(Pháp thọai của TT Thích Thái Hòa
tại Chùa Phước Huệ-Bảo Lộc ngày 6/8/2011)
Thực Tập Thiền Quán:
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về
nhất tâm
Thưa đại chúng,
Cùng tất cả quý vị
là bậc Cha Mẹ, là thân bằng quyến thuộc của Hương linh quý mến.
Bài thọai cho tất cả chúng ta hôm
nay là “Bước tới chân trời phước đức và tự do”.
Nhân Duyên Làm Cha Mẹ Và Con Cái:
Quý vị biết rằng,
ở đời có bốn hạng người làm Cha Mẹ và Con cái của nhau.
Trường hợp thứ nhất là Cha Mẹ có
phước đức, con cái không có phước đức.
Cha Mẹ có phước đức mà con cái không
có phước đức, cho nên con cái không thừa hưởng được những giá trị tinh thần của
Cha Mẹ để lại, không đủ phước đức sống cùng Cha Mẹ trong đời này.
Trường hợp thứ hai
là Con cái có phước đức, Cha Mẹ không có phước đức.
Con cái có phước đức, Cha Mẹ không
có phước đức, cho nên Cha Mẹ sinh con ra, nhưng Cha Mẹ không đủ phước đức nuôi
con, nên Cha Mẹ qua đời trước con. Hoặc là Cha Mẹ kém phước đức hơn con, nên
không thừa hưởng phước đức của con cái khi con cái lớn lên, ăn nên làm ra, tiếng thơm vinh hiển thì Cha Mẹ không còn.
Trường hợp thứ ba là Cha Mẹ không có
phước đức, con cái không có phước đức, nhưng vẫn sinh ra trong gia đình cùng làm
Cha Mẹ và con cái của nhau. Làm Cha Mẹ và con cái như vậy để làm gì?
Để đền nghiệp cũ và óan xưa. Chính vì vậy, Cha Mẹ và
con cái luôn làm khổ đau cho nhau, không những kéo dài một đời mà nhiều đời.
Sinh ra trong thế giới con người thì làm khổ đau cho nhau trong thế giới con
người. Sinh ra trong thế giới súc sinh thì làm khổ đau cho nhau trong thế
giới súc sinh. Cha ăn con, mẹ ăn con, con ăn mẹ.v.v… Đó là những nổi oan khiên
đời này sang kiếp khác, cứ như thế mà trầm luân trong khổ đau sinh tử luân hồi.
Trường hợp thứ thứ
tư là Cha Mẹ dễ thương, có phước đức và con cái cũng dễ thương và có phước đức. Nghĩa là Cha Mẹ có phước đức tương ưng với phước
đức của con cái. Cho nên có những người Mẹ khi mới bắt đầu thụ thai con, người
Mẹ bắt đầu thông minh, trong gia đình bắt đầu ăn nên làm ra và phát triển. Như
vậy, Cha Mẹ có phước đức, con cái cũng có phước đức, nghĩa là Cha Mẹ hết mực
thương con cái và con cái cũng hết mực hiếu kính với Cha Mẹ.
Phước Báo Làm Người:
Tất cả quý vị quý
mến.
Trong kinh Đức Phật dạy, người nào
biết tôn kính Tam Bảo, hiếu kính Cha Mẹ, phụng sự tổ tiên Ông bà, có tâm trí Đại
Thừa, người đó dù sinh ra ở đâu, cũng gặp người Cha dễ thương, người Mẹ dễ
thương. Tiếng gọi Cha Mẹ là tiếng gọi của phước báu trong thế giới con người.
Chúng sinh thế
giơi địa ngục, vì khổ đau hành hạ, nên chúng sinh trong thế giới địa ngục không
biết Cha Mẹ của họ ở đâu. Cha Mẹ không biết thì làm gì
biết tổ tiên Ông bà, Nội Ngoại. Làm gì biết quê hương xứ sở, cho nên chúng sinh nơi địa ngục mất
trắng phước báu làm người.
Cuộc sống nơi thế
giới ngạ quỷ, thì đói khát, bần tiện. Vì vậy, họ cũng không có phước báu để kêu lên một tiếng Cha ơi, để
kêu lên một tiếng Mẹ ơi.
Ở nơi thế giới súc
sinh, phần nhiều các loài súc sinh chỉ biết Mẹ mà không biết Cha. Không biết dòng họ nội ngọai,
không biết tổ tiên ông bà, không có quê hưong xứ sở. Vì đó là loài sống
theo
bản năng thú tính. Và vì sống theo
bản năng thú tính, nên chúng cũng mất đi phước báu làm người.
Chúng sinh nơi thế
giới Atula, sống với tâm sân hận, tranh chấp hơn thua, nên cũng không có phước
báu đầy đủ Cha Mẹ, như thế giới lòai người của chúng ta.
Thế giới của chư thiên, nhất là chư
thiên Sắc giới và Vô Sắc giới, phần nhiều là hóa sinh, nên không biết cha họ là
đâu, mẹ họ là đâu. Họ không kêu được tiếng cha ơi, tiếng mẹ
ơi. Cho nên tiếng cha ơi, tiếng mẹ ơi, đó là tiếng gọi
từ tình cảm đặc biệt phước báu của loài người mới có.
Cho nên, khi ta kêu được một tiếng cha ơi, ta kêu được một tiếng mẹ ơi, có nghĩa
là vô lượng kiếp về trước ta đã từng gieo trồng hạt giống nhân cách, nhân văn,
phước báu của loài người. Cho nên, hôm nay ta mới kêu
được tiếng cha ơi và có người “Cha” đáp lại, và ta kêu được tiếng mẹ ơi thì có
tiếng “Mẹ” đáp lại. Đó là phước báu lớn nhất của thế giới con người.
Thế mà trong xã hội loài người có
những vùng mà con người chậm phát triển, chậm tư duy, không
thấy được giá trị tốt đẹp mà mình đang có. Cho nên, tuy mang
thân người mà hành xử còn tệ hơn thú vật. Âu đó, cũng
là quả báo xấu đến với vùng đó, đến với xứ đó và khiến cho phước báu loài người,
tiếng gọi thân thương cha ơi, mẹ ơi không được biểu hiện một cách cụ thể.
Và quý vị phải biết rằng, thời đại nào, xã hội nào mà nhân cách con người bị suy
thoái, đạo đức con người bị biến dạng, quyền sống của con người bị chối bỏ, trí
thức con người bị cướp mất bởi bản năng và thú tính, thì những hạt nhân của con
người, tự nó cũng biến thể và bị hủy diệt ngay trong trứng nước.
Và vì sự hủy diệt trong trứng nước như vậy, nó tạo ra nhiều năng lượng thù oán
giữa cha và mẹ, giữa giới tính nam và nữ. Rồi nhiều hạt nhân như vậy liên
kết với nhau, tạo ra sự thù oán giữa con cái với gia đình, giữa con cái với cha
mẹ; giữa gia đình này với gia đình kia, giữa dòng họ này với dòng họ kia, giữa
xóm làng này với xóm làng kia, giữa quê hương này với quê hương kia, giữa quốc
gia này với quốc gia kia. Nó đi từ nơi cái hèn yếu, cái thú tính ở trong con
người chúng ta, chúng ta hành động và không chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, chúng ta đổ lỗi
cho nghiệp chủng, chúng ta không nhận lấy trách nhiệm của mình. Vì vậy, từ từ phước báu làm cha của ta bị mất đi, từ từ phước báu
làm mẹ cũng sẽ bị mất đi, và rồi từ từ phước báu làm người của chúng ta cũng sẽ
mất đi. Khi phước báu làm cha, phước báu làm mẹ bị mất, phước báu làm
người bị mất, thì chúng ta không có lý do gì, không có điều kiện gì mà chúng ta
có thể có mặt ở trên trái đất này với xã hội con người.
Cho nên, tất cả quý vị trong giờ
phút này, quý vị có một người con kêu cha, một người con kêu mẹ và chính quý vị
cũng còn đang có tiếng gọi cha, mẹ của mình, thì đó là phước báu lớn nhất mà quý
vị đang có. Qúy vị hãy chăm sóc phước báu đó đừng để rơi mất.
Nếu mất đi phước báu làm người, ta không còn có cơ hội nào, để bước lên phước
báu của các loài chư thiên. Nếu mất
đi phước báu làm người ta không có cơ hội nào, để bước lên phước báu của các bậc
Thánh. Nếu mất đi phước báu làm người, ta không còn có
cơ hội nào để bước lên phước báu của các vị Bồ Tát. Nếu
mất đi phước báu làm người, ta không còn có cơ hội nào, để bước lên địa vị giác
ngộ của Đức Phật, mặc dù đức Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Phục Hồi Thiên Chức Và Sự Thanh
Tịnh:
Phật tánh vốn có
nơi tâm chúng ta, nhưng mà vì chúng ta thiếu trách nhiệm về hành vi thiện ác của
chúng ta, khiến cho Phật tánh trong tâm chúng ta bị khuất lấp, bị phủ kín bởi
mạng lưới vô minh, ái dục, giận dữ của chúng ta, hèn yếu của chúng ta.
Trong cuộc sống đời thường, quý vị
thấy có những vị sinh con rất dễ, sinh đến 10 đứa, 12 đứa, 18 đứa mà trong huyền
thoại lịch sử văn học VN, bà mẹ của đất nước VN sinh đến 100 người con.
Nhưng bây giờ đây, có những người con gái VN muốn trở thành một bà mẹ mà không
bao giờ được. Phải đi cấy thai, và cấy nhiều
lần, và hư thai. Tại sao như thế? Có
những người con trai, đàn ông muốn có một đứa con kêu mình bằng Cha, cũng không
bao giờ trở thành hiện thực, bởi vì người con trai hay đàn ông đó bị vô sinh.
Cho nên, muốn làm cha không làm được, muốn làm mẹ không làm được. Ta muốn
làm cha mà không làm được, tại sao như thế? Khoa học cực kỳ thông minh có thể
cấy thai
nhân tạo cho ta, nhưng mà cấy là hư, tại sao như thế? Khoa học
nào giải thích, tôn giáo nào giải thích? Có những tôn
giáo đổ lỗi, do Thượng Đế không muốn.
Gỉai thích như thế, thì tội cho Thượng Đế, vì tại sao Thượng Đế muốn người này
có con, mà lại không muốn người kia có con? Tại sao Thượng Đế muốn người này làm mẹ, mà người kia không làm mẹ? Cho nên, không phải là do Thượng Đế đâu mà
do người ta gán ghép cho Thượng Đế.
Với cái nhìn tuệ
giác, cái nhìn Phật nhãn, thì chính người đó trong quá khứ đã từng phụ bạc con
mình, đã từng hất hủi con mình. Mình phụ bạc hất hủi con mình, thì mình sẽ mất đi
phước báu làm cha, làm mẹ.
Mình bất hiếu với cha mình, với mẹ mình, thì mình sẽ mất đi
phước báu có người cha dễ thương, có bà mẹ dễ thương.
Cho nên, tất cả quý vị trong giờ phút này, dù gì đi nữa cũng
đang làm cha, làm mẹ.
Và dù vô minh hay không hiểu đạo lý mà để cho con mình không trọn vẹn trong
thai của mình, thì quý vị cũng còn có phước báu làm mẹ, làm cha, nhưng
làm cha mẹ không trọn vẹn.
Tuy nhiên, về cơ
bản là phước báu quý vị đã có. Trong giờ phút này đây, tất cả những vị làm cha,
làm mẹ, nhưng không tròn nghĩa cha, mẹ đối với con cái của mình, ngay khi con
cái còn sống, hoặc con cái đã qua đời, thì giờ phút này, trước Tam Bảo, tất cả
quý vị phát lộ sám hối, để quý vị phục hồi thiên chức làm cha, thiên chức làm mẹ
một cách trọn vẹn. Và từ thiên chức phước báu đó, quý vị mới có khả năng bước
lên những địa vị cao hơn, để quý vị có thể sinh ra được những người con lợi ích
cho dòng họ, lợi ích cho xã hội, và lợi ích cho chánh pháp.
Cho nên, tôi nghĩ rằng, đạo tràng
hôm nay tại chùa Phước Huệ, thành phố Bảo Lộc là cơ hội cho những người đang
sống, nhìn lại chính mình mà ăn năn sám hối, để phước báu phục hồi trở lại. Và
cũng là cơ hội, để cho những người con đã bỏ mình, nhìn lại thân phận làm con
của mình. Tại sao trong thế gian này có những bà mẹ dễ thương, có những ông cha
dễ thương, ta không tái sinh vào đó để được làm con của những bậc cha mẹ dễ
thương như thế, mà lại sinh ra làm con của ông cha vô trách nhiệm, của bà mẹ hèn
yếu thiếu trách nhiệm. Âu đó cũng là quả báo của chính mình.
Cho nên, trong giờ phút này cả người sống, lẫn người chết, trước ngôi Tam Bảo,
trước đạo tràng này là cơ hội tốt nhất cho quý vị khởi tâm sám hối. Để
cho bao nhiêu nghiệp chướng, báo chướng, tội chướng, phiền não chướng được tiêu
trừ, bao nhiêu oan khiên được giải tỏa, để cho chúng ta có thể đi tới được với
phương trời phước đức, với phương trời tự do. Cái phước đức và tự do chính từ
nơi mỗi tâm hồn của chúng ta, biết sám hối, biết ăn
năn, biết chừa bỏ những lỗi lầm trong quá khứ và biết hướng tới những điều tốt
đẹp kể từ giờ phút này và tương lai.
Xin tất cả quý vị chắp
tay lại và nói theo tôi một cách thành khẩn:
Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ kiếp,
cho đến ngày nay, thân làm điều ác, miệng nói lời ác, tâm nghĩ việc ác đều do vô
thỉ tham, sân, si từ thân miệng ý mà phát sanh ra. Ngày nay chúng con, trước
ngôi Tam Bảo, chí thành sám hối. Nam Mô cầu sám hối Bồ Tát Ma
Ha Tát. (3 lần)
Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm
Tâm tịnh còn đâu dẫu lỗi lầm
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong
dong
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát
Thưa đại chúng
Kể từ giờ phút
này, trong đạo tràng này đã phục hồi lại toàn bộ sự thanh tịnh. Phước đức làm cha mẹ của quý vị
cũng đã được phục hồi nhờ sự phát tâm sám hối của tất cả quý vị. Và các
hương linh có phước báu làm con cũng đã được phục hồi, vì cha mẹ của tất cả quý
vị đã ăn năn hối hận, cầu xin Tam Bảo sám hối cho bản thân, cũng như sám hối cho
con cái của mình. Cho nên, trong giờ phút này đây, giữa người còn sống và giữa
những vị đã qua đời, đều ở trong biển cả thanh tịnh của Chánh Pháp, trong biển
cả thanh tịnh của phước đức, của đời sống hướng tới giải thoát và giác ngộ. Và
xin tất cả quý vị trong đạo tràng còn sống này đây, xin quý vị phát khởi tâm từ
bi, tâm độ lượng, bao dung, biết cởi trói cho chính mình, để ôm vào trong trái
tim mình, những người con thân yêu của mình mà mình chưa có cơ hội nhìn thấy mặt
mũi, chưa có cơ hội để nhìn thấy tài năng của nó. Biết đâu gần 5000 thai nhi đó,
nếu gặp được chánh pháp, đủ điều kiện làm người sinh ra và lớn lên, có em làm
chủ tịch nước, có em làm thủ tướng, có em làm bộ trưởng và biết đâu trong đó có
em làm bậc đại Hòa Thượng thương yêu và tuyên dương chánh Pháp.
Ai biết được?
Mở Lớn Trái Tim Hiểu Biết Và
Thương yêu:
Cho nên, trong giờ phút này, chúng
ta phải mở trái tim chúng ta ra, để cho tất cả chất
liệu thương yêu, hỉ xả, bao dung của cuộc sống tràn vào trái tim chúng ta. Và
chỉ có trái tim
thương yêu và rộng lớn đó, mới có khả năng xóa đi những gì thấp kém trong đời
thường của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng tầm nhìn, đừng
nhìn cuộc đời chỉ là cơm áo, gạo tiền. Đừng nhìn cuộc đời bằng ghế ngồi, chức vị, rồi tự hành hạ bản thân
mình và đánh mất những gì tốt đẹp trân quý trong chính cuộc sống của mình.
Cái ta đang có, rồi nó sẽ đi qua. Thân này rồi sẽ già,
sẽ bệnh và rồi sẽ chết. Cái còn lại duy nhất của chúng
ta là nghiệp thiện ác ở nơi chúng ta một đời tạo ra. Ta làm điều thiện,
sẽ có phước báu tốt đẹp đến với ta. Ta làm điều ác, sẽ có quả báo khổ đau đến
với ta. Nó không đến trong hiện tại thì nó sẽ đến trong tương
lai. Nó không đến trong tương lai gần, thì nó sẽ đến
với ta trong tương lai xa. Vì vậy, Tổ Quy Sơn đã cảnh giác cho chúng ta
rằng:
“Giả sử bách thiên kiếp, sở tác
nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”- Gỉa sử trăm kiếp ngàn đời, chỗ tạo nghiệp không
mất, khi nhân duyên hội đủ, thì quả báo tự nhận lấy.
Cho nên, chúng ta
có thể tránh được mưa bão, tránh được sự dòm ngó của mọi người, nhưng không bao
giờ tránh được nhân quả, mà chúng ta đã tạo ra cho chính chúng ta. Đó là điều mà tất cả quý vị đều phải học hỏi, để
có tuệ giác lớn, thấy rõ vấn đề nhân quả của mình, không chỉ liên hệ một đời, mà
nhiều đời, để cho mọi hành vi của chúng ta được cân nhắc, để thấy rằng cái gì
xấu, ác có lợi cho mình mà hại cho người, thì vĩnh viễn không làm, không làm bất
cứ dưới hình thức nào. Có lợi cho mình, có lợi cho người thì
làm, và nếu khá hơn chút nữa, thì không lợi cho mình, mà lợi cho mọi người, thì
dù chết cũng làm, nát thân này cũng làm. Chúng ta phải
có được chí nguyện như vậy. Có được tâm nguyện như vậy mới cô kết lại phước báu của ta hôm nay,
để chúng ta dự phòng cho những kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Nhưng, muốn thực hiện như thế, chúng ta phải mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Cần biết học hỏi, lắng nghe, gạn lọc và ứng dụng những gì tốt đẹp đó
vào trong đời sống của chính chúng ta. Vậy, bây giờ trước tất cả quý vị
đang còn sống đây, là bậc làm cha mẹ, thân nhân của những vị đã qua đời, xin
nhìn vào sâu trong trái tim của quý vị. Nghe tôi thỉnh
chuông, quý vị hãy quán chiếu theo
thực tập của tôi hướng dẫn, ngồi yên lặng và nhắm mắt lại.
“Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào;
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra;
Thở vào và thở ra, tôi biết rõ trái
tim tôi không phải là của tôi;
Trái tim tôi là của cha mẹ
tôi ;
Trái tim tôi là của tổ tiên ông bà
nội ngoại tôi ;
Trái tim tôi là của mọi người, của
muôn loài, của núi rừng, của sông biển, của mặt trời và mặt
trăng ;
Trái tim
tôi là của những thế hệ con cháu trong tương lai của chúng tôi ».
« Vì vậy, trong giờ phút này bằng
năng lượng chánh niệm của tỉnh giác, tôi trở về chăm sóc trái tim của tôi, chăm
sóc tâm hồn của tôi để cho trái tim này, tâm hồn này, xứng đáng kế thừa những gì
tốt đẹp của các bậc tiền nhân đã qua đời, cha mẹ đã qua đời hay đang còn tại
thế. Và tôi sẽ chăm sóc trái tim này để có khả năng
trao truyền trái tim tốt đẹp, tâm hồn cao quý này, đển cho thế hệ con cháu của
chúng tôi trong tương lai ».
« Chúng tôi có khả năng chăm sóc
trái tim như thế, tức là chúng tôi đã biết ơn một cách
sâu sắc và đền ơn một cách sâu sắc đến những gì chúng tôi đang thọ ân. Bất hạnh
lớn nhất trên đời là thọ ân mà không biết ân. Hạnh phúc
lớn nhất trên đời là người thọ ân và biết tìm cách để
trả ân mà mình đã lãnh thọ dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng, hình thức trả ân
cao quý, hiệu quả nhất chính là sự tu học đúng chánh Pháp, để có chánh kiến,
chánh tư duy giúp cho mình, giúp cho người thoát khỏi những nhận thức sai lầm,
đi tới với ánh sang tuệ giác, ánh sang giải thoát và tự do ».
Và, bây giờ xin
quý vị quay trở về với thân linh và hương linh của mình, để tôi có thể chia sẻ.
Bốn Loài Chúng Sanh :
Này, các hương linh !
Trong kinh đức
Phật dạy, có bốn loài chúng sinh. Loài thứ nhất là thai
sinh, là những chúng sinh, sinh ra từ bào thai như là loài người, loài có xương
sống nằm ngang, tất cả các loài như thế đều sinh ra từ bào thai.
Này các hương linh, tại sao phải
sinh ra từ bào thai? Đức Phật dạy, loài chúng sinh sinh
ra từ bào thai là do tác động của tham dục, do tác động của ái dục. Hạt
nhân của nó là từ ái dục, từ tham dục, cho nên thai
chỉ là cái duyên để cho hạt nhân ái dục đó sinh khởi, biểu hiện. Cho nên, những
loài sinh ra bằng bào thai, tính dục nơi họ rất mạnh.
Vì vậy, trong đời sống của họ, niềm vui thì ít, khổ đau thì nhiều.
Trong cuộc sống của họ, nếm được vị ngọt thì ít, mà chất cay
đắng thì nhiều.
Loài thứ hai là
noãn sinh, tức là chúng sinh sinh ra từ trứng. Những loài chúng sinh sinh ra từ trứng, như gà,
như chim… Do tác động của sân hận, hận thù, cho nên những loài bị tác động bởi
tâm thức sân, hận hận thù sẽ sinh ra từ trứng.
Loài thứ ba là
thấp sanh, tức là loài chúng sinh sinh ra từ sự ẩm thấp, bị tác động bởi tâm
thức si mê mù quáng.
Loài thứ tư là hóa sinh là loài sinh
ra từ sự biến hóa, như các loài trời Tha hóa tự tại, do phước báo sinh ra hay
chúng sinh ở cảnh giới địa ngục do ác nghiệp báo mà sinh ra.
Chúng sinh sinh ra từ hóa sinh được tác động hoặc bị tác động bởi những hạt
giống kiêu mạn và tà kiến.
Sanh nơi các loài trời thì do kiêu mạn, cho ta là tổ phụ của loài người, ta là
chúa tể của mọi người, đó là sinh ra từ tà kiến. Khi hết phước báu, dù ở cõi
trời là Phạm Thiên, Đế Thích, dù là chúa trời, vẫn bị đọa xuống ở nơi tam đồ ác
đạo, vì chính chất kiêu mạn của họ. Hoặc là hóa sinh vào cảnh giới địa ngục là
do ác nghiệp báo. Ac nghiệp biểu hiện là do bất hiếu với cha, bất hiếu với mẹ,
không tin nhân quả, phỉ báng những điều tốt đẹp. Khi nghiệp ác
đã đến chỗ trọn vẹn rồi, thì sẽ bị rơi vào cảnh giới địa ngục để nhận lấy quả
báo khổ đau.
Quả Báo Trong Lục Đạo :
Này các hương linh !
Tứ sanh bị luân
chuyển trong lục đạo, gồm địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, súc sinh đạo, A Tu La đạo,
nhân đạo và thiên đạo.
Thiên đạo là phước
báu của các loài trời. Loài trời tuy có phước báu hơn
loài người, nhưng vẫn nằm trong sinh tử luân hồi. Hễ
thân tâm khởi lên điều ác, thì rơi xuống cảnh giới thấp kém.
Loài người gọi là
nhân đạo, là sống phải biết nhân nghĩa, sống có tình, có nghĩa với nhau, sống có
hiếu kính thì được sinh ra trong loài người.
Dù được thân tướng tốt đẹp, dù được cha yêu, mẹ quý, vợ ngoan, chồng sang trọng
giàu có, nhưng tất cả phước báu đó rất mong manh, như sương mai, nắng chiều, như
ánh chớp hoàng hôn, có đó rồi không. Nếu không biết tu tập thì phước báu làm người sẽ mất, rơi vào cảnh
giới thấp kém.
Cảnh giới của A tu la là sự giận dữ tranh chấp hơn thua, đó là thế giới của
chiến tranh, họ làm khổ cho nhau, vì sự tranh chấp. Họ đem hết tất cả tài năng để tranh chấp hơn thua với nhau và sống
bằng đời sống tranh chấp, cho nên họ rất đau khổ.
Thế giới súc sinh là thế giới mù
quáng, si mê, sống theo
bản năng, thú tính. Quả báo của chúng là ngu si vô trí và không biết hổ thẹn.
Thế giới ngạ quỷ
là thế giới nghèo đói, nghèo cơm ăn, nghèo áo mặc, nghèo hiểu biết, nghèo tâm
linh, nghèo tình cảm. Nghĩa là không có thứ nào nơi thế giới ngạ quỷ là không nghèo.
Và cuối cùng, thế
giới địa ngục là thế giới vô cùng khổ đau. Không có cái khổ đau nào mà không có mặt ở nơi địa ngục. Tùy
theo, ác nghiệp của mình mà thọ nhận khổ quả nơi địa ngục.
Địa ngục có vô số cảnh giới.
Thuyền Từ Cứu Độ :
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì thương
chúng sinh ở trong tứ sinh lục đạo, mà ngài xuất hiện trong cõi đời này, làm
người cha hiền lành, làm người cha đạo đức, làm người cha từ bi, làm người cha
trí tuệ, gần gũi thân cận với lục đạo chúng sinh, với tứ sinh chủng loại để dẫn
dắt, hướng dẫn và trao truyền ánh sáng chánh Pháp.
Ngài vì tất cả loài chúng sinh trong
lục đạo, bật ánh sang chánh Pháp lên, để cho ai có mắt trong tứ sinh lục đạo có
thể thấy được con đường mà đi, thấy được nhân quả mà sống, thấy được nghiệp báo
mà hành hoạt để thoát ly sinh tử luân hồi. Và Ngài xuất hiện trong cõi đời này
là để hàn gắn lại những gì mà do tà kiến của chúng sinh, chấp ngã của chúng sinh
làm cho thế gian này bị đỗ vỡ, bị hầm hố ngăn cách. Và
ngài có mặt ở trong thế gian này để dựng đứng lại những gì do nhận thức sai lầm,
tà kiến của chúng sinh làm cho thế gian này bị chao đảo,
nghiêng ngữa. Đức Phật Thích Ca có mặt trong cõi đời này làm bậc thầy của
cõi trời, cõi người; làm bậc cha lành của bốn loại, để giúp bốn loại chúng sanh
thoát khỏi lục đạo, đi tới tịnh độ, đi tới cảnh giới Niết bàn.
Niết Bàn trong tương lai hay chính
là Niết bàn trong hiện tại. Tịnh độ phương Tây của đức Phật A Di Đà, tịnh độ
phương Đông của Đức Phật Dược Sư, tịnh độ ở phương Bắc, phương Nam, phương Trên,
phương Dưới hay tịnh độ chính trong tự tâm của mỗi chúng ta. Tâm, trí, nguyện và hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như thế, chúng
ta không bao giờ diễn tả được. Bao nhiêu tâm niệm nhiều như cát bụi,
chúng ta có thể biết được ; nước ở đại dương ta cũng có thể đong lường được ; gió
giữa hư không chúng ta cũng thể buộc lại được ; nhưng công đức của Đức Phật đối
với tứ sinh lục đạo, ta không bao giờ nói hết được.
Vậy, trong giờ phút này, các hương
linh đang trôi nổi bềnh bồng ở trong lục đạo, tứ sinh bây giờ nhờ từ bi tâm của
Hòa Thượng trú trì chùa Phước Huệ, nhờ từ bi tâm của chư tăng ở thành phố Bảo
Lộc, của chư tăng các nơi, nhờ thiện tâm của Phật tử mười phương ; Rồi nhờ cái
hồi tâm hướng tâm, cái tâm ân hận, cái tâm sám hối của những bậc làm cha, làm mẹ
; Rồi nhờ tính nhân bản, tính nhân văn vốn có ở nơi mỗi một con người chúng ta
đã tạo ra được đạo tràng hôm nay, để cho các hương linh trở về đây thính pháp,
văn kinh, nương nhờ uy lực của Tam Bảo mà xả bỏ tất cả những oán đối với chính
bản thân mình, với cha mẹ mình, oán đối với lục đạo, tứ sinh mà hướng tâm đến
Tam Bảo, giải trừ tất cả oán nghiệp, phát khởi tâm bồ đề, quy y Tam Bảo, thọ trì
giới Pháp để vãng sanh về thế giới tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà.
Đó là phước báu rất lớn của các hương linh đang hiện diện trong đạo tràng hôm
nay.
Chuyển Bạt Nghiệp Chủng Và Dư
Báo :
Này các hương Linh !
Các hương linh
muốn sanh vào cõi người chăng? Các hương linh muốn sanh vào cõi
trời chăng? Các hương linh không muốn đọa vào tam đồ ác
đạo chăng? Các hương linh muốn sanh vào cõi các bậc thánh, cõi Bồ Tát và
chư
Phật chăng?
Các hương linh không muốn rơi vào
tam đồ ác đạo, muốn trở lại loài người hoặc muốn sanh thiên hoặc bước lên cảnh
giới cao quý của bậc Thánh hay Bồ Tát, thì giờ phút này các hương linh phải phát
tâm quy y Tam Bảo.
Bởi vì tôi biết, gần 5000 hương linh
thai nhi có mặt trong đạo tràng này, có những vị do nghiệp báo mà bị mẹ
mình hành hạ bạc đãi. Nhưng, cũng có những vị vì phước báu, nên bị cha, mẹ bạc đãi hành
hạ. Tại sao như thế? Mình bị nghiệp báo xấu ác,
cho nên mình không đủ điều kiện sinh ra trong cõi người để làm người, nên bị mẹ
bạc đãi. Mẹ bạc đãi là bạc đãi theo nhu cầu ác
nghiệp của mình. Còn những vị có phước báu mà bị mẹ bạc đãi,
bởi vì vị đó đã nhiều đời tu tập, chỉ còn duyên trong cõi người một tháng thôi,
hai, ba tháng thôi, rồi được sinh vào các cõi Thánh. Và cũng nhờ mẹ bạc
đãi, nên sớm thoát được cái thai đó mà vãng sanh lên
cõi trời hay sanh vào cõi của các bậc Thánh.
Đây là hình ảnh của các bậc Thánh
giả Thất lai hay Nhất Lai. Các bậc thánh giả Thất lai phải còn bảy lần tái sinh
trong cõi người, phải nằm trong thai
mẹ bảy lần nữa. Các bậc thánh giả Nhất lai thì phải còn một lần nữa ở trong dục
giới, nằm trong thai mẹ. Các bậc thánh này đã đoạn tận
ái dục mà còn dư báo, cho nên phải vào trong thai
mẹ, nằm vài tháng. Và nhờ mẹ bạc đãi, cho nên không đủ điều kiện để tiếp tục ở
nơi thế giới loài người, trả xong nghiệp báo của loài người để được sanh thiên
hay sanh vào cõi của các bậc Thánh.
Cho nên, trong giờ phút này, các hương linh nào rơi vào trong
hai trường hợp ấy, không nên khởi tâm oán cha mẹ mình, mà quý vị phải khởi từ bi
tâm thương cha mẹ mình.
Bởi vì cha mẹ mình
không biết, cha mẹ mình không có tuệ giác, cho nên không thấy, không hiểu được
dòng chảy của nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của thiện và ác nghiệp. Nên, bịị mẹ bạc đãi, cũng là một cách quý vị trả nghiệp của mình.
Vì vậy mà trong giờ phút này, các hương linh phải nhìn sâu vào trong tâm thức
của mình, để tự hoan hỉ, để tự giải tỏa tất cả oán đối của mình đối với mẹ, đối
với cha, đối với thế giới con người. Và quý vị nương nhờ uy lực của Tam Bảo để
mà tu học và bước tới đời sống giải thoát giác ngộ, bước tới phương trời của
phước đức, phương trời của tự do và giải thoát.
Xin tất cả quý vị đại diện hương
linh nói theo tôi, để tâm thức của tất cả các hương linh phát khởi quy y Tam
Bảo, lấy Tam Bảo làm bậc thầy, làm nơi nương tựa để tu tập và trau dồi phước đức
của mình. Và từ đó mở ra những sợi dây oan thiên của chính họ, của chính mình,
để chúng ta sinh ra ở đâu, cũng là thiện hữu tri thức, là bậc cha, mẹ hay con
cái dễ thương, đồng đi trên con đường phước đức và trí tuệ rộng lớn, tự do và an
lạc.
Xin tất cả quý vị chí thành nói theo
tôi :
Đệ tử chúng con, nguyện quy y
Phật, là đấng phước trí vẹn toàn ;
Đệ tử chúng con, nguyện quy y
Pháp, là con đường thoát ly tham dục ;
Đệ tử chúng
con, nguyện quy y Tăng, là đoàn thể tu tập thanh tịnh và hòa hợp.
Đệ tử chúng con, quy y Phật,
nguyện đời đời kiếp kiếp, không quy y trời thần quỷ vật ;
Đệ tử chúng con, quy y Pháp,
nguyện đời đời kiếp kiếp, không quy y ngoại đạo tà giáo ;
Đệ tử chúng con, quy y Tăng,
nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y tà sư ác hữu
Đệ tử chúng con, đã quy y Phật,
thì không con đọa vào địa ngục ;
Đệ tử chúng con, đã quy y Pháp,
thì không còn đọa vào ngạ quỷ ;
Đệ tử chúng con, đã quy y Tăng,
thì không còn đọa vào súc sanh.
Nuôi Lớn Thánh Chủng Và Phước
Đức :
Này các hương linh !
Kể từ giờ phút này, các hương linh
đã làm đệ tử Phật. Như vậy, Phật, Pháp, Tăng ở trong tâm thức của các hương linh
bắt đầu có mặt và sinh khởi. Khi Phật có mặt trong tâm thức
của các hương linh, thì sự mê lầm đã được xóa. Các
hương linh thực tập chánh niệm, tỉnh giác, càng lớn lên bao nhiêu, thì sự mê lầm
trong tâm thức của các hương linh được xóa dần và sạch đi bấy nhiêu.
Và khi các hương linh đã quy y Pháp, hạt giống chánh Pháp đã có mặt trong tâm
thức của các hương linh, thì sự thực tập như vậy, khiến tất cả sai lầm trong tâm
thức của các hương linh sẽ bị xóa đi bấy nhiêu. Và khi hạt
giống quy y Tăng có mặt trong tâm thức của các hương linh, thì tất cả những gì ô
nhiễm, không thanh tịnh trong tâm thức của các hương linh sẽ được xóa đi bấy
nhiêu. Và kể từ giờ phút này, các hương linh không bao giờ đọa vào địa
ngục, ngạ quỷ hay súc sinh nữa. Từ đây các hương linh có thể tiếp tục
sinh vào loài người, loài trời, các bậc Thánh để nương tựa vào Tam Bảo và cuối
cùng là tu học, để thoát ly sinh tử luân hồi, hướng tới phương trời phước đức
toàn vẹn và trí tuệ viên mãn.
Nhưng mà hỡi các
hương linh, trong giờ phút này, các hương linh đã lãnh thọ ba pháp quy y rồi,
các hương linh cũng cần phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là tâm rộng lớn, tâm giác ngộ, tâm của
chư Phật.
Người phát tâm Bồ Đề có hai khuynh
hướng, khuynh hướng thứ nhất là mong cầu thành tựu trí tuệ của Phật và khuynh
hướng thứ hai là phát khởi tâm từ bi, hạnh từ bi của Phật để cứu độ hết thảy
chúng sinh.
Nhờ có trí tuệ mới
đủ khả năng cứu độ chúng sinh dưới bất cứ hình thức nào. Và với tâm Bồ Đề như thế, nơi cõi Ta Bà này hay
bất cứ thế giới nào, cõi nào trong thế gian này, không đủ điều kiện để nuôi lớn
tâm bồ đề và thuận lợi cho sự tu tập của các hương linh, thì các hương linh, cần
phải phát tâm cầu sanh về tịnh độ phương Tây của đức Phật A Di Đà để thuận lợi
cho sự phát triển và nuôi lớn tâm bồ đề của mình đã phát khởi.
Phương Trời Phước Đức Và Tự Do:
Này các hương linh!
Cảnh giới Tịnh độ phương Tây của đức
Phật A Di Đà là cảnh giới của bản nguyện do đại nguyện của Phật A
Di Đà tạo ra. Cho nên, các hương linh trong giờ phút này phải thực tập niềm tin,
thực tập hạnh và nguyện, để tương ưng với bản chất của tịnh độ nơi thế giới Phật
A Di Đà.
Trong giờ phút này, các hương linh
cần phát tâm sanh về thế giới tịnh độ của Phật A Di Đà, để nuôi lớn tín, hạnh,
nguyện của mình, nuôi lớn tâm bồ đề và nuôi lớn pháp quy y Phật, Pháp, Tăng mà
mình đã lãnh thọ, để pháp quy y đó viên mãn, giúp cho mình thành tựu được địa vị
Vô thượng bồ đề, thành tựu phương trời phước đức và tự do.
Quy y Phật lớn
mạnh và viên mãn, thì sẽ thành tựu bậc Vô thượng giác. Quy y Pháp lớn mạnh và viên mãn thì sẽ thành tựu được đại Niết bàn
tịch diệt. Quy y Tăng viên mãn thì sẽ thành tựu bản thể
thanh tịnh, hòa hợp rộng lớn cùng khắp cả hư không giới, pháp giới.
Vậy, các hương linh đã có đường đi
nẻo về, trong giờ phút này, các hương linh đã nghe pháp thoại rồi, đã biết được
phương trời phước đức tự do để đi về.
Bây giờ các hương linh sẽ trượng
thừa vào Hòa Thượng sám chủ và các vị kinh sư, y vào khoa giáo để các hương linh
nương vào những âm thanh, nương vào tâm thanh tịnh của các Ngài, để trượng thừa
công đức, nuôi lớn những gì mà quý vị đã nghe, đã hiểu và đã tiếp nhận trong bài
pháp thoại này.
Mong rằng, bao nhiêu oán đối của quý
vị được giải tỏa, bao nhiêu phước đức thiện căn của quý vị giờ phút này được
thành tựu và tất cả chúng ta, người sống cũng như người chết, người oán cũng như
người thương, tất cả chúng ta sinh ra ở đâu, nguyện đời đời kiếp kiếp, gặp nhau
trong ánh đạo từ bi, thực hành chánh pháp, lợi lạc muôn loài.
Bấy nhiêu lời xin
chia sẻ với các hương linh trong đạo tràng nầy.
Thôi, các hương linh nhẹ nhõm lên đường về cõi Phật, xa lìa phiền não chốn trần
ai, chín phẩm hoa sen là cha mẹ, vui đặng tiêu dao dưới Phật đài!
Nam Mô Siêu Lạc
Địa Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần).
Phiên tả từ phật tử Nguyên Niệm,
Nhuận Thánh Đức – Sài Gòn