Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Sau lễ tôn trí xá-lợi tôn giả Koṇḍañña vào tháp bạc, được mấy hôm, đức vua
Bimbisāra, hoàng hậu Videhi và một số quan đại thần đến thăm viếng đức Thế Tôn.
Cũng như đồng thời, một số đại gia chủ, trưởng giả trong kinh thành cũng tìm đến Trúc Lâm để nghe pháp, cúng
dường...
Ông thần y Jīvaka Komārabhacca vừa công cán từ Vesāli về,
người đang còn đầy bụi đường cũng hối hả đến đảnh lễ bảo tháp, sau đó đến vấn an
sức khỏe của đức Thế Tôn.
Đức Phật thuyết một vài pháp thoại khác với thường lệ,
ngài nhấn mạnh về lẽ vô thường của chư pháp, cái sinh tử tất định của các loài
hữu tình. Sau đó, đức Thế Tôn tán thán công đức của hai hàng cận sự về việc xây
dựng bảo tháp để phụng thờ xá-lợi của chư vị A-la-hán tịch diệt.
Trong hội chúng hôm đó có người hỏi, trên thế gian này, ai
là người xứng đáng được xây dựng bảo tháp? Đức Phật đã cặn kẽ nêu dẫn truyền
thống chư Phật quá khứ cũng như lịch sử lâu đời của châu Diêm-phù-đề - thì chỉ
có đức Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, chư vị A-la-hán và vua Chuyển luân Thánh vương
mới hội đủ công đức phước báu để thế gian xây dựng bảo tháp phụng thờ, lễ bái.
Cuối buổi pháp thoại, chợt thần y Jīvaka trình bày một
việc hơi lạc đề nhưng đáng quan tâm:
- Tôn giả Aññā-Koṇḍañña hơn mười năm ẩn cư tại Himalaya, đến lúc tuổi già, thọ phần đã mãn mà trông
sức khỏe, vóc dáng vẫn khang kiện, không ốm đau, bệnh tật gì - đấy là do nước
ngọt trong lành, không khí trong lành, cây trái trong lành. Tại Vesāli
cũng như các thành phố lớn của Vajji, Mithilā đều không có được môi trường tốt
lành như vậy! Lại nữa, lúc này đời sống vật chất tăng thịnh, do đó, chư tăng
được thí chủ dâng cúng vật thực thượng vị hằng ngày. Điều này lại phát sanh vấn
đề - là chư tăng quá nhiều vị bị bệnh, nhiều chứng bệnh khác nhau nhưng phổ biến
nhất là tháo dạ (1).
Ngoài một số thuốc mà đệ tử sẽ chế biến để sử dụng cho chư tăng - xin đức Thế
Tôn y chuẩn cho mấy điều, nhờ vậy, ngăn ngừa phần nào một số chứng bệnh tương
quan phát sanh.
- Ừ, ông cứ nói!
- Quanh cốc liêu của chư tăng phải cho làm đường đi kinh
hành, sạch sẽ, cao ráo, bề ngang chỉ cần một hắc tay hoặc rộng hơn một tí, bề
dài chừng năm bảy đòn gánh cũng được; và nó được xem như là một thiết kế đồng bộ
với cốc liêu. Có đường kinh hành này, chư vị đi lui đi tới thư giãn, hít thở,
niệm tưởng hoặc an trú đề mục gì cũng được... thì loại trừ rất nhiều thứ bệnh.
- Đúng vậy! Cốc liêu của Như Lai và chư vị trưởng lão có
đường kinh hành này - nhưng nó chưa phổ cập đi các nơi. Rồi Như Lai sẽ nhắc nhở.
Thêm một chút nữa, là nếu mùa mưa thì cho phép làm đường kinh hành có mái che!
- Tâu vâng! Cái thứ hai, đệ tử thiết nghĩ là rất cần thiết
nhưng không biết có thực hiện được không!
- Ông cứ nói!
- Những thành phố cổ xưa của những nền văn minh cổ, thành
phố nào cũng có những nhà tắm hơi công cộng. Hiện nay chỉ còn duy trì trong các
cung đình, giới quý tộc, đại phú gia, đại phú thương. Nếu được tắm hơi, không kể
mùa mưa hay mùa nắng - nó sẽ loại trừ một số căn bệnh khác nữa. Đức Thế Tôn, chư
vị trưởng lão tôn túc nên sử dụng phòng tắm hơi để duy trì sức khỏe vì hạnh phúc
cho chư thiên và loài người.
Đức Phật nói:
- Yêu cầu này hoàn toàn đúng đắn nhưng không thể đem ra
thực hiện khắp các tăng xá, trú xá được. Tại sao vậy? Tại vì nó có phù hợp với
đời sống một bát, ba y, tri túc và dị giản của chư tỳ-khưu không, hở Jīvaka? Rồi
ngay những nhóm đệ tử của Mahā Kassapa, của ba anh em ông Kassapa thọ trì đầu-đà
bậc thượng, bậc trung, bậc hạ - họ sẽ nghĩ như thế nào về đời sống chư tăng tại
các đại tịnh xá lại có nhà tắm hơi, này Jīvaka, ông hãy nói đi!
Jīvaka cúi đầu:
- Tâu, quả thật vậy!
Chợt, đức Phật lại mỉm cười:
- Tuy nhiên, này Jīvaka! Một vài nơi ở đâu đó, có thể
thiết kế phòng tắm hơi bên cạnh bệnh xá - để dành cho bệnh nhân thì có thể được.
Việc trở nên dễ dàng là hội chúng thính pháp hôm đó ai
cũng sẵn lòng cúng dường tài vật - nên tại Rājagaha, tất thảy mọi cốc liêu của
tăng ni đều có đường kinh hành và nơi nào có bệnh xá thì nơi ấy có phòng tắm
hơi.
Thấy đã xong việc, đức Phật và một hội chúng năm trăm
tỳ-khưu lại lên đường hành hóa. Lần này, tỳ-khưu Meghiya, thuộc dòng Sakyā, có
vẻ có ý tứ, ngăn nắp, cẩn thận được chư vị trưởng lão đề cử làm thị giả cho đức
Phật. Chư trưởng lão tôn túc có đệ tử bên mình và khắp các nơi cũng cất cánh
thiên di. Chư tỳ-khưu chân cứng, cánh mềm cũng theo gió ta-bà mà mười phương du
hóa. Rốt lại, đại tịnh xá Trúc Lâm vừa đông đúc là thế mà chỉ còn chừng năm bảy
trăm vị duy trì sinh hoạt.
Đức Phật và hội chúng hướng chênh phía Tây Bắc, cứ phía
Nam sông Gaṅgā mà đi. Thấy bên cạnh đức Phật có mặt
nhiều vị trưởng lão, lại có Mahā Moggallāna, Ānanda, Nanda, Rāhula, thị giả
Meghiya - nên tôn giả Sāriputta xin được về thăm quê nhà cũng ở gần đây. Đức
Phật mỉm cười, nhẹ gật đầu - vì biết ông ta luôn tìm cách để hóa độ cha mẹ cũng
như những em trai và em gái ở quê nhà.
Cứ ngày đi, đêm nghỉ, hôm kia hội chúng dừng chân tại một
khu rừng xanh tươi mát mẻ vô cùng. Đức Phật chợt hỏi:
- Đây là nơi nào? Chỗ này Như Lai chưa hề đi qua một lần
nào!
- Khu rừng này tên là Naḷeru! Một vị tỳ-khưu người quê ở gần đây rành rẽ nói - Vì toàn là cây Pucimanda nên còn được gọi
là Naḷerupucimanda; dân địa phương thì gọi nôm
na là cây nimba, nó xanh tốt quanh năm, lá nó đắng chát, thân gỗ thì cứng như sắt nguội
- bạch đức Thế Tôn!
Thấy đức Phật đưa mắt ngắm nhìn toàn cảnh khu rừng, biết
ý, vị tỳ-khưu kia nói tiếp:
- Quanh đây đều là những thôn làng trù phú. Sầm uất nhất
là thị trấn Verañjā. Vậy hội chúng năm trăm vị có thể an cư mùa mưa ở đây mà
không ngại thiếu thốn, bạch đức Thế Tôn!
Thấy đức Phật vẫn im lặng như đang trú định, vị tỳ-khưu
kia cứ hồn nhiên, vui vẻ nói:
- Rừng này là chỗ cuối cùng của biên giới nước Māgadha,
trước mắt, qua con sông kia đã là lãnh thổ của Kāsi, có thể đạp lên Soreyya, Saṅkassa... Bên trái chúng ta, đi mãi sẽ tới Payāgatittha có
đoạn sông rất cạn có thể lội qua - và bên kia đã là Bārāṇasī rồi. Đức Thế Tôn tùy nghi đi phương nào cũng được.
Đức Phật gật đầu:
- Giáo pháp của Như Lai có nhân, có duyên với mọi người ở
vùng nầy! Vậy, này Mahā Moggallāna! Ông hãy thông báo cho toàn thể tăng chúng
biết ý định của Như Lai là như vậy. Chúng ta sẽ dừng chân ở đây một thời gian.
Chợt đức Phật yên lặng, nhắm mắt một lát rồi nhìn ra xa,
tự nghĩ:
“- Kể từ thời đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) đến đức Phật Phussa là 18 đức Chánh Đẳng Giác. Kể từ
thời của ta đến đức Phật Phussa tuy chỉ 7 vị Phật nhưng phải trải qua thời gian
lâu xa
đến 92 đại kiếp. Thuở ấy, ta là một chàng trai thanh niên
thường hay giao du với bạn bè xấu ác; khi thấy đức Phật Phussa được các giới cấp
quyền quý dâng cúng vật thực thượng vị, đã khởi tâm không tốt, nhiếc mắng rằng:
‘Mấy ông thầy tu nầy xứng đáng ăn gạo có vỏ, hạt thóc lép - không xứng đáng ăn
gạo sāli trong ngần quý báu như thế!’
Ôi! Chỉ với cái ác kiến ấy thôi mà ta đã phải nhận chịu
biết bao khổ nghiệp. Nay ta đã chấm dứt lậu hoặc, kiết sử rồi - nhưng xem chừng
phải ăn gạo có vỏ, hạt thóc lép trong thời gian ở khu rừng cây nimba này là
nghiệp còn dư sót đó! Chuyện xưa ấy, nhân và duyên ấy chưa nên nói rõ cho đại
chúng biết vội”.
(1) Ỉa chảy.