Trần Kiêm Đoàn
Nhật Ký Hành Hương 4 [1] với đề tài:
“Khi Tịnh tài sinh Bất tịnh” vừa mới được đưa lên mạng lưới truyền thông đại chúng, người
viết đã nhận được nhiều ý kiến từ phía người đọc. Hầu như tất cả những ý kiến
đều biểu tỏ sự đồng tình về thực trạng tịnh tài sinh bất tịnh trong sinh hoạt
tôn giáo nói chung
và sinh hoạt Phật giáo nói riêng.
Đã có ý kiến quan ngại rằng, Phật tử
tại gia mà lạm bàn tới sinh hoạt của giới xuất gia thì dễ rơi vào biên kiến
“tăng thượng mạn”. Kẻ viết đôi dòng nhật ký hành hương
nầy xin đảnh lễ thưa rằng, đạo Phật ra đời, tồn tại và phát triển trong một vùng
đất phân ranh giai cấp gay gắt như xã hội Ấn Độ chẳng phải vì một phát kiến tình
cờ. Nhưng vì đức Phật thấy rõ sự vô minh gây ra đau khổ. Con
đường cứu khổ và diệt khổ không phải là một phản ứng đấu tranh giai cấp thua
thắng nhất thời. Điểm xuất phát của quá trình cứu khổ và diệt khổ là phải tìm
thấy được từ cái riêng hời hợt bên ngoài của sự phân chia giai cấp, còn có cái
chung
“máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn” thông qua biểu tượng Phật Tánh nằm sẵn trong
mỗi sinh thể. Đạo Phật phủ nhận lề thói đem quyền uy và hình tướng giả tạm làm
thước đo “trí tuệ” để đè nhau.
Từ thời đức Phật còn tại thế, Ngài và
các đệ tử thường dùng phương thức pháp thoại, pháp đàm và hội thoại để giảng
kinh, diễn nghĩa.
Đức Thế Tôn đã tiếp cận hoằng pháp với cả giai cấp Chiên Đà
La, hàng thấp kém tận cùng trong đáy xã hội, đến hàng vua chúa Ấn Độ không phân
biệt. Nếu có ai trong chúng ta ngày nay, phân ranh hình tướng để làm căn
bản thiết lập đối thoại là hoàn toàn phi Phật đạo. Ngay kinh
Kim Cương là lý thuyết tinh yếu nhất của giáo lý nhà Phật thì cũng là một hình
thức pháp đàm giữa đức Phật và Trưởng lão Thiện Hiện. Trước khi giảng
kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Phật đã vui vẻ đưa mắt nhìn năm nghìn người – gồm cả
tứ chúng – đứng dậy cáo từ lui ra vì tri thức và căn cơ của họ không khế hợp với
nội dung bài giảng. Và, pho kinh làm căn bản cho tín lý Đại Thừa nầy cũng mang
tính hội thoại giữa đức Phật với các đại đệ tử như Xá Lợi Phất, A Nan Đà, Văn
Thù, Đại Thế Chí, La Hầu La…
Đức Phật là một bậc giác ngộ khai phóng khuyên bất cứ ai muốn
theo
Ngài thì cần thiết phải hiểu Ngài trước đã; đừng vì hình tướng của chiếc áo
choàng hay định kiến chấp trước mà bịt tai, che mắt theo nhau hay chống nhau.
Chúng ta hôm nay chỉ là những hạt cát của muôn xưa từ phía sông Hằng dạt về
phương Đông hay phương Tây đang lắng nghe nhau, có gì phải dè chừng, e ngại.
Các emails và điện thoại góp ý đến từ nhiều nơi, kể cả từ quê
nhà và bên ngoài. Nhìn chung, chư tôn xuất gia và Phật
tử tại gia đều có mối ưu tư và quan ngại tương đối giống nhau về vấn đề tác động
tiêu cực và tai hại của kinh tế thực dụng trên tịnh hạnh tu hành của giới xuất
gia và tín tâm của đại chúng trong thời đại mới. Nội dung có nhiều mặt còn khuất
lấp và nhiều khía cạnh còn khúc mắc. Nhưng đại thể thì những tấm lòng còn quan
tâm tới sự thăng trầm của đạo pháp vẫn tiến tới một kết luận tương tự rằng:
Xuất gia tu hành là một sự dấn thân
vĩ đại, một quyết định dứt khoát nhất của một đời người. Đó là một hạnh
nguyện chuyển từ tính phàm qua tính thánh siêu tuyệt trên sự nghĩ, bàn. Người đi
tu là người can đảm chấp nhận từ bỏ tất cả mọi giá trị vinh hoa, phú quý đời
thường; vượt ra ngoài những nhu cầu ái dục phàm nhân như luyến ái lứa đôi, hạnh
phúc gia đình, vui buồn tục lụy. Có thể nói trong thế giới đi tu nói
chung, người tu sĩ Phật giáo là biểu hiện sâu đậm nhất của sự hy sinh
siêu tuyệt đó. Người tu sĩ theo đạo Phật tự nguyện từ bỏ mọi giá trị vật chất
đời thường, từ bỏ mọi tên họ chức vị cá nhân, từ bỏ mọi lạc thú ăn uống hưởng
thụ, từ bỏ mọi ước mơ sở hữu. Chỉ có một con đường chọn lựa duy nhất là tu hành
thanh tịnh và tinh tấn để độ cho mình giác ngộ và độ cho người bớt khổ, thôi mê.
Tất cả những sự quan ngại về động cơ làm lu
mờ hình ảnh thoát tục của người tu sĩ Phật giáo đều có một nỗi niềm thao thức
chung: Đó là khả năng lôi cuốn của ái dục và sở đắc sẽ tàn phá lý tưởng tu
hành cao sâu. Người ta tự hỏi rằng, một đường tu rỡ ràng và trong
sáng đến thế, tại sao lại để cho tiền bạc, vật chất là những phương tiện tầm
thường – mà giới hạnh tu hành đã phát tâm vất bỏ trước khi xuất gia – xâm phạm
và khuấy đục. Nếu đem lý tưởng một đời để đổi lấy miếng phù dung giả tạm trước
mắt thì thật là quá uổng!
Chân tu là bậc xem tiền bạc vật chất
dẫu tới muôn kho vạn hộc của hàng vua chúa cũng chỉ là phù vân. Miếng ăn, áo mặc,
giấc ngủ đều phải đạm bạc mới phù hợp với phương vị Tỳ Kheo – Khất sĩ.
Khất sĩ (Anagarika), Tỳ Kheo (Bhiksu), Sa Môn (Sramana) là những danh xưng khác
nhau để chỉ chung cho phương vị của các đạo sĩ tu hành
truyền thống ở Ấn Độ, gồm cả đạo Phật và khác đạo. Đó là những
người có chí nguyện cao cả hướng về đời sống tâm linh. Khất sĩ chỉ cần
khất thực có miếng ăn
ngày một bữa vừa đủ nuôi thân xác để tu trì giác ngộ cho mình và hóa độ cho
người. Trưởng lão Du Già Khất Sĩ Riponche Mahasam Tây Tạng đã từng khuyến cáo
rằng: “Khất thực độ thế là biểu hiện hướng hành trì giải thoát của người Khất
Sĩ. Vận động đóng góp tiền bạc để tích lũy giàu sang là đọa nghiệp của giới hành
khất. Tính thánh và tính phàm chỉ khác nhau ở sự buông bỏ hay dính mắc. Người
xuất gia mà không dứt khoát buông bỏ danh vị, chức quyền và tiền tài vật chất là
đang tự biến Duyên Tu thành Nghiệp Tu. Kiếp này khoác áo thánh chúng mà mắc nợ
phàm trần thì tới kiếp nào mới trả hết.”[2]
Buông bỏ để xuất gia tìm đạo là con đường quang minh không
thối chuyển mà đức Phật và chư
tôn thạc đức đã đi qua trong suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ. Ngược lại, xuất gia
tìm đạo mà không buông bỏ nên đã có những thời kỳ “xuất gia như ngưu mao, đắc đạo như thố giác” – Xuất gia như cát sông Hằng, khó
tìm đắc đạo như trăng ban ngày.
Những thời đại đẹp nhất trong giáo sử đạo Phật là những thời
điểm có vua quan là minh chủ, tăng ni là những bậc chân tu, đại chúng là lương dân sống hài hòa
đời thế tục và tâm linh. Hỗ trợ nhau nhưng tuyệt đối không xen
vào lĩnh vực nội bộ riêng biệt của nhau là vấn đề then chốt.
