Trung thu mà không bàn về chuyện ý nghĩa và phong tục tết Trung thu thì ăn cái
bánh Trung thu nó cũng mất ngon. Trong bài viết này Minh Triết xin giới thiệu
đến anh chị em một bài viết về vấn đề nguồn gốc và một số phong tục của Tết
Trung Thu. Đây cũng là một cách nhìn khác mới mẻ.
Hiện nay có rất nhiều trang mạng dẫn link lẫn nhau, sau chép lẫn nhau một bài
viết của một tác giả nào đó cho rằng tết Trung Thu của người Việt xuất phát từ
Trung Hoa điều này không hẳn sai nhưng cũng chưa hẳn chính xác bởi vì cái tết
Trung thu của người Việt hoàn toàn khác tết Trung thu của người Hoa. Chỉ có điều
theo thời gian người Việt đã du nhập những phong tục văn hóa của người Hoa nên
có những nét tương đồng đến nỗi ngày này mọi người đều nghĩ cả hai là một.
Theo truyền thuyết Trung Hoa, thì tết Trung thu xuất phát thời nhà Đường. Vua
Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám
âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và
không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn
còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng.
Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du
dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những
xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả
trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng
hoàng luyến tiếc.
Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê
Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước
đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới
trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.
Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở
thành phong tục của dân gian.
Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là
do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là
ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho
dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn
bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.
Muốn hiểu rõ hơn về nguồn cơn trước tiên chúng ta tìm hiểu về từ Tết, Tết là
biến âm của từ ‘Tiết’ trong ‘Tiết khí’ mà ra. Ban đầu là dùng để chỉ những lễ
đặc biệt của người dân Việt xưa, những dịp này nương theo mùa vụ, còn mùa vụ lại
nương theo thời tiết mà thành. Lớn nhất trong năm là Tết Nguyên đán (Xuân) tháng
Giêng, hay dân gian còn gọi là Tết cả. Rồi đến Tết Trung thu (Thu) rằm tháng Tám,
Tết Đoan ngọ (Hạ) mồng năm tháng Năm, Tết Hàn thực mồng ba tháng Ba….
Người Việt nay ăn Tết Nguyên Đán là cái tết lớn nhất nhưng người Việt cổ ăn
Tết lớn nhất vào mùa Thu. Bằng chứng là trên mặt trống đồng in khắc hình ảnh lễ
hội, hẳn phải là lớn nhất hoặc/và tiêu biểu nhất nên mới được người xưa chọn
khắc lên mặt trống, có thấy hình bông lau, là thứ chỉ nở vào mùa thu. Ở một số
nơi tại Đồng bằng Bắc Bộ còn giữ tục ăn Tết Cơm Mới mồng mười tháng Mười, và cả
Tết Trùng cửu mồng chín tháng Chín.
Trong văn hóa lúa nước của người Việt, Trăng có một ý nghĩa rất to lớn nó gắn
liền gắn liền với mùa màng và mọi hoạt động của người Việt cổ. Mùa thu lại là
lúc tiết trời mát mẻ, khí hậu dễ chịu nhất so với những khắc nghiệt quanh năm.
Ngày rằm tháng Tám là khi trăng sáng nhất và đẹp nhất mà việc nông lại đang lúc
nhàn. Lẽ nào một tộc người ưa Lễ hội và thường trực ngắm trăng không chỉ để lo
công việc làm ăn mà còn là thưởng ngoạn lại có thể bỏ qua thời khắc này mà không
tổ chức một cái gì đó, phải đợi cho đến khi người láng giềng phương Bắc, không
mấy khi thân thiện, mách nước dùm?
Hơn nữa trong văn hóa người Việt hình tượng trăng trái ngược hoàn toàn với văn
hóa phương Bắc. Giáo sư là Kim Định (trong Nam) và Trần Quốc Vượng (ngoài Bắc)
cùng dựa vào văn hóa dân gian mà cho rằng mặt trăng trong văn hóa Việt mang
‘giống đực’ còn trong văn hóa Trung Hoa là ‘giống cái’. Người Việt nói: ‘Ông
trăng mà lấy bà trời’, hay bài đồng giao: ‘Ông giẳng, ông giăng (trăng). Xuống
chơi với cháu. Có bầu có bạn…’ Về mặt truyền thuyết câu chuyện Chú
Cuội ngồi gốc cây đa thuần Việt hoàn toàn khác với câu chuyện ông Tơ bà Nguyệt, Hậu Nghệ
Hằng Nga và chú Cuội Ngô Cương.
Tất cả những điều trên chỉ để nói rằng Tết Trung thu của người Việt đã có từ
xưa, có chăng là sau khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, khi tự nguyện, lúc
cưỡng bức, suốt một thời gian dài trong lịch sử mà người Việt có du nhập một số
tập tục cùng những thành tố văn hóa của người Hoa vừa để làm phong phú thêm
nhưng cũng có khi là thay thế hẳn những tập tục khác của mình. Thế cho nên đến
bây giờ, nhìn dưới con mắt của người phương Tây chẳng hạn, thì Tết Trung thu của
người Việt cũng chẳng khác gì với của người Hoa, có khi còn không phong phú bằng.
Minh Triết (tổng hợp)
Theo: nguoiaolam