Đừng đánh mất hồn thiêng dân tộc Việt

Các bạn thân mến

Các bạn thân mến!

Xin hãy dành đôi phút tĩnh lặng để suy tư về một điều nhỏ bé nhưng không kém phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, đó chính là hồn quê hương, là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt nam.

Nói đến nét đẹp dân tộc Việt người ta thường liên tưởng đến hình ảnh mái chùa cong vút, ẩn mình thanh thoát trên núi cao hay những vùng quê ven sông yên ả. Bởi vì “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Thật vậy, dù ở nơi đâu, làm gì người dân Việt cũng không bao giờ quên nếp sống của tổ tiên được hun đúc qua bao thế hệ bằng hình ảnh mái chùa thân thương trìu mến.

 

 

Từ xưa cuộc sống người dân Việt đã gắn liền với tiếng chuông chùa vang lên ngày hai buổi sáng chiều. Thuở ấy, người dân không tính thời gian bằng đồng hồ mà sử dụng tiếng chuông chùa để đoán định giờ giấc. Chuông chùa buổi sáng ngoài việc thức tỉnh người mê hãy mau tỉnh thức quay về với bản tánh giác ngộ, còn nhắc nhở người nông phu dắt trâu ra đồng, người buôn bán họp chợ bắt đầu một ngày mới. Khi ánh hoàng hôn ngả bóng, là lúc chuông chùa vang vọng khắp thời không nguyện cầu âm siêu dương thới, cũng là thời gian mọi người kết thúc công việc trở về với mái gia đình. Vậy đó, cuộc sống người dân Việt và tiếng chuông chùa đã hòa quyện vào nhau tạo nên nếp sống nhịp nhàng, bình yên của dân tộc từ những buổi bình minh huy hoàng đất Việt.

Theo bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa cũng bao phen thịnh suy cùng vó ngựa cuồng chinh, bom rơi đạn lạc. Vật chất đã biến thiên theo quy luật “thành, trụ, hoại, không” nhưng tinh thần và tâm hồn người Việt vẫn luôn sáng ngời trong sử sách.

Do ảnh hưởng của chiến tranh cả nước Việt Nam không còn mấy ngôi chùa giữ được dáng dấp nguyên sơ, một số đã tu bổ trang trọng như chùa Dâu, chùa Trấn Quốc, chùa Bút Tháp… nhưng một số vẫn đang trong tình trạng báo động như chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Thầy mà đau lòng nhất là ngôi chùa Một Cột - dấu tích còn lại của vương triều nhà Lý - một trong những vương triều lừng lẫy của dân tộc Việt Nam.

Theo sử sách, chùa được xây lần thứ nhất năm 1049: “Mùa đông tháng 10 dựng chùa Diên Hựu. Trước đây, vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của Phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Cho các nhà sư đi xung quanh tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu với nghĩa là phúc lành dài lâu. Năm 1070 mùa xuân tháng giêng năm Thần Võ thứ 2, vua viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước khắc vào phiến đá.”

Lần xây dựng thứ hai vào năm 1105, vua tu bổ chùa Diên Hựu: “Mùa thu tháng 9 làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu... Bấy giờ vua chữa lại chùa đẹp hơn chùa cũ, đào hồ Liên Hoa Ðài gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ. Bích trì đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây Bảo Tháp. Trước khi vào chùa còn có một phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng (khoảng 26m) trước cổng chùa. Chùa là một cụm kiến trúc bề thế, có ý tưởng độc đáo và thẩm mỹ đẹp đã bị chiến tranh tàn phá, trở thành um tùm rậm rạp thời giặc Minh.”

Thông qua nhiều tài liệu cổ cho biết chiếc cột thần kỳ cao tới 20m, trong đó có bia Sùng Diện Linh ở chùa Long Ðọi Nam Hà do Binh bộ thượng thư Nguyễn Công Bật viết đã mô tả và ghi chép tỷ mỷ việc xây tiếp chùa Một Cột: “Mở cửa chùa Diên Hựu tại vườn tây. Dấu vết theo quy mô ngày trước, lo toan Thánh ý ngày nay. Ðảo hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ trồi lên cột đá. Trên cột đá có một hoa sen ngàn cánh xòe ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm. Trong đền đặt pho tượng sắc vàng, ngoài hồ có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại có hồ Bích Trì, bắc cầu cong đi lại, ở sân trước hai cầu bên tả hữu xây bảo tháp lưu ly...” (trích nguồn từ http://vnexplore.net/destination/18)

Tài liệu trên cho thấy đây là ngôi chùa của Hoàng triều nhà Lý do đích thân nhà vua cho khởi công xây dựng và tiến hành trùng tu nhiều lần, mỗi lần trùng tu đều mang dáng dấp nguy nghiêm và diễm lệ hơn xứng tầm với một ngôi Quốc tự. Chùa Một Cột còn là nơi nhà vua đến lễ Phật cầu phúc cho vạn dân bá tánh vào những ngày rằm và mồng một hằng tháng. Vậy đủ thấy giá trị ngôi chùa bậc nhất kinh kỳ mà vẻ nguy nga của nó chắc hẳn không ngôi chùa nào sánh kịp lúc bấy giờ.

Ngày nay bạn bè khắp năm châu khi nhắc đến Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng người ta vẫn không quên hình ảnh chùa Một Cột. Bởi đó chính là biểu tượng thanh cao, sức sống mãnh liệt phi thường của cả một dân tộc, ví như hình ảnh hoa sen tuy ở trong bùn nhưng không nhiễm mùi hôi tanh, vẫn vươn mình nở hoa, tỏa hương thơm thanh khiết hiến dâng cho cuộc đời.

Tự hào là thế, vinh quang một thời là thế! Nhưng nếu không biết trân quý, tôn tạo và giữ gìn ngôi cổ tự thiêng liêng ấy thì không bao lâu chúng ta sẽ đánh mất tâm hồn người Việt!

Trong bộn bề cuộc sống, chúng ta chắc ít có cơ hội để suy tư về điều này! Đánh mất vài trăm ngàn, vài triệu đồng có người tiếc nuối đến quên ăn mất ngủ, nhưng đánh mất cả nếp sống tổ tiên, hồn dân tộc thì mấy ai ngậm ngùi hối tiếc! Có người cho rằng công việc này là việc của những người rỗi hơi, lười biếng, cơm gạo lo ngày hai buổi cũng đã vất vả lắm rồi, lấy đâu ra mà nghĩ ngợi đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

Thật vậy, cơm áo gạo tiền khiến con người ta quay lưng thờ ơ với những gì mà ông cha đã bỏ công gầy dựng. Không thể trách ai được! Nhưng các bạn ơi! Nếu không giữ được tâm hồn người Việt thì dù chúng ta sống trên xa hoa nhung lụa, đi xe hiệu bạc tỷ, thì chẳng khác nào tượng sáp biết di động, chỉ bôi sơn tạo hình cho lớp vỏ bên ngoài mà bên trong tâm hồn chỉ là khoảng không trống vắng. Nếu không giữ được nét đẹp của hồn quê dân tộc, thì chỉ cần vài năm nữa thôi chúng ta sẽ bị ngoại bang đồng hóa, con cháu chúng ta sẽ trở thành những đứa con hoang, với tóc vàng, tóc đỏ, trang phục và cách sống tây chẳng ra tây, ta chẳng giống ta. Buồn lắm phải không các bạn!

Trùng tu chùa Một Cột và những di sản văn hóa tâm linh của dân tộc là việc làm thiết thực để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao vị thế hình ảnh Việt Nam trên khắp thế giới và tỏ lòng tri ân công đức cao dày của các bậc tiền nhân. Đây là công việc đòi hỏi sự đoàn kết nhất quán của mọi tầng lớp người dân, trong đó vai trò chủ đạo là của Phật giáo Việt Nam. Nếu không làm được việc này, Phật giáo Việt Nam nói riêng và cả dân tộc Việt Nam sẽ là người con bất hiếu với ông bà cha mẹ, bất nghĩa với các bậc tiền bối tổ tiên, bất trung với quê cha đất tổ, bất nhân với con cháu tương lai.

Đi dạo một vòng quanh khu vực chùa Một Cột ngày nay, chúng ta chỉ biết ngậm ngùi cho số phận bi thương của một ngôi Quốc tự. Cổng chính vào chùa lúc nào cũng then cài cửa đóng, vào trong điện Phật âm u, lạnh lẽo. Phía bên ngoài có vẻ thoáng mát hơn nhưng cũng không lấy gì làm vui vì ngôi điện Phật giữa hồ đã xuống cấp, tường rêu phủ bám, hồ nước quanh ngôi điện Phật chẳng khác gì ao tù nước động hoàn toàn không xứng là một ngôi chùa của Thủ đô ngàn năm, nói chi là biểu tượng quốc gia, là hồn dân tộc Việt. Thật đáng để chúng ta - những người con Việt có tấm lòng trăn trở về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc phải suy tư.

Đối lập với ngôi chùa bé nhỏ, đang xuống cấp là hai tòa nhà to lớn và hiện đại đó là viện bảo tàng và lăng cụ Hồ. Chúng ta không đề cập đến việc xây dựng hai công trình này, bởi lẽ đó cũng là một trong những việc làm thể hiện lòng tri ân đối với cụ Hồ - người đã lèo lái con thuyền dân tộc, đưa Việt Nam thoát khỏi ách thống trị đô hộ của thực dân. Nhưng thử nghĩ mà xem, nếu những hạng mục công trình liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Cụ được nâng niu chăm sóc, vậy tại sao chùa Một Cột - công trình gắn liền với cơ nghiệp của vương triều Lý - mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam - nơi hình thành nên kinh đô ngàn năm của một quốc gia độc lập, tự chủ cho đến ngày nay lại nằm lọt thỏm giữa một khoảng không thinh lặng. Sinh thời cụ Hồ vẫn không hề muốn xây dựng những thứ ấy để ca ngợi công lao của người. Cụ giản dị đơn với đầy đủ phẩm chất của một người Việt Nam thuần túy. Cụ cũng là một người có lòng yêu mến đạo Phật, và luôn đề cao vai trò giá trị của Phật giáo trong công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chúng ta tri ân cụ Hồ đã hy sinh cuộc đời cụ cho quê hương đất nước, nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ những giá trị quý báu mà các bậc tiền nhân trong các triều đại mà điển hình là triều đại Lý đã để lại cho chúng ta.

Các bậc Quân chủ ngày xưa xây chùa là để nhắc nhở chính bản thân phải noi theo lời dạy của chư Phật, là nơi tụ hội tâm linh, hun đúc hồn thiêng của cả dân tộc và cũng là nơi cầu phúc cho vạn dân. Thiết nghĩ ngày nay, các bậc lãnh đạo quốc gia cũng nên ghi nhận và noi gương các bậc minh quân thuở ấy. Sẽ đẹp biết bao khi hình ảnh các nguyên thủ quốc gia dâng hương lễ Phật, rồi sau đó vào lăng viếng cụ Hồ trước khi tiến hành một công việc mang tầm vóc cả nước. Đó không phải là hành động của một tín đồ ngoan đạo bởi lẽ Phật giáo không là một tôn giáo như bao nhiêu tôn giáo khác trên thế giới, mà đạo Phật là con đường hướng đến lòng từ bi, yêu chuộng hòa bình phù hợp với tinh thần và tâm hồn dân tộc Việt nam. Chính vì thế nghĩa cử cao đẹp của các bậc lãnh đạo quốc gia thắp hương, chắp tay búp sen, giành đôi ba phút trãi lòng yên tịnh trước dáng vẻ uy nghi của đức Thế Tôn, đang ngự tọa trong ngôi cổ tự đã được dựng xây bởi các bậc tiền nhân lỗi lạc của dân tộc sẽ được lưu truyền và có tác dụng giáo dục mãnh mẽ, nhắc nhở con cháu mai sau không quên hồn Việt, không quên nguồn cội, huyết thống tổ tiên.

Nguyện cầu Tam bảo thường gia hộ, nguyện cầu gia đình huyết thống tổ tiên ngàn đời của dân tộc Việt Nam thường gia hộ để trong tương lai không xa chùa Một Cột sẽ được trả về với nguyên bản của một ngôi Quốc tự trong lòng Phật giáo dân tộc Việt Nam.

Tâm Hòa

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle