Hy vọng

HY VỌNG

Chân Hữu

 

Cuộc đời đúng như lời của một triết gia Tây phương: “Nếu nhìn gần thì cuộc đời là một bi kịch, nhìn xa thì cuộc đời là một hài kịch”. Nhưng, có lẽ cả hài kịch và bi kịch đều là những yếu tố chính để chắp đôi cánh thơ, cho cuộc đời vốn mãi xanh tươi. Có thật sự thấm đẫm những nỗi niềm như: khổ đau, hạnh phúc, hy vọng, tuyệt vọng… mà cuộc đời ban tặng, ta mới thấu hiểu được nỗi buồn thân phận của kiếp nhân sinh. Trong cái chuỗi thời gian bất tận của sự sống ấy, mỗi cá nhân chỉ hiển hiện ngắn ngủi rồi mất hút giữa mênh mông.

Sự hiện hữu nào rồi đều cũng nhạt nhòa tan biến, nhưng cũng có sự hiện hữu của những người mà nỗi đau và bước đi của họ đã là những bài thơ tuyệt tác.

Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây, nói về một người, mà với tôi, cuộc đời của y giống như một bài thơ hay tuyệt. Y chính là một vị sư huynh của tôi, vị sư huynh mà giờ đây tôi rất mực tôn kính, tuy trước đó tôi vẫn luôn coi thường, và từ sâu thẳm trong lòng còn có phần khinh bỉ nữa.

Y tên là Vô Biên, một cái tên vốn đã bị ngộ nhận, huynh đệ chúng tôi còn tặng thêm cho y một chữ “tham” trước cái tên của y, và hay gọi là sư huynh “Tham Vô Biên”.

Quả thật y rất tham công việc, tham học, tham thiền và nhất là tham tiền. Tiền thì phần đông cuộc đời này ai cũng tham, vì tiền đem đến được rất nhiều thứ; người ta hay nói rằng: “Có tiền mua tiên cũng được”. Điều ấy cũng là một chân lý của cuộc đời! Nhưng, ấy là cuộc đời, bản chất của cuộc đời là luôn luôn khao khát dục lạc. Còn chúng tôi là những người đã xuất gia tu hành, muốn đạt được sự an lạc tinh thần, sự an lạc ấy tiền không bao giờ mua được thì phải biết từ khước mọi phiền lụy trói buộc của thế gian, để dễ dàng hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát cao cả. Vậy mà y thì tìm mọi cách để tích lũy từng đồng, hỏi sao mà chẳng đáng khinh?

Trước đây năm năm thì khác, lúc ấy ai cũng khen ngợi y, lấy y làm tấm gương để noi theo; y rất hiền, siêng năng công việc và rất tinh tấn tu tập. Đời sống trong Tu viện thường ít nói, chỉ nhìn vào hành động của mỗi cá nhân, mà cũng phải thôi-chính sự kiện là lời nói minh bạch nhất.

Chùa chúng tôi cách xa phố thị, trên một ngọn núi cao ngất ngưỡng, bốn mùa có mây bây thật thấp, diện tích chùa hơn một trăm mẫu ta, toàn bộ núi đồi đã được trồng thành rừng, địa thế rất lý tưởng cho đời sống tu hành vốn cần nhiều yên tĩnh. Ở cái thời đại văn minh máy móc này, chuyện ẩn sĩ, chuyện luyện công, chuyện đàm đạo thơ văn và triết lý, chuyện khổ hạnh “đầu đà chân đất”, chuyện nhập thất thiền định, chuyện nhịn ăn tập thở khí trời… là những chuyện mà người ta cứ ngỡ chỉ có trong truyện hay phim kiếm hiệp, ấy vậy mà những chuyện ấy chỉ là chuyện thường nhật trong chùa chúng tôi.

Sư phụ của chúng tôi là một người rất ít nói, nên mỗi lời người nói ra là chúng tôi tôn trọng tuyệt đối. Không hiểu Vô Biên đã nói gì với sư phụ, một lần họp đại chúng, thầy nói với chúng tôi:

- Từ nay trở đi, thầy cho phép Vô Biên được miễn công việc tập thể, để ra canh tác đám đất trồng phía sau hồ.

