Hoàng Công Danh
Tôi trở lại Huế
khi tiết trời sang hạ để cảm nhận một chút bâng khuâng mùa chia
tay
rạo rực của thời sinh viên ngày ấy. Chuyến đi không hề dự tính trước, nổi hứng
lên là xách mấy bộ áo quần với chiếc máy tính, chạy xe
máy cho chủ động.
Thực lòng mà nói, từ nhà chạy vô Huế không xa, chỉ chừng bảy mươi
cây số thôi. Thế nhưng mỗi lần vô Huế lại là một lần khó.
Cứ ngỡ Huế gần/ Sao vói hoài chẳng chạm được tay nhau? Như thể có một điều gì đó ngăn cách, hoặc là một nỗi lo lắng vụng về
rằng... biết còn chi lưu luyến. Mà kỷ niệm ấy, đôi khi lại là chìa khóa mở cửa cho người ta bước đến
một miền đất trong hoài niệm.
Lo là lo vậy
thôi, chứ thực tình mỗi lần đến Huế, dù là thời sinh viên ở đấy hay lúc ra
trường rồi, khi đi từ chỗ cầu Bạch Hổ về cầu Trắng, những cây phượng ở hai bên
đường luôn khiến mình cảm thấy thân thương. Tuồng như bắt gặp
sự thân thiện đon đả chào mừng một người quen trở lại.
Chính điều ấy, nó làm cho người ta thích đến Huế và trở nên tự nhiên hơn, hòa
nhập như một người ở xứ kinh kỳ.
Tới Huế thì trời vừa tắt nắng, kiếm một chỗ nghỉ ở đường Trần Huy
Liệu. Chỗ này có ban công ngắm ra hồ nước, bên kia
là bức tường cổ Thành nội. Tôi xin một phòng hướng ban
công, người chủ hỏi để chụp ảnh à? Thì cũng gần như thế, đúng
hơn là để kiếm tìm một hình ảnh xưa, dù mờ nhạt như sương khói Hoàng Cúc của Hàn
thôi cũng được. Xong đi lang thang Huế với họa
sĩ Vĩnh. Nhằm dịp festival nên Huế khá đông người nhưng không phải chen lấn. Cái
dễ sống của Huế là ở chỗ đó, phố không bao giờ tẻ để người ta cô đơn, cũng không
bao giờ nghẽn đông để người ta mệt mỏi, chỉ vừa đủ để không quá chén vui sầu.
ảnh: Huế
Đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, có lẽ là nơi thơ mộng nhất cho những
cặp đôi. Sau khi dắt nhau từ bờ Bắc qua cầu Tràng Tiền, có thể ngắm lại
cái hành trình "đưa em qua sông" bằng cách đứng đầu đường đi bộ, chỗ có nhành
phượng vươn ra sông Hương. Hồi ở Huế, cũng một dịp festival, tôi đã lang thang
cùng Vĩnh trên con đường bên bờ sông này. Về sau, vào tối cuối
tuần Vĩnh thường tới đây ngồi ký họa chân dung bằng bút chì than. Lần này tôi lại đi cùng chàng họa sĩ, bước chân lãng du của gã đi
khắp rồi nhưng trở lại Huế vẫn phải chậm rãi nhẹ nhàng như tiếng dạ thưa.
Vĩnh gặp lại nhóm ký họa, mượn giấy bút, cũng ngồi hý hoáy ký cho
khách. Lát sau tới chỗ ban nhạc đường phố, Vĩnh lại lên đánh bộ gõ.
Tất nhiên, đấy là gã nghệ sĩ đa tài và thích ngẫu hứng. Trong lúc bị hắn "bỏ rơi", tôi có dịp đi một mình bên sông Hương.
Thả bộ qua cổng trường sư phạm, nơi ngày xưa lần đầu tiên mình đưa một người con
gái về sau giờ tan lớp. Ngó lên giảng đường dãy nhà G3, vẫn ngờ ngợ gặp
phải ánh mắt của nàng đang đứng ở hành lang dõi ra sông Hương. Huế không thay đổi gì nhiều, những
kiến trúc mới xây dựng ở khu vực trung tâm vẫn theo môtip hoài niệm.
Xác thì mới đấy nhưng hồn lại cũ. Cỏ trong công viên
trước trường sư phạm vẫn như xưa, xanh một màu tê tái.
Đến nỗi Hoàng Phủ từng gọi Huế là thành phố của cỏ.
Khi tôi quay
lại chỗ đường đi bộ thì ban nhạc đường phố vừa nghỉ. Tôi cùng Vĩnh đi sang cầu
Gia Hội nhâm nhi. Một quán nhậu đơn
sơ nằm khép dưới chân cầu, phía trước có cội bồ đề hắt lá ra sông.
Đây là quán nhậu mở nhạc Trịnh. Chúng tôi chọn một bàn bên bước tường gạch cũ,
trên đó móc một cây ghi ta mộc, có chữ ký Trịnh Công Sơn màu trắng. Lát
sau họa sĩ Vĩnh Phối tới, ông nói cái chữ ký kia không
phải của... Trịnh Công Quẹo đâu. Thầy Vĩnh Phối một mực giữ đám học trò ở lại, rồi nhiệt tình chạy
qua nhà lấy thêm chai rượu ngoại, bảo uống hết mới được về. Ở Huế, dẫu là
trên bàn rượu nhưng mỗi người tham gia cuộc vui đều giữ một vẻ điềm tĩnh đến lạ,
vừa thân mật nhưng thi thoảng lại im lặng để nhớ vu vơ. Có khi chạm cốc mà hồn đã cưỡi ngựa trắng bay lên Bạch Mã
đánh cờ với tiên. Cái điêu đứng liêu xiêu ấy nó giống với cảm giác lúc gặp một
người con gái Huế, nàng thì đi đứng nghiêm ngắn, mà mình đã phập phồng xuyến xao.
Hóa ra ở Huế, mọi thứ đều được kết tinh lại thành chữ tình.
Trờ về phòng,
Vĩnh nằm ngủ say, còn tôi trằn trọc suốt cho đến sáng. Nằm
giữa đêm Huế mà chao ôi nhớ, những hôm thức giấc giấc để nghe tiếng dế cất lên
dưới cỏ, trong khu vườn tá túc sinh viên.
Tiếng dế ấy không gọi là dế đồng, nó phải mang một tên khác, ảo mộng hơn, kiểu
như là dế ru tình chẳng hạn. Vào mùa hạ, Huế có hai thứ
âm thanh đổi vế cho nhau, ban ngày là ve, ban đêm là dế, tiếng của chúng gần gần
giống nhau, cứ ri ra rỉ rả như một người con gái ngồi thuyền ca Huế say đắm. Và
đêm hôm đó, chính tôi là người ngồi nghe quên ngủ, chỉ mơ màng phiêu bồng theo những làn điệu mượt mà đượm lòng trắc ẩn của cố đô.
Có một
người mình đã để tuột khỏi tầm tay.
Hẹn gặp nhau chỉ để nói lời sau cuối. Nhưng người ta từ chối. Biết đâu là vì người ta không muốn mình nói lời sau cuối?
Chạy đến trước quán cà phê Vỹ Dạ Xưa mà nao nao nhớ cái hôm tiễn nhau chậm rãi
ra cổng. Hôm đấy tôi đã hẹn ba năm nữa mới trở về lại Huế.
Người ta chỉ lặng lẽ gật đầu. Mà chỉ cúi xuống lặng lẽ thế đến tận bây
giờ không ư hử noái
năng chi nữa!
Buổi sáng Vua
lang bạt gọi uống cà phê, cũng bên sông Hương. Đến nỗi tôi nghĩ rằng,
hình như sông ấy chẳng khác nào một cõi quê để người ta nương tựa, có thể ngồi ở
đây suốt ngày cũng được. Dùng dằng sóng nhẹ níu người, bạn bè hàn huyên tâm sự.
Cà phê Huế có một nét rất khác.
Để rồi mỗi lần tới Huế, nói không ngoa là uống cả một dòng
sông cà phê mà bao nhiêu ngổn ngang thế sự đã lắng lại từng giọt chậm rãi.
Tranh thủ ghé thăm nhà trọ cũ, bao giờ vào Huế tôi cũng đến thăm lại
gia đình dì.
Một gia đình dòng dõi hoàng tộc, con trai họ Nguyễn Phúc, con gái thì Tôn Nữ.
Căn phòng tôi ở ngày ấy vẫn vậy, không sửa sang gì cả. Trước phòng thưở ấy có
một cây trứng cá, độ cuối thu hoa trắng buốt tê lòng.
Thúy ở phòng bên cạnh vẫn thường ra đứng dưới bóng lá, hay Thi mỗi lần đến thăm
tôi đều phải dính ít nhất một bông trắng rơi xuống tóc.
Một thoáng quay lại chốn cũ, chạnh nhớ hình bóng những người bạn gái thời sinh
viên. Hình như ở Huế là vậy, mỗi góc nhỏ nào đó dù đã lên rêu xỉ đều ấp ủ
một kỷ niệm cho riêng mình. Tôi nói với dì như thế.
Và dì cũng nói cứ ngỡ con về Huế làm việc, dì vẫn luôn dành một chỗ cho con.
Ngay chính lúc ấy, tôi ngậm ngùi, nửa tiếc nuối nửa thèm khát.
Ước nguyện của tôi là được trở về sống lâu dài ở Huế, nhưng rồi vì điều kiện
công việc. Nhưng, biết đâu đấy có ngày mình sẽ trở lại Huế và ở đấy lâu dài.
Kiếm một nơi thật thơ mộng để trú ngụ.
Rồi tận hưởng những giờ phút ngao du yên ả giữa xứ thơ.
Sống lặng lẽ,
thật lặng lẽ...
lặng
lẽ...