Chùa Phước Duyên 60 năm xây dựng và phát triển

chua pd

TÂM QUANG

 

 

I.              DẪN NHẬP

 

           Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, diễn ra suốt nửa đầu thế kỷ XX, đã đưa nền Phật giáo Việt Nam từ tình trạng suy vi, thoái hóa đến thời vẻ vang, hưng thịnh. Công cuộc chấn hưng trọng đại này, đã góp phần rất lớn vào việc chỉnh đốn thanh quy, nghiêm trì tịnh giới và bảo tồn mạng mạch Chánh pháp trong chốn Thiền môn, đã tạo đà vững chắc cho nền Phật giáo Việt Nam phát triển trên nhiều lãnh vực. Nhờ thế mà Phật giáo Việt Nam, từ nửa sau thế kỷ XX cho đến ngày nay đã không ngừng phát triển.

 

          Chỉ riêng ở miền đất cố đô này, về mặt kiến trúc chùa tháp, sau thời kỳ chấn hưng, cũng đã có hơn 320 ngôi Niệm Phật đường, được xây dựng khắp các làng xã, từ thành thị đến nông thôn. Song song với sự thành tựu nói trên, chư tôn Thiền đức cũng không ngừng nỗ lực khai sơn, kiến tạo nhiều ngôi chùa mới, để mở rộng cơ sở đào tạo Tăng tài, hoằng dương Chánh pháp.

 

 

chùa Phước Duyên, ảnh HP

 

 

           Trong đó có chùa Phước Duyên.

           Chùa Phước Duyên được kiến tạo từ giữa năm Mậu Tý, 1948, tính đến nay (Mậu Tý, 2008) vừa tròn 60 năm.  Sáu Mươi Năm - ngần ấy thời gian chưa đủ để chùa Phước Duyên làm nên những kỳ tích lớn lao cho Phật pháp như những ngôi chùa có nhiều dấu ấn lịch sử ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng với sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của các bậc Tăng già trong chí nguyện hoằng pháp lợi sinh, chư Tăng chùa Phước Duyên đã tích cực đóng góp phần trí tuệ và máu xương của mình cho cho sự tồn vong của Đạo pháp và dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

 

           Để có cái nhìn rõ hơn về những thành tựu mà chùa Phước Duyên đã đạt được, kể từ thời đầu xây dựng cho đến ngày nay. Chúng tôi xin trình bày sơ lược Lịch sử chùa, Tiểu sử Hòa thượng khai sơn và Đại đức “vị pháp thiêu thân” Thích Thanh Tuệ.

 

 

 

            II. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC DUYÊN

           

1. Vị trí, giới hạn

            Chùa Phước Duyên do Hòa thượng Tâm Ưng Đảnh Lễ (1918-1968) kiến tạo giữa năm Mậu Tý, 1948. Chùa tọa lạc trên một vùng đất rộng khoảng 8 sào Trung Bộ (hơn 4000m2), nằm dưới chân ngọn rú Vi. Thuộc địa phận làng An Ninh, xã Hương Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ngày nay là phường Hương Long, thành phố Huế.

           Chính diện chùa xây về hướng Đông Nam. Giới hạn chùa được mở rộng theo bốn hướng: Đông Nam tiếp giáp với rú Vi và đồng ruộng. Tây Nam tiếp giáp với xứ Nại Thành. Tây Bắc tiếp giáp với ấp Tây Thạnh và An Lạc. Đông Bắc tiếp giáp ấp Nam Bình. Sau lưng chùa là dòng sông Ninh (Còn gọi là sông Bạch Yến, hay sông Sau).

 

            Chùa có một vị trí không gian, kiến trúc hài hòa với thiên nhiên. Vị trí này rất thích hợp cho những ai yêu chuộng không khí yên bình, thanh tịnh. Tới đây, người ta sẽ dễ gạt bỏ những chuyện đời thường “cân, đong, đo, đếm”

 

           2. Giai đoạn hình thành

           Theo nhiều vị bô lão làng An Ninh kể lại, thì trên vùng đất khô này, trước đây đã có một cái am gọi là am linh và một thảo am là Ốc Tiêu tự. Nhưng không rõ am linh và Ốc Tiêu tự do ai lập ra và lập lên từ năm nào. Chỉ biết, ban đầu Ốc Tiêu tự thờ tranh tượng Quan Thánh.  

     

           Đến cuối năm Bính Tuất, 1946, dân chúng trong làng vẫn đến hương khói. Bất ngờ, lại thấy một bức tranh tượng Phật A Di Đà và một cái lư hương bằng gỗ để trước sân Ốc Tiêu tự. Tin ấy loan ra thì dân chúng trong làng đều cho là điềm lành, nên các bậc bô lão liền thiết trí thành bàn thờ Phật ngay trong thảo am. Từ đó, Ốc Tiêu tự trở thành nơi thờ “tiền Phật hậu Thánh”.

 

          Trải qua một thời gian, trên vùng đất này ngoài cái am linh và ngôi Ốc Tiêu tự ra, còn lại là một vùng đất khô để bà con trong làng đến canh tác, trồng trọt. Chung quanh ngọn rú này lại chôn cất nhiều mồ mả nên cảnh trí càng thêm hoang sơ, vắng vẻ.

 

           Mãi cho đến đầu năm Đinh Hợi, 1947, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ dữ dội, dân chúng ở làng An Ninh phải thường qua lánh nạn tại chùa Linh Mụ. Trong dịp này, các vị bô lão đã đệ đạt ý kiến với Hòa thượng Đôn Hậu và Tỳ kheo Giám tự Đảnh Lễ, về ý nguyện của bà con là muốn mời ngài Đảnh Lễ, đứng ra lập một ngôi chùa trên vùng đất đang do Hội đồng các Tộc trưởng hai làng An Ninh thượng, hạ quản quy.

 

           Sau khi trao đổi ý kiến, Hội đồng các Tộc trưởng đã thuận định ký giấy chuyển nhượng vùng đất này để Hòa thượng Đảnh Lễ tùy nghi xây dựng chùa làm nơi tu tập và hoằng dương Chánh pháp.

 

          Giữa năm Mậu Tý, 1948, việc xây dựng chùa bắt đầu khởi công. Sự nỗ lực lớn lao của Hòa thượng đã đem đến cho đồng bào Phật tử các giới, nhất là dân chúng ở quanh chùa một niềm tin mạnh mẽ, nên tất cả bà con đều tích cực đóng góp công sức vào việc xây dựng chùa. Sau khi ngôi chùa lợp tranh, vách tre hoàn thành, Hòa thượng khai sơn đã đặt tên chùa là: “PHƯỚC DUYÊN TỰ”. Trong lễ lạc thành, an vị, có Pháp phái Thiên Đồng, đem đến chúc mừng câu đối:

 

                     “Ốc Tiêu cổ tự, An trỉ huy hoàng hồng chung chấn địa.

                       Phước Duyên tân tự, Ninh giang thắng cảnh pháp cổ thông thiên”.

 

            3. Thời đầu xây dựng

           Chùa được kiến tạo theo mô hình chữ Khẩu. Tuy nhiên, theo mô hình này, Hòa thượng khai sơn đã phải xúc tiến thành nhiều giai đoạn. Bởi lẽ, trong suốt quá trình gần 15 năm xây dựng, Hòa thượng lại gặp rất nhiều chướng duyên qua các thời kỳ:

           - Mùa Hè năm Quý Mão, 1963 cuộc tranh đấu của Tăng Ni và Phật giáo đồ miền Nam Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm diễn ra suốt thời gian sáu tháng, nên các Phật sự lớn nhỏ đều bị đình đốn.

 

           - Rạng sáng ngày 24. 6 năm Quý Mão (13.8.1963), Đại đức Thích Thanh Tuệ, tự nguyện thiêu thân cúng dường Phật Pháp, trước cổng chùa Phước Duyên. Tập đoàn Ngô Đình Diệm đã dùng bạo lực đánh cướp nhục thân Đại đức và áp dụng nhiều thủ đoạn để gây khó khăn cho Tăng chúng trong chùa. Nhất là đối với Hòa thượng khai sơn. Ngày 19.8.1963, chính quyền Diệm ra lệnh tầm nã Hòa thượng trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Từ đó, ngài phải cải trang đi lánh nạn nhiều nơi. Khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Hòa thượng mới trở về chùa.

 

            Trải qua nhiều giai đoạn gian nan như thế, nên công việc xây dựng phải đình trệ cho đến đầu năm Giáp Thìn, 1964 mới tiếp tục. Qua năm Ất Tỵ, 1965, mới hoàn thành. Công trình kiến trúc hoàn tất chưa được ba năm thì biến cố đầu năm Mậu Thân, 1968 xảy ra. Chùa lại nằm trong vùng chiến sự giao tranh, nên Hòa thượng khai sơn cùng Tăng chúng phải đi lánh nạn. Không may rồi ngài cũng thị tịch trong cơn binh lửa hỗn loạn này. Sau khi Đại tang thầy hoàn mãn, môn đồ cung thỉnh Hòa thượng Lương Phương lên kế tục trú trì cho đến ngày nay.

                                                                       

           Đảm nhận trú trì trong tình trạng chùa bị hư dột, đổ nát, Hòa thượng đã dốc hết tâm lực để  sửa sang. Từ đó, quang cảnh chùa mới trở lại như cũ. Đến năm Nhâm Tý, 1972 ngài lại cho mở rộng khách đường.

 

            Sau ngày 30.4.1975, kinh tế chùa gặp khó khăn. Đất ruộng canh tác để nuôi Tăng chúng, phần bị trưng dụng, phần bị thu hẹp. Dù khó khăn, nhưng với phương châm “tùy duyên bất biến” Hòa thượng trú trì cùng chư Tăng vẫn an trú tự tại trong niềm tin Chánh pháp trường tồn. Nhờ thế, mà suốt hơn 30 năm, sau ngày đất nước thống nhất, trên các lãnh vực: Nuôi dưỡng đồ chúng, văn hóa giáo dục, hành trì tu tập, từ thiện xã hội... tại chùa Phước Duyên đã có nhiều thành tựu đáng trân trọng:

 

            - Sự sinh hoạt của Khuôn hội và GĐPT Phước Duyên vẫn được duy trì.

 

            - Năm Mậu Thìn, 1988, đạo tràng Phước Duyên được thành lập (sau đổi là Đạo tràng Chánh Niệm). Đây là một đạo tràng được chư Tăng giảng dạy rất thành công. Các Phật tử tu học tại Đạo tràng này, phần nhiều đều trở thành những Phật tử tại gia rất xứng đáng trong sứ mệnh hộ trì và hoằng dương Chánh pháp 

               

           - Nhằm nuôi dưỡng các thế hệ Phật tử tại gia, chư Tăng chùa Phước Duyên lại lần lượt cho tổ chức đoàn Phật học Chánh Tâm, đoàn Thiện tài Đồng tử, Học chúng Tô Đà Di, đoàn nữ Phật tử Thanh Tuệ... hiện các đoàn thể này vẫn sinh hoạt dưới sự dìu dắt và giảng dạy tận tụy của chư Tăng chùa Phước Duyên. Có thể nói, ngày nay ở Thừa Thiên Huế, chưa có nơi nào tổ chức việc tu học cho tầng lớp Thanh, thiếu nhi Phật tử đông đảo và có hiệu quả như ở chùa Phước Duyên.

 

 

          4. Giai đoạn trùng hưng

          Năm Canh Thìn, 2000, Hòa thượng trú trì lại cho trùng tu ngôi Đại hùng bửu điện. Đây là lần trùng tu có dự án mở rộng và nâng lên thành hai tầng. Công cuộc trùng tu lần này, đã đạt đến mức độ bền vững, đã thể hiện đúng đắn đường nét mỹ thuật và màu sắc hài hòa trong lối kiến trúc thuần túy của chùa tháp Việt Nam. Lối kiến trúc mang đậm truyền thống cổ kính Á Đông “Lưỡng Long triều nguyệt”.

 

          Có thể nói, sự hoàn mỹ của ngôi chùa Phước Duyên trong lần trùng tu này, một phần rất lớn là nhờ vào quyết định tinh tế của Hòa thượng trú trì. Quyết định giữ gìn ngôi Phật đường đã được Hòa thượng khai sơn kiến tạo hơn nửa thế kỷ trước, là một quyết định đầy ý thức bảo tồn giá trị lịch sử, đối với một di sản đã trải qua bao nhiêu biến thiên, dâu bể và trong suốt cả thời kỳ binh lửa chiến tranh mà vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn.

 

                                                                   

***

           Sơ lược Tiểu sử Hòa thượng Tâm Ưng Đảnh Lễ (1918-1968)

           Hòa thượng thế danh là Võ Đức Phú. Ngài sinh ngày 11. 4 năm Mậu Ngọ  (20.5.1918), tại làng Thành Công, xã Điền Thành, quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (Ngày nay là xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong một gia đình thâm tín Tam bảo. Thân phụ Hòa thượng là cụ ông Võ Đức Lãng, thân mẫu là cụ bà Nguyễn thị Diên.

 

            Năm 17 tuổi (Ất Sửu,1925) Hòa thượng xin đầu sư với Hòa thượng Thanh Thái Huệ Minh (1861-1939) tại chùa Từ Hiếu. Sau khi xuất gia, Hòa thượng rất tinh cần trong việc tu học, nên được ngài Huệ Minh cho theo học và làm đệ tử với Hòa thượng Trừng Nguyên Chơn Như, tại chùa Đông Lâm, Huế.

 

           Năm 18 tuổi (Bính Tý, 1936) Hòa thượng được Bổn sư truyền thọ Sa-di giới, đặt pháp danh là Tâm Ưng, pháp tự là Đảnh Lễ, thể nhập đời thứ 43 dòng Thiền Lâm tế Chánh tông, đời thứ 9 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán.

 

           Năm 20 tuổi (Mậu Dần, 1938) Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Đại Bi, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi thọ giới, Hòa thượng lại được Bổn sư trực tiếp truyền dạy kinh luật trong suốt thời gian bốn năm.

 

          Năm Tân Tỵ, 1941, Hòa thượng theo học Trường Sơn môn Phật học Linh Quang và Phật học đường Báo Quốc, Huế. Qua năm Bính Tuất, 1946, Hòa thượng được Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu, mời làm Giám tự chùa Linh Mụ. Cũng trong năm này, trên đường hoằng pháp, Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giam tại thôn Vân Cù, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

 

 

 

Bảo tháp Hòa thượng Đảnh Lễ

 

           

            Giữa năm Mậu Tý, 1948, Hòa thượng khai sơn chùa Phước Duyên

 

          Năm Quý Mão, 1963 cuộc đấu tranh của Tăng Ni và Phật giáo đồ tại miền Nam Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm diễn ra ác liệt. Ngày 24.6 năm Quý Mão (13.8.1963), Đại đức Thích Thanh Tuệ, Tăng sinh chùa Phước Duyên, tự nguyện thiêu thân để phản đối sự đàn áp Phật giáo của tập đoàn Ngô Đình Diệm.

            Sau khi Đại đức Thanh Tuệ tự thiêu, đã bị chính quyền cướp mất nhục thân, rồi cho công an, mật vụ bao vây cô lập chùa. Tăng chúng trong chùa bị bắt bớ giam cầm, tra hỏi. Từ đó Hòa thượng phải cải trang đi lánh nạn, cho đến khi chế độ Diệm sập đổ, ngài mới trở về chùa.

 

            Năm Ât Tỵ, 1965 nhằm mở rộng cơ sở hoằng dương Chánh pháp, ngài ra khai sơn chùa Phước Hải, ở làng Văn Xá, xã Hương Văn, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đầu năm Mậu Thân, 1968, biến cố quân sự xảy ra, với tấm lòng Từ bi vô lượng, Hòa thượng đã tìm cách đi thăm viếng, an ủi mọi người. Nhưng trong cơn binh lửa hỗn loạn, không may rồi ngài cũng thị tịch vào lúc 16 giờ, ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Thân (08.02.1968).

           Trong sự nghiệp nhiếp hóa đồ chúng, Hòa thượng đã thế độ cho nhiều vị đệ tử xuất gia và vô số đệ tử tại gia. Ngày nay, các đệ tử xuất gia của ngài cũng tiếp nối sự nghiệp của ngài một cách xứng đáng như: Hòa thượng Nguyên Ngọc Tánh Hải, Viện chủ chùa Linh Sơn, Đà Lạt, Hòa thượng Nguyên Tiến Lương Phương, kế tục trú trì chùa Phước Duyên, Huế.

 

            Năm mươi năm lưu trú giữa trần hồng”ngài không chỉ là bài thuyết pháp vô ngôn thù thắng của bậc Trưởng tử Như Lai và chí nguyện cao tột của bậc Tăng già xả thân vì sự nghiệp: “Tam tông dung hóa, Tứ nhiếp lợi sanh, Mọi chướng duyên đều chuyển thành thắng nghĩa...” như lời truy tán nồng nàn của vị Pháp tử khắc trên bi chí nơi bảo tháp của ngài trong khuôn viên chùa Phước Duyên, mà ngài còn để lại niềm ngưỡng vọng vô biên đối với nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử cho đến ngày nay.

 

 

 

                                                                     ***

            Tiểu sử Đại đức “Vị pháp thiêu thân” Thích Thanh Tuệ (1946-1963)

             Đại đức thế danh là Bùi Huy Chương. Sinh năm Bính Tuất, 1946, tại làng Ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Bùi Dư, thân mẫu là cụ bà Hoàng thị Phục.  Đại đức sinh ra trong một gia đình rất sùng kính Tam bảo.

 

            Năm 12 tuổi (Mậu Tuất, 1958) Đại đức thi đậu bằng Tiểu học.

 

            Năm 14 tuổi (Canh Tý, 1960) Đại đức được phụ thân cho phép vào chùa Phước Duyên đầu sư với Hòa thượng Đảnh Lễ.

 

            Năm 15 tuổi (Tân Sửu, 1961) Đại đức được theo học tại Phật học viện Bảo Quốc và trường Trung học Bồ Đề Thành Nội, Huế.

 

            Năm 16 tuổi (Nhâm Dần, 1962) Đại đức được Hòa thượng Đảnh Lễ cho làm đệ tử với Hòa thượng Tánh Hải. Cũng trong năm này, Đại đức được Bổn sư truyền thọ Sa Di giới và đặt pháp danh là Quảng Trí, pháp tự là Thanh Tuệ, thể nhập đời thứ 45 dòng Thiền Lâm tế chánh tông, đời thứ 11 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán.

 

             Năm 17 tuổi (Quý Mão, 1963) Đại đức thi đậu văn bằng Trung học Đệ nhất cấp.

 

             Đây cũng là lúc chính quyền Diệm đang đàn áp Phật giáo. Chứng kiến sự tham tàn của chế độ Diệm, Đại đức đã phát nguyện noi theo ngọn đuốc của Bồ tát Thích Quảng Đức, của Đại đức Thích Nguyên Hương, nên vào sáng ngày 24.6 năm Quý Mão (13.8.1963), Đại đức đã tự nguyện thiêu thân trước cổng tam quan chùa Phước Duyên. Sự tự thiêu của Đại đức dù đau thương, mất mát, nhưng cũng đã làm cho tinh thần và ý chí đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử ở miền Nam Việt Nam tăng lên như vũ bão cho đến ngày Ngô triều sụp đổ.

                                                                        

             Với lời thơ chân thành tán thán của Thiền sư Tâm Quán khắc nơi bảo tháp của Đại đức, đủ để thay lời muôn triệu Tăng Ni và Phật tử ghi nhớ mãi hạnh nguyện cao cả của Người:

 

                         “... Em đốt tuổi xuân thành lửa đỏ,

                             Cháy ngất trời cao,

                             Ngọn đuốc rực về sông núi âm u...

                             Ôi thịt xương em!

                             Cho tôi quỳ ngàn năm trên đống tro yêu quý...”

 

 

Bảo tháp Thầy Thanh Tuệ-vị pháp thiêu thân 1963

 

                                                                      

               Chùa Phước Duyên ngày nay, chỉ là một ngôi chùa nhỏ, thanh tịnh, bình dị và hài hòa. Hài hòa như chính đạo Phật hòa tan vào mùa Xuân đất trời và mùa Xuân lòng người, đưa hồn vào với làn hương hoa cỏ, lắng nghe tiếng chim hót líu lo như mừng đón ánh dương mới. Hy vọng rằng, ngày mai chùa sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp  phụng đạo giúp đời, để xứng đáng là một thành viên trong cộng đồng của Đạo pháp và dân tộc./

Xin xem thêm vài hình ảnh chùa PD:

              Tháp chuông

 

chùa nhìn từ góc cạnh

 

 

 

Nhà khách

 

Đoàn quán GDPT

 

Tàng kinh Các

 

 

 

 

Nguồn: Hoằng Pháp 32

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác