chàng thanh niên đẹp
như thiên thần từ đâu hiện ra, nói những lời hàm súc biết bao ý nghĩa?
Sau khi vị
trưởng lão cố vấn nghi lễ và khánh tiết trình bày cốt cách, nghi dung, việc làm,
sự thông minh lẫn lời nói của chàng thanh niên, Công chúa Đoan Nghi nghe lòng
xúc động mạnh. Một niềm tin tưởng lẫn hỷ lạc đến với nàng.
Công chúa
phán truyền:
- Xem
chừng thanh niên kia là người hiểu đạo lý sâu xa. Hãy
làm theo
tất cả những gì mà y nói.
Vị trưởng lão tìm gặp Trí Lợi, nói lại lời của Công chúa rồi xin ý
kiến.
Chàng hỏi:
- Thực
hành tất cả những gì mà tiểu bối nói ư?
Vị trưởng
lão gật đầu mạnh mẽ:
- Phải
rồi! Không sai được!
Trí Lợi
cất tiếng dõng dạc:
- Để đón tiếp một vị Phật, trước tiên là hãy chuẩn bị cái tâm. Cái tâm tức là cái tấm lòng. Hãy làm cho
“chính cái tâm”.
Vị trưỡng
lão khẽ cau mày:
- Thế nào
là “chính cái tấm lòng”?
Trí Lợi
nói:
- Chớ giết
hại, hận thù. Không được tham lam trộm cướp, tà vạy, bất chánh... mà phải sống
giữa mọi người như tình ruột thịt huynh đệ. Điểm thứ nhất đó,
hãy thọ trì.
Vị trưởng
lão ngẫm nghĩ một hồi:
- Xin cho
nghe điều thứ hai?
Trí Lợi
nói:
- Cái tấm
lòng đã chính rồi thì việc lành sẽ từ cái tâm ấy mà ra. Hãy xuất một trăm ngàn
đồng tiền vàng mua vải vóc lương thực chẩn bần cho những kẻ đói rách ở phương
đông. Hãy xuất một trăm ngàn đồng tiền vàng mua vải vóc lương thực chẩn bần cho
những kẻ đói rách ở phương tây. Cứ như thế... phương nam, phương bắc. Đây
là điều thứ hai, hãy như vậy mà thọ trì.
Vị trưởng lão lại gật đầu.
Trí Lợi
sang sảng tiếp:
- Còn điều
thứ ba, mọi nghi lễ, hình thức thì tuỳ nghi. Có hình thức nào
khả dĩ xứng đáng để cung nghinh một vị Phật được? Hơn
nữa, một vị Phật, một vị Toàn Giác, một đấng Toàn Thiện chẳng bao giờ muốn chúng
ta xa xỉ về của cải, mà hãy dùng của cải sao cho hợp lẽ đạo thì thôi.
Hãy làm với tất cả tấm lòng. Hãy làm với tất cả tấm
lòng.
Đến ngày,
một vị Sa-môn dung sắc thù thắng, dáng đi trầm tĩnh uy nghi như chúa sư tử lông
vàng dẫn đầu hơn mười ngàn Tăng Chúng về đến kinh đô. Đấy là
Đức Thế Tôn Ca-diếp.
Tin truyền đi rất nhanh. Quốc vương, Hoàng
hậu, Công chúa cùng thị nữ hơn ngàn người cả thảy đều đi chân đất từ nội thành
bước ra. Các hàng bô lão, quí tộc đã túc trực sẵn, cùng tháp tùng đi cung
nghinh Đức Phật và Tăng Chúng.
Trí Lợi trong lúc này đã được Quốc vương và cả triều đình sủng ái
giao cho tất cả mọi công việc. Cuộc trai tăng làm phước diễn ra bảy ngày.
Đức Thế Tôn Ca-diếp tỏ vẻ tán thán đức vua và triều thần đã làm đúng Chánh pháp;
lại khen ngợi cuộc chẩn bần vĩ đại chưa từng có song
song trong cuộc lễ. Đức Thế Tôn biết rõ mọi chuyện, Ngài cho gọi Trí Lợi đến nói
rằng:
- Bánh xe Chánh pháp của Như Lai rồi sẽ có một cánh tay công đức của
con.
Trí Lợi,
sau đó, được Quốc vương chọn làm Phò mã. Và chàng trở thành một cận sự nam, một
đại thí chủ trong giáo pháp của Đức Thế Tôn Ca-diếp...
Ý Lợi trở
về làm quà cho em với một trăm con lạc đà chất đầy hàng hoá. Nhưng khi đến quê
hương thì nương dâu đã biến đổi; nhà cửa ruộng vườn đã qua tay
người khác; khắp lối hoang lá rụng tơi bời; người em giờ đã bóng chim tăm cá,
biết đâu mà tìm?
Chàng gục khóc trên lối vào nhà cũ. Khi tỉnh dậy, chàng thấp
thoáng thấy một bóng vàng đứng ở trước mặt và trên trán có một bàn
tay ai âm ấm dịu dàng?
Ý Lợi mê
sảng nói:
- Ai đây?
Em tôi đâu? Em tôi giờ ở đâu?
Bóng vàng
khẽ cất giọng nhỏ nhẹ:
- Ý Lợi
thân huynh! Đệ đây! Đệ chính là Tâm Lợi đây!
Câu nói kia có mãnh lực đánh thức Ý Lợi vùng đứng dậy.
Chàng đã tỉnh táo hoàn toàn. Đúng là Tâm Lợi, người em
út của chàng. Chàng nghẹn ngào nắm tay
vị Sa-môn, không cầm được nước mắt.
Khi ấy một
chiếc xe tứ mã nạm ngọc dát vàng từ hướng đông chạy
đến. Trước sau những kẻ tuỳ tùng hộ vệ uy nghi nghiêm cẩn.
Dân chúng lũ lượt kéo ra xem.
Trí Lợi
bước xuống, tất tả chạy đến khu vườn năm xưa gọi lớn:
Ý đệ! Tâm
đệ!
Cả ba gặp nhau đứng sững lại.
Kẻ này nhìn người kia. Kẻ kia nhìn người nọ. Ngơ ngác.
Ngỡ ngàng.
Hồi lâu, họ chợt ôm chầm lấy nhau khóc lóc, mừng rỡ.
Sau ba
năm, ngày hẹn trở về, Ý Lợi đã là nhà tỷ phú, Trí Lợi đã là một
kim
thân phò mã. Ai cũng thành công cả. Nhưng riêng Tâm Lợi, giờ chỉ là một Sa-môn khất sĩ nghèo nàn.
Cả ba lần lượt kể chuyện mình.
Đến phiên Tâm Lợi chàng lẳng lặng không nói gì, lâu lắm mới khẽ ôn
lại chuyện cũ.
Đọc được thư hai anh, Tâm Lợi khóc mùi mẫn.
Khi nước mắt đã vơi, lòng chàng ngổn ngang trăm mối. Tình thương của hai anh đối với chàng thế là cùng rồi.
Trước đây ỷ lại vào cha vào mẹ, sau này ỷ lại vào hai anh, chàng
chẳng làm việc gì.
Chỉ có chạy nhảy vui đùa với muông cầm điểu thú. Nay
bỗng dưng đã mất cha mẹ, lại mất luôn hai anh, chàng đâm ra lúng túng. Chàng đi
tới đi lui nghĩ ngợi lan man.
Buổi sáng
chàng cho chim ăn, cho thỏ ăn. Buổi chiều chàng thơ thẩn vườn
trên lại thơ thẩn vườn dưới. Đêm nằm ngủ, Tâm Lợi bần
thần lo lắng đủ mọi bề. Ôn gẫm lại lời dạy của cha mẹ, của hai anh, chàng
lẩm bẩm:
“- Tâm lành quả tốt. Cha mẹ ta nhờ bốn chữ đó, hai anh ta
cũng thực hành theo bốn chữ đó. Vậy thì ta cũng nương tựa
nơi bốn chữ đó mà lập thân thôi.”
Sáng ngày,
chàng cho treo lên trước cổng một tấm bảng đề câu:
“- Nơi đây làm tất cả các việc lành, các công đức.
Ai cần gì cứ hỏi.”
