Thầy tôi

(Kính tặng thầy N.V.KH và các thầy cô

trường Tiểu học An Hòa, Hương Trà, Huế)

 Ninh Giang Thu Cúc

Trả tiền xích lô xong, tôi đi bộ một quãng đường và dừng lại trước cổng ngôi nhà cổ kính tường vôi mái ngói rêu phong, vườn cây trái tốt tươi mà mới nhìn vào đã thấy mát rời rợi, cảm giác ấy vẫn y nguyên như những ngày xưa cũ mỗi lần chúng tôi tụ tập về đây bày ra mọi thứ trò chơi: bán hàng, đám cưới, đám tang, leo trèo chạy nhảy,…

Vườn đào! Chúng tôi gọi như vậy chẳng phải muốn ví von chuyện kết nghĩa vườn đào mà thật sự đây là một ngôi vườn với bao nhiêu gốc đào cổ thụ tàng lá sum suê và trái ơi là trái, từng chùm, từng chùm, hoặc màu trắng đục như sữa hoặc màu xanh ngọc hoặc hồng hoặc xác pháo, da mọng căng láng mướt, mỗi cành cây oằn lưng theo sức nặng của những chùm trái đong đưa, rung rinh trong nắng gió mùa hè. Đối với nhóc háu ăn như chúng tôi ngày ấy quả là ngàn lần hấp dẫn.

Trong những buổi như vậy, có một người ngồi ở bộ bàn ghế kê dưới tàng cây gần đó vừa uống trà vừa nhìn chúng tôi với ánh mắt thân thương bao bọc chở che. Người ấy là chủ nhân vườn đào, là thầy giáo vô cùng tôn kính của tôi.

Bây giờ thầy vẫn ngồi đó, gương mặt vẫn đầy ắp nét phúc hậu uy nghiêm, chỉ có mái tóc là bạc phơ vì tuổi tác.

Nghe tiếng mở cổng. Thầy đi ra nhìn thầy tôi, vẫn điềm đạm hỏi song ánh mắt và chất giọng đầy ắp reo vui:

- Con đấy ư? Lần này về được bao nhiêu ngày?

Như một đứa con từ lâu thiếu tình thương và hơi ấm của người cha, tôi nhào đến ôm chầm và đặt lên vần trán nhăn nheo chiếc hôn thương kính, úp mặt vào vai thầy. Thầy trò tôi trào nước mắt vì xúc động, niềm vui đoàn tụ như giúp thầy trẻ hẳn so với lúc tôi đứng ngoài cổng nhìn vào.

Ngôi nhà không có gì thay đổi, vẫn ngăn nắp đạm bạc như cuộc đời đạm bạc của thầy, của một nhà giáo ưu tú, một “lương sư hưng quốc”.

Nhấp ngụm trà, thầy nhìn tôi giọng bùi ngùi:

- Cảm ơn con vẫn nhớ đến ta, cứ mỗi lần con trở về nơi chôn nhau cắt rốn con lại dành cho ta một buổi gặp gỡ thế này, ta quá hạnh phúc và đầy đủ, đừng mang quà cáp làm gì, các anh chị ở nhà chẳng để thầy cô thiếu thốn, con có mập mạnh gì mà bày vẽ bưng xách, khổ thân…

Tôi cúi đầu lắng nghe những lời dạy bảo thân thương. Thầy trò tôi chẳng hề bị khoảng cách thời gian để trở thành xa lạ. Bỗng dưng tôi thấy mình vẫn là đứa bé với hai bím tóc trái đào lắc , đang đứng yên nghe thầy giảng bài tập đọc ngày xưa.

Vâng, ngày xưa tôi là đứa bé học hành vào loại khá nhưng tinh nghịch không thuộc loại “tồi”. Tôi thường sáng tạo nhiều trò chơi cuốn hút bạn bè nhưng lại gây ra bao rắc rối cho các thầy cô.

Ngày ấy, Trường tiểu học An Hòa (nay là Phú Bình) nằm trên con sông đào chảy xuôi ngã ba sông Bao Vinh, với hai hàng cây râm mát dọc theo triền sông thường in những cái bóng ngoằn ngoèo, lung linh, run rẩy dưới mặt nước thuở ấy đối với tôi là một cái gì vô cùng quyến rũ, tôi thường ngồi nhìn ngắm mê say. Có một lần, đúng! Chính “môt lần” ấy đã đọng mãi trong tôi một tình thương bất diệt với thầy. Lần ấy là chiều thứ hai đầu tuần, tôi đi học (hồi ấy học hai buổi một ngày) với một túi me non vừa tượng hột cộng với gói mắm ruốc vừa hé ra là mấy cái miệng của bốn “tiểu yêu” ngồi cùng bàn đã nuốt nước miếng ừng ực. Thế là năm đứa rủ nhau trốn xuống bờ sông, bãi cỏ dưới gốc cây sanh phẳng phiu sạch sẽ. Năm đứa ngồi xuống “nối vòng tay nhỏ” chén no nê hết sạch hết me lẫn ruốc và uống sạch ba biđông nước. “Tiệc tan” chẳng đứa nào đứng dậy nổi bởi no căng, tôi lên giọng “chỉ đạo” còn 30 phút nữa mới vào lớp, bọn mình nằm đây chơi một lát. Chẳng đứa nào phản đối, năm đứa nằm xuống bên nhau nói toàn chuyện… ăn, gió từ mặt sông thổi lên mát rượi, năm đứa nhắm mắt mơ màng và…

Trống đánh vào lớp, không thấy bọn tôi xếp hàng, điểm danh không có, chiếc bàn đầu và băng ghế im lìm trống trải. Thầy tôi nhịp nhịp vào không khí cây thước bảng đang cầm trên tay, bảo lớn:

“Lúc thầy vào cổng, năm đứa đang đứng đó, chúng chào thầy rõ ràng mà, thế thì chúng đi đâu? Chẳng lẽ rủ nhau nghỉ không xin phép?”. Cả lớp nhìn nhau dò hỏi… Thầy bước xuống chiếc bàn đầu nghiêng người nhìn vào lòng bàn, vẫn đầy đủ cặp sách đặt ngay ngắn trước năm chỗ ngồi. Thầy bước ra khỏi lớp đi lên văn phòng, sự lo âu hoảng hốt hiện rõ qua dáng đi vội vã. Sau năm phút, thầy trở về lớp cùng thầy hiệu trưởng, bảo lớp trưởng giữ trật tự, thầy gọi thêm bác cai trường, lớp phó, bốn người đi tìm chúng tôi.

Kết quả sau một hồi lùng sục qua bao “sào huyệt” quanh trường, mọi người bắt gặp năm nàng “công chúa thủy cung” đang “màn trời chiếu đất” ngủ hồn nhiên bên bờ sông quên cả lối về “vương quốc”.

Vừa mừng, giận, vừa buồn cười thầy đưa mắt nhìn mọi người rồi ông tiến đến chỗ chúng tôi nằm, quỳ gối xuống bãi cỏ, nhẹ nhàng nâng đầu đánh thức từng đứa một. Bọn tôi ngơ ngác mấy phút mới nhớ lại mọi chuyện, đứa nào đứa nấy sợ toát mồ hôi hột, hết nhìn thầy hiệu trưởng rồi lại nhìn thầy tôi, run như cầy sấy, mấy cái miệng mếu máo. Thầy tôi bỗng choàng tay ôm hết năm đứa, cả sáu thầy trò òa khóc tức tưởi. Thầy hiệu trưởng lắc nhẹ đầu đưa mắt ra hiệu bác cai và lớp phó về trước, ông cũng ngồi xuống rút khăn tay chấm nước mắt, cất giọng bực bội:

“Thầy làm hiệu trưởng bao nhiêu năm mà chưa bao giờ gặp trường hợp nào “ly kỳ” như thế này, thứ năm tới họp hội đồng giáo viên sẽ có quyết định về hình phạt đối với các em”

