Minh
Đức Triều Tâm Ảnh
Thấy
đức Phật bỏ rơi, ba nhà triệu phú và hai hàng cận sự nam nữ tẩy bát; hơn một
ngàn vị tỳ-khưu ở tại hai lâm viên Pāvārikārāma và Kukkuṭārāma đã không thèm qua lại thăm viếng, hỏi han; và ni
chúng gặp họ cũng quay lưng - làm cho hai hội chúng tỳ-khưu tại Ghositārāma rơi
vào một cơn khủng hoảng trầm trọng do bị áp lực nặng nề từ mọi phía. Họ không
những bị bỏ đói mà còn bị rơi vào trạng thái tinh thần bất an, nóng nảy như có
một lò lửa thiêu đốt ở trong lòng.
Hôm
nọ, vị pháp sư tìm gặp vị luật sư, kể lại tâm trạng của mọi người rồi sợ hãi
nói:
- Bị thiêu đốt ở trong tâm là trạng thái địa ngục đấy -
hiền giả! Phải tìm cách sám hối với đức Đạo Sư thôi.
- Vâng! Tôi cũng nghĩ vậy.
- Chúng ta hãy họp cả hai hội chúng lại - rồi tất thảy
hãy bộ hành về Sāvatthi, nghe nói là tôn giả Ānanda và năm trăm tỳ-khưu đã cung
đón ngài từ khu rừng Pārileyyaka về Jetavana rồi.
- Vâng!
Vậy là trong lúc chư tỳ-khưu tại vườn rừng Ghositārāma
chuẩn bị lên đường - thì đức Phật đã về đến Jetavana.
Một hai ngày đầu tiên, đức Phật phải giải thích, trình
bày nhân quả, sự họa hại gây ra do bất hòa, chia rẽ của hai nhóm hội chúng tại
Ghositārāma - cho chư tăng chùa Kỳ Viên nghe - mà tôn giả Sāriputta và Mahā
Moggallāna là hai bậc thầy, hai vị thượng thủ phải tiếp thu để giảng nói rộng
rãi cho mọi người nghe. Suốt sáu bảy ngày sau đó, liên tiếp rất nhiều nhóm các
vị tôn túc trưởng lão cùng với chúng đệ tử của họ tại Sāvatthi hoặc các tỉnh
thành, thị trấn, làng mạc gần hoặc xa lũ lượt tìm về Jetavana đảnh lễ và vấn an
sức khỏe của đức Thế Tôn. Đấy là các nhóm của tôn giả Mahānama, của tôn giả
Devadatta, của tôn giả Uruvelā - Kassapa, Gayā - Kassapa, Nadī -
Kassapa... Rồi sau đó, lần lượt là hội chúng của chư tôn giả Koṇḍañña, Vappa, Assaji, Vappa, Upāli,
Mahā - Kassapa, Kāḷudayi... các quốc độ kế cận lần lượt đổ về Kỳ Viên tịnh xá.
Chưa thôi. Rồi còn phái đoàn ni chúng do ni trưởng
Gotamī và Khemā dẫn sang. Phái đoàn của đức vua Pasenadi, hoàng hậu Mallikā.
Trưởng giả Cấp Cô Độc, hoàng tử Kỳ Đà cũng rất nhiều triệu phú, gia chủ tại kinh
thành Sāvatthi nữa. Chuyện đức Thế Tôn biệt tích và an cư ở khu rừng
Rakkhitavana đã làm cho xôn xao cả toàn bộ đại chúng, tăng ni và hai hàng cận sự
nam nữ như vậy đó. Ai cũng quan tâm và lo lắng cho ngài. Rất đông người còn phàm
lại sinh ra bực tức, giận ghét bọn học trò cứng đầu, ngoan cố đã làm phiền đức
Đạo Sư của họ.
Hôm kia, tôn giả Sāriputta tìm đến đức Phật để thưa một
chuyện:
- Bạch đức Thế Tôn! Chư tăng hai nhóm kinh và luật họ
sắp đến đây để diện kiến đức Đạo Sư! Chuyện của họ đã tràn tai mọi người, cả gốc
cây, cục đá cũng nghe. Đức Thế Tôn thì có cách ứng đối, giáo giới riêng của
ngài. Còn riêng đệ tử hoặc Mahā Moggallāna thì phải đối xử với họ như thế nào,
nói chuyện với họ như thế nào cho đúng pháp và luật?
Đức Phật biết tâm tư của vị trưởng tử, lúc nào cũng
quan tâm đến cái gì sâu rộng, bao quát và lâu dài hơn nên ngài nói:
- Câu hỏi của ông có tính đối trị nhất thời - hay có
giá trị phổ biến, áp dụng cho mọi cuộc tranh luận tương tợ cho cả mai sau?
- Thưa vâng, cho cả mai sau!
- Vậy, nếu có chuyện như vậy xảy ra giữa tăng chúng -
thì ông hãy để ý lắng nghe xu hướng, lắng nghe quan điểm, lắng nghe nhận thức và
hãy làm cho sáng tỏ vị nào, phe nhóm nào đã sống đúng pháp và luật - thì
hãy ủng hộ, bảo vệ vị ấy, phe nhóm ấy - này Sāriputta!
- Vậy thì như thế nào để có thể được gọi là đúng với
pháp và luật - bạch đức Đạo Sư?
- Nó có tất thảy ba mươi sáu điều! Mười tám điều
được gọi là pháp và mười tám điều được gọi là không phải pháp.
Nếu nó thuộc về mười tám điều đúng pháp thì bảo vệ, ủng hộ. Nếu nó thuộc về mười
tám điều không phải pháp thì không bảo vệ, không ủng hộ - này Sāriputta!
- Đệ tử đã sẵn sàng chú tâm lắng nghe.
- Bây giờ Như Lai chỉ nói cái nội dung - còn ông thì
phải tự phân ra chi pháp, có được không, Sāriputta?
- Đệ tử sẽ cố gắng.
- Đúng là pháp và không phải pháp được đi theo chiều
dọc tuần tự sau đây:
1- Đúng là pháp - lại cho là không phải pháp;
2- Không phải pháp - lại bảo là pháp;
3- Đúng là luật - lại tuyên bố không phải luật;
4- Không phải luật - lại nhận là luật;
5- Điều Như Lai đã thuyết giảng - lại nói là không
thuyết giảng;
6- Điều Như Lai không thuyết giảng - lại cho là có
thuyết giảng;
7- Điều Như Lai thực hành - lại nói là không thực hành;
8- Điều Như Lai không thực hành - lại bảo là có thực
hành;
9- Điều mà Như Lai chế định - lại cho là không chế
định;
10- Điều Như Lai không chế định - lại bảo là có chế
định;
11- Điều học giới quy định vô tội - lại tuyến bố phạm
tội;
12- Điều mà học giới quy định phạm tội - lại tuyên bố
vô tội;
13- Điều mà học giới chế định là tội nặng - lại xem là
tội nhẹ;
14- Điều mà học giới nói là tội nhẹ - lại cho là tội
nặng;
15- Điều mà học giới bảo là tội còn dư sót - lại cứ cho
là tội không còn dư sót;
16- Điều mà học giới gọi là không còn dư sót - lại bảo
là còn dư sót;
17- Điều mà học giới tuyên bố là tội trầm trọng - lại
cho là không phải tội trầm trọng;
18 - Điều mà học giới xác định là tội không trầm trọng
- lại bảo là tội trầm trọng.
Nói tóm lại! Vị tỳ-khưu nào sống chân chính thực hành
theo phạm hạnh thì đi đúng theo pháp và luật của Như Lai - bằng vị nào tuyên bố
ngược lại, sống phi pháp, phi luật thì họ không phải là đệ tử của Như Lai.
- Đệ tử đã lãnh hội rồi!
- Thế thì ông hãy thử lập ngôn một đôi điều trong ba
mươi sáu điều ấy rồi giảng nói sâu rộng cho chư tăng nghe để họ học hỏi được
không, Sāriputta?
- Thưa, có thể được! Ví dụ trong mười tám điều phi pháp
(Adhammavadī)
thì điều thứ nhất là:“Khi đức Thế Tôn dạy điều ấy là không phải pháp - nhưng
chúng lại bảo là pháp, chơn chính pháp”. Điều thứ hai là:“Khi đức Thế Tôn
nói điều ấy là pháp, chơn chánh pháp - mà chúng lại nói là không phải pháp, là
phi pháp”... Có thể kết luận rằng, mười tám điều phi pháp là hoàn toàn nói
nghịch lại, sống ngược lại; lập ngôn những mệnh đề phủ định điều đức Thế Tôn đã
dạy về pháp và về luật, có phải vậy không, bạch đức Thế Tôn?
- Đúng vậy!
- Còn trong mười tám điều là pháp, chơn chánh pháp
(Dhammavadī) thì điều thứ nhất:“Khi đức Thế Tôn dạy đấy là pháp thì chư
tỳ-khưu thọ trì, tuyên bố đúng là pháp”. Điều thứ hai:“Khi đức Thế Tôn
dạy không phải pháp thì chư đệ tử nói là không phải pháp”... Cả mười tám
điều đúng là pháp - là những tuyên bố, những phát ngôn phải lẽ, những mệnh đề
xác định, đúng đắn, là sống đúng, sống thuận theo pháp và luật mà đức Tôn Sư đã
từng giáo giới?
Đức Phật gật đầu nhè nhẹ rồi nói tiếp:
- Sau này, các học giới về luật cũng sẽ được y cứ vào
ba mươi sáu điều này để phân biệt khinh trọng, có tội hoặc vô tội, bị án treo,
giảm khinh hoặc chế định theo từng mức độ của hình phạt như thế nào - Như Lai sẽ
thuyết rộng vào lúc phải thời, này Sāriputta!
Chiều ấy, tại giảng đường chùa Kỳ Viên, khi đầy đủ tất
cả chư vị trưởng lão tôn túc và toàn thể tăng ni chúng, đức Phật trình bày tóm
tắt lại ba mươi sáu điều “pháp và phi pháp”, sau đó, tôn giả Sāriputta có
trách nhiệm thuyết lại trong tinh thần mở rộng, triển khai đề tài để cho đại
chúng lãnh hội toàn bộ nội dung.
Cuối thời pháp của tôn giả Sāriputta, đức Phật cặn kẽ
nói thêm:
- Chư vị trưởng lão phải nắm bắt cho vững rồi dạy lại
cho chúng đệ tử ở nhiều nơi. Riêng Upāli thì càng phải theo dõi vấn đề sít sao
hơn. Ít hôm nữa, chư tỳ-khưu cứng đầu tại Ghositārāma đến đây - Như Lai chỉ nói
ra cái nguyên lý của luật - còn vấn đề xử sự tội trạng cụ thể như thế nào là tùy
thuộc vào hội đồng trưởng lão ở đây, hai ông Sāriputta và Moggallāna có trách
nhiệm chủ trì.