Minh
Đức Triều Tâm Ảnh
Trở lại Kỳ Viên, liên tiếp mấy ngày hôm sau thì đức
vua Pasenadi và hoàng hậu Mallikā viếng thăm, nghe pháp, đặt bát cúng dường đức
Phật và tăng chúng. Trưởng giả Cấp Cô Độc cũng không
chịu thua đức vua, đặt bát cúng dường nhiều ngày hơn thế nữa.
Nhưng
đức Phật biết, vị đại thí chủ này đang có nhiều chuyện buồn về gia đình, nên
ngài hỏi:
-
Tâm ông có vẻ có nhiều bất an, phải thế không, Sudatta
(Tu Đạt - Cấp Cô Độc)?
Trưởng giả cất giọng rầu rĩ:
- Chỉ
khi được làm phước, tâm đệ tử mới thư thái và mát mẻ.
Chỉ khi nghe tin, em trai của đệ tử - tỳ-khưu Subhūti - tu hành rất tốt, đệ
tử mới vui tươi và hoan hỷ!
- Ừ, Subhūti (Tu-bồ-đề) thì cả trí và hạnh đều viên
mãn. Con trai của Như Lai thường trú tuệ không
(trí bát-nhã)
hay trú tâm từ (hạnh phương tiện)
nên chư
thiên thường ca tụng, tán thán rải hoa trời cúng dường...
Ivy, ông còn mong gì nữa, hở Sudatta?
- Thưa,
chẳng mong cầu gì nữa! Vợ con, ba đứa con gái đều hiền thiện, tốt lành... Nhưng
chỉ đáng tiếc là cậu con trai, cô dâu, người làm công thì chưa xu hướng chánh
pháp nên đệ tử rất buồn...
Thế là hôm kia, không báo trước, đức Phật ghé
tư gia ông Cấp Cô Độc; và những pháp thoại của ngài đã làm cho cả nhà phát sanh
đức tin trong sạch. Phu nhân của ông, bà Punnalakkhanā một đời
hiền lương, chất phát, từ hòa. Cô con gái lớn là Mahā Subhadda, cô con
gái thứ hai là Cūla Subhadda có tâm đạo nhiệt thành, đã đắc quả Tu-đà-hoàn;
riêng cô con gái út lại đắc quả Tư-đà-hàm. Cậu con trai duy nhất của ông là Kāla
thì lại ham chơi, ngỗ nghịch không bao giờ chịu nghe pháp... nhưng cuối cùng
cũng bước được vào dòng thánh. Rồi toàn thể kẻ ăn người ở trong nhà cũng thấm
nhuần giáo pháp, họ biết thọ trì ngũ
giới và có người thọ bát quan trai giới...
Riêng
cô con dâu, nàng Sujātā - thì ông trưởng giả thưa rằng:
- Nó vốn là con nhà giàu có, được nuông chiều từ thuở nhỏ, lớn lên trong nhung
lụa nên không biết gì về nhân tình thế thái, cách sống, cách đối xử với mọi
người xung quanh. Đến nỗi nó cũng không nghe lời khuyên dạy của cha mẹ chồng, đôi khi
lại hỗn hào tiếng một, tiếng hai. Chồng nó, nó cũng coi
không ra gì. Nó cũng không biết tôn trọng, kính trọng,
lễ bái đức Thế Tôn. Lúc nào đức Thế Tôn và tăng chúng đến nhà là nó trốn
biệt ở trong phòng, khóa cửa lại!
Đức Phật mỉm cười, rải tâm từ đến cho cô rồi bảo
người nhà gọi cô xuống. Cũng do năng lực tâm từ của đức Phật mà cô đã dịu dàng bước xuống, đảnh
lễ ngài rất phải phép.
- Này
Sujātā! Như Lai nghe rằng, trên thế gian có bảy hạng vợ, con có muốn nghe chăng?
- Dạ,
con muốn nghe!
- Thứ
nhất, người không có tâm bi mẫn, suốt đời không biết xót thương ai cả, súc vật,
gia cầm sống quanh mình lại càng không! Người này không bao giờ có thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ nhã nhặn, ôn
hòa. Người này không biết chăm sóc chồng, lo cho chồng.
Người này dễ bị khêu gợi, bị lôi cuốn bởi ngoại cảnh; dễ bị kích thích làm
chuyện trắc nết, hư hèn - có khuynh hướng phá rối, quấy rầy chồng và mọi người
trong gia đình chồng.
Thế
gian gọi hạng vợ này là: Người vợ quấy rối! Con có phải là hạng vợ ấy không, này
Sujātā?
- Bạch
đức Thế Tôn! Con dẫu là con gái hư nhưng cũng chưa đến nỗi thuộc hạng ấy!
- Ừ,
tốt! Đức Phật gật đầu rồi tiếp - Thứ hai, người hay phung phí
của cải, tiền bạc của chồng và nhà chồng. Tất cả tài sản, gia sản có được
do khối óc, bàn tay, mồ hôi, nước mắt của chồng tạo nên
bằng nông nghiệp, thương mại hay các công nghệ... lần hồi, hạng vợ này vung tay
phá tán hết sạch.
Thế
gian gọi hạng vợ này là: Người vợ như quân trộm cắp!
Con có phải là hạng vợ ấy không, này Sujātā!
- Con
dẫu có tiêu pha chút ít, nhưng tiền bạc là của con. Con
không thể là kẻ trộm cắp ấy được, thưa đức Tôn Sư!
- Ừ,
tốt! Như Lai biết là con nói đúng - Bây giờ, qua hạng thứ ba.
Đây là mẫu người làm biếng, tham ăn, cả ngày không làm gì cả; chỉ ưa ngồi lê
chuyện phiếm, tán gẫu, la lối, gắt gỏng kẻ ăn người ở; còn sai khiến chồng làm
chuyện này chuyện kia cho mình nữa.
Thế
gian gọi hạng vợ này là: Người vợ mà như bà chủ! Con có phải là hạng vợ ấy
không, này Sujātā?
- Dạ
thưa không, con cũng chưa đến nổi tệ mạt như thế đâu!
Đức
Phật lại mỉm cười từ hoà:
- Con
chỉ chút chút như thế thôi, không đến nỗi nào phải không con?
Cô
Sujātā đỏ mặt, đáp lí nhí “Dạ...”
Đức
Phật tiếp:
- Thứ
tư, là loại người hiền lương,
giàu lòng từ mẫn; chăm sóc chồng như bà mẹ hiền chăm sóc đứa con duy nhất.
Lại còn thận trọng giữ gìn của cải, tài sản mà chồng tạo nên; trông nom và để ý
từng ly, từng tí mọi chuyện trong gia đình chồng.
Thế
gian gọi hạng vợ này là: Người vợ mà như bà mẹ! Con có phải là hạng vợ ấy không,
này Sujātā?
-
Thưa, con không dám được như thế!
- Thứ
năm, người kính trọng, nể
nang chồng; lúc nào cũng khiêm nhu, từ tốn, ôn hoà - hết lòng chăm sóc cho chồng
như em gái đối với anh ruột của mình vậy.
Thế
gian gọi hạng vợ này là: Người vợ mà như em gái! Con có phải là hạng vợ ấy
không, này Sujātā?
-
Thưa, con cũng không dám được như thế!
- Thứ
sáu - đức Phật tiếp - Người đối với chồng luôn luôn vui vẻ, hoan hỷ trên sắc
mặt - như gặp lại người bạn rất thân xa cách lâu ngày.
Luôn đối xử với chồng bằng tình cảm cao quý và chân thực.
Đây là
hạng vợ mà như một người bạn! Con có được thế không, này Sujātā?
-
Thưa, con không được như vậy!
-
Thứ bảy, người luôn luôn vâng lời
chồng, ngoan ngoãn, dễ dạy. Người mà cho dẫu bị chồng hăm dọa,
hình phạt hoặc làm cái gì đó tổn hại đến mình - vẫn trầm tĩnh chịu đựng mà không
nổi giận, không có ác ý, không nuôi dưỡng tâm cố chấp.
Hãy
gọi người ấy là hạng vợ mà như người tớ gái! Và con cũng không làm được như thế?
- Thưa
vâng!
- Vậy
trong bảy hạng vợ ấy, theo
con, hạng vợ nào là tốt, hạng vợ nào là xấu?
-
Thưa, vợ khuấy rối, vợ trộm cắp, vợ bà chủ thì xấu rồi, hỏng rồi! Còn vợ mà như
bà mẹ, như em gái, như bạn, như người tớ gái đều tốt cả!
- Ừ,
đều tốt! Đức Phật gật đầu rồi nhấn mạnh - nhưng hạng nào là
tốt nhất?
- Như
tớ gái là tốt nhất, bạch đức Tôn Sư!
- Tại
sao?
Nàng
Sujātā chợt nêu “chánh kiến”
của mình:
- Có
thể thế gian nghĩ rằng, vợ mà như người tớ gái là không tốt!
Tại sao? Vì vợ mà như vậy thì lệ thuộc chồng, nô lệ chồng!
Còn
nữa, nếu gặp phải người chồng độc ác, xấu xa mà cũng luôn luôn ngoan ngoãn nghe
theo
chồng, vâng lời dạy bảo của chồng hay sao? Phải biết nghĩ suy cái gì nên nghe
theo
và cái gì không nên nghe theo chứ? Cái gì cũng vâng vâng, dạ dạ, cúi đầu tuân
phục - có nghĩa là dẹp bỏ luôn mọi cá tính, tư cách, tiếng nói trong cộng đồng
gia đình - mà mình còn có bổn phận và trách nhiệm của một người mẹ trong tương
lai nữa!
-
Chính xác! Đức Phật khen ngợi - Thế nhưng, tại sao, con xem vợ
như người tớ gái là tốt nhất?
- Bạch
đức Thế Tôn! Vì con sống trong một gia đình mà ai cũng tốt cũng lành cả, con cảm
thấy con là kẻ tệ hại nhất! Tuy nhiên, như sống gần ánh sáng thì lần hồi tâm trí
của con cũng được phát quang theo chứ!
Như
giáo pháp mà đức Thế Tôn và chư vị trưởng lão thường giảng nói trong ngôi nhà
này - như bố thí, cúng dường, năm giới, tám giới; đôi khi là tâm từ ái, tâm bi
mẫn, nhẫn nại, không có ác tâm hại người hại vật, không có nóng nảy, đừng có
chấp thủ... gì gì đó - dẫu không muốn nghe, nhưng những lời
vàng ngọc ấy vẫn cứ lọt vào tai, len sâu vào tâm trí của con.
Lại
nữa, vẻ đẹp đạo đức, thiện mỹ trong ngôi nhà này đã được thiết lập, phát sáng...
thì tại sao con lại không vâng vâng dạ dạ cúi đầu tuân phục?
Và nếu
sống được như thế thì con tu tập được đức tính dễ dạy, nhẫn nại, vô hận, vô sân
... nghĩa là phát triển tâm từ, tâm bi - không tốt hơn sao? Vậy nên, con vẫn xác
định vợ mà như người tớ gái là tốt nhất, đối với trường hợp của con!
Lời
phát biểu của cô gái được xem là hư xấu - làm cho cả nhà đôi mắt phải mở
to, kinh ngạc! Riêng ông trưởng giả Cấp Cô Độc có cảm giác như không còn tin vào
đôi tai của mình nữa!
Chợt
nhiên, nàng Sujātā quỳ sụp xuống:
- Xin
đức Thế Tôn chứng giám cho con! Từ rày về sau - con sẽ thuộc hạng vợ như người
tớ gái để phục vụ chồng và gia đình chồng!
Thế
rồi, cả toàn thể đại gia đình ông bà trưởng giả cũng phủ phục bên chân đức Đạo
Sư:
-
Chúng con thật không dám tán thán, ca ngợi ân
đức giáo hóa sâu dày của đức Tôn Sư nữa.
Phải nói là cả cái kiến, con sâu, cọng cỏ, hạt bụi trong ngôi
nhà này cũng phát tâm hoan hỷ.
Trích
đăng từ: Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt 4