Trái tim bình dị

(Thầy Châu Lâm vẫn còn đó)

Thích Thái Hòa

 

Thầy Châu Lâm đã chết rồi ư! Không, Thầy vẫn còn đó chứ, dẫu thân tứ đại của Thầy đã trở về nguyên uỷ, bản nguyện xuất gia, phụng sự chánh pháp và độ đời của Thầy vẫn còn đó với chính Thầy và vẫn đang đồng hành với anh em chúng tôi trong bất cứ lúc nào và ở đâu, với những hình thức đầy sinh động khác.

 

ảnh: chùa Châu Lâm, Huế

Tôi không quý thầy Châu Lâm với những nét bút bay lượn tài hoa, mà quý trái tim chân thật của Thầy đối với bằng hữu, trong những cơn mưa phùn lạnh điếng da người của cuộc sống.

Trong những lúc như vậy, chúng tôi cùng đi với nhau, cùng nói chuyện, cùng ăn cơm, cùng uống nước và cùng sưởi ấm cho nhau, bằng những năng lượng của tâm bồ đề và những trải nghiệm cuộc sống.

Ngày 20/05 năm Mậu Tý 2008, tôi đến chùa Châu Lâm dự kỵ thân phụ của cố Hòa thượng khai sơn chùa Châu Lâm, Thầy Châu Lâm nắm tay tôi hỏi: “Thầy Thái Hòa đau mắt phải không? Tôi nói có, nhưng nhẹ thôi”. Bấy giờ, Thầy cười và nói “nếu nặng thì cũng không sao”. Rồi hai anh em chúng tôi cùng cười hể hả, xem việc đau mắt hay đau bất cứ cái gì thuộc về thân thể hay tâm hồn, đều là lẽ đương nhiên và đương nhiên, anh em chúng tôi phải biết cách bình dị cái đau ấy, trong lẽ sống bình dị của con người.

Thầy Châu Lâm nói với tôi, bữa nay tôi không hút thuốc lá nữa. Có một cư sĩ đứng bên cạnh liền hỏi: Tại sao vậy, bạch Thầy? Thầy Châu  Lâm trả lời: “Mình thích hút, thì mình cứ hút, mà mình không thích hút thì mình không hút, hút hay không hút, mình đều chủ động, chứ mình không bị tác động bởi ai cả”.

Tôi rất thích câu nói ấy của Thầy. Câu nói ấy không phải thách thức gì với ai, nhưng nó đã khẳng định được khả năng tự chủ của Thầy, trong những tình huống thuận nghịch giữa lành và bệnh, giữa thích và không thích, giữa xuất xử và hành tàng, và ngay trong việc ứng xử của sự sống và chết. Thích hay không thích, mình đều có chủ quyền chứ không để cho cái thích hay cái không thích, tác động vào tâm hạnh của mình.

Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói: “buông bốn đại không cần nắm bắt; tỉnh một đời dừng bước bôn ba! Thỏa nguyện, ta chừ vui sở thích; sống chết bây giờ có ngại chi!”. Chết có ai mà thích, ở trong đời có mấy ai mà thích chết bao giờ. Nhưng đối với người biết tu tập, sống không những là đối tượng xâm nhập của thiền quán để khám phá “diện mục” của nó, mà chết cũng là đối tượng xâm nhập của thiền quán để khám phá và hội nhập với “mặt mũi xưa nay” của nó để “ta chừ vui sở thích”.

Sở thích của thiền quán hay của Tuệ Trung Thượng Sĩ, không phải chỉ là sở thích tự chủ đối với cái mình ưa thích, mà còn sở thích tự chủ đối với cái mình không ưa thích nữa. Thích thể hiện cái không thích của mình, cũng là sở thích dưới con mắt thiền quán.

Tôi không dám ví Thầy Châu Lâm với Tuệ Trung Thượng Sĩ, và cho dù tôi có muốn ví đi nữa, thì Thầy Châu Lâm cũng chẳng bằng lòng, vì Tuệ Trung Thượng Sĩ có hạo khí “thích” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thầy Châu Lâm có hạo khí “thích” của Thầy Châu Lâm.

Tuệ Trung Thượng Sĩ đã thể hiện hạo khí “thích” trong thời đại của Ông trong “phóng cuồng ca”, thì Thầy Châu Lâm đã thể hiện hạo khí “thích” ở trong thời đại của mình bằng “phóng hạo bút”.

Tuệ Trung Thượng Sĩ: “buông bốn đại, không cần nắm bắt; tỉnh một đời dừng bước bôn ba!”, để có “phóng cuồng ca”, cho thiền học, cho văn học; Thầy Châu Lâm cũng “buông bốn đại, không cần nắm bắt; tỉnh một đời dừng bước bôn ba”, dưới một hình thức khác, dưới một phong thái khác và dưới một ứng xử khác để có “phóng hạo bút”, đóng góp cho nền văn học thư pháp Việt Nam hiện đại.

Tuệ Trung Thượng Sĩ: “thoả nguyện, ta chừ vui thích; sống chết bây giờ có ngại chi!”, để đùa chơi với sống chết ngay trên giường bệnh; Thầy Châu Lâm thích hút thuốc, thì hút thuốc, thích không hút thuốc thì không hút thuốc, cũng để “thoả nguyện, ta chừ vui sở thích”, và Thầy cũng nằm yên một tuần để “buông bỏ tứ đại không cần nắm bắt”.

Trong một tuần nằm yên bất động của Thầy, đố ai mà biết được Thầy đang làm gì, đang nói gì và đang nghĩ gì trong cái bất động ấy? Và phải chăng bất động cũng là hạo khí và đại hạo khí của thời đại chúng ta, một thời đại do tâm điên đảo vọng tưởng của con người tác động vào cuộc sống, khiến cho thế giới con người ngày nay không phải chỉ là biến động hỗ dụng tự nhiên, mà biến động từ những manh tâm ngông cuồng, si loạn đến nỗi con người không còn là con người nữa. Ở trong một thế giới như vậy mà bất động, nếu không phải là hạo khí, thì nó là gì?

Có lần, Thầy Châu Lâm kể cho anh em chúng tôi nghe câu chuyện tiếu lâm trong một bữa ăn giữa hai người: “hôm ấy, trong mâm cơm của hai người cùng ăn, có một dĩa cá hai con. Một con to và một con nhỏ, người gắp trước, họ gắp con cá to để vào chén cơm của họ. Người đối diện nói: theo phép lịch sự, người gắp trước, thì nên gắp con cá nhỏ, chứ không nên gắp con cá to. Người gắp con cá trước hỏi lại: Nếu ông gắp trước, thì ông gắp con nào? Người kia trả lời: Nếu gắp trước đương nhiên là tôi gắp con cá nhỏ. Người gắp con cá to nói: Như vậy, tôi gắp trước hay gắp sau, thì trước sau gì, con cá to ở trong dĩa cũng về phần tôi rồi”.

 

ảnh: Bảo tháp Thầy Phước Thành

 

Câu chuyện tiếu lâm mà Thầy Châu Lâm đã kể cho anh em chúng tôi nghe ngày ấy, thật dí dỏm mà thâm thúy. Dí dỏm, vì câu chuyện khiến cho ai nghe cũng đều bật cười, nhưng nó thâm thúy, vì nó là căn bệnh khó chữa của tất cả chúng ta, ấy là căn bệnh khôn ngoan vụn vặt, căn bệnh thời cơ, căn bệnh chập giựt, người ta đã chập giựt nhau để ăn, và đã đưa nhau vào bẫy sập lý luận để hơn thua nhau ngay trong một dĩa cá to nhỏ, tanh hôi!

Thầy Châu Lâm ơi, thân tứ đại của Thầy đã đi về nguyên uỷ, nhưng bản nguyện và hạo khí của Thầy vẫn còn đó với chúng tôi, và với trăng ngàn gió nội Thầy à!

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle