Đất nước Việt
Nam
trải dài trên ba miền với hình cong chữ S thanh mảnh mà đoạn giữa như vòng
eo
con gái tuổi tròn trăng, trên địa hình thon hẹp đó có một nơi chốn được mang tên:
Huế. Khi nói đến địa danh trên chúng ta thấy hiện ra trước mắt mình hai biểu
tượng đẹp của xứ sở này là: Sông Hương và Núi Ngự. Hai cái tên ấy đã là một
trong những điều kiện để cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
1. Sông Hương
Trước tiên là sông
Hương, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có một tùy bút mang tên: “Ai đã đặt tên
cho dòng sông?”. Vậy ai là người đặt tên cho con sông
mà Cao Bá Quát đã từng ca ngợi:
“Hương Giang như
kiếm lập thiên thanh”
Đã có nhiều truyền
thuyết qua bao thế hệ kể rằng: “Từ xa xưa dọc hai bên thượng nguồn của con sông
này có một loại cây dại chiều cao chừng một mét, thân cây gầy guộc song vô cùng
cứng cáp, cành lá sum suê và cứ mỗi mùa Xuân là từ nách lá mọc ra rất nhiều chùm
hoa màu trắng muốt, thơm dịu dàng; đến cuối Xuân hoa tàn và rơi lả tả xuống dòng
nước đang lững lờ trôi, cả một vùng sông nước thượng nguồn
mở căng lòng để đón nhận mùi, vị, và thân xác của loài hoa ấy, một loài hoa được
mang tên: Thạch Xương Bồ.
Theo tháng năm và
mùa vụ hoa Thạch Xương Bồ cứ tiếp tục sinh trưởng kết hoa trên một vùng trời
nước mênh mang, xác hoa trôi ra biển, nhưng hương hoa và hồn hoa thì cứ vương
vấn trên dòng nước trong veo của con sông một mùi thơm dịu nhẹ man man của hồn
hoa trinh bạch. Vì thế, các cụ bô lão trong những buổi phiếm luận tửu hậu trà dư
đã cao hứng đặt cho con sông một tên gọi mỹ miều: Sông Hương.
Chẳng hổ danh với
tên gọi, Sông Hương đã mang một trọng trách lớn lao là
tôn tạo cảnh quan thẩm mỹ cho kinh thành Huế - nếu thiếu dòng sông này thì Huế
sẽ ra sao?
Một dòng sông có
năm màu trên mặt nước từ lúc mặt trời lên cho đến hoàng hôn, rồi chạng vạng - đã
đem lại cho con dân của xứ sở này lòng tự hào và niềm cảm xúc cho bao khách văn
chương bản địa và mọi vùng miền, ai đã đến Huế; mà không rung động với dòng sông
xanh biếc in bóng mây trời và chiếc cầu màu trắng bạc, sáu vài mười hai nhịp kết
nối đôi bờ để các nàng nữ sinh kiều mị ngày
hai buổi qua về trong tà áo trắng dài e ấp, và nón bài thơ hờ hững móc trên ghi
đông xe đạp buổi tan trường.
Sông Hương – dòng
sông mượt mà dịu mát như lụa Hà Đông ấy đã in bóng bao thế hệ công dân của sứ sở,
và bao học sinh, sinh viên từ những ngày bình yên hai buổi cắp sách đến trường…
đến những giai đoạn dầu sôi lửa bỏng – sông Hương đều làm kẻ chứng nhân và nạn
nhân ngậm ngùi với bao vân cẩu tang thương.
Sông Hương – vạch
chia cắt hai bờ tả, hữu ngạn của kinh thành – là một nét đẹp đoan nghiêm, trầm
lắng như tính cách của những con người được sinh trưởng nơi đây.
Sông Hương – một
trong những dấu ấn văn hóa của đất kinh kỳ thơ mộng, một biểu trưng, một hình
tượng đặc thù mà không phải thành phố nào trên đất nước này có được – nét duyên
dáng thâm trầm cổ kính lại rất lãng mạn hào hoa nhu mì nhã đạm như tên gọi của
một người con gái: Hương Giang.
2. Núi Ngự
Thời đại phong
kiến quân chủ thì ông vua là kẻ đứng đầu trăm họ, là giai cấp quyền uy tuyệt
đỉnh – họ tự xưng là con trời (Thiên tử) – vì thế những vật gì mà vua dùng
thường được gọi bằng những mỹ từ tôn kính; vua ăn cơm gọi là “ngự thiện”, đọc
sách gọi là “ngự lãm”, đi chơi gọi là “ngự du”, … và vì thế ở Huế có một quả núi
được gọi là Ngự Bình.
Ngự Bình là ngọn
núi vừa mang trọng trách làm tiền áng cho kinh thành lại vừa là nơi ngự lãm bình
giảng thơ phú của thánh thượng và các văn nhân hoàng gia vọng tộc. Khi triều đại
nhà Nguyễn đến hồi kết cuộc với buổi lễ bàn giao ấn kiếm giữa vua Bảo Đại và
phái đoàn Việt Minh, thì núi Ngự Bình đã thành điểm hẹn của các văn nhân thi sĩ,
họ rủ nhau lên đấy để dọc sách ngâm thơ, bình văn. Và Ngự Bình đã trở thành một
địa chỉ văn hóa tiêu biểu của vùng Thừa Thiên Huế - một vùng đất mà dấu ấn văn
hóa in đậm trên từng mảng rêu phong của từng cụm danh lam thắng cảnh.
Chùa Từ Hiếu
Nhắc đến nét văn
hóa cội nguồn dân tộc không thể nào không nhớ đến các ngôi chùa danh tiếng sắc
phong của Huế, mà tiêu biểu là ngôi chùa Từ Hiếu – đó là ngôi đại tự sắc phong
hùng vĩ tọa lạc tại núi Dương Xuân thuộc xã Thủy Xuân, cách thành phố Huế 5 km
về phía Tây Nam với cảnh quan sơn thủy hữu tình giữa một không gian đầy an lạc
và tĩnh lặng.
Tính đến hôm nay Từ Hiếu sắc phong đã được 164 năm, ngược dòng lịch
sử - để chúng ta hiểu thêm tại sao chùa này lại có tên Từ Hiếu. Trước khi
ngôi chùa được sắc tứ thì nó chỉ là một ngôi lều cỏ với tên gọi “An Dưỡng Am” do
Thiền sư Nhất Định dựng lên làm nơi che mưa nắng để tu dưỡng thân tâm đúng như
tên đã đặt cho thảo am. Ngày ngày vị Thiền sư hái củi đem xuống chợ Bến Ngự đổi
gạo và rau cải để độ nhật, nhưng có một điều trái với nếp sống và giáo điều của
bậc tu hành – đó là trên đường từ chợ về núi bao giờ trên đầu gậy của ông cũng
có một con cá chết treo lủng lẳng. Dân kinh thành ngạc nhiên bàn tán và tỏ thái độ bất phục.
Tiếng đồn đại vang
đến các vị tai mắt của triều đình Huế, động tính hiếu kỳ, Hoàng thân Miên Thẩm –
tức thi bá Tùng Thiện Vương đích thân lên An Dưỡng Am xem xét sự tình… Thì ra,
tại ngôi thảo am sơ sài này ngoài vị Thiền sư còn có một cụ bà tuổi ngoại bát
tuần, là mẫu thân của vị Thiền sư nọ, cụ không đành lòng ở nhà để Thiền sư cứ
phải đi, về hầu hạ thăm nom; mà đường thì xa ngái (Quảng Trị) nên bà theo con
lên nơi heo hút này để mẹ con được gần gũi, cho Thiền sư an tâm hành đạo. Nhưng
vì tuổi già sức yếu không chịu nổi chướng khí lam sơn nên bà ngã bệnh.
Theo chỉ định của thầy thuốc, bà cụ phải dùng mỗi ngày một tô cháo cá thì bệnh
tình mới hồi phục được.
Vì lòng hiếu kính
và yêu quý mẹ, Thiền sư vượt qua sự ngã chấp về hình tướng, về giáo điều để cứu
mẹ hiền: “Hiếu hạnh vi tiên” (lời Phật dạy).
Sau nhiều lần đàm
đạo, Hoàng thân Miên Thẩm vô cùng khâm phục sở học uyên bác, thông tuệ của bậc
chân tu. Thấy thảo am quá sơ sài ông tỏ ý cúng dường
phẩm vật và xây dựng lại cho khang trang bề thế, nhưng Thiền sư nhẹ nhàng từ
chối và ung dung bảo với Hoàng thân: “Nếu tôi muốn sung túc đầy đủ thì đã không
từ chối làm Quốc sư để được ở các ngôi chùa lớn tại kinh thành chứ lên đây làm
chi”. Rồi ngài đọc cho Tùng Thiện Vương nghe hai câu kệ ngài ứng khẩu khi được
vua Thiệu Trị cho từ nhiệm:
“Hạnh Phùng tấu
đắc nhưng hồi lão
Nhất bát cô thân
vạn lý du”
Có lần Hoàng thân
Miên Thẩm lên An Dưỡng Am ở lại qua đêm và giữa cảnh núi rừng u tịch hoang sơ ấy là nguồn cảm hứng để ông viết:
“Tứ sơn phong vũ
dạ trì trì
Minh uyển thiền
sàng tĩnh tọa nghi
Bất thị
kim triêu quá trúc viện
Văn chung vô hạn
bích vân ty”
Sau lần thăm viếng
của các vương tôn, các danh gia tử đệ, cả kinh thành lúc đó mới biết vị Thiền sư
ấy chính là ngài Tăng Cang Tánh Thiên Nhất Định – vị cao tăng đã phụng sự đạo
pháp và chính sự qua hai triều đại, và là người con chí hiếu của một bà mẹ đầy
lòng bi mẫn vì sự nghiệp tu học của con mà chẳng quản chi núi hiểm rừng sâu.
Một năm sau khi
Thiền sư Nhất Định viện tịch (1847), học trò của ngài là Đại đức Hải Thiệu Cương
Kỷ đứng ra trùng tu lại thảo am với sự đóng góp tài nguyên, vật lực của các hàng
Thái giám, cung phi ở nội cung, đã biến vùng thảo am thành ngôi chùa bề thế,
khang trang. Khi hoàn tất công trình, ngày khánh thành an vị Phật chính vua Tự
Đức ban chỉ sắc phong “Từ Hiếu Tự” với lời giải thích: “Trẫm nghĩ rằng, xưa nay
điều này hiếm có đó là người mẹ từ tâm và người con hiếu thảo nên Trẫm có ý đặt
tên là chùa Từ Hiếu để sau này trăm họ noi gương…”.
Từ đó An Dưỡng Am
trở thành Sắc Tứ Từ Hiếu Tự với Tổ khai sơn là Thiền sư Nhất Định. Tính đến hôm
nay trải qua 164 năm với bốn đời kế thế.
Chùa Từ Hiếu là một địa danh văn hóa với những công trình vừa mang
tính đạo pháp và nghệ thuật như Thiền Viện Trăng Rằm, hồ Sao Hôm, hồ Sao Mai,
vườn Tào Khê. Cảnh quan thật tôn nghiêm và vô cùng u nhã, cũng cần biết
thêm là xuất thân của các vị cao tăng đại sư ở đây là những nhà hoạt động văn
hóa lớn…
Chùa Từ Hiếu là địa chỉ văn hóa, là điểm du lịch hành hương của
khách thập phương. Rất nhiều du khách nước ngoài đã dến
dự những đêm thơ, những buổi thiền trà, thiền hành và dùng cơm chay trong chánh
niệm cũng các nhà thơ tu sĩ ở đây.
Trừng Hòa Ninh
Giang Thu Cúc
Sài gòn mùa thu 2011