Vĩnh Hảo
Đã có mấy chục
người chết
khi lái xe qua ngọn đồi ấy. Cùng một cái chết
giống nhau. Xe lao xuống vực thẳm khi vừa vượt lên khoảng đường cong, chỗ
cao nhất.
Người ta
không
tin là nơi đó có oan
hồn của người chết lôi kéo những
người khác vào tai nạn.
Nhưng dù thế nào thì
do thân nhân của nhiều người đến thăm viếng, đốt nhang hay nến tưởng niệm, nơi đó được dựng lên một cái bia, cạnh một tảng đá bàng lớn.
Xe qua lại, nhìn tấm bia ấy,
không khỏi rùng mình.
Theo khám nghiệm và báo cáo
của cảnh sát, những người lái xe, có người trong máu có rượu,
có người không. Không
thể
nói là do say. Đàn ông cũng có,
đàn bà cũng có; già
cũng có, trẻ cũng có. Không thể nói là
do vững hay không vững tay
lái. Người giàu cũng
có, người nghèo cũng có. Không thể nói là
do bế tắc tài chánh đến
nỗi tự sát. Xe tốt
bền cũng có, xe cũ rích cũng
có. Không thể nói là
do máy xe
tốt xấu. Chỉ có một
điểm chung
là tất cả xe đều
gặp nạn vào ban đêm, vào những giờ khuya khoắc không có xe vãng
lai. Khi xe bị
nạn, không ai chứng kiến. Không phải vì tránh
một xe
ngược chiều
mà lao
xuống
vực, cũng không tông nhằm
xe nào
khác
trên đường.
Tất cả đều là những tai nạn âm thầm
trong đêm. Xe, một người lái, lên đồi
cao, tử nạn.
Cảnh sát
không
sao truy tìm được nguyên do, tạm kết luận rằng những người tử nạn đều thất tình. Ở đời này, ngoại trừ tình yêu ra,
chẳng có điểm chung
cùng nào cho những người nam-nữ, tốt-xấu, già-trẻ,
giàu-nghèo, cẩn thận hay ẩu tả. Chỉ có tình yêu, sự phụ
tình, bạc tình, thất tình, đẩy họ đến quyết định giống nhau mà thôi. Nhưng giả thuyết này cũng không vững, vì thân nhân của
những nạn nhân đều phủ nhận sự thất tình hay chán
đời
của những người tử nạn. Trái lại, người
ta còn
chứng
minh những người ấy đều tha thiết yêu đời, hăng hái sống và làm việc.
Các kỹ sư công chánh
cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng các góc độ,
cong, phẳng, nghiêng,
cao, thấp, sâu, rộng, thấy không có vấn đề
gì trên
đoạn
đường đó
cần phải sửa chữa. Lý do tử nạn vẫn còn là
điều bí ẩn. Một vài cái bảng
khuyến cáo là nên lái
xe cẩn
thận trên đoạn đường
đèo, và tốt nhất không qua đèo vào ban đêm.
Bẵng đi một thời gian dài, hầu
như chục năm mới có một tai
nạn tương tự. Và các
tai nạn lưa thưa lác đác như
thế, không còn là điều
bận tâm đến nỗi chạy tít lớn trên báo chí trang
nhất nữa.
Đó là
chuyện
của thời xưa, thời đại mà con người chưa có những máy móc tân
kỳ như máy thâu âm,
thâu hình, điện thoại di động, Iphone, Ipad…
Bây
giờ, có người quyết tâm tìm cho
ra nguyên cớ tử nạn của những người lái xe
qua đèo ban đêm. Cha của y là
một trong số những nạn nhân của hơn hai mươi năm trước.
Nghiên cứu một cách khoa học và kỹ lưỡng,
y tìm ra hai điểm y cho là rất
quan trọng mà cảnh sát,
các phóng viên và thân
nhân của những người bị nạn chưa bao giờ
để ý đến
trước đây. Đó là các đêm
xảy ra tai nạn đều
là đêm trăng, và những người lái xe qua đèo,
bị nạn, đều là nghệ sĩ (nhà thơ, nhà
văn, nhạc sĩ, họa sĩ).
Tự mình lái xe lên đèo vào
một đêm trăng. Y dùng máy thâu hình,
vừa lái xe, vừa
tự thuật.
Đây, tôi đang lên dốc. Trong khi ánh trăng trải rộng dưới thung lũng thì cho đến
lúc này, tôi vẫn chưa
thấy trăng.
Khúc đường này tối mịt,
vì trăng khuất phía bên kia.
Tôi như ở trong một hang động, nhìn ra bầu trời
phản chiếu ánh trăng từ nơi xa nào đó.
Khoảng đường
này khá
hẹp,
nhưng an toàn, vì giờ này
cũng chẳng xe nào lên đây. Ánh
đèn xe
của tôi dường như sáng lên nhiều
khi đi qua vùng khuất tối này. Vẫn chưa thấy trăng ở đâu.
Đá lởm chởm nhô lên từ
hai bên
đường,
trông như những con gấu chồm lên chào đón tôi.
Có con nai đi thong thả qua đường, rồi vụt chạy khi thấy ánh đèn xe của tôi loé lên
từ đầu đường. Nơi đây
thật yên tĩnh. Chỉ có tiếng máy xe của tôi rung lên nhè nhẹ.
Tôi sắp đến đỉnh đồi.
Qua khúc cong này
sẽ ra khỏi vùng tối. Đây rồi, tôi
đã đến nơi. Đây, cái nơi mà
những người
đi trước tôi… Ồ, trăng! Trăng! Ôi… trăng!!!
Một tai
nạn
nữa lại xảy ra vào
đêm trăng hôm ấy. Cảnh
sát và
phóng
viên lại đến làm thủ tục. Lần này, phóng viên ghi
rõ hơn: nạn nhân là một thi
sĩ.
(13.7.2011)