Huệ Trân
Con
đường ấy, khởi bước, ngỡ không mấy khó và chắc cũng chẳng có chi dài, vì nương
theo
sự chỉ bảo của các vị Đạo Sư, các bậc thiện tri thức giảng giải lời Phật dạy,
thì sự giải thoát, giác ngộ có bao xa! Tùy căn cơ người nghe, lời giảng dạy chỉ
gom về một mối, là muôn kinh, vạn kệ, hằng hà pháp môn cũng chỉ để giúp ta nhận
ra, rằng mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh sáng chói như nhau, nhưng nếu không
thấy, chỉ bởi vô minh che lấp mà thôi. Nhận ra, và xóa sạch
được bụi vô minh thì chúng sanh “sẽ thành Phật” đó, lập tức là “Phật
đã thành”.
Không phải vô cớ mà Đức Phật khai thị
Hội Pháp Hoa bằng lời xác định một sự thật mới mẻ như thế.
Sự thật này là kinh nghiệm của chính bản thân Đức Phật khi ánh sao mai canh ba
hiện lên rực rỡ, chiếu sáng cả khu rừng mà sa
môn Gotama đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề suốt bốn mươi chin ngày đêm.
Đó là phút giây kỳ diệu của sự chứng
ngộ.
Cũng khu rừng đó, gốc cây đó, con người đó, ánh sao đó, nhưng
tất cả đều hoàn toàn mới mẻ, vì con người đó vừa bứt phá được mọi gông cùm xiềng
xích phiền não bằng thanh gươm trí tuệ. Phải nhận ra cội rễ khổ đau mới có thể
chặt đứt chúng để trở thành con người tự do, tự tại, vốn sẵn tiềm ẩn nơi mỗi
chúng sanh.
Nhưng ở không gian và thời gian đó, sự thật này lại khó tin
đến mức khiến hơn năm ngàn vị Thanh Văn Duyên Giác hốt hoảng đứng dậy, rời Pháp
Hội, xuống núi!
Làm sao tin nổi là mọi chúng sanh, bất kể sang hèn giầu nghèo,
khi nhận ra được là trong hình hài phàm phu này, có một vị chân nhân, thì kẻ đó
đang là Phật! Và, nếu chịu tin như thế rồi, việc còn lại chỉ là ân cần chăm sóc
và quán sát cái thân tâm phàm phu này, hăng hái lau chùi bụi bặm đi, tẩy rửa uế
nhiễm đi, sẽ thấy được vị chân nhân bên trong.
Nhưng vị chân nhân đó, dung mạo ra
sao, già trẻ thế nào, để có thể thấy hay không thấy? Dùng cái thân tướng phàm phu giả tạm, do kết hợp từ đất,
nước, gió, lửa, để đi tìm cái không hình không tướng, không biết từ đâu đến và
chẳng biết sẽ về đâu thì có dễ không?
Chắc là không, vì cõi ta-bà, muôn
“Phật sẽ thành” vẫn nổi trôi trong biển khổ, hoặc phó mặc trầm luân,
hoặc nhọc nhằn cầu học. Kẻ phó mặc trầm luân, ví như đã an phận
theo dòng sinh tử, còn người cầu học mới phải khổ công nhọc trí, bôn ba
tìm thầy, nương pháp để chỉ cho cách tìm ra cái “đang ở trong ta”.
Một vị giảng sư, mỗi lần đăng tòa thuyết pháp, đều nhắc nhở
đại chúng: “Ngoài đời-thường, học vị nào, công việc nào cũng có lúc hoàn tất. Đạt kết quả rồi, người đó có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ công trình của
mình, bằng cách này hay cách khác. Nhưng với người cầu sự giác ngộ giải
thoát thì không có phút nào được ngưng nghỉ, bởi phút nào giải đãi, phút đó mất
ngay chánh niệm; mất chánh niệm thì thân, tâm, ý, theo
vọng mà hành xử ngay!”
Đây là lời nhắc nhở rất quan trọng
cho những ai thực tâm cầu đạo. Lời nhắc này cũng nói lên sự dễ, hoặc khó,
trong việc lau bụi vô minh, hiển lộ Phật Tánh. Loại bụi này chẳng phải
chỉ bám vào một nơi, một chốn, cũng chẳng phải chờ gió, chờ mưa nó mới di
chuyển, lây lan. Để cho một ý bất thiện khởi lên mà
không kịp nhận diện, nó có thể biến thành hành động, nhanh như
tia chớp. Tác hại hơn, nếu nó còn mưu lược phác họa chương trình, rồi
thân tâm ý cùng hỗ trợ nhau tích cực hành động thì chẳng bao lâu, giọt nước sẽ
biến thành sóng thần, thành cuồng phong bão tố! Nhân vật Hitler chỉ không ngăn
được thành kiến không ưa một chủng tộc, mà dẫn đến việc sát hại hơn sáu triệu
dân Do Thái vô tội trong những lò hơi ngạt!