Buông chúng tôi ra, thầy vội vã nắm hai tay thầy hiệu trưởng”

“Anh Diệm! Với tư cách là thầy dạy trực tiếp, trước hết tôi có trách nhiệm về chuyện này, tôi xin anh đừng đưa ra hội đồng kỷ luật! Sắp thi “đệ nhất lục cá nguyệt”, đừng làm chúng lo sợ, vả lại chưa có gì đáng tiếc xảy ra”

Thầy hiệu trưởng nhăn nhó:

“Trời ơi! Đợi có chuyện gì đáng tiếc xảy ra lúc ấy chúng ta sẽ như thế nào, nói năng sao với nhà trường, với phụ huynh. Anh quên vụ một học sinh lớp nhì bị chết đuối ở đây năm ngoái rồi sao? Anh mà cưng học trò kiểu ấy nó qua mặt cho mà xem, đúng là “Giáo bất nghiêm”.

Trước sự nóng nảy của thầy hiệu trưởng, thầy tôi vẫn dịu dàng:

“Các con theo chúng ta về trường, vậy là chiều nay chúng ta mất bao nhiêu bài vở”

Năm đứa líu ríu cứ hàng một bước theo thầy vào lớp. Khi chúng tôi đã về chỗ, thầy lên bục kéo ghế ngồi im lặng nhìn năm cái đầu đang cúi thấp trước mặt mình, thầy lên tiếng:

“Cho các con ngồi xuống”. Nhìn qua năm đứa tôi thầy hỏi: “Năm đứa có hiểu tại sao thầy hiệu trưởng nổi nóng với thầy khi nãy không?”, chúng tôi nem nép nhìn nhau mà chẳng dám trả lời. Thầy hắng giọng:

“Khi ở nhà các con được cha mẹ lo lắng bảo vệ, đến trường thầy cô làm tiếp công việc của cha mẹ các con, mà không phải chỉ bằng trách nhiệm, mà bằng tình thương cộng với trách nhiệm, các con hiểu không? Có ai cấm các con chơi đùa đâu, nhưng không nên chơi cái kiểu làm cho các thầy lo sợ như vậy. Sự vui chơi nằm trong khuôn khổ bao giờ cũng tốt đẹp các con ạ. Không phải thầy hiệu trưởng trách cứ gì ta đâu, mà vì quá lo sợ cho sự an nguy của học trò mình nên mới mất bình tĩnh như vậy.

Các con đã biết mụ Tào điên lúc nào cũng lảng vảng dọc bờ sông hoặc núp bên hông cửa Mang Cá để hành hung học trò trường mình, các con quên rồi sao?”

Không phải chỉ năm đứa tôi mà cả lớp cũng sụt sùi vì quá xúc động trước tấm lòng trời biển của thầy đối với chúng tôi. Thầy tôi là vậy đó!

“Một lần” điển hình ấy của chúng tôi đã làm thầy buồn phiền vì những trò nghịch ngợm, những buổi rong chơi quên cả học hành… Nhưng chưa bao giờ thầy ghét giận mà lúc nào cũng dang cánh tay độ lượng che chở, nâng đỡ, thương yêu học trò như con đẻ.

Bây giờ thầy ngồi đó, lưng còng tóc trắng bởi quy luật khắc nghiệt của thời gian. Và thầy vẫn nhớ những thế hệ học trò mà thầy đã dạy dỗ bằng một đời tận tụy với tất cả tâm huyết của mình. Trong số chúng con có bao đứa làm thầy vui lòng và bao đứa đã làm thầy phiền muộn, song thầy chẳng bao giờ phân biệt đối xử, ghét yêu.

Dù ở tận chân trời góc bể, chúng con vẫn dành một vị trí xứng đáng trong tâm khảm hình ảnh của Thầy. Một người Thầy – một người Cha.

 

 

 


 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle