Chùa Phước Duyên

Địa điểm:

Chùa Phước Duyên chiếm diện tích khoảng 4000m2, nằm dưới chân ngọn rú Vi, sát bờ sông Bạch Yến, thuộc thôn An Ninh thượng, phường Hương Long,  thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vị trí của chùa có tính cách độc lập, ở xa dân cư khoảng 200m về phía Đông Bắc, chung quanh chùa chỉ núi đồi mồ mả, cảnh trí yên tĩnh, thật rất thích hợp cho đời sống thực hành tâm linh.

Người khai sáng chùa:

Chùa Linh Mụ ngự trị từ đỉnh đồi cao, tỏ vẻ khí thế oai hùng thanh thoát của đạo phong dân tộc, tiếng chuông ngân vang để làm tỉnh thức hết thảy mọi người, thì trái lại chùa Phước Duyên nằm tận chân đồi, ẩn mình một cách khiêm tốn, để thấm sâu vào huyết mạch tín ngưỡng của dân làng.

Chùa được xây dựng năm 1948, do Hòa thượng Thích Đảnh Lễ khai sáng.

Khi Hòa thượng mới đến, nói đây là một vùng đất hoang dã, chỉ có một thảo am nhỏ để thờ Quan Công mà thôi.

Theo truyền thuyết, do các vị bô lão trong làng kể lại, thì vùng đất này, trước đây đã có tạo dựng một ngôi chùa gọi là chùa Ốc Tiêu.

Chùa Ốc Tiêu, do ai xây dựng và xây dựng từ đời nào không ai biết được. Nhưng đến đời Tây Sơn thì bị phá mất hoàn toàn.

Khi Hòa thượng Đảnh Lễ đặt chân đến vùng này, hẳn nhiên không còn một dấu tích gì để gọi là chùa Ốc Tiêu nữa cả. Cũng có thể do dựa vào truyền thuyết ấy, nên khi ngôi chùa Phước Duyên được hình thành, pháp phái Thiên đồng có  tặng hai câu đối:

“Ốc Tiêu cổ tự An trĩ huy hoàng hồng chung chấn địa.

 Phước Duyên tân tự Ninh giang thắng cảnh pháp cổ thông thiên”.

 

 

Mặc dù có truyền thuyết như vậy, nhưng không có một tư liệu, hoặc một dấu tích gì để chứng minh cho truyền thuyết ấy cả.

Do đó, chúng tôi kết luận rằng, chùa Ốc Tiêu trước đó, có lẽ chỉ là một thảo am nhỏ của một thiền sư nào đó, từ chùa Linh Mụ vào dựng lên để ẩn tu.

Nhưng về phương diện lịch sử, chúng ta nên nói chùa Ốc Tiêu là một dấu ấn lờ mờ không chính xác. Mà nên kết luận rằng, chùa Phước Duyên đã được xây dựng từ năm 1948, do Hòa thượng Thích Đảnh Lễ khai sáng.

 Lối kiến trúc và bất động sản:

Chùa kiến trúc theo lối chữ khẩu, phía trước là chùa gồm có ba gian và hai liêu, xây hướng về phía Đông Nam, phía Tây Nam là giảng đường, phía Tây Bắc là hậu đường, phía Đông Bắc là khách đường, kế tục khách đường là một dãy nhà dài năm gian, vừa để phòng khách và thực trù.

Lối kiến trúc và xây dựng chùa như thế, đã được Hòa thượng Đảnh Lễ kiến thiết, hình thành qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn hoàn chỉnh nhất là năm 1965.

Ngoài những nhà cửa có tính cách bất động sản ấy, chùa còn có một mẫu hai sào ruộng do Hòa thượng tạo mãi, trong đó, năm sào tọa lạc tại đồng ruộng Thành Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, bảy sào tại đồng ruộng thôn An Ninh thượng, xã Hương Long, Tp Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sự kế thừa:

Năm 1968, Hòa thượng Đảnh Lễ viên tịch trao lại chức vụ trú trì cho đệ tử của Ngài là tỷ-kheo Thích Lương Phương.

Cuối năm 1968 tỷ-kheo Thích Lương Phương đã chỉnh trang lại chùa chiền, tái thiết lại những nhà cửa bị hư hỏng do biến cố Mậu Thân gây ra.

Năm 1972, trùng tu lại khách đường.

Năm 1986, trùng tu lại ngôi nhà năm gian cận khách đường.

Năm 2000, chùa được đại trùng tu lần 2 theo mô hình kiến trúc mới; hoàn thành vào năm 2001 (gồm Chánh điện, Thiền đường).

Text Box: Chùa phước duyên

 

 

 


Chùa Phước Duyên bước đầu là một vùng đất hoang dã tịch liêu, trải qua những giai đoạn trùng tu kiến thiết, ngày nay ngôi chùa khá đồ sộ, khang trang, phong cảnh trở nên thơ mộng hữu tình, và cũng đón nhận rất nhiều kẻ tăng, người tục về đây tu học.

Vai trò đóng góp:

Trên phương diện hoằng pháp chùa đã gắn liền vào đời sống dân quê, và đã gây ảnh hưởng rất sâu đậm tinh thần Phật giáo vào nếp sống hàng ngày của họ.

Chùa cũng là nơi nương náu tinh thần và chỗ gởi gắm tâm linh của dân chúng quanh vùng; tiếng chuông chùa không những chỉ thôi thúc dân quê bỏ ác làm lành, nghĩ đến vấn đề siêu thoát, khổ đau, mà còn là tiếng đồng hồ thức tỉnh cho họ biết giờ khắc, để sắp xếp mọi công việc sinh hoạt hằng ngày.

Chùa kể từ khi mới xây dựng đến nay, với thời gian vô cùng khiêm tốn, nhưng cũng gắn liền với những chứng kiến giữa đạo Pháp và dân tộc.

Năm 1963, Đại đức Thích Thanh Tuệ đã tự thiêu, để chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và đòi hỏi đáp ứng Năm nguyện vọng của Phật giáo đồ.

Đại đức Thích Thanh Minh xuất thân từ chùa Phước Duyên, cũng tự thiêu năm 1966, tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt, Lâm Đồng để cúng dường Pháp nạn.

Năm 1982, Đại đức Thích Thái Nguyên-người Tăng sĩ đầu tiên, đã thi hành nghĩa vụ quân sự, trong thời đại xã hội chủ nghĩa, hơn bốn năm bốn tháng. Nay đã trở về, tiếp tục sự nghiệp hoằng hóa độ sinh.

Trên đây là một vài đóng góp khiêm tốn, rất hy vọng rằng, ngày mai chùa sẽ góp phần nhiều hơn vào sự nghiệp phụng đạo giúp đời, để xứng đáng là một thành viên trong cộng đồng của đạo Pháp và dân tộc.

HP

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác