Lam Khê
Mưa rả rích suốt cả buổi chiều. Trời đã vào
thu. Cơn mưa tháng bảy dìu dặt âm u phả lên bầu trời một màu khói mây
lãng đãng. Sân chùa yên vắng. Mấy chú chim sâu thường
ngày hót vang inh ỏi, lúc này cũng run rẩy nép mình
dưới những tán cây cao. Tôi ngồi trực phòng khách không biết làm gì hơn là ngắm mưa rơi và
ngâm nga bài thơ kệ.
Mưa gió thế này thì chẳng ai đến chùa làm gì.
Chiếc Atila vừa chạy
xe vào sân. Nhìn thoáng qua, tôi nhận ra ngay dáng vóc
nhỏ nhắn quen thuộc của chị. Quả là một nữ Phật tử
thuần thành. Chị đến chùa vào mỗi chiều tan tầm, bất kể mưa to gió lớn,
nước dâng ngập đường. Sư huynh tôi nhiều lần lấy chị làm tấm gương sách tấn mấy
huynh đệ:
- Phật tử Diệu Ân
tinh tấn còn hơn mấy chú ở chùa. Mấy chú chớ có xem thường.
Mai này qua cầu giải thoát, hàng Phật tử tinh tấn thì bước trên cầu. Còn
người xuất gia mà giải đãi biếng trễ thì phải đi ở dưới… Có học có hành càng phải chuyên tu mới thành tựu đạo quả.
Chị rũ áo
mưa ngoài hành lang, nhìn qua thấy tôi liền gật đầu chào:
- Dạ! Diệu Ân chào sư chú.
Tôi vừa cạo xong chỏm tóc để
thọ sa
di. Sư huynh là trụ trì, nên Phật tử đến chùa thường gọi tôi
là sư chú.
Hai hôm rồi
chị không đến chùa. Chị vừa trở về sau chuyến đi làm từ thiện từ miền cao
nguyên lạnh giá…
Thấy chị xách giỏ trái cây đi
ngang phòng khách lên chánh điện, tôi khẽ reo lên:
- A! Phật tử Diệu Ân đi
cứu trợ vùng xa còn mang quà về cúng chùa. Mà chị mua chi
nhiều dữ vậy.
Chị cười, vẻ rạng rỡ thành
kính:
- Dạ Diệu Ân mua ít trái cây, trước cúng
Phật, sau để quý thầy và mấy chú dùng…
- Có cả hoa tươi Đà Lạt
và hoa bất tử nữa…
- Dạ..
giỏ hoa cúng cho con bé. Nó rất thích
hoa bất tử.
Tôi lý sự:
- Chị ấy đã trở thành hoa bất tử... trong lòng mẹ rồi còn gì.
Chị trầm giọng lễ phép:
- Dạ! Vâng…
Hai năm trước… cũng vào một
buổi chiều mưa gió thế này, tôi ngồi tiếp một nữ tín chủ đến chùa với vẻ mặt sầu
bi ủ rũ. Người phụ nữ có gương mặt dịu dàng,
nhưng ánh mắt chất chứa cả bầu trời thương đau bị dồn nén đến tận cùng.
Chị đưa tôi phong bì xin ghi tên cúng thất cho đứa con gái mới mất. À!
Một người mẹ mất con. Thảo nào mà chẳng đau buồn.
Tôi nhìn lướt qua.
Còn trẻ thế mà đã sớm lìa xa cõi thế. Khi chị lên chánh
điện lễ Phật, tôi len lén nhìn theo, chỉ là tò mò thôi. Chợt nghe lòng dấy lên một niềm thương cảm xót xa.
Ngày tôi trốn gia đình đi xuất gia, mẹ thương nhớ khóc suốt một thời gian dài.
Sanh ly đã vậy, tử biệt càng muôn phần thống thiết.
Phật đã ví nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển mà.
“Có người đến chùa vì lòng thâm
tín mộ đạo, muốn học hỏi tu tiến. Có người muốn tìm sự bình
yên tĩnh lặng trong giây lát.
Cũng có người thất bại công danh sự nghiệp hay vì đau khổ tình trường mà tìm đến
chùa để mong được khuây khỏa giải bày. Phật lắng nghe tất cả.
Ánh mắt từ bi thương cảm của Phật xoa dịu hết những tâm hồn đau thương lạc lõng”
Tôi nhẩm đọc câu mà lúc sinh tiền sư phụ thường hay nói để suy nghiệm sự đời qua
triết lý nhà Phật. Và tự nhiên thấy mình cũng là một… tiểu hành giả của Như Lai,
có trách nhiệm lắng nghe và giải bày bao niềm vui nỗi buồn của nhân thế.
Lễ Phật
xong, chị xuống phòng khách đưa cho tôi tấm hình cô con gái xin thờ lại trong
chùa. Chị nhìn ảnh con, mắt đong đầy ngấn lệ:
- Tôi muốn thờ cháu ở nhà.
Nhưng người ta bảo không nên. Cháu bị tai nạn chết trẻ quá, cần phải ở chùa để nghe kinh kệ.
Tôi không thường đi chùa nên không hiểu biết. Xin thầy chỉ dạy… gia đình phải làm gì để vong hồn cháu được sớm
siêu thoát.
Vợ chồng tôi chỉ có mình nó. Nó là tất cả…
Chị quay
mặt ra sân như để cố kiềm chế một tiếng nấc. Tôi vội nói:
- Dạ! Ảnh cô cứ để đây, Minh Đăng sẽ thưa lại với thầy trụ trì.! À! Cô gọi Minh Đăng là chú được rồi.
Minh Đăng chỉ mới thọ sa di thôi…
Chị không
quan tâm điều tôi vừa nói. Lòng dạ người mẹ tan nát vì mất con thì gọi
thầy hay chú có gì là quan trọng. Ngồi một lúc chị bắt đầu kể về cô con gái duy
nhất của mình. Vợ chồng chị dành hết tình yêu thương, dồn bao tâm sức tiền bạc
lo cho con ăn học trong điều kiện tốt nhất. Cô lớn lên trong cảnh ấm êm sung túc
của gia đình, xinh đẹp, ngoan hiền và học giỏi các môn khoa học tự nhiên lẫn xã
hội. Sau bao năm dồi mài kinh sử, cô tốt nghiệp đại học với
văn bằng ưu tú, có việc làm tốt, lương cao. Vợ chồng chị rất tự hào và
hạnh phúc như bất cứ bậc cha mẹ nào nhìn thấy con mình thành đạt.
Vậy mà niềm hạnh phúc ấy lại quá mong manh chóng vánh.
Một buổi sáng đi làm, cô bị tai
nạn rồi ra đi mãi mãi:
- Tôi bây giờ cũng như người
chết rồi. Con mất. Chồng lâm bệnh. Tôi phải gắng gượng
để làm điểm tựa cho chồng… chỉ còn biết đi chùa cầu nguyện…
Đợi chị dứt
xong câu chuyện bi thương, tôi bắt đầu vận dụng chút kiến thức Phật học mà mình
có được để thuyết một bài pháp ngắn. Tôi nói rằng con người sanh ra đời
không ai tránh khỏi định luật vô thường sanh diệt. Không ai-
kể cả Phật có thể làm thay đổi cái định luật bất di bất dịch đó. Thời
Phật tại thế, có người đàn bà ôm đứa con mới chết của mình đến xin Phật ra
tay cứu sống. Bà chỉ có một một mình nó. Và nó là tất cả cuộc sống của bà.
Phật dạy bà đi xin một nắm tro của gia đình nào từ xưa tới giờ
chưa từng có người chết. Bà đi tìm khắp, nhưng không
nhà nào lại không có cảnh tang thương tử biệt. Thế là
bà giác ngộ. Bà hiểu và chấp nhận hoàn cảnh bất hạnh
của mình. Từ đó bà hướng lòng về Phật pháp…
Chị ngồi
yên, mắt dán chặt vào di ảnh con. Chị đang lắng nghe hay còn mải đắm chìm
trong nỗi suy tư sầu muộn. Tôi không thể nhận biết nên đành
tiếp tục bài thuyết pháp của mình. Ngoài trời mưa gió.
Trong căn phòng nhỏ, tôi cất giọng đều đều cố để lấn áp cơn mưa giông đang âm ỷ
trong lòng người mẹ. Chị lắng nghe với vẻ mặt thờ thẩn ngây dại của người chìm
trong mộng du. Tôi nói rằng trên đời này không có gì
đau khổ hơn khi tre già phải khóc măng non. Mất một đứa con, lại là con một, thì
sự sống của mẹ cũng chết dần chết mòn. Nhưng người chết rồi
thì không thể sống lại.
Lòng thương con lúc này cần phải chuyển theo chiều hướng thiết thực hơn để mong cứu rỗi vong linh
người mới mất. Trong vòng bốn chín ngày vong hồn người chết còn vất vưởng chơ vơ. Đây là lúc mà người thân trong gia đình
cần đến chùa tụng kinh, chí thành khấn nguyện cầu siêu bạt độ, làm điều phước
thiện hồi hướng công đức. Có như vậy thì người còn kẻ mất đều có phần
phước đức…
Dù chị lắng
nghe tôi với lòng thành kính hay vì phép lịch sự thì ít ra chị cũng có đôi chút
nhận hiểu, tỉnh ngộ. Tối hôm đó, chị đến chùa với nhang
đèn hoa quả bày trước bàn linh rồi ở lại tụng kinh.
Suốt bốn chín ngày, trên bàn linh cô gái trẻ lúc nào cũng đầy
hoa tươi, bánh trái, khói hương nghi ngút. Người mẹ làm những gì có thể
làm cho đứa con gái vắn số. Sáng chị đến chùa, đứng lặng trước di ảnh con.
Chiều tối chị lên chánh điện, quỳ lạy Phật và nghe quý thầy tụng kinh.
Cúng chung
thất con xong, chị vẫn đến chùa mỗi tối. Hai năm rồi, bước
chân đi về của chị đã trở nên quen thuộc dưới mái chùa.
Tiếng tụng kinh của chị cũng hòa nhập ngân vang trong một không gian ấm cúng đạo
tình.
Thấy chị thường đến một mình,
tôi hỏi:
- Sao chị không dẫn ông
nhà đi tụng kinh luôn?
Chị đáp nhỏ nhẹ:
- Ông thích lắm, nhưng bệnh không thể ngồi lâu được… chú à. Ổng
thích đọc và nghiên cứu kinh sách của mấy chú cho mượn…
- À! Mà chị
đọc những sách đó có hiểu không? Tôi hỏi vì biết mấy chú nhà mình thường cho chị mượn nhiều bộ kinh
sách mang tính triết lý sâu xa.
Chị trầm ngâm gật đầu :
- Dạ Diệu Ân đọc lúc rảnh rỗi, có hiểu đôi
chút.
- Nghe nói Diệu Ân có đi làm từ thiện.
Chị cười nhũn nhặn:
- Dạ đâu có gì… chỉ là đi theo
mấy chị bạn cho vui.
Chị đi làm từ thiện cho vui… với cả
tấm lòng nhiệt tình và cũng thường xuyên vào các ngày cuối tuần. Chị tìm tới những khu dưỡng lão, viện mồ côi xa tít ngoài vùng ven.
Chị cũng đến những
buôn làng nằm trên các rẻo cao thưa vắng. Mỗi chuyến đi là mỗi tầm nhìn được mở rộng. Mỗi chuyến đi
giúp chị nhận thức rõ hơn bức tranh muôn màu của kiếp sống nhân sinh.. Chị có được những giây phút tĩnh lặng trước cảnh đồng quê sông nước
hữu tình. Chị thích thú ngắm nhìn bao vẻ đẹp nên thơ của núi đồi hùng vĩ. Và chị cũng xúc động thật nhiều khi đối diện với những
mảnh đời bơ vơ khốn khổ. Ngày qua ngày, những chuyến đi
đã phần nào xoa dịu nỗi đau mất con của người mẹ. Chị hiểu
rằng trên cuộc đời này còn rất nhiều người bất hạnh hơn mình.
Và chị yêu thương cuộc đời bằng cả tấm lòng sẻ chia thành thật.
Gian phòng khách là nơi cất chứa
thực phẩm gạo mì và cả áo quần cũ mà tôi tiếp nhận từ các Mạnh Thường Quân. Cuối tuần chị tới chùa cùng
nhiều nguồn hàng quyên góp của bạn bè thân quyến. Tất cả được đóng gói và chuyển
lên xe. Những chuyến xe đưa chị cùng bạn bè trong nhóm từ thiện đi đến những nơi
cần đến. Trong giỏ xách chị đựng đầy những tài liệu in ra từ các bài kinh nhật
tụng, các bài sám… những bài giới thiệu về phương pháp dưỡng sinh, chế độ dinh
dưỡng:
- Chị in tài liệu này để phát
cho người ta à?
- Dạ! Diệu Ân in mấy bài kinh sám ngắn để các cụ già dễ đọc dễ thuộc.
Còn phương pháp dưỡng sinh thì dạy cho các em thanh thiếu niên, giúp chúng bảo
vệ bản thân và môi trường sống trong điều kiện tốt nhất.
- Chị biết phương pháp dưỡng
sinh?
- Trước đây Diệu
Ân có phụ trách bộ môn dưỡng sinh ở câu lạc bộ thể thao Quận.
Tôi liền gợi ý:
- À! Vậy Diệu Ân
đến dạy cho mấy chú tập dưỡng sinh mỗi sáng đi. Mấy chú nhà
mình chỉ biết lo học, không chú ý đến vấn đề thể dục thể thao, giữ gìn sức khỏe
gì hết.
- Dạ… Nếu mấy chú thích thì
Diệu Ân sẽ dạy.
Tôi lắc đầu:
- Nói vậy thôi. Chị đưa tài liệu cho mấy chú tập
là được rồi. Trông chị nhỏ nhắn thế mà ban ngày đi làm, tối tụng kinh,
cuối tuần còn đi làm từ thiện. Thời giờ sức lực đâu mà chịu
nổi. Lại còn công việc nhà nữa.
Chị cười:
- Sức tới đâu làm tới đó chứ có nhiều nhặn gì đâu sư chú. Diệu
Ân từng đến các trại phong, đến những nơi điều trị các căn bệnh hiểm
nghèo của xã hội. Có rất nhiều y bác sĩ và cả những vị tu sĩ
trẻ đang dấn thân vì người bệnh suốt cả ngày đêm. Các vị làm việc trong
môi trường dễ bị lây nhiễm mà chẳng chút bận tâm, ghê sợ. Ánh
mắt nụ cười của các vị luôn niềm nở bao dung.
Lòng từ bi thôi thúc các vị dấn thân phục vụ chúng sanh không
chút vụ lợi. Họ chính là Bồ-tát hiện thân trong đời...
Tôi gật đầu:
- Vâng! Bồ-tát hiện thân trong đời với nhiều tâm
nguyện và hình thức khác nhau. Họ là những vị tu sĩ, những người mang màu
áo trắng blu thánh thiện, và những người cư sĩ giàu tâm đạo như chị đều là
Bồ-tát…
Chị lắc đầu:
- Dạ thưa… Diệu Ân
đang tập sự làm một cư sĩ tại gia bình thường chứ nào dám phát nguyện hành
Bồ-tát đạo…
Tôi cười:
- Thì chúng ta cùng là những người đang tập sự. Những vị Phật,
Bồ-tát tương lai trong đời thường…
* *
Thấy chị xuống nhà
xe chuẩn bị mặc áo mưa ra về, tôi hỏi vói theo:
- Diệu Ân không ở lại tụng kinh sao?
- Dạ tối nay Diệu
Ân xin phép nghỉ tụng một bữa. Có mấy đứa cháu dưới quê
lên chơi. Ông nhà đang bệnh. Mấy hôm rồi vắng nhà… Tuần tới lại
theo
đoàn bác sĩ từ thiện xuôi về miền sông nước…
Tôi bắt đầu thuyết giảng:
- Đi làm từ thiện hay ở nhà mà giữ được tâm an lạc thanh tịnh cũng
là tu rồi, chị ạ! Người hành Bồ-tát đạo thì ở bất cứ đâu cũng
tu được.
Chị cười.
Nụ cười hiền lành tự tin của người luôn biết vượt qua chính mình. Chị
đang dò dẫm trên lối về - Theo cách ví von của chị. Nhưng trên mỗi lối về của
chị có nhiều hoa thơm
cỏ lạ, ươm mầm cho niềm tin và lẽ sống ngày mai.
Bóng nhỏ chiều thu khuất dần sau làn mưa mây lất phất bụi mù.
Lam Khê