Không mấy chốc, tiếng lành đồn xa, người ta lần lượt tìm đến. Đầu tiên, người ta xin một bữa cơm, một manh vải.
Chàng hoan hỷ cho. Những ngày hôm sau, không những xin
cơm xin vải mà người ta còn xin thêm tiền bạc. Chàng
hoan hỷ cho.
Cứ thế, tuỳ theo nhu cầu của mỗi người, chàng lần lượt
bố thí tiền bạc, nhà cửa, điền trang...
Chẳng bao lâu, chàng hoàn toàn khánh kiệt, chỉ còn một manh áo che
thân. Thế nhưng lòng hoan hỷ nơi chàng không vì vậy mà
thối giảm, chàng tin tưởng mãnh liệt vào bốn chữ “Tâm lành quả tốt”.
Hôm kia, xuất hiện một vị đạo sĩ to lớn, quàng chiếc y sáng rực
rỡ như vừng dương, dung sắc trang nghiêm thù thắng; vị đạo sĩ đứng tịch nhiên
bất động trước cửa, bình bát trước mặt, nụ cười an nhiên trầm lặng.
- Kính
bạch Ngài – Tâm Lợi bước ra cung kính chắp tay thốt. Đệ tử chẳng có gì để bố thí nữa.
Đạo sĩ khẽ
nói:
- Chẳng ai
là “không còn gì”. Chỉ sợ thí chủ không rộng lượng với kẻ ăn
xin này thôi.
Tâm Lợi
sững sốt nhìn lại mình thì chợt thấy manh vải cuối cùng; chàng sợ hãi nói:
- Quả thật
đệ tử còn một manh áo đang mặc trên thân. Nhưng... như
thế thì có bất kính với Ngài chăng?
Vị đạo sĩ
cười:
- “Tâm lành quả tốt”. Lòng thí chủ không
bất kính thì của bố thí làm sao lại bất kính được?
Câu chuyện của hai người lôi kéo một số đông đến vây kín xung quanh.
Khi nghe chuyện đạo sĩ cố ý xin cả manh áo cuối cùng, họ hét lên:
- Đồ bất nhơn. Tu hành mà bất nhơn!
Người lại
nói:
- Người ta
chỉ còn một cái khố rách mà cũng đến xin. Đồ ác nghiệt!
Người lại
than:
- Ôi chao!
Vô lẽ rồi y sẽ trần truồng sao?
Người ta định đánh đuổi vị đạo sĩ.
Nhưng chuyện lạ xảy ra.
Khi Tâm
Lợi thò tay định cởi áo... thì một tấm áo vàng từ đâu
giữa hư không rơi xuống quàng vào người chàng. Râu tóc chàng
lại tự động rơi rụng nhẵn nhụi.
Tâm Lợi đã biến thành một Sa-môn khất sĩ, y bát đạo mạo trang
nghiêm thoát tục.
Vị đạo sĩ
tự nãy giờ vẫn an
nhiên tự tại đứng bên, bây giờ chợt cao lên mười trượng. Người khẽ nắm tay Tâm Lợi rồi bay lên giữa hư không, theo đường kinh hành
bằng ngọc xanh đi về phía chân trời mất hút...
Tâm Lợi
vừa kể xong thì Trí Lợi chợt quì xuống, khẽ nói:
Chính Ngài
đấy! Vị đạo sĩ nghèo nàn năm xưa đã tế độ cho cha mẹ ta.
Ngài giờ là Đức Thế Tôn Ca-diếp.
Ý Lợi
khuôn mặt chợt sáng lên một cách kỳ dị, chắp tay giữa
hư không:
- “Con xin hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác ấy!” Con xin nguyện được là một cận sự nam, sẽ bỏ cả gia
tài tỷ phú này để hộ trì cho Đức Thế Tôn cùng thập phương Tăng Chúng cao cả.
Ngay khi
ấy, từ bầu trời phương tây, một Sa-môn hùng vĩ như chúa
sư tử lông vàng, hiện ra; tiếng nói như Phạm âm vọng lại:
- Tâm lành
quả tốt! Tâm lành quả tốt! Ba đời chư Phật thành tựu đạo quả Vô Thượng, bước đầu cũng chỉ có
vậy mà thôi!