Truyện ngắn của Hoàng Công Danh
1. Điệu Sanh và điệu Năng cùng tu ở một
chùa. Cuộc sống ở chốn đạo dường như giống nhau cả, nhưng hoàn cảnh mỗi người
một khác. Sanh bảy tuổi, Năng mười tuổi. Điệu Sanh vốn bướng bỉnh nên gia đình
cho vào chùa để cải nghiệp. Còn điệu Năng là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa,
được sư thầy đem vào nuôi nấng chăm sóc.
Vì điệu Sanh còn quá nhỏ, lại không
quen với ăn chay nên mỗi tuần, vào thứ bảy, sư thầy cho điệu Sanh ra quán gần
chùa ăn một bữa mặn. Các đệ tử thắc mắc sao đã vào cửa Phật mà còn cho ăn mặn?
Sư thầy giải thích rằng điệu Sanh chỉ tu để cải nghiệp chứ không phải để thành
người nhà Phật, với lại điệu ấy còn nhỏ, cần có cá thịt mới lớn được.
Thứ bảy hằng tuần, điệu Sanh đến quán
ăn cách chùa nửa cây số để chén một bữa mặn. Điệu Sanh không thích ăn mặn, nhưng
vì sư thầy cho phép (mà như một cách bắt buộc) nên điệu ấy mới làm theo. Vốn
tính bướng bỉnh, nhưng từ khi vào chùa thì điệu Sanh biết nghe lời thầy.
Điệu Năng thương điệu Sanh và coi như
em ruột. Giản đơn một nhẽ, bởi điệu Năng không biết cha mẹ, không biết họ hàng
thân thích nên muốn tìm một người để tự an ủi. Con người ta luôn tìm kiếm cái
mình thiếu và cần. Mỗi thứ bảy, điệu Năng đi theo điệu Sanh đến quán ăn mặn.
Sanh nói em đi một mình được, huynh không cần phải đi theo nữa. Nhưng điệu Năng
thương điệu Sanh quá, sợ sư đệ đi một mình không an toàn nên mới hộ tống cùng.
Đến quán ăn, điệu Năng đứng ngoài chờ, điệu Sanh vào quán gọi một tô cháo. Điệu
Sanh thích ăn cháo bò hơn, nhưng lại gọi chủ quán cho một tô cháo gà và thêm một
cái túi ni lông. Chủ quán bưng tô cháo ra. Chúc ngon miệng, chú tiểu! Điệu Sanh
nhòm theo chủ quán rồi nghĩ bụng, chắc người ta cà khịa mình. Trước khi ăn, điệu
Sanh lóm lém nhìn quanh rồi vớt cái đùi gà cho vào túi ni lông. Đánh chén một
cách ngon lành xong, điệu Sanh mặc nhiên bước ra khỏi quán, tiền thì sư thầy sẽ
trả sau. Ra ngoài cổng quán ăn, điệu Sanh đưa cái đùi gà lúc nãy cho điệu Năng.
Nhưng điệu Năng một mực không ăn. Tui là người nhà Chùa, từ đỏ hỏn đến nay đã
thế, giờ không quen ăn mặn, Sanh ạ! Nói thì nói vậy, chứ thật lòng điệu Năng rất
thèm, dọc đường về Năng cứ nuốt nước bọt ực ực. Điệu Sanh ngó qua, hỏi huynh sao
vậy? À, chỉ là tui bị mắc cụt thôi.
Đêm đó điệu Năng nằm nghĩ, hay là mình
xin sư thầy cho ăn mặn giống điệu Sanh, hoặc trốn khỏi chùa để sống cuộc đời
trần tục. Chao ôi, cứ mỗi lần xem ti vi, Năng lại thèm thuồng cuộc sống ngoài
kia, được ăn nhậu thỏa thích. Bàn tiệc ăn xong còn thừa mứa những sơn hào hải
vị. Ngoài kia cuộc sống hấp dẫn thế mà sao mình lại tự trói buộc bản thân thế
này? Nghĩ. Rồi nghĩ lại. Điệu Năng thấy mình thật chả ra làm sao, đội ơn sư thầy
nuôi nấng từ đỏ hỏn đến nay mà giờ bỏ đi thì chẳng khác nào kẻ bội công.
Điệu Năng và điệu Sanh ở chung một
phòng, hai chiếc giường riêng, một bàn học chung để tiện chỉ bảo nhau. Chữ Hán
là một môn bắt buộc đối với các chú tiểu. Hôm học đến chữ "Tử" và chữ "Kiết",
điệu Năng giải thích cho điệu Sanh hiểu rằng hai chữ này mẫu tự gần giống nhau,
chỉ có khác ở nét gạch. Chữ "Tử" (子) phải gạch nét ngang bằng phẳng, còn
chữ "Kiết" (孑) thì nét ngang bị bẻ xiên. Điệu Sanh
thắc mắc sao lại như thế? À, vì "Tử" là biểu hiện cho con người tử tế, nên chi
cuộc sống luôn ổn định cân bằng. Còn "Kiết" là cô đơn, không người thân thích
thành ra cuộc sống bấp bênh, thế nên nét ngang phải vạch xiên. Điệu Sanh cười,
vậy huynh là chữ "Kiết", em là chữ "Tử" nghe! Điệu Năng gật đầu, rồi buồn vì
chạm phải thân phận mình. Ừ, mình là cô đơn chứ gì nữa, cô đơn ngay từ lúc mới
sinh ra. Những người cô đơn thường tìm đến chùa nương náu là vậy chăng?
Thứ bảy khác, điệu Năng vẫn đi theo
điệu Sanh để canh phòng điều bất trắc. Trong lúc đứng chờ, điệu Năng quyết định
hôm nay mình sẽ khới đùi gà, chắc sư thầy cũng không biết đâu, hôm trước thấy
Sanh quẳng cái đùi đi tiếc hùi hụi à. Nghĩ đến đấy thôi điệu Năng đã nuốt nước
bọt thèm thuồng. Chao ôi cái đùi gà béo ú tròn lăn quay, thấm mì chính ngòn
ngọt, chút màu ớt đỏ vàng, vài lá hành bám quanh hấp dẫn. Nước bọt theo nhau
trôi. Ực. Nhất định. Ực. Nhất định. Ực. Nhất định hôm nay mình sẽ cạp đùi gà.
Thèm quá không chịu nổi. Điệu Sanh bước ra khỏi quán, điệu Năng đã vội chạy tới.
Nhưng trên tay điệu Sanh không có gì cả. Cái đùi gà đâu rồi? Điệu Năng định hỏi
nhưng thôi. Điệu Sanh cười hì hì khen hôm nay tô cháo ngon hơn mọi bữa. Năng cúi
mặt giục về thôi, vẻ thất vọng tỏ rõ.
Một hôm, đột nhiên điệu Năng hỏi điệu
Sanh bao giờ thì về nhà. Về làm gì? - Sanh thắc mắc. Điệu Năng không hỏi nữa.
Người có thì không muốn, người muốn lại không có. Cuộc đời như chơi khắm người
ta. Điệu Năng ước mơ một gia đình, có mẹ và có cha. Cha ơi cha là ai? Mẹ ơi mẹ
là ai? Cha ơi cha ở đâu? Mẹ ơi mẹ ở đâu? Những câu hát trong bài Dấu chấm hỏi
của nhạc sĩ Thế Hiển cứ vang vang trong đầu điệu Năng. Hôm bữa lễ Vu Lan, điệu
Năng đã hát bài này khiến rất nhiều khán giả nước mắt đầm đìa. Nhất là cái đoạn
Năng cầm túi vải đi thẳng xuống dưới sân khấu, các cô các bà đã ôm chầm lấy điệu
Năng mà khóc. Riêng điệu Năng vẫn ráo hoảnh, đôi mắt ấy chưa bao giờ có nước mắt
để khóc.
Hồi lên năm tuổi, có mấy lần điệu Năng
được người ta đến nhận làm con nuôi. Nhưng lúc ấy nhỏ quá, điệu Năng chưa muốn;
sợ người lạ, sợ xa sư thầy. Bây giờ mười tuổi rồi, ai người ta nhận nữa. Nhận
con nuôi, người ta cũng chọn những đứa trẻ còn rất nhỏ, chưa ý thức được về máu
mủ ruột rà. Như kiểu chơi chim ấy, phải bắt những con mới nhú lông cánh, đem về
mớm thức ăn kèm nước bọt thì sau này nó mới mến người nuôi. Tiếc quá đi! Ngày ấy
giá mà Năng gật đầu một cái thì bây giờ đã có một gia đình, cha mẹ dù không ruột
rà thân thích nhưng có còn hơn không. Một cái gật đầu nhẹ để đổi lại rất nhiều
đùi gà cầm tay nằng nặng. Đã có nhiều lần điệu Năng định trốn khỏi chùa, kiếm
một lối thoát khỏi sự gò bó, thoát khỏi những câu kinh. Kinh kệ, phiên âm từ
tiếng Phạn là sutta (hay sutra, giống với tiếng Anh). Và sutta còn có nghĩa là dây buộc. Sợi dây
ấy buộc con người ta vào một phép tắc, trói là trói để được giải thoát sau một
quá trình đằng đẵng. Thế mà điệu Năng lại muốn thoát ngay. Thoát ra, cũng được,
nhưng thoát ra rồi về đâu bây chừ? Năng chỉ biết một chốn yên bình nhất là ngôi
chùa này. Thoát ra rồi biết đâu lại làm một đứa trẻ lang thang. Đêm khuya bên hè
vắng, đứa bé mồ côi, đang nằm co ro, như dấu chấm hỏi. Tại sao sinh em trong
cuộc đời, mà không cho em tình người, tại sao em bơ vơ lạc loài, em nào có tội
gì đâu?
Cũng đã có một lần vào năm ngoái, khi
sư thầy nhủ điệu Năng đi lấy rau ở chợ về nấu cơm chiều, điệu đã lẻn đi xuống
phố. Nhưng trời mới tối thì mưa rơi ôi lạnh quá. Thế là điệu Năng mò về chùa.
Cúi đầu nhận tội trước sư thầy. Sư thầy không nói gì, xoa đầu điệu Năng rồi vào
lấy áo lam thay cho điệu. Từ hôm ấy điệu Năng hứa với lòng mình là không bao giờ
bỏ đi nữa, thế mà bữa nay thấy điệu Sanh ăn cháo, cái đùi gà hấp dẫn quá, điệu
Năng lại nảy ra ý định trốn đi.
Năng rủ Sanh cùng đi. Buôn có bạn, bán
có phường, bụi đời cũng có hội chớ. Điệu Sanh ngúc ngắc từ chối. Ở đây sướng thế
này sao lại phải bỏ đi? Điệu Sanh nói. Thích gì cũng có, ăn còn ngon hơn ở nhà.
Ngày ở với cha mẹ đâu có cháo đùi gà. Họa hoằn đến tết làm ra con gà thì mới
được một cái. Nhà em nghèo lắm, được ở chùa thế này thì dại gì về hả huynh? Nghe
đến đấy điệu Năng lại tủi thân. Ừ, nhà điệu Sanh nghèo, nhưng gia tài quý báu
của Sanh là cha mẹ. Ở đời có tiền mua tiên cũng được, nhưng làm sao mà mua cha
mẹ hả trời? Nghĩ thì nghĩ thế, rồi điệu Năng lại tự an ủi mình bằng cách lấy tấm
gương của thái tử Tất Đạt Đa mà noi theo. Tất Đạt Đa dòng dõi hoàng tộc quý
phái, song thân đầy đủ cuộc sống dư thừa, nhưng rồi chàng cũng bỏ cung điện và
chấp nhận sự khổ ải, thế thì ta đáng gì mà phải day dứt chứ?
Mùa an cư kiết hạ, chư tăng đạo hữu hội
tụ về chùa. Trong số ấy có một đôi vợ chồng đạo hữu không con cái, họ ngỏ ý muốn
xin điệu Sanh đem về nuôi. Sư thầy trả lời là điệu Sanh còn cha mẹ, vào chùa chỉ
để cải nghiệp thôi. Lúc ấy điệu Năng đứng bên cạnh, nhưng chẳng ai đoái hoài
đến. Mặt điệu Năng vốn không dễ mến. Da thì đen đủi. Môi dưới có một vết thẹo
bẫm sinh khiến cái miệng méo trông thấy. Có lẽ ông trời đã làm dấu để sau này
cha mẹ dễ bề tìm kiếm lại Năng. Mười năm rồi, cha mẹ không thèm nhớ đến mình -
điệu Năng nghĩ. Nếu "họ" còn nhớ thì đã đi tìm rồi. Có khó gì chứ, vứt ở đâu thì
đến đấy mà hỏi. Vứt trước cửa chùa là còn biết thương con chút chút. Điệu Năng
nghĩ thế là để tự an ủi thôi.
Bốn năm ở chùa, điệu Sanh đã chán tất
cả. Quang cảnh đã nhàm, lui tới vẫn chùa, vẫn cây si ở sân, vẫn cái đại hồng
chung mát đến lạnh lùng. Những câu kinh bài kệ thì lặp đi lặp lại như một điệp
khúc. Quán ăn mặn thực đơn chẳng thay đổi, nước cháo, thịt ướp vẫn công thức gia
vị cũ. Ở đây khách chủ yếu vãng lai, ăn một lần rồi thôi. Riêng điệu Sanh ăn
thường xuyên nên mới thấy chán.
Ngày điệu Sanh rời chùa, điệu Năng vừa
mừng vừa thương vừa tủi thân. Điệu Năng ôm chặt Sanh. Em về rồi phải ngoan nhé,
nhớ vâng lời cha mẹ. Sanh gật đầu, chỏm tóc dính vào ngực điệu Năng. Lúc tiễn
Sanh ra cửa, điệu Năng cứ ước giá mình cũng có cha mẹ đến đón về thì hay biết
mấy. Chào tạm biệt, bàn tay điệu Năng phát qua phát lại nhẹ nhàng mà sao lòng
lại nặng trịch.
Lối thoát. Điệu Sanh đã được thoát khỏi
cửa chùa, về lại nơi đã sinh ra. Điệu Năng vẫn chưa tìm ra lối thoát, chưa có ai
cho điệu ấy biết ruột rà quê quán. Chọn lựa: giữa việc tự đi tìm cha mẹ để thoát
khỏi kinh kệ và việc an phận tu để được thoát kiếp. Ừ, thì cũng là kiếp người
cả, nghiệp chướng đằng đẵng.
*
2.
Về nhà nhưng thi thoảng vài tháng cha
mẹ lại đưa Sanh vào chùa để thăm sư thầy và điệu Năng. Những lần gặp nhau huynh
đệ quấn quýt, han hỏi như người lớn. Quà của Sanh mang theo là một túi trái cây,
một đùm xôi đậu mè. Nhận quà, điệu Năng lại nhớ cái đùi gà ngày nào mà điệu Sanh
đã vứt. Tiếc ơi là tiếc. Bây giờ thì mãi mãi Sanh không thể đưa đùi gà cho điệu
Năng nữa rồi.
Những cuộc thăm viếng thưa dần. Nghĩa
tình ở đời sâu nặng đến mấy rồi cũng phải mòn thôi, làm sao giữ mãi như thuở ban
đầu. Cha mẹ Sanh bận bịu công việc, Sanh cũng bận học hành. Thoát khỏi chùa mà
Sanh vẫn phải bị trói buộc trong những mối lo lắng khác. Lối thoát chỉ là sự
tượng trưng, một khái niệm cục bộ, như người ta đọc xong trang này lại phải sang
trang kia trong một cuốn tiểu thuyết cuộc đời dài dằng dặc.
Năng vẫn ở chùa. Vẫn là điệu Năng xấu
xí, khuôn mặt không mấy dễ mến dù cho tính tình rất hiền hậu. Người ta bảo xem
mặt đoán tướng, xem cái mặt điệu Năng chẳng đẹp tí nào thì lấy đâu ra tướng tốt.
Chao ôi, cái mớ lý thuyết suông mà loài người nắm lòng đâu phải lúc nào cũng
đúng. Đấy là lỗi lầm của Tạo hóa, một lỗi lầm khiến con người ta không lần ra
lối thoát khỏi mặc cảm tự ti, không lần ra lối thoát khỏi sự đánh giá phiến
diện. Theo dõi tin tức, điệu Năng biết có thể chỉnh hình những dị tật bẩm sinh.
Ví như cái vết thẹo của điệu đơn giản lắm. Chỉ cần cha mẹ bỏ tiền ra, rồi cha mẹ
ký vào giấy cam kết là được. Nhưng cha mẹ lấy đâu ra cơ chứ. Cha mẹ ngọt ngào
nhưng đâu phải là cái kẹo móc từ trong túi ra.
*
3.
Hai mươi năm sau. Điệu Sanh ngày nào
nay đã trở thành một giám đốc trẻ chưa đầy ba mươi tuổi, năng động tự tin. Tam
thập nhi lập. Ba mươi tuổi mới có thể tự lập. Thế mà Sanh đã đạt được sớm hơn,
một phần cuộc sống ấu thơ ở trong chùa đã góp phần cho thành công hôm nay. Dẫu
vậy, Sanh vẫn cảm thấy một nỗi chênh vênh. Ngày ở chùa Sanh được dạy rằng giao
tiếp đừng cầu lợi mình, thế nhưng khi đi giao dịch với đối tác thì giám đốc Sanh
luôn kỳ kèo từng chút. Kinh doanh mà, mình không ăn của người thì người ta ăn
của mình. Đến khi về nhà, đặt mình xuống giường rồi mà Sanh vẫn gác tay lên trán
suy nghĩ cho kế hoạch ngày mai. Chiếc giường bằng phẳng mà sao cứ bấp bênh
nghiêng nghiêng. Nhớ lại bài học ngày nào về chữ "Tử" và chữ "Kiết". Một nét
vạch ngang sơ suất chút xíu là thành ra chữ khác rồi. Đời nghiêng. Nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn bảo thế. Đời cứ như đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ. Thời ở chùa, Sanh
tự nhận mình là chữ "Tử" với nét vạch ngang. Nhưng rồi đời bẻ nghiêng vạch ấy
thành chữ "Kiết".
Tưởng như về trần tục là được hòa đồng,
nhưng không phải, hiện tại Sanh vẫn cô đơn. Chuyện yêu đương lập gia đình của
Sanh vẫn lận đận, phú quý sinh lễ nghĩa, cứ phải chọn người môn đăng hộ đối,
người đẹp. Càng lớn đàn ông càng khó tính và kén chọn. Đấy là nét khác biệt với
phụ nữ. Đàn ông lúc đầu dễ xiêu lòng chấp nhận, rồi lớn lên họ cảm thấy quyền
năng của mình nên tự ý chọn lựa. Nấu nồi khoai chín, củ ngon nằm trên mặt, ta
lại cứ nghĩ củ dưới ngon hơn nên lục tung, rồi tới đáy nồi thì vấp phải củ hà củ
sâu củ mẻ. Lên rừng đốn củi, núi cao xiên, trông lên cứ thấy cây trên kia cao
hơn, thế là cứ mò lên cho tới đỉnh. Cuối cùng chặt trúng củi dở vì ở đỉnh núi
nước không nhiều, cây còm cõi. Chặt xong lại phải mang về xa. Phụ nữ lại khác,
lúc đầu họ rất kén chọn, có chút nhan sắc càng kiêu. Qua tuổi hai mươi thì nhớ
ra, à, mình phận gái, bắt đầu biết chấp nhận. Có còn hơn không. Lấy chồng chống
lầy! Ai thương thì đồng ý cho rồi. Vu quy là về với chồng, là thoát khỏi gia
đình ruột rà, thoát khỏi phận long đong ế chổng mông. Nhưng ngờ đâu Vu quy lại
cùng lúc với Tân hôn ở nhà trai, thoát khỏi lối này lại đâm đầu vào lối khác. Mà
có khi lối khác còn cay nghiệt hơn. Mẹ chồng nàng dâu. Chị dâu em dâu. Thế là
lối thoát cho con người vẫn chỉ là cục bộ tạm thời.
Đêm nay giám đốc Sanh gác tay trên trán
mà chẳng tìm ra được mẹo mực nào cho cuộc đàm phán ngày mai. Sanh chỉ nghĩ được
về sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ, thì cũng là một cõi người bí ẩn và bí
bức. Lối thoát ở đâu? Lối thoát ở đâu? Cứ y như nhà đang bốc lửa cháy, khói mịt
mù vây kín. Mọi người hoảng hoạn kiếm lối thoát thân. Chẳng còn ai nhớ đến cái
bình cứu hỏa để cứu trụ sở, cơ quan, nhà máy. Thôi thì của đi thay người. Còn
người là còn của. Lo cho cái thân mình trước đã.
Một đêm qua đi, Sanh gần như thức
trắng. Chiều nay đến phòng hiệp thương mà Sanh vẫn đeo đẳng chuyện tối qua. Tự
chuốc vạ vào thân. Ai nhủ nghĩ ra làm cái gì cơ cứ. Buổi thỏa thuận giữa bên A
bên B đã xong. Ổn cả. Hai bên đều có lợi. Giám đốc Sanh dường như không quan tâm
đến chuyện ấy. Sau buổi họp, như thường lệ của các cơ quan ban ngành ở ta là
phải đánh chén một trận tơi bời. Cơ quan tư nhân hay cơ quan nhà nước đều vậy.
Tư nhân trích phần lợi nhuận, cơ quan nhà nước thì rút của công, đánh vào phiếu
chi cho hội nghị, thuế của dân đóng góp, mồ hôi trên cánh đồng nắng trưa chảy
vèo vèo vào vào từng ly bia để các vị giải khát cơn nóng nực gần bốn chục độ xê.
Dzô! Thì dzô này! Ly này chúc sức khỏe. Ly này mừng thành công giữa chúng ta. Ly
này là mong còn được hợp tác. Bia sẵn, chỉ còn bày ra lý do để uống cho xứng
đáng thôi. Giám đốc Sanh chạm ly ken két. Cũng phải vui với người ta chứ không
nhẽ đeo mãi cái tâm trạng u sầu.
Giám đốc bên kia mời Sanh một cái đùi
gà. Cái này tôi mời anh và ngợi khen anh còn trẻ mà năng động. Chúc anh càng
vững vàng đôi chân để còn đá tốt như gà. Cả bàn nhậu rôm rả khen vị giám đốc văn
thơ lai láng ý tứ dồi dào. Sanh nhận lấy đùi gà, cố vui mà không được, cố cười
thì cái miệng càng méo đi. Sao giống cái miệng điệu Năng ngày nào quá. Bây chừ
Năng đã thành đại đức, chỏm tóc cạo sạch, trông nho nhã thư thái lắm chứ không
to béo nặng nề như Sanh đâu. Chấm nước mắm đi! Sanh chấm đùi gà vào chén nước
mắn ớt tỏi, miếng da gà gặp nước mắm Phan Thiết quăn trớt cả lên. Chấm xong Sanh
khẽ khẽ đùi gà vào mép bát nước chấm để gạt bớt nước lòng thòng. Tự dưng Sanh
nhớ Năng quá. Động tác này giống với cách gõ chuông của Năng. Giờ này, Sanh đang
gõ đùi gà thừa mứa tại bàn tiệc thì Năng lại gõ dùi gỗ vào chuông. Phải ra ngoài
một chút xíu thôi! Sanh xin phép. Đi tìm lối thoát. Nhưng thoát ở đâu cũng phải
có lý một chút, cả bàn tiệc đang theo dõi từng bước chân của giám đốc Sanh. Có
lẽ thoát vào... toa lét là chắc nhất! Lý do thích hợp. Dập cánh cửa phòng vệ
sinh, mùi xú uế đâu thế này. Nhà hàng hạng sang mà sao nhà vệ sinh lại hôi thế
không biết. Hóa ra là vừa mới có gã say vào đây nôn mửa. Ôi, kiếm một chút thư
thả cũng khó, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Sự bình yên quả là quá khắt khe đối với
giám đốc Sanh. Sanh bước ra khỏi toa lét, chân loạng quạng, phần vì say, phần vì
tâm trạng bấp bênh. Cô thư ký quê ở đâu không biết, ngồi ở bàn nhậu quay mặt về
phía Sanh và nhắc to.
- Đây lày anh ơi, đi qua nối lày cơ mà!
Sanh ngờ ngợ hình như có tiếng chỉ dẫn,
một câu chỉ dẫn không chính xác, Sanh nghe chẳng rõ. Vậy là cứ mãi luẩn quẩn
không tìm được lối.
4.
Hôm sau Sanh quyết định quay lại ngôi
chùa cũ, dù công việc dạo này khá nhiều. Quay lại chùa. Tu hay chỉ ghé thăm,
Sanh cũng chẳng biết nữa, chỉ muốn gặp lại sư huynh Năng bây giờ đã lên hàng đại
đức. Sanh thèm nghe tiếng tụng kinh của sư Năng. Ngày trước điệu Năng miệng méo
nhưng nhả kinh nghe rất hay. Có tật có tài. Tật này được trời an bài cho Năng để
vào cửa chùa đây mà.
Suốt quãng đường dài ngồi trên xe ghế
đệm, Sanh nhớ lại ngày còn nhỏ. Những kỷ niệm giữa huynh đệ. Bữa chay bữa mặn,
khuôn đậu vuông cái đùi gà tròn. Chữ "Tử" chữ "Kiết", nét vạch ngang nét vạch
xiên. Bữa đó điệu Sanh tự nhận chữ "Tử" về phần mình. Chữ "Kiết" cô đơn thì ám
cho điệu Năng. Nhưng bây giờ Sanh lại thấy cô đơn, nét ngang chữ "Tử" bẻ xiên
thành chữ "Kiết". Ngày ấy mà Sanh không rời chùa thì có khi bây giờ cũng đã là
đại đức rồi.
Chùa xưa không thay đổi gì nhiều, như
cửa thiền vốn định tâm sẵn vậy. Cây si trước sân lá vẫn rậm lá, gió nhập gió,
lao xao lòng lao xao khi Sanh bước qua cổng. Hai chú tiểu nhỏ đang chơi trò bắn
bi vòng tròn ở sân. Cái vòng tròn vạch lên nền đất như sợi dây
sutta
trói buộc, hai hòn bi tròn lăn, mỗi hòn đều cố gắng giữ mình ở trong. Ai để bi
tuột ra ngoài là thua. Bữa xưa điệu Sanh cũng từng chơi trò này với điệu Năng.
Cuối cùng Sanh đã ra khỏi vòng ấy. Thua hay thắng? Sanh thoát trước nhưng lại
rơi vào một vòng tròn khác. Vậy là lại phải tiếp tục chơi. Ở vòng chơi này Sanh
giữ được mình giữa rất nhiều đối thủ, Sanh phất lên như diều gặp gió. Thắng hay
thua? Ai còn trụ lại ai đã tuột ra?
Vào chùa hỏi thăm mới biết vị đại đức -
Năng sư huynh của Sanh - đã bỏ chùa mà đi cách đây một tháng. Đi đâu? Chẳng ai
biết. Nhà chùa vốn bình tâm, không muốn rộn ràng rao hỏi. Có thể vị đại đức đã
đi lên núi tìm chốn tĩnh mịch hơn nữa để thiền. Lên cao cho dễ giải thoát. Cũng
có thể đại đức đã hoàn tục, cởi bỏ tăng y khoác áo đời làm chàng trai Năng.
Thoát tăng y thoát cõi đạo. Nhưng dù có đi đâu thì cũng để kiếm chân lý mà thôi.
Như thế cũng hay cho Năng. Sanh nghĩ bụng. Biết đâu Năng đã tìm ra lối thoát phù
hợp.
Sanh nhặt lấy một hòn sỏi tròn ở sân
chùa nhét vào túi quần, đem về dưới phường phố kia mà chơi.