Minh
Đức Triều Tâm Ảnh
Đợi đến
gần hết những tháng ngày nắng nóng vẫn không nghe tin tức gì, không thấy đức
Phật trở lại, đại đức Ānanda đi tìm tỳ-khưu Sunakkhatta người Licchavi - đang là
thị giả của đức Phật - thì được tỳ-khưu Nāgita cho biết là Sunakkhatta đã bỏ đi
rồi.
- Tại sao?
- Thưa, có lần y
tâm sự: Tôi thỉnh thoảng được hầu đức Phật mà ngài chẳng dạy cho được một pháp
gì cao siêu cả, chẳng được một chút thần thông, phép lạ vào cả.
Tôn giả Ānanda mỉm
cười:
- Thôi, chuyện đó
bỏ qua! Bây giờ tôi rất nóng lòng muốn đi tìm đức Phật, ông cùng đi với tôi cho
vui nhé?
- Thưa vâng! Lúc
nào tôi cũng nhớ đức Tôn Sư, luôn muốn làm thị giả cho ngài, luôn muốn được hầu
cận ngài để được học hỏi và tu tập .
Thế rồi, hai người
lặng lẽ ôm bát ra đi.
Đại đức Ānanda suy
đoán:
- Tại kinh thành
Sāvatthi (Xá Vệ) đã có trưởng lão Sāriputta cùng các vị tôn giả khác; thế
là ở đấy đã có người thay mặt đức Tôn Sư để giáo giới học chúng. Vậy, có lẽ đức
Đạo Sư không quành lại Bārāṇasī (Ba-la-nại) để đi lên Jetavana
(Kỳ Viên) mà đi về hướng các xứ Kuru, Campā... rồi lên Magadha
(Ma-kiệt-đà)
chăng?
ảnh: Vườn Lâm Tỳ Ni tại Huyền Không
Thế rồi, hai vị lầm
lũi bộ hành về hướng Đông Nam. Đến xứ Kuru, nơi đức Phật đã dạy Tứ niệm xứ, đến
thị trấn Kammasadhamma, nơi đức Phật hóa độ cho du sĩ Magandiya, đến thị trấn
Thullakoṭṭhika, nơi đức Phật hóa độ
chàng thanh niên con nhà cự phú xuất gia tỳ-khưu là Raṭṭhapāla - hỏi thăm chư tăng vùng này cũng không nghe tin
tức. Cả hai vị đi mãi. Đến vương quốc Aṇga, thị trấn Bhaddiya, tại đây có gia
đình vợ chồng triệu phú Dhanañjaya và Sumanā Devi. Đại đức Ānanda còn
nhớ thân phụ của bà Sumanā là triệu phú Meṇḍaka có cô cháu ngoại Visākhā, năm ấy mới bảy tuổi mà đức
Tôn Sư có tuyên bố là cô bé đã vào dòng! Rồi đến xứ Campā, một đất nước xinh đẹp
được ân tứ của đức vua Bimbisāra, tại bờ hồ Gaggarā, nơi đây đức Phật đã hóa độ bà-la-môn Sonadanda - cũng không thấy tăm bóng,
không một thông tin nào. Thế rồi, hai vị đành phải trở lên kinh thành Rājagaha
(Vương Xá).
Tại Veḷuvanārāma (Trúc lâm tịnh xá), chư tăng ở đây
cũng đang xôn xao, lo lắng, chẳng ai biết về hành tung của đức Phật. Đại đức
Ānanda trình bày cho đại chúng sự thật về câu chuyện bất hòa của hai nhóm hội
chúng tại vườn rừng Ghositārāma, kinh thành Kosambī (Kiều-thưởng-di).
Rồi sau đó là chư tăng ni, đức vua Bimbisāra (Bình-sa vương), thần y
Jīvaka... cũng đến thăm hỏi ra chiều quan tâm, lo lắng.
Hai vị ở đây mấy
hôm, rồi đi theo một lộ trình dài, vượt sông Gaṅgā ghé Vesāli, Videha, Vajjī, lên Malla, Moriya, Koliyā
qua Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) ... Trên hành trình thiên lý ấy, đặc biệt khi họ được gặp các vị tỳ-khưu
lớn như trưởng lão Koṇḍañña, Assaji, Mahā Kassapa, Vappa, Yasa, Gayā Kassapa, Kāḷudayi... thì các
vị thánh này chỉ mỉm cười và không ai nói gì, góp một ý kiến nào.
Thế là sau khi trở
lại tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên) trình bày mọi chuyện cho hai vị đại đệ tử
hay rồi, họ an cư mùa mưa ở đây. Rồi tình trạng chư tăng ni, đức vua, triều
đình, các đại phú hộ, trưởng giả, các gia chủ, hai hàng cư sĩ... cũng xôn xao,
bàn tán, quan tâm, lo lắng cho đức Phật cũng tương tợ như ở tại Rājagaha
(Vương Xá)
vậy.
Tôn giả Sāriputta
và thỉnh thoảng tôn giả Mahā Moggallāna vân du đâu đó trở về - cả hai vị thay
nhau giáo giới đại chúng, tăng ni cũng như hai hàng cận sự. Việc đức Thế Tôn
“mất tích”, hai vị phải nhiều lần giải thích, đại lược như sau:
- Một đức Chánh
Đẳng Giác xuất hiện ở đời, bao giờ cũng mưu cầu đem lại lợi ích cho phần đông.
Ngài giáo giới trời, người, chúng sanh các loại bằng thân, bằng khẩu và bằng ý
cùng vô lượng phương tiện thiện xảo khác. Cho đến nỗi, ngài im lặng cũng giáo
hóa, ngủ nghỉ cũng giáo hóa mà bỏ đi đâu đó cũng giáo hóa. Hai nhóm hội chúng
tỳ-khưu cứng đầu, ngoan cố ở vườn rừng Ghositārāma tại Kosambī - là ví dụ của
trường hợp sau cùng - đức Phật đã dạy cho họ một bài học.
Ai đời chúng ta lại
lo lắng chuyện này chuyện kia cho một bậc Xuất Trần Thượng Sĩ bao giờ!? Hành
trạng của Người, chúng ta không thể tưởng nghĩ, suy luận, phỏng đoán như
thế này, như thế kia được đâu. Đúng lúc, đúng thời, đức Thế Tôn sẽ trở lại thôi.
Mọi người an tâm.
Tuy nhiên, khi gặp
riêng nhau, tôn giả Mahā Moggallāna nói với tôn giả Sāriputta:
- Có lẽ sau an cư,
chúng ta nên đi đón đức Tôn Sư về đây chăng? Ai ai cũng nóng lòng trông đợi,
cũng thấy thương cho họ!
- Chuyện ấy đúng -
tôn giả Sāriputta gật đầu
- nhưng chúng ta sẽ không đi!
- Tại sao?
- Sẽ bị đức Tôn Sư
rầy la đấy!
Ngẫm ngợi một chút,
tôn giả Moggallāna gật đầu đồng tình:
- Phải rồi!
Tôn giả Sāriputta
mỉm cười:
- Vậy đức Tôn Sư sẽ
rầy la như thế nào nào?
- Ngài sẽ “cảnh
cáo” như sau:“Các ông làm cái gì vậy? Bổn phận và trách nhiệm của các ông
là giáo giới các nhóm hội chúng tăng tục và đem đến lợi lạc, an vui cho họ - ai
bảo các ông bỏ thì giờ để đi đón Như Lai? Các ông không biết việc gì đáng làm và
việc gì không đáng làm sao? Các ông không biết việc gì là chính, việc gì là phụ
sao? Vậy, cái tâm bất động của các ông để đâu? Cái tuệ bất động của các ông để
đâu? Hãy để cho sự xôn xao, đón đưa, nghinh rước ấy cho chư phàm tăng và hai
hàng cư sĩ họ làm! Các ông hãy ghi nhớ đấy! Đừng làm ‘mất mặt’ hội chúng thánh
nhân của chư Phật ba đời!”
- Đúng là vậy!
Tôn giả Sāriputta gật đầu - đúng là chúng ta sẽ bị “mắng” như vậy
đấy!
Sau khi hội ý một
hồi - cả hai vị nhất trí để việc này cho tỳ-khưu Ānanda đại diện đi đón đức Thế
Tôn là hợp tình, hợp lý và đắc thế nhất. Cái tâm, cái tình của tỳ-khưu Ānanda -
và cả thị giả Nāgita - đội nắng dầm sương, đường xa ngàn dặm, lặn lội đi tìm đức
Đạo Sư không ai là không biết, không ai là không cảm động!