Ngược lại, đạo pháp sẽ bị suy vi khi nếp sống tịnh hạnh của nhà tu bị thế lực ma vương của
chức danh, quyền lợi và tiền tài quấy phá. Thời mạt Đường ở Trung Hoa, hai giới
bần tăng và phú tăng đấu đá và khấu ó nhau vì quyền lợi phân chia chức vị và
ruộng đất. Việc dựng chùa, lập phái dễ dãi như mở quán xá đầu
đường.
Dân gian và Đạo giáo bất mãn phản ứng. Vua Đường Võ Tôn
xuống lệnh buộc hơn ba nghìn năm trăm Tăng Ni phải hoàn tục. Đạo Phật suy bại
gần trăm năm vì miếng mồi vật chất.
Ở xứ ta, đạo Phật cực thịnh vào thời
đại Lý Trần. Nhưng bắt đầu suy đồi vào giữa thế kỷ thứ 14.
Suy đồi không có nghĩa là đếm bằng số lượng giảm thiểu con số chùa viện, tăng
sĩ và Phật tử. Suy đồi ở đây có nghĩa là đánh mất vai trò lãnh đạo đời sống tâm
linh của trí thức, văn hóa và chính trị.
Có thể nói thời Pháp Loa (1284-1330) đạo Phật Việt Nam có con số chùa viện và
tăng chúng, Phật tử cao nhất đương thời nhưng đấy lại là dấu hiệu khởi điểm của
sự suy đồi. Ước tính có tới 30.000 tăng sĩ và 9.500 ngôi chùa với một dân số chỉ
xấp xỉ bằng một phần hai mươi ngày nay. Nhưng số người theo
đạo Phật do tín tâm và thiện hạnh chân chính sút giảm vì những quyền lợi vật
chất “thịnh quá hóa suy”. Thời bấy giờ, những chùa lớn, có
chùa sở hữu Phật điền (ruộng cấp cho chùa) tới hàng trăm, hàng ngàn mẫu.
Có Tam Bảo Nô làm tá điền phục dịch hệ thống canh tác sinh lợi cho chùa chiền.
Những “công thần cửa Phật” ra đời canh giữ cửa thiền, biến một đạo Phật thoát
tục phải bị nhuốm mùi tục lụy. Hiện trạng nầy đã dẫn tới sự tấn công của thế lực Nho Giáo.
Tăng sĩ dấy binh nổi loạn như tu sĩ Thiên Nhiên Phạm Sư Ôn (1389).
Quần chúng chống báng và xa rời Phật giáo vì tranh chấp quyền lợi.
Trong lúc đó, chính quyền xen vào nội bộ đạo Phật tới mức biến giáo quyền thành
một bộ phận “mềm” của thế quyền. Tu sĩ đều phải mang Độ Điệp là chứng
thư
làm giấy thông hành đi tu do chính quyền nắm giữ, cấp phát và khống chế. Tăng sĩ
nhập thế dựa thế chính trị và tiền tài trở thành kiêu tăng ngã mạn. Tăng sĩ chân
chính chọn hướng xuất thế ẩn dật hay vân du xa rời đại chúng.
Phật tử có tín tâm khó tìm ra được bậc tôn sư học đạo.
Thực trạng nầy làm cho sinh hoạt Phật giáo suy
vi, xuống cấp tới mức năm 1395, vua Thuận Tông phải xuống chiếu thải bớt
tăng sĩ dưới năm mươi tuổi. Biết bao bậc chân tu trẻ tuổi bị
giới đàn anh và đồng môn đã bị tha hóa gây ra cảnh oan khiên.
Tình trạng thoái trào hay khởi sắc của một tôn giáo thường
kéo dài ảnh hưởng trên cả một thế hệ. Những năm tiếp theo
cuối đời Trần, hiện tượng xuống cấp càng gia tăng vì sự tu hành bị biến thành
“nghề tôn giáo”. Tu sĩ bị đưa lên “đấu trường” sàng lọc vì cảnh vàng thau lẫn
lộn. Năm 1429, tất cả các tăng sĩ Phật giáo đều phải đến trình
diện để kiểm tra khảo thí. Ai thi đậu thì cho tiếp tục làm tăng sĩ, còn
ai thi hỏng thì bắt buộc phải hoàn tục.
Mong sao, giáo sử Phật giáo Việt Nam
hôm nay và mai kia không còn lập lại như tình trạng “thịnh quá hoá suy” của Phật
giáo cuối đời Trần khi tình trạng tăng sĩ lạm dụng cửa thiền, coi việc tu hành
như một nghề nghiệp dễ dãi chứ không còn là một lý tưởng cầu giác ngộ.
Lịch sử tôn giáo, dấu tích xã hội và trải nghiệm nhân sinh đã
chứng minh rằng: Chiều sâu tâm linh và chiều sâu ham muốn không bao giờ song
hành. Nghĩa là tham vọng tiền bạc càng dâng lên thì chiều cao
tôn giáo càng xuống thấp.
Trong những ngày Hè đi thăm viếng các
chùa viện, tôi có dịp tiếp cận với nhiều tôn giáo khác nhau. Trong thời đại mới, một thời buổi mà
kinh tế là đề tài nóng bỏng của toàn xã hội, tôn giáo nào cũng đang bị cơn gió
(hay có khi là cơn lốc) của vật chất, tiền bạc, sở hữu… thổi tới không ngừng.
Đối với các tôn giáo gốc phương Tây, đa số được xây dựng trên nền tảng của “3
Có”: Có đức tin tuyệt đối vào linh thần giáo chủ; có con số người
theo càng đông càng biểu hiện sự thành công; có cơ sở, kho lẫm vật chất
càng to lớn càng thêm phần hưng thịnh. Trong lúc đó, đạo Phật chủ trương ngược
lại với biểu tượng “3 Không”: Không có Tự tánh; Không có Thần quyền; Không có Sở
đắc.
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, linh mục Nguyễn Văn Hàm, mục sư Phan
Bá Tánh… cũng đã lên tiếng trong nhiều bài viết về hiện trạng dính mắc vào vấn
đề tiền bạc của giới tu sĩ và con chiên làm mất phẩm cách của hàng giáo phẩm và
niềm tin của tín đồ nói chung. Riêng linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong bài viết về
hiện tượng “Quyên Tiền Mục Vụ” đã nghiêm khắc lên tiếng về tình trạng một số
linh mục đã lạm dụng quyên góp tiền bạc của tín đồ vì tham vọng cá nhân hơn là
nhu cầu đại chúng. Một nhân vật lãnh đạo tinh thần lão thành của Mỹ, mục sư
Francis Heinz, mỏi mệt nhìn về nếp sống dính nặng vào vật chất thực dụng khi “Càng
Bám Vào Vật Chất… Càng Dễ Điên Đầu – More Materialistic… More Hectic – trong
khung cảnh nặng khuynh hướng vật chất phương Tây rằng: “Càng đặt nặng những
giá trị vật chất vào tâm điểm cuộc sống của chúng ta thì sinh thú của chúng ta
về cuộc đời càng vắng bóng”[3]
Trong một khung cảnh “bát phong thọ nạn” vì tác động tiêu cực của tiền tài
vật chất như thế, đạo Phật Việt Nam đang nếm trải cảnh “hoa sen giữa chợ”. Thầy
Thích Thông Quang viết trong báo Tư Tưởng Tâm Linh: “Trên, giáo quyền không
vững; dưới, giáo chỉ không tuân. Thượng bất chánh, hạ tác loạn nên sự lộng hành
trong sinh hoạt tôn giáo đang trở thành pháp nạn. Đồng tiền chi phối tâm linh,
cửa Phật rất dễ biến thành ‘tiệm Phật’ khi sinh hoạt cúng dường, gây quỹ của các
chùa diễn ra nặng tính thị trường hơn là công quả. Thậm chí, có chùa biến thành
một ban nghi lễ nhà quàn, hàng tuần chỉ lo cầu siêu, làm tuần, ma chay phục vụ
cho các gia đình người chết mà quên dần con đường tìm về an lạc và giải thoát mà
đại chúng đang cần. Lý tưởng làm có tiền, có địa vị đang làm mờ đi lý
tưởng hạ thủ công phu tu hành thành Phật. Nếu có sự tu hành lạc hướng, lỗi tại
giới tu hành xuất gia ít hơn là lỗi của quần chúng cúng dường chỉ quen nghĩ đến
đạo…tiền mà không nghĩ đến đạo hậu.”[4]
Xét ra, trách nhiệm của giới Phật tử
có điều kiện bố thí, cúng dường không phải là nhỏ. Gánh nặng góp phần
xây dựng đạo pháp không phải là nhẹ.
Những viên gạch quý nếu biết sử dụng cẩn trọng thì sẽ xây lên được kim từ, bảo tháp. Ngược lại, sẽ biến thành
những viên đá cản đường.
Thật ra, so với những núi tiền kếch sù hàng trăm tỷ đô la của
hoạt động tôn giáo phương Tây tung vào “thị trường”
truyền đạo và cải đạo hằng năm trên toàn thế giới thì khối lượng tiền bạc cúng
dường và sử dụng trong sinh hoạt của đạo Phật Việt Nam quá nhỏ bé. Đấy chỉ là
chút tài lực nhỏ nhoi, khiêm tốn như
bạc cắc bên cạnh bạc nghìn. Tuy tôn giáo hay hội đoàn nào cũng phải cần đến
phương tiện tiền bạc để chi phí cho sinh hoạt. Nhưng vấn đề trọng tâm là phải tách biệt rạch ròi giữa tính thánh và
tính phàm.
Cần dọn dẹp mẫu người buôn bán, kinh doanh, làm
tiền, quyên tiền, giữ tiền phàm trần ra khỏi phương vị cao quý của người tu sĩ
thánh thiện.
“Máu Nhuộm Sân Chùa”
Xin thưa, đây không phải là đề tài tuồng cải lương võ hiệp kỳ
tình cùng tên của soạn giả Yên Lang sáng tác trong nước năm 1991 mà các nghệ sĩ
Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy đã hợp diễn rất… mùi; hay là một kiểu “Máu nhuộm
bãi Thượng Hải” trong phim bộ Hồng Kông. Đây là tiêu đề của những “i-meo” bằng
tiếng Việt vừa xuất hiện và đang được tung hứng tưng
bừng trên mạng lưới thông tin. Nội dung phát tán liên quan đến một trường hợp bi
thảm vì tiền đã xảy ra tại chùa Diệu Pháp, thành phố Tampa thuộc tiểu bang
Florida, nước Mỹ. Theo nguồn tin nầy thì một vị Tăng sĩ và một Sư cô người Việt
đã “âm mưu giết chết một Phật tử để đoạt số tiền 38.000 đô la Mỹ”. Đọc tới đây, xin quý vị hãy khoan đánh trống chầu khen thưởng hay
phản đối. Lương tâm và công pháp của thế giới văn minh không chấp nhận
lối kết tội hay xử án kiểu “quân xử thần tử…” tùy hứng
và vọng động nào cả.
Để cho câu chuyện có đầu, có đuôi – có tiền có hậu – một
chút, xin kính mời quý vị phát tâm nhắp chuột (click the mouse) vào nguồn xuất
phát bản tin theo địa chỉ sau đây:
http://rackspace.tbo.com/video/2011/feb/08/buddist-temple-is-the-target-for-a-civil-99371/c_1/
Qua nội dung bản tin điều tra phóng
sự của cơ quan truyền thông 8-HD ở Tampa, Florida phát đi ngày 8 tháng 2 năm
2011, kết hợp với nhiều nguồn tin khác cùng vụ việc của cộng đồng châu Á, người
ta được biết tin một nữ Phật tử người Việt cao niên, độc thân, xin vào tu trong
chùa Diệu Pháp. Vị Phật tử nầy và một sư cô còn trẻ đang tu ở chùa cùng đứng tên chung trong một trương mục Ngân Hàng. Mấy hôm trước ngày chết, vị Phật tử rút tiền trong ngân hàng hai
lần, mỗi lần 4 nghìn đô la để làm gì không ai rõ. Sau
đó, vị Phật tử nầy bị ngất xỉu và qua đời đột ngột tại chùa. Sư cô đứng
tên chung trương mục ngân hàng rút ra 30.000 đô la.
Ngoàì ra, còn có một Tăng sĩ trong chùa, người có làm giấy hôn thú với Sư cô nầy
vào năm 2008 (nguyên nhân sâu xa là vì tình, vì tiền hay vì mục đích tìm chỗ dựa
pháp lý để được định cư ở Mỹ thì chưa có sự xác minh.)
Gia đình người Phật tử mới chết mướn
luật sư kiện chùa Diệu Pháp vì nghi ngờ rằng vị Tăng Sĩ và Sư Cô cùng âm mưu
giết vị Phật tử cao niên nầy để đoạt 38,000 đô la. Nhà chùa cũng mướn luật sư để phản bác lời kết tội. Luật sư
nhà chùa tuyên bố: “Đây là một câu chuyện tiểu thuyết tưởng tượng.” Cơ
quan điều tra kết luận: “Không có bằng chứng nào hỗ trợ cho sự nghi ngờ buộc
tội của gia đình người mới chết cả. Việc người đã chết rút tiền ngân hàng trước đó và việc Sư cô rút
tiền sau nầy là hợp pháp vì cả hai đều là đồng chủ nhân đứng tên trong trương
mục ngân hàng.”
Câu chuyện “máu nhuộm sân chùa” nầy
cho dẫu là sự thật bị che dấu, là chuyện tiếu lâm trà dư tửu hậu, là kết quả suy
diễn tiểu thuyết tưởng tượng hay là gì… gì đi nữa thì điểm nổi bật nhất vẫn là
tình trạng Bất Tịnh của chốn thiền môn trước cái nhìn đầy hoài nghi và tiêu cực
của đại chúng!
Vấn đề then chốt đặt ra, rằng: Nếu sự
vụ “máu nhuộm sân chùa” nầy chỉ là chuyện ba xàm, chụp mũ vì xuất phát từ một
hay những âm mưu bất chính nào đó thì cần dựa trên những quyền lực nào của đạo
Phật Việt Nam để biện minh cho nạn nhân là những vị tu hành chân chính? Hoặc
ngược lại, đây là chuyện thật xảy ra thì biết dựa vào thẩm quyền nào của đạo
Phật Việt Nam để xử đoán sự vi
phạm nghiêm trọng của những thành viên biến chất?
Nhu Cầu và Thực Tế
Xưa nay giáo quyền và thế quyền vẫn là hai thế lực song song.
Khi mạnh, khi yếu có lúc khác nhau nhưng vẫn luôn luôn có sự tương tác qua lại
trong dòng lịch sử nhân loại. Đạo Phật đã từng “nhập thế” với đạo Bà La
Môn, Kỳ Na Giáo ở Ấn Độ; với đạo Nho thời Hán, Đường, Tống, Nguyên ở Trung
Quốc, với Thần Đạo (Shinto) ở Nhật Bản; với khuynh hướng Tân La, Tùng Nhạc ở
Triều Tiên. Riêng ở Việt Nam, đạo Phật đã từng là nếp sống tâm linh của vua quan
và đại chúng trong thời đại Lý Trần. Nhưng sự biến tướng gần như không có trường
hợp ngoại lệ, rằng là, thời nào tu sĩ và đại chúng Phật tử “bám Có, bỏ Không”
trong sinh hoạt tu học và hoằng dương đạo pháp thì đó là thời kỳ dẫn đến sự suy
tàn trong từng giai đoạn tạm thời của đạo Phật. Những chùa viện lớn nhất, những
tôn tượng to nhất, những Tăng nhân quyền lực nhất sẽ trở thành đối tượng bị tấn
công, phá hủy hay hạ bệ bởi những thế lực tôn giáo hoặc chính trị đối kháng tàn
hại nhất.
Ngày nay, vấn đề then chốt của đạo Phật không phải là những phàm tướng biến ảo
trước mắt – mà thời nào cũng có và tổ chức tôn giáo nào cũng có – như câu chuyện
“máu nhuộm sân chùa” bi hài chưa rõ trên đây.
Đạo Phật là một tôn giáo nên cần có giáo quyền, giáo phẩm và
giáo dân để hành đạo.
Nhu cầu trước mắt của đạo Phật Việt Nam hiện nay là một tổ chức tôn giáo được sự
hướng đạo (nếu không muốn nói là lãnh đạo) của một Hội Đồng Điều Hành Chung Nhất
(nếu không muốn nói là Thống Nhất) của chư Tôn thạc đức, cư sĩ có công hạnh,
thiện tri thức và Phật tử vững tín tâm.
Thực tế hiện tại của Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại là một quá
trình tu học tự phát.
Tu sĩ và Phật tử chia thành từng nhóm phái hay khu vực với danh nghĩa riêng để
sắm chùa, dựng tượng, tu học theo phong cách độc lập
gần như mô thức hoạt động của các thương hiệu kinh tế và thương mãi đời thường.
Sau hơn 30 năm Phật giáo Việt Nam có mặt ở nước ngoài, người Phật tử càng ngày
càng thắc mắc:
- Tại sao giới Tăng ni tôn trưởng thay vì thuyết
giáo phá chấp thì thực hành thân giáo phá chấp để ngồi lại với nhau hầu
mong hóa giải từng bước tình trạng phân hóa, xóa dần biên giới phân tranh “Giáo
Hội” như pháp nạn hiện tiền?
- Nếu có những vụ việc không rõ ràng như trường hợp của Tăng sĩ và Sư cô chùa
Diệu Pháp trên đây thì giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia biết dựa vào đâu
để làm sáng tỏ, xử trí phân minh trên căn bản giới luật và pháp luật tại nơi cư
trú?
- Không có một hình thức giáo quyền thống nhất, Tăng chúng và Phật tử hậu sinh
làm sao quyết đoán chín chắn và rạch ròi những vấn đề Phật sự quan trọng, nhằm
bảo vệ chính bản thân người Phật tử và bảo vệ thanh danh cho đạo Phật giữa một
thế giới đa nguyên, đa chủng, đa dạng toàn cầu nầy?
- Tiền bạc đang làm lung lạc nếp thanh tịnh truyền thống của Tăng
ni, Phật tử và chùa chiền, tự viện. Tương lai của đạo Phật Việt Nam ở Hải
ngoại sẽ về đâu nếu không có một cuộc chấn hưng kịp thời và rộng khắp?
Trong câu hỏi đã tiềm ẩn ý trả lời.
Trả lời theo lý thuyết không khó. Sự hy sinh và hành động cụ thể mới khó.
Xin cúi đầu đảnh lễ chư Tôn Đức Tăng Ni với một lời cầu
nguyện: Sự phân hóa nội bộ đang biến chính những người Phật tử thành “Ngoại Đạo”
vì khi không có nơi nương tựa bên trong thì phải nương tựa bên ngoài.
Về mặt lý thuyết, đạo Phật có đủ tất cả các phương thức đối trị để hóa giải xung
đột trong mọi hoàn cảnh. Nhưng quan trọng bậc nhất vẫn là lòng Từ Bi.
Yếu tính của lòng Từ Bi là “thương được những điều không thể thương được”.
Nghĩa là thương được ngay cả kẻ thù. Chư Tôn Đức Tăng Ni chưa và sẽ không bao giờ là kẻ thù của nhau cả
thì tại sao vẫn còn phân hóa, chưa thương được nhau để cùng ngồi lại với nhau. Ngưỡng mong lòng Từ Bi của người Phật tử sẽ thể hiện bằng hành động
cụ thể trong chính nội bộ của mình.
Khi tu không cầu chứng mà độ cũng chẳng linh thì gian nhân
(cũng đến từ nhân gian) đã vô tình hay cố ý xem chùa như chợ. Hoa sen bị đem ra giữa chợ đời trao đổi. Câu hát dân gian
buồn buồn, ngỡ là vô tâm mà lại sâu nặng như vàng chìm đáy biển:
Giữa bùn hoa sen có,
Giữa chợ hoa sen không.
Gánh vàng mà lội qua sông,
Vàng rơi không tiếc, tiếc công gánh
vàng.
Cuối cùng, của cũng sẽ bỏ người mà đi; chỉ có công hạnh là
còn theo người từ kiếp nầy sang kiếp khác. Sen
ơi! Về lại đi thôi.
Napa, Trung Thu 2011
Nhật ký hành hương 5
[1] Kính mời xem và tùy nghi sử dụng
Nhật Ký Hành Hương 1,2,3,4 ở địa chỉ: www.Trankiemdoan.net
[2] Riponche Mahasam. Dharma Discussion. Langston NY,NY;
2009.
[3] “The more materialistic values
are at the center of our lives, the more our quality of life is disminished.”
[4] Thích Thông Quang. Tư Tưởng Tâm Linh. California. Tháng 10-2010. Tr. 108 -109