Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Sau
thời pháp của vị “nữ pháp sư” Khujjuttarā, thì gần như toàn bộ cung nga
thể nữ của đức vua Udena trở thành con người mới. Ai cũng tỏ ra kính trọng cô
gái người hầu của hoàng hậu Sāmāvatī. Vốn từ một thân phận thấp hèn nhất, bỗng
dưng lại được các cung nga kiêu xa gọi bằng chị, tới lui, vào ra đều được mọi
người quan tâm, ưu ái và đối xử rất mực lễ độ.
Hơn ai hết, hoàng hậu Sāmāvatī biết rõ rằng, giá trị tinh
thần thiêng liêng nó nâng con người lên, và đó chính là sự thăng hoa tác phong
và tư cách chứ không phải bởi quyền lực, địa vị, danh vọng hoặc ngọc vàng. Ôi!
Bà xiết bao tôn kính đức Đạo Sư, một hiện thân siêu việt, đã đem lại giá trị
đích thực cho kiếp sống làm người. Cô thị nữ Khujjuttarā và cung nga thể nữ cũng
nhận thức như thế. Ai cũng mong muốn thầm lặng trong tâm là được gặp mặt đức Tôn
Sư, được cúng dường và nhất là được nghe pháp. Rồi ai cũng đến gặp Khujjuttarā
nhờ bàn mưu, tính kế giúp họ.
Cô thị nữ Khujjuttarā thường được phép ra ngoài mua hoa,
quan hộ thành cũng như quân canh đều đã quen mặt. Cô thấy cứ mỗi buổi sáng, đức
Phật và tăng chúng thường bộ hành con đường phía sau cung điện để qua nhà các vị
đại phú hộ hoặc trì bình khất thực trong kinh thành - cô bèn nẩy ra một ý rồi
bàn với mọi người.
- Cửa sổ tầng cao bên sau hậu cung hiện trổ ra con đường
đức Phật và chư tăng thường đi qua. Vậy quý cô hãy khoét tường thành một lỗ tròn
vừa đủ cái đầu và tay thò ra ngoài. Vậy thì bất cứ ai muốn chiêm ngưỡng kim thân
của đức Phật hoặc muốn cúng dường gì đến ngài và tăng chúng cũng được hết!
- Chiêm ngưỡng ngài thì được - nhưng còn cúng dường thì
chúng ta phải làm sao?
- Quý cung nương cứ đưa vàng bạc đây, tôi sẽ nhờ người mua
vật phẩm cúng dường. Họ sẽ đích thân lo việc ấy - đại diện cho quý cung nương -
và ta sẽ tính trả thù lao hậu hĩ cho họ.
Một cô nga hỏi:
- Thế thì mình không dâng cúng tận tay thì làm sao có
phước được?
Cô thị nữ Khujjuttarā giải thích:
- Nơi sanh phước có ba: Thân, khẩu và ý. Nếu ta không thể
hiện bằng thân và khẩu thì ta sẽ cúng dường bởi tâm ý cũng đã thành tựu phước
rồi. Đừng lo, đức Chánh Đẳng Giác biết rõ điều ấy và ngài sẽ chú nguyện tâm
thành ấy cho chúng ta.
Thế rồi, công việc được tiến hành.
Hôm ấy, đức Phật và tăng chúng trên đường sang nhà ông
triệu phú, lộ trình theo lối hậu cung thì gặp một số đông nam nữ giai cấp
thủ-đà-la đặt vật phẩm cúng dường rất trang trọng, rất phải phép - do họ đã được
cô thị nữ Khujjuttarā đã ý tứ hướng dẫn. Trên lầu cao, những cung nga thể nữ thò
đầu và tay ra ngoài với những cành hoa vẫy đưa qua đưa lại. Đức Phật dừng chân.
Và như tâm ý cùng liên thông, chư tăng cũng dừng lại và đều lặng lẽ quay mặt về
phía họ để thọ nhận vật thực.
Đức Phật sử dụng thần thông, nói một câu pháp thoại
“tùy hỷ” như rót vào tai họ và cho cả chư thiên, thọ thần quanh vùng đều
được nghe:
- Cúng dường tâm ý là cách cúng dường của chư thiên. Với
chính tâm, thành ý này, Như Lai chúc phúc cho quý cung nương sắc đẹp, sức khỏe,
trường thọ, an vui và trí tuệ. Hãy duy trì đức tin với thiện pháp để bước đi an
toàn nơi cõi trời và người!
Mấy trăm cung nga thể nữ xiết bao hoan hỷ. Thêm một lần
nữa, có người đạt tâm bất thối. Riêng hoàng hậu Sāmāvatī mừng vui đến đẫm nước
mắt.
Chỉ cúng dường được một hôm thì bị thứ hậu Māgaṇḍiyā tình cờ phát giác. Bà hỏi một cung nữ lý do những cái lỗ tròn trên lầu hậu cung. Cô ấy vô tình
và vui thú tiết lộ.
- Chúng tôi chiêm bái và cúng dường đức Phật và tăng chúng
qua cái lỗ tròn ấy.
Thứ hậu Māgaṇḍiyā mỉm cười như không có chuyện gì, vô
sự bước đi nhưng trong lòng lại nghĩ: “Ta có mối thù ‘bất cộng
đái thiên’ với ông Gotama, y đã từng sỉ nhục ta, phỉ báng ta một cách quá đáng.
Đây quả là dịp để ta sẽ phục thù, rửa hận. Còn mấy trăm con tiện tì, a đầu này
cùng a dua theo bà Sāmāvatī - ta cũng sẽ làm cho cả bọn chúng biết tay!”
Đến gặp đức vua Udena, bà thứ hậu Māgaṇḍiyā tìm cớ tâu rằng:
- Mấy trăm cung nữ của chánh hậu đang có âm mưu gì đó nên
đã khoét những cái lỗ tròn sau vách lầu hậu cung. Một là muốn tư thông với bên
ngoài, hai là có âm mưư bất chánh gì đó, đại vương phải để tâm một chút!
Đức vua mỉm cười:
- Hoàng hậu rất trang nghiêm, mẫu mực, đứng đắn - nên
những cung nữ ở đấy cũng học được một phần nào đức tánh tốt của bà ấy. Họ không
làm gì đáng ngại đâu.
- Đại vương hãy quá bộ ngọc thể đến xem. Tiện thiếp không
hề nói sai ngoa.
Đến lần thứ ba, chẳng đặng đừng, đức vua đích thân đến
xem, thấy những cái lỗ khoét tròn.
Hoàng hậu Sāmāvatī tình thật kể lại đầu đuôi tự sự cho vua
nghe rồi kết luận:
- Họ không dám bước ra ngoài theo điều lệ của hậu cung. Họ
cũng có tâm muốn bố thí, cúng dường đến đức Phật và tăng chúng như tiện thiếp
vậy. Kính xin bệ hạ cho họ một đặc ân - là niềm vui tín ngưỡng thiêng liêng
trong lòng họ!
Đức vua đáp:
- Hậu khéo nói quá! Ừ! Quả thật điều ấy thì trẫm cũng phải
nên trân trọng.
Nghỉ hơi một lát, nhìn những cái lỗ trống hoác, đức vua
chỉ tay nói:
- Nhưng gió bão, cáo chồn chim chuột có thể từ chỗ
ấy mà vào - sẽ bất ổn, bất tiện cho việc ăn ở ngủ nghỉ. Trẫm sẽ cho người thiết
kế một loại cửa đặc biệt để lấp trống những cái lỗ ấy lại. Làm sao để cho cung
nga thể nữ cũng đưa được tầm mắt ra bên ngoài - mà còn ngăn được thú vật, gió
dữ, gió lạnh, gió chướng nữa.
Thế là mấy ngày hôm sau, thợ thầy đặc biệt của hoàng gia
đã lắp kín các lỗ trống bằng một loại cửa có tên gọi là
“Khuddacchiddakavātapānāni” (1).
Từ đó về sau, cung nga thể nữ có thể chiêm ngưỡng đức Phật và tăng chúng, có
điều là họ không thể thò đầu và tay ra ngoài được nữa. Tuy nhiên, có lẽ đức
Chánh Đẳng Giác cũng biết nhân, duyên và quả - nên đã dạy trước cho họ là cúng
dường bằng tâm ý là cách cúng dường thanh tịnh và vi tế của chư thiên!
(1) Không biết
chính thức tên là gì - nhưng sau này người ta cải tiến trở thành cửa sổ được gọi
tên là “cửa sổ mắt cáo”.