Thích Thái Hòa
Ai là người ứng dụng Tứ tất đàn vào xã hội? Đó là vấn đề.
Người đầu tiên ứng dụng Tứ tất đàn vào sự nghiệp hoằng pháp lợi
sinh, độ đời là Đức Phật. Tiếp theo
Đức Phật là các vị lịch đại tổ sư. Tiếp theo nữa là các vị Bồ
Tát. Các vị Bồ Tát sau khi đã hoàn thành được căn bản Phật học, tức
là tự hoàn thiện được mình về mặt đạo đức, nhân cách thì nghĩ đến
công ơn của Phật, công ơn của Tổ, của cha mẹ, công ơn của mọi người,
mọi loài, công ơn của xã hội mà phát khởi tâm bồ đề, thực hành Bồ
tát đạo.
Cho nên, người có thể ứng dụng Tứ tất đàn vào sự tu học và
hoằng pháp lợi sinh hiện nay phải là những người có tâm Bồ tát, mà
cụ thể là những người thọ trì Bồ Tát giới, thực hành Bồ Tát đạo,
nghĩa là đi trên con đường của đại thừa.
Bởi vì sau khi hoàn thiện được bản thân về mặt nhân cách, đạo
đức, Bồ Tát thấy rằng thế gian còn tăm tối. Bản thân mình thánh
thiện mà thế gian tăm tối, bản thân mình sống hạnh phúc mà thế gian
đau khổ, bản thân mình sang trọng mà thế gian thấp kém thì cái thấp
kém của thế gian có thể ảnh hưởng đến cái cao thượng của mình. Cũng
như mình xây một ngôi nhà đẹp trong một khu vườn đẹp mà không có đường
đi vào, không có ai thưởng thức được thì ngôi nhà đẹp của mình, khu
vườn đẹp của mình có giá trị gì, có lợi ích gì.
Do đó, muốn ngôi nhà mình đẹp, khu vườn mình đẹp thì phải có
con đường đẹp dẫn vào, có những con người với đầy đủ trình độ, khả
năng thưởng thức những thứ đẹp đẽ, những thứ quý giá đó. Mình cũng
phải làm cho cả những người chung quanh ngôi nhà
mình sạch hơn, đẹp hơn thì cái đẹp của ngôi nhà mình mới có giá
trị.
Và quan trọng hơn nữa, là mình phải làm sao để
mọi người có thể thưởng thức được hết những trân quý trong nhà mình.
Muốn vậy, tự thân con người phải tự hoàn thiện bản thân, hoàn
thiện nhân cách của mình, rồi nhìn ra ngoài xã hội và phát khởi tâm
đại thừa để thực hành Bồ tát đạo, để giúp cho những người khác
cũng hạnh phúc như mình, hoàn thiện như mình, có nhân cách như mình,
có đời sống cao đẹp như mình, sang trọng như mình và an lạc như mình.
Con đường mà lợi mình, lợi người như thế gọi là con đường của
Bồ tát hạnh. Làm lợi mình, lợi người như thế gọi là hạnh của Bồ Tát.
Tâm làm lợi mình, lợi người như thế gọi là tâm của Bồ Tát.
Bây giờ, Bồ Tát ở trong cõi người, từ nơi thế
giới con người mà phát tâm Bồ tát, thì phải nhắm vào nơi xã hội
chúng ta đang sống. Mà muốn chuyển
hóa xã hội chúng ta đang sống, chúng ta phải nhắm tới chuyển hóa
những người thương yêu liên hệ với chúng ta. Bồ
Tát thì phải làm cho vợ, cho chồng của Bồ tát dễ thương. Còn
nếu Bồ tát tại gia mà vợ mình không dễ thương, chồng mình không dễ
thương thì mình còn nói dễ thương với ai được. Bồ tát cha, Bồ Tát mẹ
phải làm cho con cháu mình dễ thương ra, nếu không thì mình nói ai
được giữa cuộc đời này. Giữa bạn bè với nhau, mình phải làm cho bạn
mình dễ thương ra, nếu không thì làm sao mình nói với các đối tượng
xã hội khác được.
Các đối tượng xã hội, họ nhìn vào mình dưới
nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, nhưng trước hết, họ nhìn vào nhân
cách tu tập của mình. Nếu mình không có nhân cách, thì
có nói chăng cũng chỉ là sáo ngữ, chỉ là bản nhạc ca ngợi nghe êm
tai, chứ chẳng có giá trị gì.
Do đó, muốn ứng dụng Tứ tất đàn vào sinh hoạt xã hội, trước
hết chúng ta phải phát tâm bồ đề, thực hành Bồ tát đạo, nói một
cách khác, phải phát khởi tâm chí đại thừa để đi vào cuộc sống, để
có mặt ngay giữa cuộc đời này, có mặt ngay nơi xã hội đầy biến động
và sinh động này để gầy dựng lại những gì đã đổ vỡ, hàn gắn lại những gì đã
rạn nứt, dựng đứng lại những gì đã xiêu vẹo, bật đèn cho người ta thấy, chỉ
đường cho người ta đi đến nơi an ổn, hạnh phúc, cao thượng.
Muốn như vậy, người Phật tử ứng dụng Tứ tất
đàn phải lắng nghe và học hỏi không biết mệt mỏi. Mình phải học hỏi
những gì thế gian đã có. Chắc chắn các anh/chị/em đã
được học về ngũ minh rồi. Ngũ mình là năm phương pháp mà người học
giáo lý đại thừa phải học, phải nghiên cứu, phải thực tập để có
khả năng đi vào sống giữa lòng xã hội, làm thay đổi xã hội theo
hướng Phật Pháp.
Thứ nhất là Thanh
minh. Thanh minh có nghĩa là hiểu rõ về
mọi thứ ngôn ngữ.
Mình ở Mỹ thì phải nói được ngôn ngữ của
người Mỹ mới có thể giúp được cộng đồng người Mỹ.
Bây giờ các anh/chị/em ở Mỹ mà còn nói tiếng Việt và chỉ giúp được
cộng đồng người Việt mà không giúp được cộng đồng người Mỹ thì làm
sao mà giúp cho xã hội Mỹ đi theo hướng Phật pháp được. Xã hội Mỹ
có những cái đã hoàn thiện về mặt khoa học kỹ thuật, nhưng mặt tâm
linh, tín ngưỡng và những mặt khác vẫn chưa hoàn thiện, thì bây giờ,
vai trò của các anh/chị/em là phải hoàn thiện cho xã hội người Mỹ,
cho cộng đồng người Mỹ về mặt Phật pháp. Và mình có thể giới thiệu
đạo Phật Việt Nam, lịch sử Phật giáo Việt Nam cho người Mỹ biết, mà
muốn được như vậy, mình phải giỏi về Thanh minh, tức là giỏi về ngôn
ngữ học, tục ngữ, phương ngữ của người Mỹ. Không
những vậy, mình còn phải giỏi về văn hóa, luật lệ của người Mỹ nữa.
Cho nên, Phật tử muốn đi vào đời, ứng dụng Tứ tất đàn làm thay
đổi xã hội của người Mỹ theo
hướng Phật pháp thì phải giỏi về Thanh minh.
Thứ hai là Nhân minh, tức là giỏi về luận lí học.
Người ta nói ra là mình biết được họ nói sai ở chỗ nào, đúng ở chỗ
nào. Muốn chinh phục người khác, thì mình phải có những luận lý sắc
bén, nếu không thì khó mà làm cho người ta nghe và chấp nhận luận điểm
của mình.
Không có Nhân minh, mình không biết đúng sai. Sống ở trong một cộng đồng nào đó, mình phải biết biện luận để nêu
rõ chánh lý và phá bỏ tà kiến của cộng đồng đó, nâng cộng đồng đó
đi lên với chánh kiến. Vì vậy, chúng ta phải có Nhân minh luận.
Thứ ba là Công xảo minh,
tức là phải giỏi về khoa học công nghệ. Nhất là trong xã hội Mỹ rất
phát triển về khoa học công nghệ, khoa học thông tin thì chúng ta phải
giỏi cái đó, đi vào trong lĩnh vực đó để ứng dụng Tứ tất đàn vào
đó. Qua Tứ tất đàn, chúng ta có thể làm thay đổi xã hội Mỹ theo
hướng Phật pháp, giúp cho xã hội Mỹ ổn định lại tất cả những gì
mà họ chưa thể ổn định. Chúng ta đóng góp được như
vậy là nhờ vào Công xảo minh.
Thứ tư là Y phương minh,
tức là phải giỏi về y học.
Chúng ta phải giỏi về y khoa. Y khoa
ở đây không chỉ là các bệnh về sinh lý, về cơ thể người mà còn phải
giỏi về tâm học, tâm lý trị liệu nữa.
Và sau khi chữa lành các bệnh trên
thân của họ, bệnh trong tâm của họ thì ta đưa họ đi về đâu?
Ta có Thế gian tất đàn rồi, Vị nhân
tất đàn rồi, Đối trị tất đàn rồi, ta thành tựu ba mặt đó rồi, thì
ta phải đưa họ đi về Đệ nhất nghĩa tất đàn, tức là cái chân lý tối
hậu mà Phật giáo muốn nói cho cuộc đời, Phật giáo muốn hiến tặng
cho cuộc đời. Như trong kinh Pháp Hoa, đức Phật muốn đưa người đi tới
nơi bảo sở, chứ không phải dừng lại ở hóa thành. Nhưng muốn đưa người
ta đi tới bảo sở, mình phải có khả năng tạo ra hóa thành để cho mọi
người dừng chân, vì đường đi xa quá, sức người có hạn.
Thứ năm
là Nội minh, tức là giáo lý của mình.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, trong
Ngũ minh thì Thanh minh, Y phương minh, Công xảo minh, Nhân minh thuộc về
Thế gian tất đàn, Đối trị tất đàn, Vị nhân tất đàn còn Nội minh là
Đệ nhất nghĩa tất đàn. Mình làm y học là để chuyển vận Nội minh cho
xã hội, tức là phải nói được giáo lý đức Phật dạy, mục đích lời
Phật dạy, mục đích ra đời của đức Phật, mục đích kinh điển Phật giáo
lưu truyền là để làm gì cho xã hội con người. Và để nói được những điều
đó, mình phải biết sử dụng ngôn ngữ, y dược, khoa học công nghệ, sử
dụng luận lý để chuyển tải. Do đó, một vị đi vào xã hội để ứng dụng
Tứ tất đàn vào trong sinh hoạt của xã hội, vị đó phải có tâm bồ đề
rộng lớn, có những phương tiện thực tiễn, mới có thể đóng góp và làm
thay đổi xã hội theo tinh thần Phật giáo.
Trong xã hội mình làm thay đổi đó,
phải lấy hai chất liệu trí tuệ và từ bi làm chủ yếu.
Để thay đổi toàn thể thế giới,
mình có Thế gian tất đàn. Để thay đổi từng cá nhân, từng xã hội,
mình có Cá cá vị nhân tất đàn. Xã hội Việt Nam khác với xã hội
Mỹ; xã hội Trung Hoa khác với xã hội Pháp; xã hội Pháp khác xã hội
Anh,... Đi đến đâu mình cũng biết được Thế giới tất đàn như vậy, Vị
nhân tất đàn như vậy, thì mình mới sử dụng Đối trị tất đàn thành công,
mới đưa xã hội đi về với Đệ nhất nghĩa tất đàn, nếu không thì sẽ
thất bại.
Các anh/chị/em tụng kinh Pháp Hoa,
kinh Phổ Môn đã biết, Bồ Tát Quán Thế Âm, đối với người cần hiện
thân trưởng giả, Ngài liền hiện thân trưởng giả để thuyết pháp; đối
với người cần hiện thân tể tướng để thuyết pháp, Ngài liền hiện thân
tể tướng để thuyết pháp; đối với người cần hiện thân đạo đức, như
Tỳ kheo, Tỳ kheo ni để thuyết pháp, Bồ Tát liền hiện thân Tỳ kheo, Tỳ
kheo ni để thuyết pháp,… Ấy là Bồ Tát Quán Thế Âm đã thành tựu Đối
trị tất đàn, Vị nhân tất đàn, Thế gian tất đàn. Và thuyết pháp để
đưa người ta đi tới đâu? Tới sự an lạc, hạnh phúc và thành Phật trong
tương lai, từ đó, họ sanh khởi niềm tin là bản thân mình cũng có Phật
tính, mình cũng có khả năng thành Phật, thấy được đau khổ của người
khác cũng là đau khổ của mình, từ đó mà khởi tâm hành Bồ Tát đạo.
Như thế là thành tựu được mục đích thuyết pháp, tức là Đệ nhất
nghĩa tất đàn.
Cho nên, phương pháp ứng dụng Tứ tất
đàn là trước hết, người ứng dụng Tứ tất đàn phải là người có tâm
Bồ tát, phải học hỏi giáo lý xuyên suốt từ Thanh văn đến Đại thừa,
và đừng dừng lại ở nơi hạnh Thanh văn. Hạnh Thanh văn giống như hạnh
của một người giàu đóng cửa, hưởng thụ một mình, bà con không ai có
lợi gì cả. Do đó, tự hoàn chỉnh hạnh Thanh văn rồi,
phải hướng tới và phát tâm thực hành hạnh Bồ tát, thì hạnh Thanh văn mới
có ý nghĩa. Hạnh Thanh văn là hạnh trong sạch và hoàn thiện tự thân, nếu
hạnh ấy mà có Bồ tát hạnh ở trong, thì mình có thể đem sự trong sạch
đó làm trong sạch, lợi ích cho nhiều người. Cũng như người nhà giàu,
giàu có là quý, nhưng biết đem tài sản của mình chia sẻ cho nhiều
người chung quanh, những người nghèo khó hơn mình, từ đó, những người
nghèo cảm đức từ bi của mình nên quy y Tam bảo, bỏ ác làm lành, có
tâm hướng thượng. Đó chính là con đường của Bồ tát, con đường ứng
dụng Tứ tất đàn vào đời sống xã hội.
Người đầu tiên chuyển tải pháp và ứng dụng Tứ tất đàn vào đời sống xã hội
là Đức Phật, sau đó là các vị Tổ sư của chúng ta, tiếp theo
là các vị Tăng ni, Phật tử thọ trì Đại thừa bồ tát giới thiết lập trên nền tảng
của bồ đề tâm.
Bồ đề tâm có hai chất liệu trí tuệ và từ bi. Nhờ có hai chất liệu này mà Phật giáo có mặt giữa cuộc
đời một cách đích thực để góp phần xây dựng một xã hội theo
cái nhìn của Phật giáo. Thầy nhắc lại là đạo Phật không phải đi vào cuộc đời, đạo Phật có
ngay giữa cuộc đời. Nếu nói rằng đạo Phật đi vào cuộc đời thì đó không
phải là cách nói theo ngôn ngữ Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Nói theo ngôn ngữ Đệ nhất nghĩa tất đàn là Phật
giáo có mặt ngay giữa cuộc đời, chứ không phải có bên lề cuộc đời hay ngoài cuộc
đời, để rồi từ đó mà đi vào cuộc đời. Chắc chắn rằng, các anh/chị/em đã học kinh
Pháp Hoa, và thấy hoa sen có mặt ở trong bùn, chứ không phải hoa sen đứng ở
ngoài bùn, rồi đi vào trong bùn và nở ra hoa. Và các anh/chị/em cũng đã học kinh
Duy Ma Cật và đã biết rằng, sinh tử và niết bàn không phải là hai cửa ngõ khác
nhau, mà là hai mặt của sự giác ngộ. Và bài Tứ diệu đế cũng đã
cho ta thấy rằng, Đức Phật dạy Tứ diệu đế về khổ, tập, diệt, đạo, thì khổ và tập
là mặt của sinh tử; diệt và đạo là mặt của niết bàn.
Khổ và tập là mặt của hệ lụy, của phiền não, còn diệt và đạo là mặt của bồ đề,
của giải thoát. Khổ và tập là nguyên nhân và kết quả
của khổ đau trong sinh tử; diệt và đạo là nguyên nhân và kết quả của đời sống
giải thoát an lạc. Như vậy rõ ràng đạo Phật không phải đứng ngoài cuộc
đời hay bên lề cuộc đời để đi vào, mà đạo Phật có mặt ngay giữa cuộc đời để làm
cho cuộc đời có ý nghĩa. Cho nên giải thoát và hệ lụy cũng chỉ như hai mặt của
một bàn tay mà thôi. Chúng ta phải hiểu như vậy
rồi, chúng ta mới nói đạo Phật có mặt giữa cuộc đời để giúp cho xã hội thăng
hoa.
Như vậy, rõ ràng rằng, đạo Phật có mặt ngay giữa lòng xã hội, để làm cho
xã hội nở ra hoa trái của sự an lạc, giải thoát, của trí tuệ và từ bi.
1- Ứng dụng Tứ tất đàn vào xã hội
vĩ mô:
Theo cách nhìn của Phật giáo, thì xã hội không phải chỉ là những sinh hoạt
thuộc về loài người, mà nó bao gồm cả y báo và chánh báo của lục đạo chúng sinh,
của ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Và lục đạo chúng sinh thì bao gồm
cả chư thiên, nhân loại, atula, súc sinh, ngạ quỷ, địa
ngục. Vì vậy, Phật giáo nhìn xã hội với một tầm vĩ mô
rất lớn, một cái nhìn toàn thể và chi tiết. Và tất cả những hoạt động của sáu
loài gồm: chư
thiên, nhân loại, atula, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục đều liên hệ đến những hoạt
động của xã hội con người. Chúng ta muốn hiểu xã hội con người, thì chúng ta
phải hiểu những cái gì không phải là con người, không phải là xã hội con người.
Cho nên, chúng ta muốn hiểu xã hội con người thì chúng ta phải có tầm nhìn và
tầm hiểu về xã hội chư thiên, xã hội của a tu la, xã hội của súc sinh, xã hội
của ngạ quỷ, xã hội của địa ngục thì chúng ta mới có thể hiểu được xã hội con
người một cách hoàn chỉnh hơn, chính xác hơn.
Và khi chúng ta đã hiểu được xã hội con người qua xã hội của chư thiên, xã
hội của atula, xã hội của súc sinh, xã hội của ngạ quỷ, xã hội của địa ngục, thì
chúng ta mới có thể áp dụng được pháp Tứ tất đàn vào xã hội con người, để xây
dựng xã hội con người theo tinh thần Phật giáo.
Và muốn hiểu xã hội của hết thảy lục đạo chúng sinh,
chúng ta phải hiểu nhân và quả của chúng. Chư
thiên do tu nhân gì, thực tập nhân gì, duyên gì hỗ trợ, mà đạt tới quả báo của
thế giới chư thiên. Nhân loại do thực tập Pháp gì, do tu Pháp gì, do
thành tựu nhân gì, thực tập nhân gì, duyên gì, mà đi tới thế giới ở trong loài
người. A tu la là do nhân gì, duyên gì, quả gì mà tạo
nên thế giới của họ, tạo nên xã hội của họ. Và thế giới súc sinh, xã hội súc
sinh cũng vậy, do nhân gì, duyên gì, quả gì mà đi tới thế giới của súc sinh. Và ngạ quỷ là do nhân
gì, duyên gì mà đi tới thế giới, xã hội của ngạ quỷ. Địa ngục là do nhân gì,
duyên gì mà tạo nên xã hội của địa ngục hay thế giới của địa ngục. Chúng ta hiểu
được thế giới của chư thiên, của nhân loại, của atula,
của súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục qua nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo, thì chúng
ta mới hiểu được thế nào là Thế giới tất đàn. Và khi chúng ta
hiểu được Thế giới tất đàn như vậy, thì chúng ta mới ứng dụng Phật Pháp vào
trong các thế giới ấy, xã hội ấy để có thể đưa họ đi về với Đệ nhất nghĩa tất
đàn.
Chúng ta phải hiểu xã hội dưới một cái nhìn bao quát và
chi ly của Phật Pháp, cái nhìn bằng trí tuệ ở trong Phật giáo. Còn nếu chúng ta chỉ hiểu xã hội con
người, qua những hoạt động của nó về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, từ
thiện, tín ngưỡng,… thì chúng ta chưa hiểu xã hội của con người là gì. Nếu ta chỉ hiểu rằng, những
hoạt động xã hội là những hoạt động trên những lĩnh vực ấy, và chỉ là những lãnh
vực ấy, thì những hoạt động xã hội của chúng ta sẽ không thành công.
Tại sao? Vì chúng ta chỉ hiểu những sinh hoạt của xã hội
con người chỉ là những sinh hoạt đơn thuần của con người thôi, cái hiểu như vậy
chưa phải là chánh kiến ở trong đạo Phật. Và cái chiêm nghiệm về thế giới con
người mà chỉ nhắm tới con người thôi, thì chưa phải là chánh tư duy ở trong đạo
Phật. Chúng ta nghĩ về con người và chỉ duy trì suy nghĩ về con người thôi, thì
đúng là chúng ta chưa có chánh niệm ở trong đạo Phật. Chúng ta chỉ nói ngôn ngữ
con người và chỉ nhắm tới con người và xã hội con người thôi, thì chúng ta vẫn
chưa hiểu chánh ngữ ở trong Bát chánh đạo ở trong đạo Phật. Và chúng ta hành
hoạt mà chỉ nhắm tới phạm vi con người thôi, chỉ những hành động liên hệ đến con
người thôi, thì chúng ta chưa hiểu được chánh nghiệp ở trong đạo Phật, trong Bát
chánh đạo. Và chúng ta tu tập thiền định mà chỉ nhắm tới buông thư, chỉ xả những cái sốc, những bận rộn trong thế giới con
người thôi, thì chúng ta chưa hiểu thế nào là chánh định ở trong đạo Phật, ở
trong Bát chánh đạo. Do đó, qua bài học này, chúng ta phải học cho kỹ và có tầm
nhìn thế nào là Thế giới tất đàn hay thế gian tất đàn. Nếu chúng ta không hiểu
Thế gian tất đàn, chúng ta khó mà đóng góp phần mình vào thế giới con người.
Tất cả các anh/chị/em đã thấy, ngày hôm nay thế giới đang sôi nổi bởi bầu
không khí của thế giới đang bị ô nhiễm và những động đất, thiên
tai, hỏa hoạn, núi lửa làm cho xã hội Âu châu mù mịt khó khăn. Do đâu mà
có? Có phải là do thiên nhiên không được bảo toàn, con người khai thác thiên
nhiên đến một mức độ mà thiên nhiên phải lên tiếng, lên tiếng để bảo toàn lại
những gì mà thiên nhiên đã bị cướp mất bởi con người, bởi lòng tham của con
người, bởi cái nhìn sai lạc của con người về thế giới, về xã hội.
Cho nên thầy hy vọng qua thời pháp thoại này, tất cả các anh/chị/em Vạn
Hạnh I của Hoa Kỳ sẽ có được một tầm nhìn rộng lớn hơn, để có thế đóng góp được
cái nhìn của Phật Pháp, cái tu học của Phật Pháp vào trong môi trường, trong xã
hội mà các anh/chị/em đang có mặt, nói cách khác là cho xã hội con người nói
chung và xã hội Hoa Kỳ mà các anh/chị/em đang có mặt ở đó.
2-Áp dụng Tứ tất đàn cụ thể trong tổ
chức GĐPT:
Bây giờ mình nói theo nghĩa cụ thể mà tổ chức của
các anh/chị/em là tổ chức gia đình phật tử, ấy là một tổ chức nhỏ trong cộng
đồng xã hội nhân loại, chúng ta có thể áp dụng Tứ tất đàn vào tổ chức gia đình
phật tử, thì phải áp dụng như thế nào?
Gia đình phật tử hiện nay đã trở thành gia đình phật tử
liên kết với nhau để trở thành một tổ chức toàn cầu. Bởi vậy, muốn áp dụng Tứ tất đàn vào tổ chức này, thì phải hiểu thế
nào là gia đình phật tử toàn cầu. Gia đình phật tử toàn
cầu được tạo nên, bởi gia đình phật tử các châu lục, các quốc gia. Như
vậy, mình muốn ứng dụng Tứ tất đàn vào gia đình phật tử toàn cầu, thì mình phải
có cái nhìn toàn cầu, qua cái nhìn từng châu lục, từng quốc gia thì mình mới có
thể điều khiển được, lãnh đạo được gia đình phật tử toàn cầu, gia đình phật tử
trên thế giới. Điều này là anh Bạch Hoa Mai làm Tổng thư ký Gia đình phật tử
trên thế giới cần phải lưu ý. Nếu mình muốn điều khiển một gia đình phật tử toàn
cầu thành công, mình phải hiểu được văn hóa, chính trị, luật pháp, tôn giáo của
từng vùng, mà không phải chỉ hiểu Phật giáo không là đủ. Ví dụ ở xã hội Tây
phương thì Thiên chúa giáo có gốc rễ như thế nào, Tin lành có gốc rễ như thế
nào, Anh giáo có gốc rễ như thế nào, và ở các nước Trung đông, Indonexia,
Malaysia… thì hồi giáo, có ảnh hưởng như thế nào và đức tin của quần chúng các
nước đó đối với tôn giáo bản xứ như thế nào, mình phải nắm vững.
Nắm vững và hiểu biết như vậy gọi là Thế giới tất đàn.
Và khi nắm vững niềm tin, kinh tế, chính trị, luật pháp,…của
từng quốc gia như vậy, thì mình mới có thể chuyển tải được chất liệu Phật Pháp
vào trong vùng đó. Và trong ngôn ngữ Phật giáo các anh/chị/em
thường nghe là tùy duyên hóa độ. Tùy duyên để chuyển tải Phật Pháp vào.
Nhưng tùy duyên mà không bị tiêu diệt, không bị biến thể là
bởi vì mình có Đệ nhất nghĩa tất đàn, tức là tùy duyên mà bất biến.
Tùy duyên mà không bị đánh rơi mục đích của mình.
Ban hướng dẫn của các châu lục cũng phải biết được cái toàn thể và cái chi
tiết của từng vùng, từng khu vực mới có thể chuyển tải được Phật Pháp vào trong
từng khu vực của mình, và trong sự chuyển tải Phật Pháp đó,
mình có luôn cả tổ chức gia đình phật tử của mình. Mình muốn duy trì tổ
chức gia đình phật tử thì phải duy trì cho được tinh thần của đạo Phật. Và mình
duy trì được tinh thần đạo Phật thì mới duy trì được tinh thần tổ chức của các
giáo hội. Và duy trì được tư tưởng, tinh thần tổ chức của các
giáo hội, thì mình mới duy trì được đoàn thể của mình. Tùy theo mức độ quy định của các nội quy, quy chế của các hiến
chương. Nếu đạo Phật không còn, thì các nhân danh tổ chức Phật giáo trở
thành ra lộng ngôn mà thôi.
Cho nên, phải hiểu thế nào là toàn thể, thế nào là từng vùng,
mới ứng dụng được Đệ nhất nghĩa tất đàn vào trong đó.
Cho nên, muốn ứng dụng được Đệ nhất nghĩa tất đàn thì phải hiểu và ứng dụng cho
được Thế giới tất đàn.
Đó là Thầy nói một cách tổng quát. Bây giờ mình nói cụ thể hơn một chút về tổ chức gia đình phật tử.
Một gia đình phật tử theo
như quý anh/chị/em đã biết, một liên đoàn trưởng nam hoặc liên đoàn trưởng nữ
phải có liên hệ như thế nào với các đoàn trong gia đình của mình, phải biết các
đoàn trưởng và đoàn sinh trong đơn vị của mình. Như thế nào
gọi là biết? Đó là mình phải biết nhân, biết duyên, biết quả, biết báo, biết
nghiệp của từng đoàn viên của mình. Cho nên, trong một
đoàn oanh vũ nam hoặc oanh vũ nữ, một đoàn thiếu nam hay thiếu nữ, liên đoàn
trưởng phải biết cho hết, từ đoàn trưởng cho đến đoàn sinh.
Hiểu như thế nào? Hiểu nhân, quả
nghiệp báo của từng người, từng đoàn. Cái hiểu đó gọi là cái hiểu Thế
gian tất đàn hay thế giới tất đàn. Rồi từ đó, mình chuyển tải được Phật Pháp vào
trong họ và làm thay đổi nhân, duyên, quả báo của họ, từ thấp đến cao, từ mê đến
ngộ, từ một người không dễ thương trở thành một người dễ thương, từ một con
người tầm thường trở thành một con người cao quý. Việc làm như vậy, chính Phật đã từng ứng dụng và thành công trên con
đường hoằng pháp độ sinh của Ngài từ khi Ngài thành đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng,
chuyển pháp luân tại Lộc Uyển, cho đến khi nhập Niết bàn tại rừng cây Sala Song
Thọ.
Ứng dụng Tứ tất đàn vào sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, sự ứng dụng nầy là
nét đặc biệt mà chỉ Đức Phật mới có, chỉ có đạo Phật mới có, các tôn giáo khác
không có. Các anh/chị/em cũng đã thấy là trên bước đường truyền bá Phật Pháp,
sau khi Đức Phật niết bàn rồi, các Tổ của mình cũng tiếp tục con đường đó, cũng
bằng cách ứng dụng Tứ tất đàn trong sự nghiệp hoằng pháp. Và nhờ vậy, Phật giáo
đã phát triển khắp cả ngũ hà Ấn Độ, rồi lan qua các
nước phụ cận và trải dài cả toàn thể thế giới. Phật giáo đi đến đâu không có
chiến tranh, không có hận thù; Phật giáo đi đến đâu thì đem lại hòa bình đến đó,
xem quốc gia đó, vùng đất đó, như là đất nước của mình, quê hương của mình và
mình có trách nhiệm làm sáng chói lên ở vùng đó, ở đất nước đó.
Vì vậy, Phật giáo không có xâm lăng
và không cần mượn bất cứ một thế lực nào để phụ họa, để truyền bá chánh Pháp của
Phật hết. Nên, các anh/chị/em cũng lưu ý là mình đừng có dựa quyền, dựa thế bất
cứ ai hết, mà chỉ dựa vào tuệ giác của mình, dựa vào tâm bồ đề của mình, dựa vào
tình thương của mình để mà hành đạo.
Nhờ dựa vào tâm bồ đề, nên Phật giáo không bị tai tiếng trên bước đường
truyền giáo của mình, trong khi các tôn giáo khác thì dùng vũ lực, dùng súng
đạn, dùng những thế lực chính quyền để truyền bá giáo lý của họ, và vì vậy nên
đã gây ra những điều đáng tiếc cho xã hội con người. Những tôn
giáo khác, họ nói họ làm đẹp cho xã hội con người, nhưng chính họ là gây ra
những đáng tiếc cho xã hội con người. Trong lúc đó Phật giáo không có
chuyện đó, Phật giáo không hề có chuyện truyền giáo dùng những thủ đoạn này thủ
đoạn khác hay cậy thế, cậy quyền gì hết, Phật giáo cũng không đem tiền bạc để
mua chuộc ai, mà cũng không đem quyền lực để mà quyến rũ hay áp đặt ai theo
mình, mà chỉ đem đức độ của mình, đức độ của trí tuệ và từ bi để giúp đời mà
thôi.
Tại sao Đức Phật làm được như vậy? Tại vì trí tuệ của Đức Phật hiểu rõ
được Thế gian tất đàn và Ngài biết cần phải làm gì lúc này và ở đây; và lúc khác
thì cần phải làm cái gì, nói cái gì cho ở đó. Khi trình
độ của một người quá kém, thì mình cần phải nói cái gì cho họ, chứ không phải
trình độ của một người quá kém, mà mình nói chuyện quá cao siêu với họ được.
Vì vậy, quý anh chị em biết rằng, Đức Phật cấm đệ tử của ngài thuyết Pháp cho
người đang đói. Đối với một người đang đói, thì trước hết mình phải cho
họ ăn đã, chứ khi họ đang đói, mình thuyết Pháp thì họ làm sao mà nghe. Có đôi
người không biết rằng, đối tượng nghe đang đói, mà cứ “đèo queo” thuyết pháp
rằng: “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng đi, sẽ hết đói”. Nói
như vậy là không thực tế. Cho nên người ta đói, mình phải nấu cơm cho
người ta ăn, hay quyên góp tiền cho người ta để người ta ăn, khi họ
ăn no rồi, mình mới nói Pháp cho họ. Người ta đói, mình
nói Pháp làm sao họ nghe. “Cha chết không bằng hết
gạo”. Cho nên, khi no rồi, người ta mới nghe được Phật Pháp, tiếp thu
được Phật Pháp, hiểu được Phật Pháp, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống,
để rồi từ đó họ tự lực đứng dậy và có khả năng bước tới sự cao quý hơn. Trong
cuộc đời hoằng pháp, Đức Phật ứng dụng được như vậy là do ngài đã thấy rõ thế
nào là chân lý của cuộc sống, thế nào là nhân, thế nào là duyên, thế nào là quả
của mỗi người, của mỗi cộng đồng, của mỗi thời đại, nên Ngài đã ứng dụng Thế
gian tất đàn vào trong con đường hoằng Pháp của ngài.
Bây giờ các anh/chị/em cũng vậy, muốn phát triển cho được tổ chức gia đình
phật tử để đóng góp vào sự nghiệp hoằng Pháp của Phật giáo trên toàn thế giới
nói chung, thì các anh/chị/em phải nắm vững Thế gian tất đàn và ứng dụng triệt
để nó, thì mình sẽ thành công, thành công rất nhiều mặt và có thể đóng góp được
sự có mặt của mình vào nơi thế giới mình đang hiện hữu.
Chắc chắn, các anh/chị/em đã thấy đạo Phật là một tôn giáo rất là vui, đầy
ý nghĩa, và đầy sinh lực, vì nó không phải chỉ có gắn liền với xã hội người sống
mà còn gắn liền với xã hội người chết nữa. Cho nên, trong đạo Phật không phải
chỉ có cầu an mà còn có cả cầu siêu nữa. Cầu
an cho xã hội người sống và cầu siêu cho xã hội người chết.
Những tín ngưỡng, những tình cảm của người sống nghĩ về người chết, đều là những
liên hệ đến xã hội hết.
Nếu xã hội chỉ nghĩ đến người sống thôi, những tiện
nghi cho người sống thôi, còn người chết thì mình không lo cho họ, không nghĩ
tới họ thì tình cảm của mình bị khuyết tật rất nhiều. Vì vậy, đạo Phật có
một cái nhìn toàn thể, mình phải hiểu xã hội là một xã hội toàn thể của con
người, bao gồm cả sống và chết, cả sinh và diệt. Còn
nếu mình chỉ hiểu xã hội là những sinh hoạt của người sống không thôi, thì cái
hiểu đó không có gì gọi là chánh kiến hết mà là tà kiến, phiến diện. Do
cái hiểu biết phiến diện, nên mình hành xử không dễ thương, được cái này mất cái
kia. Một hành động được một phía, mất một phía, sao có
thể gọi là chánh nghiệp được.
Cho nên, mình phải có cái nhìn rất là chi tiết, rất thấu đáo, rất tổng thể
thì khi đó, mình mới đóng góp được cho việc xây dựng một xã hội
theo tinh thần Phật giáo, và mình mới có thể đóng góp cho tổ chức và duy
trì cho tổ chức của mình đi theo tinh thần ấy. Cho nên, các anh/chị/em cố gắng,
tuy đang ở vị trí của Ban hướng dẫn điều hành cấp thế giới, cấp quốc gia, cấp
châu lục, thì cũng phải thực tế và phải nỗ lực cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng
của mình. Bởi vì cơ sở hạ tầng là nền tảng để tiến tới cho
những cái rộng lớn một cách vững chãi.
Những cơ sở hạ tầng bị hỏng, thì cơ sở rộng lớn khó có thể tồn
tại một cách vững chãi được.
Các anh chị em đã từng đọc kinh Bách Dụ, đức Phật đã đưa ra một ví dụ rất
cụ thể về vấn đề này: có một người ở nông thôn lên thành phố, thấy người ta xây
nhà lầu hai, ba tầng, anh ta cũng thích, khi về nhà quê, anh ta mới kêu mấy
người thợ xây tới và đề nghị xây cho anh một cái nhà ba tầng.
Người thợ nói là không thể xây được, vì muốn xây tầng ba thì phải mở móng đã,
phải xây tầng một cho vững chãi đã, rồi mới đến tầng hai và tầng ba.
Anh nông dân nói là anh chỉ đủ tiền xây tầng ba thôi và anh chỉ thích làm tầng
ba mà không cần phải làm tầng hai, tầng một. Người thợ
xây đành chịu. Không một người thợ nào, dù được đào tạo
ở các trường kỹ sư siêu hạng đến cỡ nào cũng chịu, không thể xây được ngôi nhà
ba tầng mà không có tầng một và tầng hai. Ngôi nhà ấy,
chỉ có thể vẽ được trên giấy, vẽ được trên những ý niệm vọng cầu mà không bao
giờ có thể thiết lập được trên thực tế.
Cũng vậy, cơ sở hạ tầng của mình mà yếu, không đủ tầm
cỡ thì mình xây dựng cái gì trên đó cũng dễ sụp đổ.
Chắc chắn điều này các anh các chị cũng đã thấy rồi và trong chuyến về nước vừa
rồi, anh Mai cũng đã thưa với Thầy rằng, sự liên kết giữa thế hệ trước và thế hệ
sau có một khoảng trống, khoảng trống đó là do cơ sở hạ tầng của mình yếu, các
đơn vị sở tại của mình yếu. Đây là điều mà các anh chị em phải
lưu ý, muốn xây dựng xã hội, chúng ta phải đi từ cái cơ bản, chứ đừng có tiến
nhanh, tiến mạnh. Tiến nhanh, tiến mạnh nguy hiểm lắm.
Mình phải đi từ cái vững chãi, cụ thể và thực tế.
Một đơn vị có thực là khi các thành viên có thực. Do đó, các thành viên
của gia đình phật tử phải có những nền tảng, mà như Thầy đã từng giảng, đó là
“Em tưởng nhớ Phật; Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em; Em thương
người và vật”. Mình phải biến những chất liệu đó trở thành đời sống của mình, chứ
không phải chỉ là những châm ngôn, những điều luật mà mỗi tuần mình tới đọc một
lần là xong. Không phải như thế.
“Em tưởng nhớ Phật”, đó là phương pháp hành trì mà mình
phải thực tập để Phật luôn luôn có mặt ở trong mình. Ban đầu thì mình tưởng Phật ở bên
ngoài. Sau đó, nhờ Phật ở bên ngoài mà mình thấy Phật ở trong
lòng mình. Cho nên, mình phải biến chất liệu tưởng nhớ Phật đó, thành đời
sống của mình; đi mình cũng nghĩ tới Phật, đứng cũng nghĩ tới Phật, nằm cũng
nghĩ tới Phật, ngồi mình cũng nghĩ tới Phật, ăn cũng nghĩ tới Phật, uống cũng
nghĩ tới Phật; làm việc mình cũng nghĩ tới Phật, mà ngay cả chơi, mình cũng nghĩ
tới Phật. Khi mà tất cả những hành hoạt của mình đều nghĩ tới Phật, thì những
cái xấu của tâm chúng sinh không có
điều kiện, cơ hội để khởi lên trong hành động của mình. Và mỗi khi những cái xấu
của chúng sinh không có điều kiện, cơ hội để khởi lên trong người mình, trong
hành động của mình, thì những vi phạm về luật pháp, vi phạm về giới luật hoặc
sống phóng túng, buông lung để tạo ra những rối rắm cho gia đình và xã hội là
hoàn toàn không có. Đó mới là sự đóng góp cụ thể để xây dựng
xã hội. Cho nên, Thầy mong rằng, tất cả các anh chị em phải có những giờ
phút hướng dẫn cho các em ngồi yên để tưởng nhớ Phật. Tưởng nhớ Phật ở trong sự
yên lắng và sâu sắc hơn.
Rồi “kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em”, thì
mình phải cụ thể như thế nào, chứ không phải chỉ nói suông. Các em đi học phải
thưa cha mẹ mà đi; khi đi học về phải thưa cha mẹ con đã đi học về. Đi
học hay đi làm bất cứ công việc gì, con cái phải đem hình ảnh của cha mẹ đi
theo. Đem theo
hình ảnh cha mẹ tất bật, vất vả để lo cho con cái ấy, thì con cái mới thấy được
cái tất bật, cái khó khăn ấy của cha mẹ để mà thương, mà quý.
Khi đi về, con cái cũng phải nhớ hình ảnh cao quý của cha mẹ mà đi về với cha
mẹ. Và mình phải thấy rằng, trong đời sống không có tình cảm nào quý
bằng tình cảm anh chị em với nhau trong huyết thống; không có tình cảm nào quý
bằng tình cảm anh chị em cùng lý tưởng với nhau trong ngôi nhà tâm linh, để mà
nuôi dưỡng cái tình cảm đó. Khi đã có tình cảm rồi, mình thuận thảo với
nhau rất là dễ; chị ngã em nâng; anh hư thì em làm cho anh trở lại đàng hoàng,
em hư thì anh phải tìm cách giúp em mình trở lại đàng hoàng, đàng hoàng trong
gia đình huyết thống cũng như gia đình tâm linh. Đức Phật đã nói mình sống với
nhau phải biết “ẩn ác dương thiện”, nghĩa là những điều xấu của nhau, thì mình
phải biết làm cho nó tiêu dần đi, hạn chế nó lại và những điều tốt của nhau, thì
mình làm cho nó lớn dần lên, khuếch đại nó ra. Đó là một điều
rất đẹp, tạo ra sự hóa giải về sự bất hòa. Còn nếu người ta chỉ xấu một
chút, mà mình khuếch đại cái xấu ấy lên, trong khi người ta có rất nhiều cái
đẹp, thì mình làm cho nó ẩn khuất đi, việc làm như vậy làm sao mà anh em dẫn đến
thuận thảo với nhau được! Cả đời, người ta không ăn vụng, chỉ lỡ một lần đói
bụng ăn vụng miếng đậu khuôn, mà mình cứ đem chuyện xấu đó nói hoài, bỏ qua hết
tất cả những điều tốt của họ không nói. Cách sống với nhau như
vậy, thì không thể nào đưa đến sự hòa thuận, thương yêu nhau được.
Vì vậy, người lãnh đạo phải là người có tâm lượng rộng lớn, bao dung, độ
lượng; đối với bản thân thì luôn khắc kỷ, nghiêm túc; nhưng đối với người thì
phải có tâm độ lượng hơn, bao dung hơn thì sẽ thành tựu. Trái lại, đối với người
thì mình quá nghiêm khắc mà đối với mình thì quá buông lung; đối với người thì
không chịu tha thứ mà lại rất dễ tha thứ cho bản thân, thì mình không thể trở
thành một thành viên dễ thương ở trong một gia đình, để rồi trở thành một thành
viên dễ thương, vững chãi ở ngoài xã hội được.
Cho nên, điều luật “kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em” cũng
phải được hiểu cho sâu và thực tế, nhằm có thể áp dụng được, để tạo ra những con
người dễ thương cho tổ chức gia đình phật tử, và những con người dễ thương đó sẽ
liên kết lại với nhau để tạo ra một gia đình phật tử dễ thương, một tổ chức gia
đình phật tử có thật. Có thật về thực chất, năng lực, có thật
về phẩm tính. Và khi có quá nhiều phật tử dễ thương như
vậy sẽ có tác dụng ảnh hưởng tốt tới xã hội và làm cho xã hội tốt đẹp.
Điều thứ ba: “em thương người và vật”. Như Thầy đã nói,
xã hội Phật giáo đâu chỉ có con người không, mà bao gồm cả muôn loài và muôn
vật. Vật ở đây là những loài vật thấp kém hơn mình và
ngay cả môi trường thiên nhiên.
Cho nên Thầy nghĩ, ba châm ngôn của gia đình phật tử
hay chính xác là ba điều luật của ngành Oanh không thôi đã là tuyệt vời rồi. Nó có một cơ sở rất vững chãi.
Muốn thương người và vật thì phải biết thiết lập tình thương đó trên nền tảng
của Phật, của Pháp, của Tăng; phải biết thiết lập tình thương đó từ nơi gia đình
của mình, phải thể hiện sự hiếu kính cha mẹ và thuận thảo với anh chị em ngay
trong gia đình của mình. Phải có điểm cơ bản nầy, thì mình mới đi tới chuyện
thương người và vật được, mới nói chuyện bảo vệ môi trường, môi sinh được; mới
nói chuyện không khí bây giờ bị nhiễm ô và cần phải bảo vệ để cho nó đừng có bị
ô nhiễm được. Còn nếu mình coi cha mình không ra gì, mẹ mình không ra gì, gây gỗ
với anh chị em trong gia đình, thì cơ sở đạo đức và hiểu biết nào để mình có thể
nói tới chuyện bảo vệ môi trường, môi sinh, nói chuyện nhân loại, chúng sinh. Cho nên, chuyện mình thương chúng sinh có thể có được, thương mọi
người có thể có được, có thể làm đẹp xã hội được, khi cơ sở mình đã có được.
Thực tập được chất liệu em tưởng nhớ Phật, em kính mến
cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, lúc đó em mới có thể thương người và vật. Khi mình nói thương người và vật, thì
mình có cơ sở bảo chứng, như ngân hàng phát tiền tệ ra, nhưng phải có
kim ngân bảo chứng, nếu không có vàng để bảo chứng, thì tiền tệ lưu hành
bị lạm phát. Cũng vậy, mình nói quá nhiều về tốt đẹp, về đạo
đức, nhưng không có gì để bảo chứng, thì lời nói của mình không có tác dụng gì
mà trở thành ra nói láo, vô ích. Đức Phật đã nói rằng,
“Như lai là gì? Như lai nghĩa là những gì Như lai nói, thì Như Lai đã làm; những gì
Như Lai đã làm, thì Như Lai mới nói”. Nhờ tính chất như
thực đó, mà đạo Phật mới tồn tại.
Đạo Phật tồn tại là nhờ tính chất như thật của nó.
Và Thầy nhắc lại, các anh chị em đừng có lo về sự suy
đồi của đạo Phật, vì đạo Phật không bao giờ suy đồi, chân lý làm sao có chuyện
suy đồi được. Suy đồi là do đức tin của người con Phật đối với Phật không đúng, tin
sai, do tin sai nên người ta hiểu nhầm đó là đạo Phật, chứ chân lý thì không bao
giờ có sinh có diệt, có thăng trầm. Chỉ có căn cơ con người, trình độ con người
có thăng có trầm, có đúng có sai mà thôi.
Mình phải thực tập để có chất liệu Phật Pháp thực sự để
ứng dụng được những gì đức Phật đã dạy, lúc đó mình nói thì người khác mới nghe.
Chẳng hạn, Thầy nói các anh chị em đừng ăn thịt, cá, hãy ăn chay đi, mà Thầy lại
ăn mặn,
ăn thịt cá, thì làm sao Thầy nói chuyện
ăn chay với các anh chị em có hiệu quả được. Hay bản thân Thầy
lúc nào cũng hút thuốc, thì việc Thầy khuyên các anh chị em đừng hút thuốc trở
nên vô ích, vì lời khuyên ấy chẳng ai nghe, thì nói làm gì. Cũng như có
người nói rằng “xã hội đừng nên tham nhũng” nhưng bản thân người nói lại tham
nhũng thì thà đừng nói còn hơn, cứ im lặng mà ăn thì người ta còn thông cảm, còn
mình cứ nói giọng đạo đức, mà lại sống phi đạo đức, thì không ai tin, mà lại trở
thành bị châm biếm và xã hội từ đó mà rối loạn.
Vậy nên, muốn nói về Tứ tất đàn có ý nghĩa, thì trước
hết mình phải có đời sống trí tuệ và từ bi, phải thực tập lời Phật dạy một cách
thực sự. Và Thầy xin nhắc
lại là mình đừng quá lo về sự suy đồi của đạo Phật. Đạo Phật không có chuyện bị
suy đồi. Chánh pháp không có chuyện bị suy đồi. Cái bị suy đồi thì không thể gọi là chánh. Suy đồi là do căn
cơ, trình độ, nghiệp lực của chúng sinh thấp kém. Có nhiều
người sợ đạo Phật suy đồi, nên cố gắng làm tôi mọi cho thế lực này, thế lực khác
để mong đạo Phật được hưng vượng. Cơ sở đã sai, làm sao tồn tại được! Cho nên, Phật tử phải giữ khí tiết của mình.
Vì vậy, khi mình hiểu được Thế giới tất đàn, hiểu được Đệ nhất nghĩa tất
đàn đi từ đâu, mình mới biết các bậc tiền bối trong gia đình phật tử có một tuệ
giác tu học về Phật Pháp rất lớn, rất vững chãi; có một công trình tu luyện và
thâm tín đối với Tam Bảo và yêu quý tổ chức của mình rất nhiều, mới rút ra được
những cốt tủy để tạo nên những châm ngôn và điều luật cho gia đình phật tử như
thế..
Châm ngôn có đó, điều luật có đó. Có những người thực hiện tốt, có những người thực hiện chưa tốt, có
những người dường như không chịu thực hiện, nhưng vẫn nói mình là Phật tử.
Nếu chúng ta là thuộc tổ chức gia đình phật tử, thì chúng ta
phải hiểu cho rõ những thành phần như vậy, để có thể đưa họ đi về với ý nghĩa
chính đáng.
3- Ứng dụng Tứ tất đàn vào ba điều
luật:
Nhân đây, Thầy sẽ nói về mối liên hệ của ba điều luật
ngành Oanh, liên hệ đến Tứ tất đàn.
Thứ nhất, “em tưởng nhớ Phật” là Đệ nhất nghĩa tất đàn,
vì nó là thuộc về niềm tin. Hễ là người tin Phật thì sẽ nói Phật là “số một”, điều đó
không có gì ngạc nhiên cả. Tôi tin Phật thì Phật của tôi là số
một. Chứ đừng vì ngôn ngữ xã giao, đi đến chỗ khác thì
nói “chúa mới là số một, còn Phật của tôi là số hai” để có cơm áo, để được mời
vào phòng ngồi, để xã giao với ngoại đạo là không đúng. Thế gian tất đàn
như vậy là hỏng! Như vậy là đã đánh mất mục tiêu của mình. Cho nên một người tin Phật nói rằng “Phật của tôi là số một” thì
không ai cho đó là nói ngoa hết. Nói như vậy là đúng, đúng với người tin
Phật! Còn nếu tin Phật mà nói “Phật số hai, chúa số một” thì người ta sẽ cho là
mình nói xạo. Không ai tin Phật mà cho Phật là số hai.
Nếu Phật là số hai thì tin làm gì, sao không đi tin chúa! Cho nên, em tin Phật
thì Phật của em là số một! Đó là đệ nhất nghĩa tất đàn về niềm tin.
Và trong Đệ nhất nghĩa tất đàn này có cả
ba tất đàn còn lại để yểm trợ cho nó. Nên, em tin Phật, em tưởng nhớ Phật là Đệ
nhất nghĩa tất đàn. Biết như vậy thì mình phải làm gì? Mình phải dùng Đối trị
tất đàn để đưa em đó đi về với niềm tin Phật, với “tưởng nhớ Phật”. Mình phải
ứng dụng Vị nhân tất đàn để biết được cá tính của mỗi người nhằm đưa em đó đi về
với niềm tin “Phật là số một”. Nếu em nghĩ rằng khoa học là số một mà Phật không
phải là số một, thì mình phải sử dụng Các các vị nhân tất đàn để làm cho em thấy
khoa học chưa phải là số một. Ví dụ, vào thế kỷ 18 khoa học mới phát minh ra
kính hiển vi, mới có khái niệm về vi trùng học, thế mà 26 thế kỷ trước, đức Phật
đã nói trong ly nước có vô số vi trùng. Khoa học chỉ là kiểm chứng lại những gì
đức Phật đã nói, nên trí thức của khoa học không thể sánh bằng với tuệ giác giác
ngộ mà đức Phật đã chứng nghiệm được. Và các nhà khoa học chỉ thấy được vi trùng
thông qua các dụng cụ thí nghiệm mà không phải bằng mắt thường, trong lúc đó,
Phật không cần dùng bất cứ một thí cụ khoa học nào cả, Ngài nói bằng tuệ giác,
bằng sự chứng ngộ trực tiếp. Nên trí thức khoa học không thể so sánh với Phật
được. Mình phải chứng minh cho rõ điều đó. Việc chứng minh như vậy là Vị nhân
tất đàn, để đưa họ đi về với Đệ nhất nghĩa tất đàn: là niềm tin Phật. Và để
chứng minh được, mình phải biết sử dụng ngôn ngữ khoa học, biết diễn tả các dụng
cụ khoa học, biết ứng dụng kiến thức khoa học. Ngôn ngữ khoa học phải là ngôn
ngữ cụ thể, có chứng minh hẳn hoi, chứ không phải là ngôn ngữ của thi ca hay
triết học. Mình phải biết rõ và ứng dụng Thế gian tất đàn vào điều đó, để đưa
điều đó đến Đệ nhất nghĩa tất đàn.
ảnh:
Trại Dũng-Gdpt Đức Chơn
Đối trị tất đàn cũng vậy. Nếu người ta
không có niềm tin đối với Phật mà chỉ có niềm tin đối với khoa học, thì trước
hết mình thuận theo họ, mình nói về niềm tin khoa học, rồi sau đó chuyển niềm
tin khoa học nơi đối tượng cần giáo hóa đó đi về với niềm tin của Phật. Bởi vì
niềm tin khoa học, dù là giỏi đến mấy, cũng vẫn còn nằm trong dục giới, sắc
giới, vô sắc giới mà thôi, chưa thoát ra được ba cõi ấy, chỉ có niềm tin Phật
mới thoát ra được luân hồi sinh tử, thoát ra khỏi sinh-già-bệnh-chết. Một nhà
khoa học dù tài giỏi đến mấy cũng không thể thoát khỏi cái bị sinh, bị già, bị
bệnh, bị chết. Mình phải chứng minh như vậy, để đưa người có niềm tin khoa học
đi tới với niềm tin Phật một cách rốt ráo.
Điều luật thứ hai là “em kính mến cha mẹ
và thuận thảo với anh chị em”. Đây là căn bản và mục đích đạo đức con người ở
mặt huyết thống. Từ căn bản đạo đức huyết thống đó mà liên kết với nhau, tiến
tới hình thành đạo đức xã hội. Tôn giáo cũng thiết lập trên nền tảng đạo đức
này. Không có tôn giáo nào trên thế giới khuyến khích con cái hỗn xược và bất
hiếu với cha mẹ. Cũng không có tôn giáo nào kích động anh em trong nhà gây chiến
và bất hòa với nhau. Nếu người nào bất hiếu với cha mẹ, bất hòa với anh chị em,
người đó sẽ không có mặt ở nơi cảnh giới mà các tôn giáo đề cao. Vì vậy, như
ngài Long Thọ nói, trong mỗi tất đàn đều có đầy đủ cả ba tất đàn kia, nên ta
biết rằng : trong điều luật “ em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em”
của GĐPT, cũng có đầy đủ cả Tứ tất đàn.
Mục đích là mình muốn dạy cho các em về
đạo đức huyết thống, thì mình phải đề cao sự kính mến cha mẹ và thuận thảo với
anh chị em. Đề cao như vậy, được xem như là Đệ nhất nghĩa tất đàn. Rồi mình phải
làm như thế nào để các em kính mến cha mẹ ? Ví dụ mình nói rằng: “công cha như
núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cách nói ấy là Vị nhân tất
đàn hay là Đối trị tất đàn, hay Thế gian tất đàn để đưa các em đi đến mục tiêu
là kính mến cha mẹ, thuận thảo với anh chị em. Và mục đích của sự kính mến,
thuận thảo này là gì? Là tạo ra được sự bình ổn của đạo đức gia đình và sự bình
ổn của đạo đức xã hội. Nhưng, tạo ra sự bình ổn đạo đức gia đình và xã hội để
làm gì? Để từ nơi đó mà thực hành chánh nghiệp, để đi tới với Phật đạo.
Do vậy, từ nơi châm ngôn “em kính mến cha
mẹ và thuận thảo với anh chị em” vẫn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, tùy theo mức độ
hướng dẫn mà mình nâng nó lên.
Thứ ba là “em thương người và vật”. Đệ
nhất nghĩa tất đàn ở đây là các vị Bồ Tát luôn luôn rải lòng từ bi, thương
người, thương vật, thương hết thảy chúng sinh. Như Thầy đã nói, xã hội Phật giáo
bao trùm hết thảy lục đạo chúng sinh; bao gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới,
chứ không phải chỉ bao gồm ở nơi xã hội loài người nhỏ bé này. Nếu chỉ nhìn vào
xã hội nhỏ bé này để hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội, thì không bao giờ
giải quyết thành công được. Vì thế, muốn giải quyết các vấn đề của xã hội con
người, ta phải tiến tới để có một cái nhìn phi xã hội con người. Khi đã hiểu rõ
những cái phi xã hội con người, thì ta mới có thể hiểu được xã hội con người.
Phải hiểu như thế thì mới có thể thương người và thương vật được.
Khi một người đã thương người rồi, thương
vật rồi, thì lẽ đương nhiên họ có thể tiến tới thương các bậc thánh, thương Phật
và kính trọng Phật, đặt đức tin vào nơi đức Phật. Thương vật, nghĩa là thương
những loài vật có phước báo kém hơn loài người. Vì sao mà thấp kém? Vì do nhân,
duyên, quả của nó thấp kém, nên phải chịu nghiệp báo thấp kém như vậy. Do đó,
mình thương nó, chăm sóc nó và tạo cơ hội cho nó có điều kiện để tiến lên. Đó là
tinh thần của Bồ Tát, mà các bậc tiền bối của chúng ta đã đưa vào trong châm
ngôn thứ ba này một cách rất nhẹ nhàng, lại rất sâu thẳm, nhưng vô cùng thực tế.
Khi một em oanh vũ không bẻ cành hoa, ép
vào trong sách của mình để làm của riêng, thì em đó đã biết bảo vệ loài vật rồi,
đã biết thương người thương vật rồi. Bởi vì vườn hoa là của chung, mình không
thể đi tới chậu hoa hay vườn hoa để ngắt hoa ép vào vở của mình, làm như vậy là
mình không thương vật, cũng không thương người, vì người trồng hoa rất vất vả,
người bảo vệ hoa cũng rất vất vả, mà hoa cũng rất vất vả để có thể lớn lên và
trổ hoa, mình ngắt hoa ép vào vở, chứng tỏ là mình đã không thực tập điều thứ ba
này một cách thấu đáo, một cách thực tế, một cách sâu sắc, một cách toàn diện.
Và các em thực tập, phát huy được điều này, thì các em không bao giờ đi bắt
chuồn chuồn, ngắt cánh rồi thả cho chuồn chuồn bay. Chuồn chuồn bị ngắt cánh làm
sao mà bay! Do đó, từ thương một con vật nhỏ, một đóa hoa nhỏ như thế mà tâm từ
bi của mình lớn lên. Khi tâm từ bi lớn lên thì mình sẽ không giết hại ai. Loài
vật mà mình còn thương, còn bảo vệ; một đóa hoa rừng, mình cũng không làm thương
tổn, thì làm sao mình có thể làm thương tổn con người. Con người mình còn không
làm thương tổn, thì làm gì có chuyện mình làm thương tổn cha mẹ, thầy bạn, anh
chị em của mình! Khi mình không làm thương tổn ai, chính là mình đã có ý thức
bảo vệ sự sống, đã thực tập một cách viên mãn giới không sát sanh của người Phật
tử.
Và khi đã thương rồi, mình sẽ bảo vệ, chứ
không ăn trộm của người ta. Thấy của rơi, nhặt được, mình đem trả lại. Cho nên,
một người đã thực sự thương, có chất liệu của trí tuệ, của từ bi, người đó không
bao giờ đi ăn trộm của ai.
Rồi mình thương mọi người, thương mọi
loài, mình sẽ không nở làm tổn hại đức hạnh của họ, đâu nỡ làm tổn hại tiết hạnh
của người ta. Mấy anh chị em mà thương quý nhau, tôn trọng nhau thì không bao
giờ có chuyện lăng nhăng với nhau để tình cảm trở nên thấp kém, mù lòa, hư hỏng
dẫn đến những hành động tệ hại gây tan rã hạnh phúc gia đình người khác và làm
tan nát nhân cách của chính mình. Từ đó mà giữ được giới không tà hạnh.
Khi mình đã thực tập và biết thương người
và vật, mình sẽ không nói láo. Mình ghét người ta thì mới nói láo với họ cho bỏ
ghét, chẳng hạn, có người hỏi “nhà bác A ở đâu”, mình biết, nhưng vì ghét, nên
mình nói nhà bác A không có ở đây, để họ đi tìm loanh quanh cho bỏ ghét. Vì do
ghét, do thù hận mà nói láo, do vô minh mà nói láo, do tham dục mà nói láo; chứ
còn do tình thương chân thật, thì không đời nào mình nói láo hết, mà trái lại,
khi người ta hỏi, mình còn bày vẽ cặn kẽ nữa.
Khi “đã thương người và vật”, mình sẽ
không uống rượu say. Vì sao? Nhìn vào ly rượu, mình thấy có biết bao nhiêu lúa
gạo, bao nhiêu bông hoa, bao nhiêu nho, bao nhiêu thảo dược… đã bị nghiền nát
thành rượu để mình uống, bao nhiêu công nhân đã lao tác để tạo nên chén rượu cho
mình uống. Vì thế, nhìn vào ly rượu, mình thương bao nhiêu người đang đói nghèo
cần đến những thứ tạo nên rượu đó. Nếu mình nhìn ly rượu mà không thấy được
những thứ đã tạo nên ly rượu thì không đời nào mình thương người và vật một cách
có ý nghĩa. Do thấy được như thế, nên mình giữ được giới không uống rượu một
cách thoải mái.
Mình giữ giới được là nhờ mình có cái
nhìn sâu, nhờ có trí tuệ, nhờ có tình thương. Còn nếu thiếu trí tuệ, thiếu tình
thương, thiếu sự thiền quán sâu sắc, thì chuyện giữ giới là khó. Khi một người
không giữ giới sát sanh, không giữ giới trộm cắp, không giữ giới nói láo, không
giữ giới tà dâm, không giữ giới uống rượu, thì làm sao người đó có thể đóng góp
sự có mặt của mình cho sự xây dựng một xã hội tốt đẹp được, và làm sao đem lại
hạnh phúc cho gia đình, cho xã hội được.
Vì lẽ đó, muốn xây dựng được một xã hội
tốt đẹp, mình phải hiểu Tứ tất đàn và ứng dụng tứ tất đàn đó vào trong mọi lãnh
vực sinh hoạt của xã hội.
Như vậy là Thầy đã trình bày xong phần
“ứng dụng tứ tất đàn vào sinh hoạt xã hội và chuyển hóa xã hội theo tinh thần
Phật giáo”.