Lịch sử nhân loại từng chứng minh vô vàn sự bi thảm, mà Đức
Phật đã cảnh giác: “Không tỉnh thức nhận diện để kịp ngăn chặn những bất
thiện ý, thì cũng như coi thường một con rắn nhỏ, có thể khiến ta mất mạng, coi
thường một đốm lửa nhỏ, có thể thiêu rụi thôn làng”.
Suy ra từ lời dạy này, cũng chớ coi nhẹ điều thiện nhỏ, mà
không làm, vì dù sự việc điều thiện đó có nhỏ, nhưng khởi được ý-thiện và hành
động theo ý-thiện đó thì kết quả có thể vô lượng.
Trong sáu căn, Ý là kẻ chỉ đạo, rồi với sự hợp lực và tuân
theo
của năm căn kia, Ý nào khởi lên cũng có thể thành hành động. Chính vì thế mà
chúng ta tìm thấy trong Tạp A Hàm, riêng sự quan trọng về việc hộ trì sáu căn đã
được lồng vào câu chuyện về tỳ-kheo Vangisa, suốt mười ba kinh. Câu chuyện dẫn
cho thấy những tiến trình nguy hiểm khi sáu căn được thả lỏng. Thầy Vangisa là
vị tỳ-kheo xuất sắc trong nhiều lãnh vực nghệ thuật, từng được Đức Thế Tôn ngợi
khen tài sáng tác thi kệ, nhưng vì không dành đủ sự quan tâm tới sáu Căn khiến
khi chúng đối trước Trần, đã dễ nẩy ra Thức ngã mạn, rồi mất chánh niệm đến nỗi
suýt bi lụy vì nữ sắc. May nhờ có nội lực tu tập, thầy sớm
nhận ra, bèn tìm tới Ngài Ananda, xin giúp đỡ.
Do việc này, một lần, Đức Thế Tôn đã nghiêm túc dạy rằng:
“Này các thầy tỳ-kheo, sáu căn của
các thầy, mỗi căn là một đại dương mênh mông, sâu thẳm. Trong mỗi đại dương đó đều có vô số
loài thủy quái sống giữa những dòng xoáy ngầm vô cùng hung hãn. Các thầy chỉ là những chiếc thuyền nan, bập bềnh trên biển cả, nếu
không cẩn trọng trong từng phút giây, thuyền sẽ bị sóng ngầm và thủy quái nhận
chìm, tiêu diệt ngay!”
Quả là một thí dụ gợi hình, đầy linh động, khiến kẻ lơ mơ như
tôi mà qua lời cảnh giác quý báu này, tôi đã bật nhớ, trong một lần giảng pháp,
giảng sư đã viết lên bảng một câu, bằng Hán tự:
“Phù vi
đạo giả, như thị càn thảo, hỏa lai tu tỵ”
Nghĩa nôm na, tôi hiểu đại ý là
“Người cầu đạo, ví như kẻ đang gánh cỏ khô, thấy lửa, phải tránh xa.”
Lửa ở đây, tạm nhận diện là những tư duy và hành động sai
lầm, từ mười sử tiêu biểu, gồm tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến,
tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Mười sử này khai triển thành tám vạn bốn ngàn
trần lao, cuốn ta trôi lăn trong dòng phiền não, sinh
tử luân hồi.
Lửa tinh vi và mênh mông vô hình vô
tướng như thế, lúc nào cũng vây quanh đời sống, ẩn hiện dưới muôn hình vạn
trạng, làm sao mà sự chểnh mảng chẳng khiến ta dễ dàng bị đốt cháy!
Vừa chợt nhớ lại ví dụ này, tôi tưởng như gánh cỏ khô trên
vai đang được ai đó chất cho đầy hơn, nặng hơn, vì nó mang
theo một thông điệp không thể không đáng sợ: “Này, thân mạng đang vùi
trong cỏ khô, hãy nhìn cho rõ, những gì là lửa nhé!”
Trên đường thiên lý hôm ấy, gió đi theo,
và cùng cất tiếng hát với đoàn người gánh cỏ:
“Nhờ ơn Thầy chỉ dạy,
Cám ơn gánh cỏ khô
Vì cỏ, ta tránh lửa,
Xa lửa, gần Chân Như…”
Nguồn: chanhphap.us