Bắt đầu từ đó, mọi người thấy y thay đổi hẳn. Y dường như để hết công sức và tâm trí cho việc trồng trọt. Sáng. Trưa. Chiều… lúc nào y cũng ở ngoài vườn: Sau mấy tháng làm việc quần quật, đám đất kia giờ đã tinh tươm, sạch cỏ, lúc nào rảnh thì y đi quanh rừng, với đôi gánh trên vai, hốt từng đống phân trâu, phân bò vương vải của những đàn gia súc dân làng chăn thả. Hình ảnh của một nhà sư đi hốt phân, chúng tôi thấy thật khó coi, vậy mà y vẫn nhẫn nại một cách bình thản. Mới đầu, thấy y quá vất vả, các huynh đệ thường giúp y một tay. Nhưng công việc của y quá mất thời  gian nên dần dần mọi người rút lui và để cho y tự làm một mình. Cũng đúng thôi, bởi mục đích của chúng tôi đến đây là để tu tập chứ đâu phải trở thành nông dân.

Khi y đi Đà Lạt và đem về hơn một ngàn gốc hoa hồng thì mọi người mới vỡ lẽ ra là y trồng hoa hồng. Sau này, chúng tôi được biết, số tiền mua cây giống ấy y mượn của một người bà con.

Nhân nào quả nấy - ấy là một định luật tất yếu! Nhờ sự siêng năng cần mẫn, hay nhờ tấm lòng của y, chắc là nhờ cả hai, nên vườn hoa hồng của y xanh tươi vùn vụt. Y đọc đủ loại sách về hoa hồng rồi mày mò cắt ghép. Một năm sau hoa hồng của y đua nhau nở rộ. Những bông hồng trồng ở xứ Huế mà to và cao như trồng ở Đà Lạt vậy. Hoa rất nhiều màu sắc, một lần chúng tôi đếm thử được tất cả chín màu. Người ta nói rằng, ở Huế y là người trồng hoa hồng đầu tiên thành công đến vậy. Vườn hồng lộng lẫy, và đẹp như một bức tranh tuyệt mỹ, ngắm nhìn hoa hồng tôi cảm thấy không ngoa, khi người đời gọi nó là chúa của tất cả các loài hoa. Chẳng mấy chốc mà vườn hoa chùa của chúng tôi đã nức tiếng gần xa. Những người yêu hoa từ dưới thị thành kéo lên xem nườm nượp, hương sắc vườn hồng đã thơm lây sang chúng tôi.

Cái đẹp tự thân nó đã là một triết lý. Cũng vậy cảm nhận cái đẹp và sở hữu cái đẹp là điều mà ai ai cũng muốn. Người ta thường lên chùa mua hoa của Vô Biên. Đám cưới, tiệc tùng hay bất cứ một cuộc lễ sang trọng nào người ta cũng đều lặn lội lên đây, mua cho bằng được hoa hồng của y để trang hoàng và cũng để chứng tỏ vẻ sành điệu. Y thản nhiên bán và tính tiền một cách sòng phẳng. Y thuê hẳn một người ở dưới làng lên làm công cho y, giờ y đã có người giúp chăm bón và cắt tỉa. Một cửa hàng hoa danh tiếng dưới phố đã hợp đồng mua hoa của y, với giá một bông đúng kích cỡ là một ngàn đồng. Y suy tính có lợi, bèn đồng ý.

Cuộc đời không bao giờ bằng phẳng, vì bản chất của cuộc đời là vô thường. Thiên nhiên vốn hiền dịu với mọi loài, nhưng đôi khi trở chứng, thiên nhiên cũng chứng tỏ sức mạnh độc tài của nó. Trong một cơn mưa đá thình lình, toàn bộ vườn hồng đang tươi thắm bị bầm dập thê thảm. Những nụ non xinh xinh, những búp hoa kiềm diễm, mang cốt cách thanh tao; đều bị bàn tay lạnh lùng của tạo hóa ném đá tả tơi. Tuy không phải chính mình là  người trồng hoa ấy, nhưng cái cảnh tàn phá kia ai thấy cũng đau lòng.

Chính kinh nghiệm của sự thất bại chứ không phải ai khác, là người thầy tốt nhất giúp chúng ta đi qua mỗi chặng đường, dù đôi khi thất bại tưởng chừng như đã đè bẹp ý chí của ta. Sau nỗi buồn thấm thía ấy, Vô Biên gượng lại rất nhanh. Nhờ có sẵn số tiền bán hoa bấy lâu, y mua rất nhiều bạt nilông về làm giàn che mưa cho hoa. Chúng tôi đều ra vườn giúp y một tay, người đi chặt cây, người đi giăng dây… Và rồi cái dàn che mưa cũng hoàn tất. Bây giờ cái dàn của y thật đồ sộ, có vẻ rất chuyên nghiệp.

Không khí trên núi cao như rất thích hợp với hoa hồng, một phần do Vô Biên không tiếc phân nên qua năm sau vườn hồng của y lại nở rộ. Du khách lại đến tham quan với sự ngưỡng mộ, hợp đồng bán hoa trước kia giờ được tiếp nối. Mỗi tuần y cắt được cả ngàn hoa hồng, người ta đem xe lên tận chùa lấy hoa. Từ đây cứ thong dong mà nhận tiền.

Nếu không xảy ra vụ mất trộm, thì chúng tôi không ai nghĩ Vô Biên nhiều tiền như thế. Buổi sáng, chúng tôi đang ngồi uống trà với sư phụ, thì y xuống báo tin:

- Bạch thầy, hôm qua có kẻ trộm cậy cốc con và đã lấy hết số tiền mà bấy lâu con dành dụm.

Thầy trầm ngâm, chúng tôi ngơ ngác. Không biết tay đạo chích nào mà cao thủ như thế, chọn đúng cốc của Vô Biên, chứ cốc của chúng tôi, nếu có lẻn vào thì gặp toàn là kinh sách. Trong ngôi chùa này, mỗi chúng tôi đều ở riêng một cốc nhỏ để tiện cho việc độc cư thiền định. Không gian chùa rất rộng, mỗi cốc đều cách nhau khá xa, xung quanh là rừng nên rất khó phát hiện được kẻ gian đột nhập. Cốc nào cũng có khóa riêng, nói thì nói vậy chứ cốc làm bằng tranh tre, không cần cậy khóa mà khoét vách cũng rất dễ dàng. Năm nào chùa cũng xảy ra một vài vụ mất trộm, lúc thì cái máy cassette, lúc vài trăm ngàn…

Thầy nhìn Vô Biên với ánh mắt cảm thông:

-  Con bị mất bao nhiêu?

- Dạ bạch Thầy, đúng mười triệu.

- Con có biết mất vào lúc nào không?

- Dạ vào khoảng từ sáu giờ đến tám giờ tối, lúc đó con xuống công phu dưới chánh điện, khi trở về thì thấy cửa sổ mở và phát hiện gói tiền đã mất.

-  Con có nghi ai không?

- Bạch thầy, trong chùa thì không, nhưng con nghi thằng Bợm dưới làng, chiều qua con thấy nó lởn vởn trước chùa mình.

- Dạ đúng đó thầy, chiều qua con đi học về cũng nhìn thấy thằng Bợm đi lên chùa mình. Một vị sư đệ trẻ khẳng định.

Mọi người đưa ra ý kiến là nên báo cảnh sát để họ điều tra. Nhưng Vô Biên từ chối vì ngại phiền đến huynh đệ; lý do y đưa ra: là khi cảnh sát điều tra là họ sẽ làm việc từ trong nội bộ trước, hơn nữa y cũng chưa dám khẳng định có phải thằng Bợm lấy hay không nữa. Lỡ không phải thì tội cho nó. Y xin thầy để cho y xuống núi để điều tra. Thầy đồng ý và cử sư đệ  Vô Ngại lấy xe chở đi.

Y cùng Vô Ngại đi suốt ngày, mọi huynh đệ đều sốt ruột chờ xem kết quả, đến tối khuya họ mới trở về. Sáng hôm sau y ra vườn tưới hoa và không nói gì cả. Vô Ngại kể cho thầy và chúng tôi nghe đầu đuôi câu chuyện.

- Bạch thầy cùng các sư, hôm qua con chở sư huynh Vô Biên xuống làng tìm nhà thằng Bợm. Mất cả tiếng đồng hồ tìm kiếm, tới nơi thì nhà nó không có ai, đứa nhỏ hàng xóm bảo là nó đi đâu từ sớm. Sư huynh dò hỏi những người xung quanh, rồi con chở sư huynh đi khắp những chỗ ăn chơi mà người ta nói nó thường lui tới. Đến chiều mà vẫn chưa gặp được nó. Chúng con có trở lại nhà nó ba lần, mà nó vẫn chưa về. Đến tối, trở lại thì gặp nó đang tắm ở nơi cái giếng trước nhà. Thấy sư huynh và con vào, mặt nó tái mét không còn giọt máu. Lúc đó con linh cảm biết chắc nó là thủ phạm. Sư huynh tế nhị gọi nó ra một chỗ vắng rồi nói:

- Hôm qua sư bị mất tiền, dấu chân của kẻ đột nhập vẫn còn nguyên trên cốc. Chiều hôm qua chính mắt sư trông thấy con và có người khác cũng trông thấy con đi lên chùa. Bây giờ sư hỏi một tiếng, nếu con không nhận thì sư lập tức đi báo cảnh sát hình sự, họ sẽ lấy dấu tay rồi đều tra, chắc chắn sẽ ra ngay; dĩ nhiên, lúc ấy sư không thể can thiệp được mà để cho họ xử lý kẻ trộm theo pháp luật.

Lúc đó con chen vào một câu hù dọa, Vô Ngại kể:

- Sư huynh đứng đây làm việc với nó, để đệ ra gọi cảnh sát, họ sẽ lên liền. Sư huynh cản con lại:

- Có gì hãy từ từ, nếu nó có tâm hối hận thì mình hãy mở cho nó một con đường. Rồi sư huynh nói với nó:

- Mấy lần trước con ăn trộm trên chùa, sư cũng đã tha cho con. Bây giờ sư chỉ cần con trả lời, có lấy hay không. Nếu con có lấy thì sư hứa sẽ tha cho con một lần nữa, còn nếu con bảo không thì chúng ta chẳng còn gì để nói nữa, sư sẽ ra báo cảnh sát ngay lập tức. Lời của sư huynh thật chân thành nhưng toát lên vẻ nghiêm khắc, dường như đã làm nó sợ hãi.

- Bạch sư, con lỡ dại, xin sư tha cho con, đừng báo cảnh sát mà họ bắt con đi ở tù, con sợ lắm. Giọng nói của nó run rẫy.

-  Vậy thì hãy trả tiền cho sư!

- Thưa sư! Con lỡ xài một số rồi, giờ chỉ còn lại ba triệu.

Lúc ấy con chợt nổi nóng lên, chụp cổ áo nó rồi gằn giọng, Vô Ngại vừa kể vừa đưa tay diễn tả:

- Mày nói sao? Mới có một ngày một đêm mà mày “lỡ” xài bảy triệu hả, mày có biết chừng đó tiền sư huynh của ta phải tốn bao thời gian và công sức không?

Sư huynh gỡ tay con ra khỏi nó, rồi từ tốn bảo với con:

- Thôi sư đệ, lấy lại được chừng đó còn hơn là mất sạch.

Quay qua thằng Bợm, sư huynh nói với nó mềm mỏng như là đang thuyết pháp vậy:

- Từ nay trở đi con đừng bao giờ lên chùa ăn cắp nữa nhé. Người ta cúng dường đến Tam Bảo không hết, con lại đi ăn cắp như thế này, tội nặng lắm đó biết chưa?

- Dạ, dạ, xin hai sư chờ con, để con vào nhà lấy tiền trả lại. Nó quay lưng đi nhanh vào nhà, chúng con đều lắc đầu ngán ngẫm. Đã bao lần nó lên chùa mình ăn cắp mấy sư cứ tha cho nó hoài; bữa nó lấy thùng phước sương, mọi người mà nghe lời con, giao cho cảnh sát thì bây giờ đâu có chuyện gì. Một lát sau, nó bước vội về phía chúng con, có tiếng ồn ào lao xao vọng ra từ trong nhà của nó.

- Bạch sư, đây con xin trả lại cho sư, số còn lại khi nào có con sẽ trả cho sư sau.

- Thôi được rồi, không cần con phải trả, cứ xem như là sư cho con, sư chỉ mong rằng từ nay con đừng bao giờ trộm cắp nữa, mà phải biết làm ăn đàng hoàng.

Chúng con để nó đứng lặng ở đó, đi vào phía trước sân để lấy xe quay về. Chợt có tiếng phụ nữ tru tréo, rồi một người đàn ông tay cầm cây cuốc hùng hổ chạy tới chúng con, la lớn:

- Mẹ kiếp, mấy thầy ác quá! Mẹ nó mới đi mổ về, mấy thầy lấy hết tiền vậy, chắc thế nào cũng chết. Mà chắc gì tiền đó là của mấy thầy?

Lúc đó con thật bức xúc, cơn sân dâng lên nghẹn ngào, không nói gì được. Sư huynh thì bình tĩnh hỏi người đàn ông:

- Vậy ra mẹ của Bợm đang bệnh ha, Bợm nói gì khi đem tiền về cho chú?

- Mẹ nó đau gan nằm bệnh viện mấy tháng nay, mới mổ tuần trước. Hôm nay bác sĩ cho xuất viện về nhà điều trị. Hôm qua thằng Bợm đem tiền xuống thanh toán và mua thuốc cho mẹ nó. Nó kể là nó lượm được gói tiền của một chiếc xe chạy ngang qua. Giờ mấy thầy xuống đòi nó trả lại, vậy là mấy thầy ép tui phải liều đó, mà lấy gì làm bằng chứng là tiền đó là của mấy thầy? Vừa nói gã vừa rung rung cây cuốc ra vẻ hù dọa.

Thằng Bợm ở ngoài chạy vội đến người đàn ông, nó dang tay ôm gã lại rồi nói:

- Đừng ba, tiền đó là của mấy sư thật, mấy sư đã cho mình số tiền lỡ xài rồi, trả lại cho quý sư là phải lẽ. Mai mình đem cầm nhà để lo cho mẹ cũng được mà.

Sư việc đột nhiên thay đổi, sư huynh đưa gói tiền đang cầm trên tay cho thằng Bợm và nói khẽ:

- Cầm lấy, đây coi như là sự giúp đỡ của quý sư, hãy lo cho mẹ con, cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho bà sớm bình phục.

Sư huynh quay qua bảo con:

- Mình lên núi thôi sư đệ.

Chúng con lên xe, con chợt nghe thấy tiếng cười gằn của người đàn ông nọ.

Thầy và quý sư biết không?

Con tức quá! Không phải là vì số tiền mà vì cách đối xử của họ. Chở sư huynh ra một đoạn khá xa, con dừng xe lại, bảo sư huynh đứng đó chờ con để quên cuốn vở nơi cái giếng. Sư huynh xuống đứng chờ, con chạy thẳng vào nhà thằng Bợm, gọi người đàn ông hung dữ ấy ra gặp:

- Ông có biết số tiền mười triệu đó sư huynh của tôi phải mất thời gian hai năm và rất nhiều công sức không? Ông có biết thằng Bợm con ông hôm qua lên chùa lấy trộm số tiền đó không? Và ông có biết cỡ ông với cấy cuốc trên tay sẽ không đỡ nổi một chiêu của sư huynh tôi không?

Con định làm thêm một trận nữa cho hả dạ, nhưng thấy ông ta há mồm ngạc nhiên nên thôi, quay xe ra rồi đón sư huynh lên núi.

- Đấy là toàn bộ câu chuyện ngày hôm qua. Vô Ngại chắp tay hướng về Thầy và chúng tôi cúi đầu khi kết thúc câu chuyện.

Chúng tôi lặng lẽ ngồi im thật lâu, nghe một cái gì rất diệu vợi dâng lên bên trong. Câu chuyện vừa được nghe sâu lắng quá. Ngoài hiên, những tia nắng chiếu trên thân trúc, long lanh như những giọt nước, gió như ngừng thổi, rừng dường như không còn lao xao với lá.

Thời gian êm ả trôi, bốn mùa an nhiên tiếp nối. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình mà mình đã chọn. Vô Biên cũng vậy, ngoài những giờ công phu cùng đại chúng, y vẫn dành hết thời gian còn lại cho việc chăm sóc vườn hồng của mình. Sau sự kiện mất trộm ấy, chúng tôi giờ đã nhìn y với ánh mắt thiện cảm nhiều hơn. Thỉnh thoảng, chúng tôi ra vườn phụ giúp với y. Có đôi khi cao hứng, y chỉ cho chúng tôi nhiều màu xanh khác nhau của lá. Y nói cho chúng tôi nghe về hoa hồng, về cách chăm sóc. Y bảo hoa cũng giống như người vậy! Có những cái duyên bên ngoài tác động đến sự phát triển hay làm hư hoại hoa, những tác duyên nào xấu thì cần phải ngăn chặn. Y còn nói gì gì đó về việc đúng tiết, đúng thời hoa nở rồi hoa tàn. Nghe y nói về hoa mà chúng tôi tưởng y đang nói về Đạo.

Cuộc đời luôn đổi thay nhưng cũng rất công bằng với định luật bù trừ của nó. Hai năm liền mưa thuận gió hòa. Mùa thu se lạnh và kéo dài cái lạnh đến hết mùa xuân, khiến cho vườn hồng của y xanh tốt đến lạ kỳ. Hoa ra vùn vụt, tuần nào y cũng có hoa bán cho người ta, chúng tôi thường gọi đùa, y là một “phú tăng”; y vẫn nhẫn nại trước những lời châm chọc ấy. Dù rất có thiện cảm với y, nhưng chúng tôi không thể đồng ý với chuyện y quá tham tiền. Không hiểu y quá tham tiền để làm gì? Con đường xuất gia tu tập thì càng ít sở hữu càng hạnh phúc! Vô lý không hiểu?

Rồi mọi chuyện cũng được sáng rõ. Khi hiểu được lý do cần tiền của Vô Biên, thì sự kính phục của chúng tôi đối với y càng tăng thêm thật nhiều.

Hôm đó Thầy cho đánh hai hồi bảng mộc, báo hiệu họp đại chúng. Sau hồi chuông là khóa lễ Tam Bảo. Tụng kinh xong, chúng tôi lặng lẽ ngồi xung quanh Thầy. Mùi hương trầm thoáng nhẹ, Thầy từ tốn nói:

- Hôm nay Thầy cho mở cuộc họp để tuyên bố một lý do. Lý do mà lâu nay các con thường thắc mắc, giờ cũng đã hợp thời, nên Thầy mới nói.

Ngừng một lát, Thầy nhìn khắp đại chúng với con mắt hiền dịu, rồi tiếp:

- Trước đây, Thầy cho phép sư Vô Biên được quyền canh tác riêng, bởi đó là nguyện vọng của sư ấy. Thầy xét thấy nguyện vọng ấy là chánh đáng vì mục đích của nó rất cao thượng. Sau năm năm với nhiều nỗ lực, ý chí kiên định, giờ mục đích cao thượng kia sắp được thực hiện.

Quay sang Vô Biên, Thầy nói tiếp:

- Thầy có lời ngợi khen và chúc mừng con, Vô Biên. Con hãy nói rõ mục đích mà lâu nay con nuôi dưỡng cho đại chúng rõ!

Vô Biên quỳ lên, hướng về Thầy và đại chúng đảnh lễ, giọng y nhỏ nhẹ:

- Kính bạch Thầy, kính bạch Đại đức Tăng! Vì sợ ý nguyện của mình thực hiện không nổi, nên lâu nay con không dám cho đại chúng rõ. Nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, đến nay phương tiện đã chuẩn bị xong, con xin được tác bạch. Sở dĩ lâu nay con chăm chỉ làm việc kiếm tiền để thực hiện ước mơ, được một lần hành hương về xứ Phật. Do cần một số tiền lộ phí quá lớn nên con phải làm việc cật lực, đôi khi bê trễ việc tu tập và làm ảnh hưởng đến đại chúng, cúi xin chư huynh đệ xá tội lỗi ấy cho con.

Vô Biên nói xong, y cung kính lạy xuống ba lạy. Cả hội chúng ngơ ngẩn như xuất thần. Không khí bên trong chánh điện ngập tràn niềm xúc động. Hành hương xứ Phật-chiêm bái “tứ động tâm” là một niềm ao ước của tất cả tu sĩ thuộc vùng biên địa như chúng tôi. Được đến tận nơi đức Phật đản sanh, nơi đức Phật Thành đạo, nơi Ngài Chuyển Pháp Luân, và nơi đức Phật Niết-bàn là một điều chỉ có trong ước mơ. Trong kinh, chính đức Phật cũng dạy-ai mà đến chiêm bái “tứ động tâm”, thì sẽ tăng thêm tín tâm, và nếu trên đường hành hương với tín tâm trong sạch như thế, khi mệnh chung sẽ lập tức sanh về cõi trời! Từ đây qua Ấn Độ quá xa xôi cách trở, nội chỉ tiền vé máy bay cũng đã mấy chục triệu đồng, thành ra chúng tôi không bao giờ dám nghĩ, là mình sẽ có tiền để đến vùng đất Phật. Vậy mà Vô Biên dám biến ước mơ thành hành động, thật đáng khâm phục!

Đại chúng im phăng phắc, mỗi người như theo đuổi riêng mỗi ý nghĩ của mình. Thầy mỉm cười bảo:

- Sao im lặng hết vậy, ngày mai sư Vô Biên lên đường hành hương, có ai muốn gởi gì không?

Vô Ngại là người lên tiếng trước:

- Sư huynh, khi nào sư huynh đến chỗ Bồ-đề Đạo tràng, nhớ thắp cho đệ một cây đèn trí tuệ, cúng dường lên đức Phật nhé, để cho đệ sớm có trí tuệ giải thoát. À, mà sư huynh nên thắp đèn trí tuệ cho tất cả mọi người trong chùa mình, chứ một mình đệ giải thoát trước thì buồn quá. Nói xong, Vô Ngại nhìn chúng tôi cười khúc khích, ai cũng phì cười.

- Được rồi, đến nơi sư huynh sẽ thắp ba mươi cây cho tất cả mọi người.

- Nghe nói gần vườn Lumbini có một tộc người họ Thích sống, đó là những người có dòng họ với đức Phật của chúng ta, sư huynh nhớ đến thăm và chụp ảnh họ đem về đây nhé.

- Ừ.

- Sư huynh nhớ đem đất ở bốn chỗ động tâm về chùa mình thờ nghe sư huynh.

- Đúng đó.

- Ừ… ừ…

Tối hôm đó thật vui, bao nhiêu điều ước vọng của chúng tôi đều gởi cho y đem đi Ấn Độ, y đều hoan hỷ nhận lời. Sáng hôm sau, điểm tâm xong, chờ cho y lên đảnh lễ sư phụ, tất cả chúng tôi đều đưa tiễn y xuống hết dốc núi với thật nhiều lời dặn dò. Sư đệ Vô Ngại là người có vinh dự dùng xe máy của chùa chở y xuống núi, chờ ngày mai bay vào Sài Gòn để xin thị thực nhập cảnh và đăng ký chuyến bay.

Niềm hoan hỷ về chuyến hành hương của Vô Biên rồi cũng lắng xuống. Chúng tôi phải trở về để sống với cái đang hiện tiền. Nội dung của toàn bộ đời sống tu tập là làm sao để luôn luôn sống hạnh phúc và đối diện với thực tại đang là. Dĩ nhiên là rất khó duy trì được tâm sáng suốt trong mọi lúc, nhưng nếu biết nỗ lực đúng cách thì những vọng niệm dấy động mỗi ngày càng bớt đi.

Thật bất ngờ khi hai hôm sau Vô Biên trở về. Khi ấy chúng tôi đang ngồi uống trà buổi sáng cùng sư phụ. Y lên chào Thầy, để cho y đảnh lễ xong, Thầy hỏi có vẻ ngạc nhiên:

- Ủa sao con lại quay về, Thầy tưởng hôm nay con đã ở Sài Gòn rồi chứ?

- Bạch Thầy con chưa đi được, có lẽ chưa đủ nhân duyên.

Y trả lời Thầy chỉ có vậy, rồi xin phép lui về cốc. Mọi người thật khó hiểu. Tính y đã ít nói mà sư phụ còn ít nói hơn. Nếu lúc đó sư phụ hỏi nguyên nhân, thì chắc chúng tôi khỏi phải mất công suy nghĩ. Mấy ngày tiếp đó tôi suy nghĩ mãi mà chẳng hiểu vì sao y quay về. Có lẽ cuộc đời này không ai hiểu được ai. Vì con người là một thực thể cô đơn tuyệt đối. Những nhân cách lớn thì hành tung của họ lại càng khó hiểu hơn nữa!

Một tuần sau, mọi chuyện tưởng chừng như đã lắng xuống, thì bỗng nhiên chùa mở cuộc họp. Đại chúng vân tập đầy đủ ở chánh điện. Sau khóa lễ Tam Bảo, mọi người ngồi xuống xung quanh Thầy. Thầy bảo trải thêm một tọa cụ bên cạnh chỗ ngồi của Thầy. Quay qua Vô Biên, Thầy bảo:

- Hôm nay, Thầy cho phép con lên ngồi đây, cạnh thầy, để cùng nói chuyện với đại chúng.

Vô Biên tiến lên đảnh lễ sư phụ, y kéo tấm bồ đoàn trải sẵn lùi ra phía sau chỗ ngồi của Thầy một nửa, chậm rãi ngồi xuống. Thầy mở đầu cuộc họp một cách nghiêm trang:

- Chùa của chúng ta tuy đông, nhưng rất ít họp, mỗi lần có chuyện gì quan trọng Thầy mới cho triệu tập đại chúng để họp. Buổi họp hôm nay Thầy muốn công bố cho đại chúng một bức thư, mà người ta mới gửi đến chiều nay. Thầy mở cuốn sách bên cạnh, lấy ra một phong thư, đằng hắng rồi Thầy chậm rãi đọc lớn:

 

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu- ni Phật

Kính gửi: Hòa thượng trú trì và chư Tăng chùa Hư Vô,

Trong lúc chúng tôi đang gặp khó khăn về nguồn thuốc ngoại nhập để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV, thì nhận được số tiền 5000 USD của chư Tăng do sư Vô Biên đại diện hiến tặng. Số tiền ấy đã giúp chúng tôi kịp thời xoa dịu nỗi đau thiếu thuốc của những bệnh nhân.

Thay mặt Ban giám đốc điều hành, thay mặt những bệnh nhân nhiễm HIV, chúng tôi xin trân trọng tri ân tấm lòng hào hiệp của quý vị. Cầu chúc quý vị có nhiều sức khỏe để luôn làm lợi lạc cho quần sanh.

Ký tên,

Giám đốc Trung tâm từ thiện  y tế

Đọc xong, Thầy xếp lại lá thư rồi im lặng, ngồi nhắm mắt như nhập định. Ngoài trời tiếng côn trùng chợt lặng yên, không gian và thời gian như dừng lại.

Để cho niềm cảm xúc lắng xuống, không ai bảo ai, tất cả huynh đệ chúng tôi đều quỳ lên, hướng về sư huynh Vô Biên đảnh lễ.

Sáng hôm nay bầu trời thật đẹp, mặt trời đỏ rực ngự trên đỉnh núi, sườn núi ửng đỏ, toát lên vẻ uy nghi rực rỡ. Thiên nhiên bao giờ cũng đẹp hơn tranh vẽ. Giờ này chắc sư huynh Vô Biên đã ra vườn với chú giới tử Vô Dư, chú giới tử Vô Dư này là thằng Bợm thuở trước. Sau khi mẹ nó qua đời, như tỉnh ngộ, nó lên đây xin Thầy xuất gia. Thấy tội, Thầy nhận và giao nó công việc phụ giúp với sư huynh để tích chút công quả.

Tôi phải dừng câu chuyện ở đây thôi, bởi còn phải tranh thủ ra phụ giúp với sư huynh của tôi trồng mấy loại hồng mới nhập về. Tối qua chúng tôi đã thỏa thuận, từ nay tôi sẽ phụ với sư huynh chăm sóc vườn hoa; chờ dành đủ số tiền, tôi sẽ tháp tùng theo sư huynh hành hương xứ Phật. Hy vọng sớm đủ duyên lành, để chúng tôi được thỏa mãn ước nguyện. Hy vọng, tại sao không? w

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle