Lại thế Luyện & Kim Phụng
Ngày ... tháng ... năm ...
Con gái yêu của cha!
Chiều nay, con vừa đi học về đã vội khoe với cha kết quả bài tiểu luận vừa rồi
của con ở trường đại học đạt được điểm 9. Ngay cả cha cũng cảm
thấy ngạc nhiên, bất ngờ sao con có thể đạt được điểm cao như vậy?
Đây là một chuyện khá hi hữu trong lĩnh vực khoa học xã hội, bởi vì ít khi có
những bài tiểu luận của sinh viên được các giáo sư đánh giá điểm cao.
Thường thì những bài đạt được điểm 8 đã là xuất sắc lắm rồi!
Chuyện này khiến cha cảm thấy rất ngạc nhiên, đành phải cầm bài tiểu luận của
con về phòng để đọc lại thật kỹ.
Lúc đọc xong, cha phải thừa nhận là, tuy mới chỉ học năm thứ
nhất, nhưng con viết được một bài sâu sắc như thế này là một chuyện đáng khen
ngợi.
Những lập luận của con trong bài viết khá sắc sảo, tài liệu tham khảo công phu,
có giá trị, các ý tưởng của con rất phong phú, cách viết lại khéo léo, duyên
dáng nữa! Cha chúc mừng con!
Thế nhưng, khi cha hỏi con đã lên kế hoạch học tập cho thời gian sắp tới chưa,
thì câu trả lời của con khiến cha ngạc nhiên: "Sắp tới, nhà trường có cấp kinh
phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Con đang tìm cho mình một đề tài thích
hợp để tập nghiên cứu khoa học, nhưng hiện giờ vẫn băn khoăn chưa biết nên chọn
đề tài nào!" Con lại còn nhờ cha gợi ý cho con.
Cha rất ủng hộ việc con có ý định tham gia các đề tài nghiên
cứu khoa học của sinh viên, nhưng con có biết cha ngạc nhiên vì sao không?
Cha ngạc nhiên vì tại sao con lại phải vất vả đi tìm một đề tài khác để nghiên
cứu khoa học? Tại sao con không chọn ngay đề tài của bài tiểu luận vừa rồi để
tiếp tục nâng nó lên trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học?
Bài tiểu luận vừa rồi, bước đầu đã chứng minh rằng con gặt hái
được thành công. Đó cũng chính là đề tài mà con có nhiều ưu thế hơn người
khác, am hiểu hơn người khác. Vậy tại sao con không tiếp tục tìm cách đào
sâu nó, phát triển nó? Tại sao mình đang sở hữu trong tay
một đề tài mà mình rất có lợi thế, mình lại bỏ nó đi để chọn một đề tài khác mà
mình chưa biết rõ là mình có lợi thế hay không?
Mọi thành công của chúng ta trong cuộc sống đều đi từ những
thành công nho nhỏ đến những thành công lớn. Bí quyết thành công của con
người trong cuộc sống cũng chính là ở đây! Bất kỳ ai mà chẳng
thèm khát thành công? Thế nhưng, con người ta không thể thành công trong
một sớm một chiều! Có thể gọi đây là "hành trình vươn tới thành công". Hành
trình đến với thành công chứa đựng rất nhiều thử thách, gian nan.
Thành công là cả một hành trình lâu dài. Thế nhưng, người đời thường chỉ nhìn thấy kết quả thành công mỹ mãn
của người khác, ít ai biết nhìn thấy "quá trình đi đến thành công đó" đã phải
trải qua nhiều phức tạp, khổ đau, vất vả, nhiều băn khoăn, chọn lựa như thế nào.
Những người không bền chí, không kiên trì với mục đích, luôn
thay đổi hướng đi, thì làm sao tích lũy được bề dày kiến thức lẫn kinh nghiệm để
thành công?
Trong xã hội, con đã nhìn thấy nhiều tấm gương thành công.
Ở lĩnh vực nào cũng có người thành công. Tuy nhiên, con có bao giờ hỏi tại sao họ thành công? Có thể
có rất nhiều lý do đưa đến kết quả thành công của họ. Thế nhưng, chắc chắn có
một lý do là, họ luôn kiên trì với mục đích của họ, dành nhiều thời gian để suy
nghĩ về điều họ sẽ làm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm liên quan đến những gì
mình đã làm, gặt hái những thành công nho nhỏ ban đầu để rồi tiếp tục hăng hái
vươn tới những thành công ngày càng lớn lao hơn!
Cho nên, điều quan trọng không phải là con nhìn thấy thành công của họ ở đích
đến, mà con hãy biết học cả hành trình mà họ đã vươn đến thành công như thế nào!
°°°
Cha có một người bạn đồng nghiệp vừa xuất bản cuốn Từ điển Công nghệ Hóa học.
Với hơn 30 000 thuật ngữ tra cứu Anh–Việt, có thể nói cuốn từ điển này là một
công trình khá công phu, đồ sộ.
Các bạn đồng nghiệp ai cũng ngạc nhiên.
Họ không hiểu người bạn đồng nghiệp này tìm đâu ra thời gian để biên soạn một bộ
từ điển như vậy? Công việc ngày ở trường, như ai cũng
biết, đều đã rất bận rộn, tốn nhiều thời gian. Điều
đáng nói là, hoàn cảnh gia đình cô ấy lại vô cùng khó khăn.
Chồng cô ấy là thương binh, lại đang bệnh lao phổi rất
nặng, đe dọa đến tính mạng. Mặc dù đã được đưa vào bệnh viện
để điều trị, nhưng tình hình của chú ấy gần đây vẫn không mấy khả quan. Trong hoàn cảnh đó, dù phải dành rất nhiều thời gian lẫn công sức để
chăm lo cho chồng, cô ấy vẫn kiên trì với mục đích xuất bản cuốn từ điển.
Bí quyết thành công của cô ấy là, kiên trì với mục đích biên
soạn cuốn từ điển. Ý định xuất bản cuốn từ điển này đã
manh nha trong đầu óc của cô ngay từ thuở sinh viên. Sau này, khi đã trở thành giảng viên, sau mỗi ngày đi dạy về, cô ấy
quyết tâm tìm hiểu cho được một thuật ngữ. Tìm hiểu cặn kẽ xong thì viết vào một tấm thẻ giấy để sau này đánh
máy.
Cứ kiên trì, đều đặn như vậy hơn mười năm, bất kể điều kiện sống, hoàn cảnh gia
đình, tâm trạng của bản thân như thế nào, đến nay công trình đã hoàn thành!
Nếu cô ấy chỉ suy nghĩ đơn giản như bao nhiêu người khác, đợi đến khi có thời
gian rảnh hoặc khi lo xong chuyện gia đình rồi mới nghĩ đến chuyện biên soạn
cuốn từ điển, thì không biết đến khi nào mới có thể hoàn tất cuốn từ điển được?
Nếu giả sử cô ấy cũng giống như con, nay thích biên soạn từ điển, ngày mai lại
thích chọn đề tài khác, cứ liên tục thay đổi đề tài, thì thử hỏi cô ấy có làm
xong được việc gì không? Có thể gặt hái thành công mỹ mãn với
bộ từ điển như ngày hôm nay không?
Thế cho nên con thấy là, để thành công người ta cần phải kiên trì, dành công sức
đầu tư và thời gian chuẩn bị lâu dài như thế nào Thành công càng lớn
lao càng đòi hỏi bề dày công sức và thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.
Qua chuyện kể trên con có thể nhận ra, với những tác giả chân chính, khi viết
sách họ luôn có sẵn trong đầu một đường lối biên soạn, một kế hoạch, dự định rất
rõ ràng, chứ không phải là viết theo đơn đặt hàng, không phải vui làm buồn bỏ
hoặc chỉ viết tình cờ theo ý thích hoặc cảm xúc.
Bất cứ cuốn sách nào ra đời cũng đều là kết quả của một hành trình không ngừng
nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, chờ đợi, kiên nhẫn và hy vọng...
Con đã nhìn thấy cha bận rộn suốt ngày ở trường đại học, với hàng loạt công việc
khác nhau không lúc nào ngơi: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh
viên làm đề tài, tham gia các hoạt động xã hội, hội thảo, báo cáo chuyên đề,
sinh hoạt học thuật bộ môn, đề thi, chấm bài, rồi cả một loạt những cuộc họp
hành... rất mất thời gian khác nữa! Như thế thì cha lấy đâu ra
thời gian để viết sách?
Có những đêm, khi đi ngang phòng làm việc của cha, con nhìn thấy hai bàn
tay cha liên tục gõ như "khiêu vũ" trên bàn phím máy vi tính. Có thể con
sẽ nghĩ rằng, trong cha, cảm hứng luôn dồi dào và cha có thể viết văn một cách
dễ dàng... Nhưng thực ra, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy!
Chính cha đã phải suy nghĩ, nung nấu ý tưởng cho đề tài của mình từ rất lâu, qua
bao ngày tháng! Để viết được một dòng, thì có thể cha đã phải
suy nghĩ về nó trước đó cả một giờ. Để viết xong một cuốn sách trong thời gian ba tháng, con phải hiểu
là cha đã phải chuẩn bị ý tưởng cho nó từ trước đó hơn cả mười năm. Cho
nên, cách tính tổng khối lượng thời gian để hoàn tất một cuốn sách thường chỉ
mang một ý nghĩa hết sức tương đối, chỉ là mang tính ước lệ mà thôi! Bởi vì, bất
cứ người viết nào cũng đều phải trải qua một thời kỳ "thai nghén" lâu dài với
rất nhiều trăn trở, cuối cùng thì những dòng chữ đầy
cảm xúc, sáng sủa, mạch lạc mới có thể tuôn chảy ào ạt trên trang viết như con
đã thấy!
°°°
Con thấy , hành trình vươn tới thành công đầy vất vả,
khó khăn như vậy.
Thế thì, tại sao chúng ta không tìm cách tiến hành công việc
của mình một cách thông minh nhất, khôn ngoan nhất?
Bài tiểu luận của con trong ngày hôm nay đã thành công , con hãy tiếp tục đào sâu, phát triển nó thành một đề
tài nghiên cứu khoa học.
Sau khi hoàn tất đề tài nghiên cứu khoa học, con lại có thể tìm cách tiếp tục
đào sâu, phát triển nó trở thành đồ án
tốt nghiệp đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, con có thể tìm cách tiếp tục đào
sâu, phát triển nó trở thành luận văn thạc sĩ.
au khi hoàn tất được luận văn thạc sĩ, con vẫn có thể
tiếp tục đào sâu nó nhiều hơn nữa, để đăng trên các tạp chí khoa học chuyên
ngành, suy nghĩ thêm để viết thành đề cương nghiên cứu luận án tiến sĩ.
Tại sao lại không chứ?
Và ngay cả sau khi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ rồi, cũng với đề tài này,
con có thể chuyển nó thành những chuyên khảo, biên soạn thành những cuốn sách,
giáo trình để xuất bản cho sinh viên và nhiều người cùng đọc...
Trái lại, nếu con cứ tìm cách thay đổi đề tài liên tục thì chắc chắn là công sức
mà con bỏ ra sẽ vất vả, nhọc nhằn hơn rất nhiều và dĩ nhiên là con khó mà đủ
điều kiện đi thật sâu vào bất cứ đề tài nào! Xác suất để thành công cũng sẽ
không cao bằng cách làm như cha vừa gợi ý, phải không con?
Sau này, trong công việc, thậm chí ngay cả trong kinh doanh nữa, nếu muốn gặt
hái thành công lớn, nhất thiết con sẽ phải trải qua hành trình như thế này thôi!
