Thích Thái Hòa
Quán Tâm Phật
Rồi, một tuần sau Thầy gọi tôi lên phương trượng và hỏi: Điệu đã
thuộc bài thi kệ ấy chưa? Tôi chắp tay cúi đầu và thưa: Dạ bạch Thầy con đã
thuộc.
Thầy dạy: Điệu đọc đi xem. Tôi chắp tay, cúi đầu và đọc thuộc
lòng bài thi kệ ấy.
Thầy cười và hỏi: Con thuộc rồi à? Tôi đứng im lặng. Thầy nói:
Trong bài thi kệ ấy, con có thấy ba chữ "quán tâm Phật" không? Tôi thưa: Dạ, có.
Thầy hỏi: điệu thấy cái gì trong ba chữ đó? Tôi chắp tay đứng im lặng, Thầy cũng
ngồi im lặng, không khí im lặng thật kinh hồn.
Sau đó, Thầy giải thích và dạy cho tôi "quán tâm Phật".
Thầy nói: Quán là nhìn sâu vào để thấy. Nghĩa là mình muốn nhìn
thấy cái gì, thì mình hãy nhìn sâu vào bản chất của cái ấy để thấy, chứ không
phải dừng lại cái thấy ở bên ngoài. Nếu nhìn ở bên ngoài để thấy và dừng lại ở
nơi cái thấy bên ngoài ấy thì không phải là "quán". Còn "tâm Phật" là Phật ở nơi
tâm mình, phật luôn luôn có mặt ở nơi tâm mình.
Vậy, "quán tâm Phât" là nhìn thấy phật ở nơi tâm mình. Nhờ nhìn
thấy phật ở trên chùa mỗi khi tụng kinh, lạy phật, thỉnh chuông, nên từ đó mà
được nhìn thấy phật ở trong tâm mình, thấy phật trong tâm là nhờ nhìn thấy phật
ở bên ngoài. Và nếu chạy theo hay dừng lại nơi phật ở bên ngoài mà chưa nhìn
thấy phật bên trong, là chưa phải "quán tâm phật".
Nên, "quán tâm phật" là nương nơi cái thấy phật bên ngoài để thấy
phật bên trong tâm, đó là người biết "quán tâm phật".
Vậy, điệu làm bất cứ cái gì, cũng thấy cả phật bên ngoài và phật
bên trong nghe chưa? Tôi chắp tay, dạ. Thầy xoa đầu và bảo, điệu xuống nấu ăn và
thực tập đi.
Tôi cúi đầu vái Thầy lui ra, xuống bếp sửa soạn nấu ăn, làm cái gì tôi cũng
lẩm nhẩm "quán tâm phật" là thấy phật bên ngoài, thấy phật bên trong.
Rửa chén bát, giặt áo quần, quét sân, nhổ cỏ hay tưới cây, tôi
đều lẩm nhẩm "quán tâm phật" là thấy phật bên ngoài, thấy phật bên trong.
Quán phật tâm
Rồi, một buổi chiều, Thầy tôi gọi tôi lên dò bài. Thầy hỏi: Điệu
đã thuộc bài "quán tâm phật" chưa? Tôi trả lời: dạ, con đã thuộc. Nói đi xem.
Tôi chắp tay cúi đầu và nói lại y nguyên những gì hôm ấy mà Thầy đã dạy cho tôi
Thầy nghiêm mặt lại và nói với tôi rằng: Điệu có biết con vẹt
không? Tôi dạ và đứng im lặng.
Thầy hỏi: Điệu học thuộc lòng bài kệ ấy, điệu có nhìn thấy trong
bài kệ ấy có ba chữ "quán phật tâm" không? Tôi thưa: bạch Thầy dạ có.
Thầy hỏi: điệu có hiểu ba chữ "quán phật tâm" không?
Tôi thưa: dạ không.
Thầy nói: quán phật tâm là nhìn sâu vào tâm của phật để thấy
phật. Ta tin phật, ta tu theo phật là ta phải nhìn sâu vào cái tâm của Ngài để
biết rõ cái tâm nào đã tạo ra phật, đã tạo ra đời sống của Ngài.
Thầy nói: quán phật tâm là nhìn sâu vào tâm của phật, để thấy tâm
của Ngài là tâm từ bi, nên ngài không bao giờ giết hại chúng sanh mà thương yêu
và bảo vệ hết thảy chúng sanh.
Vậy, điệu tin phật và tu theo phật, thì nguyện từ nay về sau
không sát hại chúng sanh nghe chưa. Tôi dạ.
Thầy nói: quán phật tâm là nhìn sâu vào tâm của phật, để thấy rõ
tâm của ngài là tâm bình đẳng, nên không tham lam bất cứ cái gì, không lấy bất
cứ tài sản của ai để làm của riêng cho mình. Ngài luôn luôn tôn trọng và bảo vệ
tài sản cho tất cả mọi loài.
Vậy, điệu tin phật và tu theo phật thì nguyện từ nay về sau không
có trộm cắp bất cứ cái gì của ai nghe chưa. Tôi dạ.
Thầy nói: quán tâm phật là nhìn sâu vào tâm của phật, để thấy rõ
tâm của ngài là tâm đoan nghiêm chánh trực, nên ngài không có tâm dâm dục mà còn
có tâm đem lại sự đoan nghiêm chánh trực cho mọi người.
Vậy, điệu tin phật và tu theo phật, phải học tâm đoan nghiêm
chánh trực của Ngài, mà nguyện từ nay về sau không có dâm dục nghe chưa. Tôi dạ.
Thầy nói: quán chiếu phật tâm là nhìn sâu vào tâm phật, để thấy
rõ tâm Ngài là tâm chân thật, nên luôn luôn tôn trọng và bảo vệ sự thật mà không
bao giờ nói lời dối trá.
Vậy, điệu nguyện từ nay về sau không nói lời dối trá, mà luôn
luôn nói lời chân thật nghe không. Tôi dạ.
Thầy nói: quán tâm phật là nhìn sâu vào tâm phật, để thấy rõ tâm
Ngài là tâm trí tuệ, tâm không còn mảy may sai lầm.
Vậy, điệu tin phật và tu theo phật thì nguyện từ nay về sau,
không uống rượu để tôn trọng và bảo vệ trí tuệ của mình, khiến cho mọi hành xử
không bị thiếu sót nghe chưa. Tôi dạ.
Thầy dạy: điệu phải học thuộc và thực hành năm phép "quán tâm
phật" ấy, để bảo chứng cho đời tu của mình.
Điệu tu học có thành công hay không thành công là từ nơi phép
quán này và năm sự phát nguyện này.
Vậy, điệu hãy xuống học và thực hành đi, khi nào cần thì Thầy sẽ
gọi.
Tôi dạ, vái Thầy và bước lui, cảm thấy ấm lòng, vì sự hiểu biết
của mình càng lớn và lớn rất nhanh, so với những ngày làm chim oanh vũ của gia
đình phật tử Thành Công.
Quán tâm
Mới thỉnh chuông sáng xong, Thầy gọi tôi vào phương trượng và hỏi:
điệu đã thuộc năm pháp "quán phật tâm" chưa? Tôi thưa" dạ, con đã thuộc. Thầy
bảo tôi đọc đi xem. Tôi cũng đã đọc thuộc lòng như y nguyên hôm ấy Thầy dạy.
Nhưng, lần này Thầy không bảo tôi là “vẹt" mà Thầy bảo "máy thu băng" của điệu
tốt, đừng cất giữ, gắng tiêu hóa.
Sau đó, Thầy hỏi trong bài kệ ấy, điệu có thấy hai chữ "quán tâm"
đến không?
Tôi thưa: dạ, có. Thầy hỏi: điệu có hiểu không? Tôi chắp tay yên
lắng.
Thầy nói: "quán tâm" là nhìn sâu vào tâm của mình để thấy trong
tâm của mình có những hạt giống xấu và những hạt giống tốt.
Hạt giống tốt, thì phải biết nuôi dưỡng và phát triển. Như hạt
giống từ bi, hạt giống thương người, thương vật, không tham lam, không sân hận,
không si mê, không kiêu mạn, không cố chấp,... đó là những hạt giống tốt của tâm,
biết nó tốt mà chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển.
Hạt giống xấu thì hạn chế không cho nó phát triển, như tham, sân,
si là gốc rễ của tội lỗi, là gốc rễ của khổ đau, tất cả chúng nằm ở trong tâm
của điệu, nên quán tâm là điệu phải nhìn thấy nó có mặt ở trong tâm điệu, nhưng
tìm cách làm cho nó lắng yên, đừng để chúng điều khiển cái suy nghĩ của mình,
cái lời nói và cái hành động của mình.
Rồi, Thầy đọc cho tôi bài thơ Thầy làm để khuyên người đoạn trừ
tham, sân, si cho tôi nghe như sau:
Dục tình danh lợi chớ nên tham
Sửa trí tu tâm thoát cảnh phàm
Tội lỗi khuyên ai đừng sái phạm
Căn nguyên khổ não bởi lòng tham.
Có thân ta phải biết tu thân
Đức hạnh dồi trau sạch nợ trần
Ngọn lửa giận hờn nên dập tắt
Muôn điều hư hỏng bởi lòng sân.
Khuyên ai đường đạo gắng công đi
Học hỏi chuyên cần phải xét suy
Trí tuệ mỗi ngày nên sáng tỏ
Xưa nay lầm lạc bởi lòng si.
Đọc xong, Thầy hỏi: điệu nghe đã thuộc chưa? Tôi dạ, con chưa
thuộc.
Thầy nói: ba bài thơ ấy có viết nơi bức tường phía ngoài cửa hậu
tổ, điệu đến đó chép lại và học thuộc lòng nghe chưa.
Sáng nay, sau giờ thỉnh chuông tôi được Thầy gọi vào phương
trượng dạy pháp quán tâm.
Thầy nói: quán tâm là phải nhìn thấy tâm ba mặt:
Mặt thứ nhất là phải thấy sự chuyển động của tâm đẩy ta đi về nẻo
xấu ác để sinh khởi các cảm giác khổ đau.
Mặt thứ hai, là phải thấy sự chuyển động của tâm, đẩy ta đi về
nẻo hiền thiện, để sinh khởi các cảm giác an lạc.
Và mặt thứ ba, là thấy tâm không chuyển động theo hai hướng ấy,
nên trong ta có cảm giác trung tính.
Thầy dạy: quán tâm để thấy tâm theo mặt thứ ba là khó nhất, so
với hai mặt kia.
Thầy bảo, điệu phải học thuộc và thực tập nghe chưa. Tôi chắp tay,
cúi đầu vái Thầy, dạ và bước lui.
Ngày ấy, đi, đứng, nằm, ngồi,... làm việc gì tôi cũng thực tập
nhìn tâm, nhưng không thấy tâm đâu cả, mà chỉ thấy những ý nghĩ lung tung, chúng
nổi lên chìm xuống trong đầu. Trong đó, tôi không thấy tham, sân, si, hay từ bi,
thương yêu, trí tuệ nằm ở đâu nơi tâm mình cả.
Tôi nghĩ, quán tâm khó thật.