(Kính
dâng cố dưỡng phụ với lòng biết ơn vô hạn)
Ninh Giang Thu Cúc
Giờ ngồi hình dung lại
những tháng ngày thần tiên xa xưa ấy, lòng tôi bỗng quặn đau thương nhớ “những
người muôn năm cũ”.
Dạo ấy, ngày khai tâm của tôi không phải
tại trường mà tại nhà, và thay vì lễ là một mâm xôi gà như thường lệ thì mẹ tôi
lại biện một lễ chay với hoa quả xôi chè cau trầu rượu để cáo tổ tiên, tôi được
ngồi vào bàn học sau khi đã đứng sau thầy tôi lễ lạy đủ các án thờ.
Người mà tôi gọi bằng thầy với tất cả
niềm tôn kính là một vị võ quan trí sĩ của triều Nguyễn, ông là một người thượng
thông thiên văn hạ tri địa lý, và dược lý, y lý đều am hiểu rành rẽ. Vào giai
đoạn cuối đời, ông ẩn cư tại một ngôi nhà trong khuôn viên miếu đường thờ thân
phụ là cố Tiền Quân Đô Thống tại làng An Ninh Hạ, kế thất của vị võ quan là bà
cô ruột tôi vì bà không có con nên xin nhận tôi làm con thừa tự từ lời ký thác
của cụ thân sinh tôi trước khi xung phong đi Vệ Quốc Quân kháng chiến chống Pháp.
Tôi được nghe kể lại thuở bé, tôi là đứa
khó nuôi, ưa làm nũng và khóc nhè, bà vú Sáu đã từng khốn khổ mỗi lần bồng tôi
chạy tản cư từ phố lên làng (thuở ấy nhà tôi ở đường Hàng Bè) bởi trên đường đi
tôi cứ khóc ngằn ngặt đến nỗi mỗi khi xuống hầm trú ẩn để tránh máy bay, tránh
Tây đi lùng là vú Sáu phải nhét khăn vào miệng tôi để khỏi bị phát giác. Tôi
được dưỡng phụ dạy vỡ lòng với một chương trình khá nặng bởi không chỉ là học
thuộc 24 chữ cái, vần xuôi, vần ngược, đánh vần, tập đọc như lệ thường, mà khi
tôi vừa nhận được mặt chữ và nhớ được từ số một đến số mười là ông cụ “nạp” cho
nào cửu chương, toán số. Vừa đánh vần vừa đọc Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca và phải
học thuộc lòng hết thảy, bắt học luôn cả kinh Bát Nhã, chú Đại Bi, chú Vãng Sanh…
bài chú đầu tiên tôi được học là bài Thất Phật diệt tội chơn ngôn. Cứ 4 giờ sáng,
hai ông bà dậy tụng kinh là tôi cũng được kêu dậy quỳ sau lưng các cụ để lạy
Phật và đọc
theo các bài kinh đã thuộc, tụng xong thời công phu
sáng là ông dắt tôi ra sân đứng xem ông luyện võ đi quyền. Và
sau đó, ông dạy tôi học võ. Tôi – một con bé con hỉ mũi chưa sạch cũng
xuống tấn, bái tổ như ai, cứ nhì nhằng học cho đến một hôm thầy đang bày cho tôi
tập thế “Song Long Quá Hải” thì tôi bỗng rớt xuống đất cái bịch như trái mít ướt
sút cùi bởi vừa lạnh vừa buồn ngủ và đói bụng (mùa đông Huế mà). Cô tôi cũng là
mẹ nuôi của tôi cưng tôi ghê gớm, bà thất kinh hồn vía với cú ngất xỉu ấy nên
năn nỉ với ông đừng dạy tôi học võ nữa, thế là “sự nghiệp võ thuật” của tôi kết
thúc từ buổi sáng ấy… Sau này, mọi người trong nhà cứ theo
chọc tôi là hai con rồng bị chìm khi qua biển, Song Long Quá Hải mà, dị chưa…
Ngày hai buổi ông kèm cặp tôi không rời
nửa bước, khi tôi đọc thông là phải viết tập, mà không phải chỉ viết vài trang
trong môt buổi đâu, cứ mỗi ngày đều phải viết lại những bài kinh, bài thơ đã học
thuộc lòng trước đó, rồi lại học Tam Tự Kinh bằng cách ông phóng lớn từng chữ
một lên lưng của bìa lịch cũ và tôi phải đồ lại từng nét, rồi giảng giải niêm
luật thơ Đường. Chao ôi! Tôi – con bé mới tám chín tuổi đầu – bị xoay như cái
chong chóng theo chương trình đào tạo “tổng hợp” của một ông thầy quá nhiều tham
vọng đầu tư trí tuệ cho đứa con nuôi mà ông bà đã nhận lời gửi gắm của người em
với hứa hẹn sẽ “dạy dỗ nên người”. Sau này, tôi thường tự hỏi: “Sao thuở đó mình
không bị “tẩu hỏa nhập ma” với lối dạy thiếu phương pháp sư phạm như rứa…”
Cứ mỗi lần tôi ngồi làm toán là mẹ đẻ và
vú tôi cứ thập thò ngoài cửa sốt ruột bởi thấy tôi vừa thút thít vừa nhẩm cửu
chương để làm toán nhân, còn thầy ngồi đối diện tay
cầm roi mây nhịp nhịp nghiêm nghị. Tôi là một con bé chúa lơ đãng, cứ lúi húi
một lúc lại nhìn ra cửa sổ theo dõi từng chiếc lá, từng
giọt nắng ngoài hiên, vậy là cây roi mây trên tay thầy tôi lại nhúc nhích và tôi
òa khóc… Chỉ đợi có thế, một trong hai người đàn bà thân yêu
của tôi xuất hiện hoặc mẹ nuôi hoặc mẹ đẻ xin cho tôi “ra chơi”. Chạy bay
ra khỏi tầm mắt của thầy là tôi tha hồ được đền bù đủ thứ khi thì bánh kẹo, khi
thì chè chuối chi đó… Thấy tôi khổ sở trong những lúc học toán, mẹ nuôi tôi tìm
cách giải phóng “giờ toán” cho tôi bằng một lý do mà sau này mỗi lần nhớ lại tôi
vừa khóc vì cảm động và vừa cười bởi nó “húy tiếu” chi lạ.
Số là nhà tôi có một “chị” gà mái đẻ;
tính rất là chướng kỳ, luôn bắt nạt các chị em trong đàn lại quái đản là không
có bản chất làm mẹ bởi cứ mỗi lần “khai hoa nở nhụy” xong là chị ta quay lại mổ
và ăn tươi nuốt sống cái trứng còn đỏ hỏn nóng hôi hổi vừa mới lọt lòng. Giờ
giấc chị ta “lâm bồn” khớp với giờ tôi đang làm toán (10 giờ sáng). Mẹ tôi đợi
một buổi sáng chị mái mơ vừa cục tác vừa nhảy ổ sau chuồng là bà lên xin thầy
cho tôi nghỉ để ra “canh chừng chị gà đẻ xong thì đuổi nó xuống để khỏi mất
trứng”. Cái lý do chẳng thuyết phục được vị gia sư đầy tâm huyết chút nào, nhưng
nể tình nội tướng ông đành gật đầu miễn cưỡng. Thế là cứ mỗi buổi sáng đến lúc
học toán tôi ngong ngóng nghe tiếng gà cục tác tìm ổ là vội xếp vở cúi đầu xin
phép thầy đi “canh gà đẻ” nhảy chân sáo ra vườn tha hồ nhìn hoa rơi lá rụng
chẳng đoái hoài chi đến trứng với lại gà, tôi lại còn phải cảm ơn chị mái nạ
dòng ấy, vì nhờ chị ta mà tôi khỏi vật lộn với mấy con số đau đầu. Rất nhiều kỷ niệm vừa nghiêm túc vừa bi hài trong giai đoạn thầy dạy
tôi học.
Có lúc thầy nghiêm nghị lạnh lùng, cao vời trên bục giảng học đường nhưng lúc
nào cũng đức độ nhân từ thương tôi như con đẻ, đã nâng đỡ dìu dắt tôi từ thơ ấu
cho đến trưởng thành. Thế mà tôi – tôi chưa làm được điều gì để đền ơn trả nghĩa
tấm tình cao đẹp ấy, thậm chí đến lúc thầy sắp mất – chị Hồng Oai, người con gái
lớn của thầy (con bà trước) ở Tuy Hòa ra Quy Nhơn đưa tôi về Huế gặp thầy lần
cuối cùng nhưng phòng bán vé máy bay không chịu bán vé bởi tôi đang ở tuần chót
của thời kỳ sinh nở. Chị Hồng Oai về Huế 5 hôm thì thầy tôi mất cùng lúc tôi
đang sinh cháu bé tuổi Dậu (1969), tôi ôm con nằm khóc thương thầy và giận bản
thân mình.
Thầy yêu kính, qua 36 năm ở miền an nghỉ
chắc thầy luôn nhớ về con, phần con không khi nào quên thầy được, hình ảnh thầy
con luôn ghi khắc. Con nguyện sống xứng đáng với sự giáo huấn của thầy không
những ở thời kỳ vỡ lòng mà suốt 24 năm trời trước khi con thành gia thất, con
nhận được ở thầy nhiều lắm, con chỉ biết trả hiếu nghĩa bằng cách sống với những
điều tốt đẹp về đạo, về đời mà thầy đã từng răn dạy. Con cũng xin phép thầy được
thực hiện nguyện vọng của thầy mợ thuở sinh tiền là sau khi mãn phần cho dù ở Từ
đường có bổn phận thờ cúng nhưng thầy vẫn muốn ở chùa hơn – vì thế cách đây mười
năm, con xin thỉnh di ảnh của thầy mợ và ba mẹ con lên thờ ở chùa Từ Hiếu là Tổ
đình của nhà ta để chư vị hương linh được thường xuyên thính pháp.
Hôm nay, qua chuyên đề của Nhớ Huế con
xin được ghi lại chút kỷ niệm một thời thơ ấu con được hạnh phúc dưới gối thầy
và xin được thưa cùng chị Hồng Oai (tức bà quả phụ B.H.V, ở Tuy Hòa - 12 Huỳnh
Thúc Kháng) em vẫn nhớ mãi lời tâm sự của chị khi chúng ta nằm bên nhau ở nhà em
tại Quy Nhơn. Chị bảo: “Dì sướng hơn chị bởi chị xa thầy quá sớm nên không được
thầy dạy dỗ như thầy đã dạy dỗ dì”. Vâng, chúng con ai cũng
muốn gần thầy.
Thầy ơi!
Vỡ lòng thầy giáo của con
Trải bao dâu bể vẫn tròn kính thương
Con đi xuôi ngược mười phương
Qua trường nhìn trẻ vấn vương nghĩa thầy
Con hình dung cảnh sum vầy
Sưởi lòng bớt lạnh phút giây độc hành
Tóc con giờ đã hết xanh
Vẫn thương nhớ thuở sau mành ê a.
ảnh: chùa Từ Ân, làng Xuân
Hòa