Minh Thạnh
Những ý kiến mà bạn đọc phản hồi đối với bài viết “Binh khí”
trong chùa? Đã khiến
chúng tôi thấy cần phải có bài viết tiếp theo này.
Khi mà ý kiến quý bạn đọc gợi ra các vấn đề, thì dù không
hẳn là những câu hỏi nêu ra đối với chúng tôi, chúng tôi vẫn thấy có trách nhiệm
tiếp tục tìm hiểu, bàn luận để tìm hướng giải đáp cho vấn đề, vẫn còn là nỗi băn
khoăn chung.
Đối với một số bài có nội dung phản hồi có tính chất như thế trước đây,
nhưng chúng tôi không có bài viết nối tiếp, thì chúng tôi coi như là những món
nợ với bạn đọc, mà chúng tôi có nhiệm vụ phải trả khi có thể. Đó là khi chúng ta
đã tìm hiểu thấu đáo hơn vấn đề.
Riêng về bài “Binh khí trong chùa?”, trước khi bình luận
tiếp những vấn đề đã được bạn đọc nêu ra một cách gián tiếp, xin kính đề nghị
chúng ta cùng thống nhất trên một số nguyên tắc cơ bản của đạo Phật. Nếu những
nguyên tắc nền tảng của đạo Phật không được thống nhất, thì từ những điểm nhìn
khác nhau, chúng ta sẽ không thể bàn luận được gì. Thí dụ, nếu chúng ta không
thống nhất được tinh thần từ bi là tinh thần cơ bản, triệt để, tuyệt đối của đạo
Phật, mà quan niệm rằng đạo Phật trong những trường hợp khác nhau có lúc thể
hiện tinh thần từ bi, nhưng cũng có trường hợp thể hiện tinh thần bạo lực (“thị
hiện ở bộ dạng dữ tợn”), dù là không nhắm vào đối tượng chúng sinh cụ thể nào,
mà bạo lực chỉ bộc lộ sự tiêu diệt tham, sân, si chẳng hạn, thì những bàn luận
tiếp theo đều trở nên vô nghĩa và vô ích.
Những điều chúng ta cần thống nhất là:
1. Đạo Phật là đạo từ bi, cứu khổ, an lạc và nội dung đó là căn bản
tuyệt đối.
2. Điều mà người Phật tử, gồm cả chúng xuất gia và chúng tại gia,
cần làm là trên nền tảng từ bi đó, hoằng pháp, lợi lạc quần sanh, phát huy tinh
thần từ bi tích cực của đạo Phật, hạn chế những biểu hiện tiêu cực lai tạp, bất
kể từ xuất xứ nào.
Dưới đây, chúng ta đi vào từng vấn đề cụ thể:
1. Nội dung bài “Binh khí trong chùa?” chỉ là việc ghi nhận một
hiện tượng, và đưa ra những thắc mắc xung quanh hiện tượng đó. Đầu đề bài viết
là một câu nghi vấn và bài viết có nội dung chính là nội dung nghi vấn, cũng như
việc chúng tôi đề nghị bạn đọc góp ý kiến và giúp giải thích vẫn được nhắc lại.
Do đề bài là một câu hỏi, nên đây chưa phải là một “phát biểu”. Mong rằng bạn
đọc chú ý đến điều đó để nội dung trao đổi có ích hơn. Cũng xin bạn đọc chú ý,
tựa đề bài viết nào của tôi là câu nghi vấn, hoặc có các câu nghi vấn nằm trong
nội dung bài viết, là đều theo tinh thần như vậy.
Chúng tôi xây dựng bài viết theo hướng nêu vấn đề, đặt những nghi
vấn đề dẫn như vậy, là vì Phattuvietnam.net
là một diễn đàn, việc phát hiện vấn đề, nêu những giả thuyết, nghi vấn, nêu
những cách hiểu, cách giải thích có thể có… là một hình thức thích hợp, có nhiều
ưu điểm. Như vậy, bài viết trên diễn đàn không chỉ là bài được đăng, mà nó
trở thành một bộ phận trong cuộc thảo luận hình thành sau đó, tạo nên tư duy chủ
động từ phía người đọc, làm phong phú hơn nữa nội dung bài viết.
Chính vì vậy, việc nêu ý kiến đóng góp có trách nhiệm, phù hợp với
tinh thần học thuật, là đóng góp đáng quý từ người đọc.
2. Vì là tham gia giải quyết vấn đề mà bài viết đề dẫn nêu
ra, nên rất mong quý bạn đọc đọc kỹ bài viết. Điều đó đương nhiên cần thiết để
có những ý kiến thảo luận có chất lượng giàu tính học thuật, văn minh, bổ ích,
làm phong phú và tăng giá trị cuộc thảo luận hình thành từ bài viết nêu vấn đề.
3. Đặt vấn đề “Binh khí trong chùa?” chúng tôi tìm một
câu trả lời từ tiêu chí từ bi, không hề đưa tiêu chí xuất xứ. Vì vậy, nếu trong
bài viết có nhắc đến việc “có thể nó được du nhập vào chùa từ bên Trung Quốc”
là để xác định xem nguyên thủy việc đó có thể xuất phát từ Phật giáo khi Phật
còn tại thế, hay từ giai đoạn khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ hay không, hoặc
là yếu tố du nhập về sau.
Chúng tôi không hề có ý loại trừ những yếu tố Trung Quốc. Nếu
việc trưng bày, trang trí, phô trương những binh khí (không phải pháp khí, tự
khí) trong chùa là điều phù hợp với tiêu chí từ bi của đạo Phật, thì nếu nó xuất
phát từ Trung Quốc, vẫn là điều chấp nhận được trong nhà chùa hôm nay.
4. Cũng cần nói thêm cho rõ, những đồ vật được coi là binh khí, được
xác định là vũ khí cổ, không phải là tự khí, pháp khí. Vũ khí là đồ vật, là công
cụ được chế tác với mục đích trước tiên là sát thương con người và động vật,
dùng trong hành động chiến đấu. Dù đã miêu tả khá kỹ như trong bài viết đã đăng
tải, nhưng vẫn có sự nhầm lẫn, nên xin đưa thêm bức ảnh dưới đây cho rõ, tránh
sự hiểu lầm là gồm cả pháp khí, tự khí.
5. Những vũ khí cổ được nói đến trong bài “Binh khí trong
chùa?”được nhấn mạnh là giới hạn trong trạng thái trưng bày, trang trí tĩnh
(xin xem ảnh), không phải là trong tay, hay tình trạng sử dụng bởi một vị Phật,
một vị Bồ tát hay một vị thần nào. Vì vậy, bàn luận việc Phật, Bồ tát hay Thần
sử dụng các thứ vũ khí trên là hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của bài viết, điều mà
chúng tôi chưa hề nói đến.
6. Căn cứ vào tinh thần kinh Phật, để diệt trừ vô minh, tham sân
si, ác nghiệp, những công cụ cần có là tu tập giới, định, tuệ, là quán tâm từ bi
hỷ xả, là tạo tác thiện nghiệp… Chúng tôi chưa đọc thấy kinh nào nói là để diệt
tận tham, sân, si phải dùng vũ khí như chùy, hay kiếm, ngoại trừ việc ẩn dụ, hay
so sánh. Nếu có việc biến cái được dùng để so sánh, hay làm tư liệu so sánh
trong ẩn dụ thành chính cái được đưa ra là chủ thể so sánh, thì tất yếu tạo nên
sự ngộ nhận. Giới từ ở đây là “như”, hoặc “như” tiềm ẩn trong ẩn dụ, không phải
“là”.
7. Thật tình, tôi vẫn hình dung tuyệt đối bản tính của Đức Quan Thế Âm
là từ bi, nên chưa bao giờ thấy “Phật bà Quan Âm còn thể hiện ở bộ dạng dữ tợn
tay cầm chùy để thị uy đánh tan sư vô minh…”. Trên tinh thần Phẩm Phổ Môn, Kinh
Pháp Hoa, chúng tôi nếu có thấy quả một pho tượng như vậy, thì vẫn không thể
nghĩ là Bồ tát Quán Thế Âm. Nếu có thế mong bạn đọc email cho chúng tôi bức ảnh
như thế, để chúng tôi có tư liệu để tìm hiểu thêm.
8. Theo lời giảng pháp của Hòa thượng Thích Từ Thông (Hiệu trưởng
Trường Trung cấp Phật học TP.HCM) thì chúng ta nên phân biệt các vị Phật và Bồ
tát trong kinh Phật và các vị Phật, Bồ tát trong tiểu thuyết Phong Thần
hay Tây Du Ký.
Chúng tôi thấy có hiện tượng lầm lẫn như vậy trong nhiều
cơ sở thờ tự ở Nam Bộ, trong đó nhiều nhất là ở các thánh thất, điện thờ của Đạo
Cao Đài. Trong thập niên 1980, chúng tôi thấy nhiều tranh vẽ Phật, Bồ tát xuất
xứ từ tiểu thuyết Tây Du Ký ở nhiều điện thờ và các nhà làm việc trong
nội ô Tòa thánh Tây Ninh. Còn việc các vị đến từ Phật Tây phương cùng các tiên
ông, đạo sĩ, tiên nữ… đánh nhau, tàn sát nhau với các bảo bối, vũ khí, trận đồ,
phép thần thông… là xuất phát từ truyện Phong thần.
Một số chùa quê ở Nam Bộ cũng có sự “nhầm lẫn” như thế trong
trang trí. Thiết tưởng, cần có sự biện biệt. Những hình ảnh Phật, Bồ tát như thế
chắc chắn không phải được vẽ từ nội dung cơ bản của kinh Phật.
Nhân đây, xin bàn rộng ra hình ảnh các vị Phật, Bồ tát cầm
vũ khí chiến đấu được thể hiện qua các “sáng tác” nghệ thuật đương đại, như
truyện tranh, phim ảnh.
Theo tôi, thể hiện Phật Bồ tát cầm vũ khí và chiến đấu trong
những cái gọi là “tác phẩm”, nhất là ở lĩnh vực như vậy, đều có ý xuyên tạc Phật
giáo.
Thế nhưng, có hiện tượng những phim xuất xứ từ Đài Loan, Hồng
Kông, Trung Quốc như vậy, hễ có Phật, có Bồ tát là một số người theo đạo Phật
rất thích xem. Thời kỳ đầu máy video cassette mới du nhập vào nước ta, có hiện
tượng nhà chùa thuê những phim bộ có tên “Đạt Ma”, “Quan Âm”… cùng với TV màu,
đầu máy video về xem thâu đêm. Ngay cả chư ni tu ở am sau chùa cạnh nhà tôi
(chùa Linh Phước, Bến Lức, Long An) cũng khuyên tôi nên xem phim “Đạt Ma”,
“Thiếu Lâm”…vì các hòa thượng, tổ sư võ công cao cường, đánh nhau… hay lắm, ác
liệt lắm!?
Trước năm 1975, có một phim truyện nổi tiếng vì được quảng cáo nhiều
với tên “Bồ tát Quan Âm ác chiến Hồng Hài Nhi” mà nhiều người đổ xô đi xem vì
Quan Âm đánh phép rất đẹp. Còn những truyện tranh Tây du bán ở lề đường trước
cổng trường thì miêu tả Quan Âm và Thái Thượng Lão quân đánh lén Tôn Ngộ
Không.
Những phim về Phật, Bồ tát, Tổ sư… như vậy tôi không bao giờ xem,
nhưng thỉnh thoảng mở các đài tỉnh trên truyền hình cáp, thì vẫn thấy hình ảnh
nhà sư cầm đại đao làm sát thủ, bồ tát bay lượn đánh phép chém giết máu me. Thậm
chí, bạn bè tôi, có người theo đạo Phật, vẫn xem, và báo cho tôi biết để xem.
Cốt thu hút khán giả, công chúng, kiểu làm nghệ thuật đó tha hồ với
những sáng tạo hư cấu (kể cả làm phim, viết truyện,vẽ truyện tranh, và thậm chí
tạc tượng?).
Tôi không rành về các lãnh vực như sáng tác tranh tượng, nên chỉ có
thể câu hỏi nghi vấn.
Còn ở lĩnh mà tôi được đào tạo (ngữ văn, điện ảnh) thì có xin có
lời khẳng định, chắc chắc rằng xây dựng hình tượng Phật, Bồ tát, hòa thượng
chiến đấu bằng vũ khí gây sát thương như thế là xuyên tạc. Có thể từ nhiều động
cơ khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ thể hiện những nhân vật biểu tượng cho đạo
Phật ở trang thái không phù hợp với đạo Phật nhất. Trong đó, hình ảnh Quan Âm,
bộ dạng dữ tợn, hung hãn, tay cầm chùy đánh yêu quái, có trong những phim loại
này.
9. Tư tưởng tinh hoa của đạo Phật là buông đao đắc quả, qua giai
thoại: “ An-gu-li-ma-la” nổi tiếng. Nay lại có sự vận hành ngược chiều, đắc quả
lại cấm chùy chăng? Đây là chỗ chúng cần nghiên cứu cho rõ, nhất là về tác động
của hình tượng. Vì không am hiểu nhiều về nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, nên
xin đặt ở đây câu nghi vấn.
Còn xin nhắc lại, trong điện ảnh, kiểu Quan Âm cầm chùy múa may bay
lượn trong phim chưởng nhiều tập, dù có đập đầu “ma đầu” “yêu nữ” nào đó, mà có
thể tán ra là những ẩn dụ về tham, sân, si…, thì vẫn là sự xuyên tạc. Bởi vì,
những hiệu ứng tiêu cực đối với đạo Phật mà nó tạo ra ở khán giả lớn hơn những
hiệu ứng tích cực.
Trong lý luận nghệ thuật, người ta gọi đây là độ chênh giữa ý đồ
chủ quan của tác giả (ở điện ảnh là của đạo điễn) và sự tiếp nhận, cảm thụ chủ
quan của công chúng.
Xem những hình ảnh như vậy trong phim, số khán giả có thể hiểu được
tầng nghĩa sâu xa của bộ phim (nếu có) sẽ là cá biệt. Trong khi, có thể có việc
một bé gái cầm một thứ như chùy đập vào đầu bạn khi có đánh giá tiêu cực chủ
quan về bạn, rồi nghĩ là mình đập trong sự hung tợn thế là chính đáng.
Trong mắt nó, đối tượng phải đánh là “ma đầu”, “yêu nữ” ,và nó cũng
làm như Bồ Tát Quan Âm … trong phim chưởng thôi.
10. Chúng tôi có đọc qua một tài liệu về tôn giáo học, mà tác giả nước
ngoài đã có sự ngộ nhận về Phật giáo, đánh đồng Phật giáo với các tôn giáo khác
về tính chất bạo lực tôn giáo, khi quan sát các hình tượng thờ trong chùa có cầm
vũ khí.
Vì đọc đã lâu, không có trong tay tác phẩm, cũng không nhớ chính xác
tên sách, nên tôi chỉ xin dẫn gián tiếp, đại ý trong đó tác giả nói rằng các tôn
giáo có bản chất chung là sự trừng phạt, và nhấn mạnh đến nội dung này.
Trừng phạt gián tiếp là bản án địa ngục, cái mà các tôn giáo đều có.
Trừng phạt trực tiếp là sự tấn công thẳng bằng vũ khí, chẳng hạn Tổng
Lãnh Thiên thần Micae với ngọn giáo trừ quỷ đâm thẳng vào Satan trong Ky tô giáo
và các thần linh có vũ khí trong Ấn độ giáo và Phật giáo.
Tôi đọc và nhớ đoạn này, dù là từ trước năm 1975, vì lúc đó có tượng
Tổng lãnh thiên thần Micae có cánh cầm giáo đâm xuống thân quỷ giãy chết dưới
chân được dựng ở bùng binh hội tụ các đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú)
- Nguyễn Trãi – Nguyễn Duy Dương – An Bình.
Sau 30/4/1975, có lẽ do tính chất bạo lực tôn giáo của pho tượng,
tượng Tổng lãnh thiên thần Micae bị đập bỏ và đống gạch vụn được cố ý để lại ở
công viên trong nhiều tháng.
11. Có lẽ, đó là sự ngộ nhận do thiếu kiến thức tôn giáo, nhưng
cũng có trường hợp người ta lợi dụng các hình ảnh các vị thần trong Phật giáo
cầm vũ khí một cách cố ý. Tôi đã thấy một đạo diễn nước ngoài, trong một bộ phim
tài liệu, đã thể hiện hình ảnh những nhà sư Hàn Quốc tay cầm dao, kiếm, bình
gas, chiến đấu với cảnh sát một cách hung hãn trong một cuộc giao tranh bằng vũ
khí thô sơ giành quyền quản lý một ngôi chùa. Hình ảnh các vị sư cầm dao được
thể hiện trong phương pháp song song ở điện ảnh với hình ảnh vị thần Phật giáo
tay cầm vũ khí. Hình ảnh các nhà sư hung hãn cố thủ trên cao, xô ngã xe thang
cứu hỏa làm rơi cảnh sát xuống đất cuối cùng rồi bị bắt, còng tay dẫn qua những
bệ thờ, thần có vũ khí là một sự thể hiện cố ý gieo rắc ác cảm ở người xem.
Trong cách dựng phim như vậy, người đạo diễn này tạo ra một so sánh liên tưởng
bài Phật giáo.
Trong một đoạn ở một phim khác, hình ảnh các nhà sư thiếu lâm
cầm đại đao tập luyện các thế võ trong sân chùa cũng được thể hiện song song với
hình ảnh Quan Công, cũng là do đạo diễn phương Tây.
Một số chùa ở Việt Nam vẫn
có thờ Quan Công cầm đại đao trong chùa, và có người gọi là “Phật Già Lam”. Đây
cũng là một câu hỏi, mà chúng tôi chưa dám nêu ra vì chưa nghiên cứu kỹ. Với
những điều tôi được học ở nhà trường về Quan Công, thì đó là một vị tướng tham
gia chiến tranh cát cứ phong kiến, phân liệt nướcTrung Hoa….
Điều này không sai, còn những điều bên ngoài nhận xét tốt về Quan Công
thì hầu hết chúng ta đều nghe nói. Nhưng điều chắc chắc là ông không có liên hệ
trực tiếp với Phật giáo. Bạn đọc có thể bình luận ở chỗ này.
12. Nhân việc bạn đọc “Văn” có ghi nhận: “ Trong kinh Đại Bi Tâm Đà Ra
Ni. Có một số hình ảnh thị hiện của các vị Bồ Tát hay Phật tay có cầm binh khí,
pháp khí, hay vũ khí gì đó”.
Hòa thượng Thích Từ Thông, trong những bài giảng mới nhất vào tháng
8/2011 ở các trường Hạ chùa Dược Sư, Tịnh xá Trung tâm… có nói rõ cái mà các vị
cầm được thể hiện trong sách chữ Hán là vũ khí, mà Hòa thượng có nói cụ thể là
Hàng ma xử (chày đập ma, chày buộc ma quái quy hàng). Tôi đã ngần ngại, không
dẫn lại ý hòa thượng nói đến mức này, nhưng vì bạn đọc đã đề cập, hơn nữa đây là
lời Hòa thượng nói trong trong các buổi giảng pháp chính thức, là giảng sư cung
thỉnh, nên bây giờ xin phép đi vào chi tiết. Đại ý, Hòa thượng nói điều này
không thích hợp với tinh thần nhà Phật. Có Phật nào khi giảng pháp lại kéo theo
băng đảng cầm vũ khí như vậy, không lẽ ai không nghe pháp thì xử họ à?
Chư tăng ni Phật tử đã được dịp thọ giáo Hòa thượng,
nghe Hòa thượng giảng pháp, chắc không lấy làm lạ với cách nói bộc trực của Hòa
thượng. Thậm chí, Hòa thượng còn nói không nên trì chú Đại Bi nữa, vì đó là tên
các vị thần, với sự thể hiện cụ thể như trên. Quả thực, lặp lại lời Hòa thượng,
tôi vẫn ngần ngại và những câu đặt vấn đề dè dặt của tôi vẫn chưa vào đâu so với
kết luận của Hòa thượng.
13. Khi định kết thúc bài viết này, thì có bạn đọc đặt vấn đề trong
sự so sánh với các vị sư Nam
tông thọ thực Tam tịnh nhục, tức không ăn mặn trong chùa có điều kiện.
Tôi tuy là Phật tử Nam tông, nhưng không tán thành
quý sư ăn mặn. Nếu ăn chay thì sẽ là điều tôi hoan hỷ hơn, dù biết giải
thoát không phụ thuộc vào việc ăn chay mặn, mà phụ thuộc vào việc trước hết là
có giữ trọn giới cấm sát sinh hay không.
Việc dùng vũ khí cổ trang trí trong chùa cũng vậy. Giữ vũ khí cổ không
phải là sát sinh. Tôi không nói là nên đem ra khỏi chùa ngay, mà chỉ hướng đến
việc nên dần dần không còn trong chùa. Đây cũng chỉ là đề xuất, là ước muốn chủ
quan của chúng tôi mà thôi.
Ở các chùa, với bạn đọc là quý tăng ni Phật tử nào chia sẻ với quan
điểm của chúng tôi, rằng phô diễn binh khí trong chùa là không hay, thì khi xây
chùa, nên dành hàng vài chục triệu đồng để dùng vào Phật sự khác có ích hơn là
mua những vũ khí đó (không phải pháp khí, tự khí) về trưng bày trong chùa, vừa
lãng phí, vừa có thể có sự ác cảm, ngộ nhận.
Một bạn đọc ký tên “Văn” cũng cho rằng: “Theo truyền thuyết
ngày xưa các vị này cũng đánh nhau với nhiều bang phái khác lắm, nên nhiều chùa
đều có trang bị vũ khí”. Nếu thế thì việc trưng bày vũ khí (không phải pháp
khí, tự khí) trong chùa là một hủ tục, phản ánh sự thoái hóa của Phật giáo Trung
Hoa xa xưa và là tàn tích rơi rớt lại không hay cho Phật giáo Việt Nam hôm nay
(chùa Việt Nam có đi đánh nhau giữa các bang phái bao giờ đâu mà phải trang bị
và phô diễn vũ khí).
Còn như quan điểm chúng tôi đề xuất không được chia sẻ, thì việc
trưng bày vũ khí cổ trong chùa (theo dạng tĩnh như trong hình) cũng không phải
là điều phạm giới. Có điều nó không hay, vì có một sự mâu thuẫn, tương phản với
tư tưởng cơ bản của nhà Phật, mà trong trường hợp này có thể tạo nên sự phản
cảm.
Một số tờ báo phương Tây trong những năm 2008, 2009, thường vẫn
in hình một chú tiểu Nam tông tay cầm súng ngắn, như một biểu trưng cho Phật
giáo Sri Lanka trong cuộc nội chiến vừa qua ở nước này. Xét cho cùng, chú tiểu
cầm súng (có lẽ, súng đồ chơi) không sai, nhưng rõ ràng đó là một bức ảnh không
có lợi cho Phật giáo, trước cái nhìn của toàn cầu.
Chúng tôi hiểu sự việc trên tinh thần đó.