Cũng tại Kuru, tại
thị trấn Thullakoṭṭhika, đức Phật còn độ thêm một người đặc biệt nữa, đấy là chàng thanh niên Raṭṭhapāla.
Hay tin đức Phật du hành đến thị trấn Thullakoṭṭhika cùng với hội chúng tỳ-khưu – các bà-la-môn gia chủ tìm đến rất
đông. Đức Phật đã có nhiều buổi pháp thoại khích lệ, làm cho họ thích thú, hoan
hỷ, phát khởi đức tin. Trong số đó có một chàng thanh niên con một
gia đình thượng tộc, cự phú... nghĩ rằng:
“ Như đức Thế Tôn với những thời pháp thanh cao, vi diệu – ta đã hiểu được rằng,
đời sống tại gia không dễ gì thực hành phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, trắng bạch
như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp y, mang bát, từ bỏ mái gia đình đầy
những buộc ràng phiền não, xuất gia, sống đời không gia đình.” Nghĩ
thế xong, chàng đến bên chân đức Phật, xin được xuất gia.
Đức Phật nói:
- Ông đã được cha mẹ cho phép chưa, này Raṭṭhapāla?
Khi được biết là chưa, đức Phật khuyên là hãy trở về nhà
thuyết phục sao cho gia đình bằng lòng đã.
Khi thanh niên Raṭṭhapāla vừa bước đi khuất bóng, đức Phật nhiếp tâm
một lát rồi ngài mỉm cười.
Tôn giả Ānanda đứng hầu một bên, ngạc nhiên về nụ cười ấy,
bèn thưa hỏi lý do; và vì hội chúng tỳ-khưu cũng mong muốn tìm biết nguyên nhân;
đức Phật đành phải kể khái quát chuyện tương lại:
- Thanh niên Raṭṭhapāla này sẽ rất khó khăn mới được
xuất gia. Cũng như Sāriputta trước đây, phải nhịn
ăn, nhịn uống gần chết mới thực hiện được ước nguyện của mình. Raṭṭhapāla còn khó khăn hơn Sāriputta
– vì dù
sao,
Sāriputta có đông các em
trai và
gái;
còn Raṭṭhapāla
lại là con trai độc nhất trong một gia đình mà tài
sản, vàng ngọc và kho đụn không biết làm gì cho hết.
Lớn lên trong nhung
lụa, Raṭṭhapāla được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc; và ăn uống, vui
chơi, thụ hưởng ngũ dục
một cách đầy đủ, sung mãn – không thiếu thứ gì.
Khi biết được ý định xuất gia của con,
ban đầu hai ông bà nghiêm khắc cấm
đoán; rồi sau đã phải hết lời năn nỉ, van
xin; đã trăm phương nghìn cách để níu giữ chân đứa con trai thân yêu - bằng quyền lực, bằng lý lẽ, bằng tình cảm – nhưng vô ích. Raṭṭhapāla một mực im lặng
như thân tượng đá và giữ vững ý mình:
Một là chết hai là được xuất gia. Cô vợ trẻ sụt sùi, đẫm nước mắt bi lụy và đám thê
thiếp, người hầu cũng vậy. Bạn bè, thân hữu Raṭṭhapāla
- những vị công tử giàu sang, con em của những gia đình khá giả cũng rủ nhau tìm đến khuyên lơn
phải trái. Tất thảy đều vô ích. Thế rồi, do bỏ ăn bỏ uống nhiều ngày, sợ con chết, hai ông bà đành phải bấm bụng cho Raṭṭhapāla ra đi, nhưng phải hứa là
thỉnh thoảng về thăm gia đình...
Đức Phật chỉ kể ngang đây rồi dừng lại.
Tôn giả Ānanda nôn nóng hỏi tiếp:
- Rồi sau đó ra sao, bạch đức Thế Tôn?
- Vậy nên chúng ta phải ở lại thị trấn này năm bảy hôm
nữa, đợi Raṭṭhapāla đến đây rồi Như Lai sẽ cho ông ta thọ đại giới. Với thiện căn và túc duyên
sẵn có, sau này, Raṭṭhapāla
sẽ trở thành một vị
tỳ-khưu có đời sống với hạnh kiểm mẫu mực, ưa thích độc cư, viễn ly,
tinh cần thiền quán. Khi trở thành vị A-la-hán rồi, tám năm sau, Raṭṭhapāla mới xin phép Như Lai về thăm gia đình. Và chính chuyến đi này, với cung cách xử sự,
với hành trạng vô nhiễm và vắng lặng của vị tỳ-khưu thánh nhân - mới để lại bài
học vô giá, để lại tấm gương sáng – có ấn tượng sâu đậm trong hàng tứ chúng mai
hậu.
Tôn giả Sāriputta với bản tính khiêm cung, dầu cũng biết
chuyện tương lai của vị tỳ-khưu, nhưng vẫn thưa bạch:
- Xin đức Thế Tôn cho đại chúng được nghe.
- Ừ, Như Lai sẽ kể tiếp đây. Trở lại Kuru, về thị trấn
Thullakoṭṭhika, con trai của Như Lai ôm bát khất thực
từng nhà một rồi đến đứng trước cửa ngôi nhà cũ của mình. Lúc ấy, người cha của
tôn giả đang đứng chải tóc, trông thấy Raṭṭhapāla, do nhiều năm xa cách,
thay đổi diện mạo – ông không
nhận ra – đã nổi giận, quát lớn:
- Hãy cút đi!
Hãy xéo
đi
cho khuất mắt! Chính vì những sa-môn đầu trọc như các ông
- bọn ăn xin đầu đường xó chợ - đã làm cho ta phải mất một đứa con trai độc nhất
trong gia đình.
Nói xong, ông giận dữ đóng cửa lại, quay lưng bước vào
trong. Con trai của Như Lai - vì là một vị
A-la-hán, không lấy thế làm điều – đứng thêm một lát nữa rồi chậm rãi bước quành
ra ngõ sau, để đến một ngôi nhà khác. Lúc ấy, người nữ tỳ
trước đây của Raṭṭhapāla, tất tả đang bưng
nồi cháo ngày hôm qua còn thừa đem đổ vào hố rác. Tỳ-khưu Raṭṭhapāla bèn dừng chân
lại, nói với người nữ tỳ:
- Này chị, nếu cần phải quăng đổ số cháo thừa ấy – thì xin
chị hãy đổ nó vào bát của
tôi đây.
Sau khi trút cháo thừa vào bát theo yêu cầu của vị sa-môn;
người nữ tỳ sực nhớ lại giọng nói, thoáng nhìn tướng tay, tướng chân, dáng đứng,
khuôn mặt - chị ta hoảng kinh nhận ra vị cựu chủ của mình. Hớt hải, chị ta ba
chân bốn cẳng chạy một hơi vào gặp người mẹ của tôn giả:
- Chủ mẫu ơi! Chủ mẫu ơi! Mau ra mà xem! Cậu ấm, công tử của
chúng ta đã trở về!
Rồi cô thuật lại chuyện xảy ra vừa rồi.
Vọt dậy, bà nói nhanh:
- Nếu ngươi nói đúng sự thật, ta sẽ cho ngươi thoát khỏi
thân phận nô tỳ.
Đến gặp chồng mình, bà la bai bải:
- Trời ơi là trời! Ông có biết không? Con trai của chúng ta! Cục cưng
của chúng ta! Hòn ngọc,
hòn vàng của chúng ta đang ăn món cháo chua mà con nữ
tỳ đem đi quăng đổ đấy! Có khổ không
chứ! Ông hãy chống mắt ra mà xem kia
kìa!
Trong lúc ấy, tỳ-khưu Raṭṭhipāla đang ngồi dựa vào bức tường, an nhiên thọ thực. Cả hai ông bà ra tận nơi,
nhìn kỹ, thấy rõ là con trai yêu quý của mình.
- Này con yêu! Nỡ lòng nào
mà con lại thọ dụng cái thứ nước cháo
chua đem đi quăng đổ ấy, cái thứ mà chó nhà giàu cũng không thèm ngửi?
Đây là
nhà của con mà! Hãy vào nhà đi con!
Tỳ-khưu Raṭṭhapāla, ngước đầu lên, nghĩ là mình phải nói những lời khách sáo để
thức tỉnh mọi người nên cất giọng
điềm đạm:
- Chúng tôi là những sa-môn sống đời không cửa, không nhà
-
đầu đường,
xó chợ - thì làm gì có gia
đình nào, thưa gia chủ?
- Thôi mà con!
Nói gì
những lời như gai đâm, như muối xát làm cha mẹ đau lòng! Hãy vào nhà đi con! Đến đây rồi thì con phải vào nhà
chứ?
- Thưa gia chủ, quả thật là tôi có đến nhưng tôi không
nhận được một lời nói tử tế nào – mà chỉ nhận được
những lời sỉ nhục.
- Ôi! Vì ta không nhận ra
con đó thôi! Ôi! Làm sao mà cha mẹ có thể
nhận ra con qua gần mười năm xa cách?
Ôi! Làm
sao
cha mẹ có thể hình dung một chàng trai tuấn tú, phi phàm
trước
kia, bây
giờ đã biến thành một sa-môn gầy gò, khắc
khổ? Nhưng mà thôi, hãy đứng lên, vào nhà rồi
cha mẹ sẽ cúng dường những món
ăn mà con thường ưa thích thuở trước.
- Thôi vừa rồi, gia chủ. Hôm nay tôi đã thọ thực xong.
- Vậy này con thân yêu, hãy nhận lời mời ngày mai đến thọ thực nhé.
Tỳ-khưu Raṭṭhapāla im lặng nhận
lời rồi tìm đến một khu rừng vắng để tịnh chỉ, thọ hưởng lạc về thiền, thọ hưởng lạc về quả.
Trong lúc ấy, cha mẹ của Raṭṭhapāla chuẩn bị mưu kế để dụ dỗ đứa con trai của mình. Bao nhiêu kim
cương, ngọc
lục bảo, vàng khối, vàng nén,
tiền vàng to, nhỏ... trong rương
tráp, nơi này và nơi kia chất thành ba đống lớn - lấy màn hoa che lại. Lại còn
chi ly cặn kẽ bảo cô vợ trẻ và những tỳ thiếp xinh
xắn trước đây của Raṭṭhapāla, phải tắm và gội đầu bằng nước
thơm; ăn mặc phải thật
đẹp, tế nhị, gợi cảm... làm thế nào cho tượng đá cũng phải
xao xuyến, rung động...
Sáng ngày, lúc mặt trời đã lên cao, tỳ-khưu Raṭṭhapāla đắp y, mang bát rời khỏi ngôi rừng, thong dong bộ hành đến ngôi nhà cha mẹ của mình, được mời
ngồi nơi chỗ đã được soạn sẵn, đã được tính trước.
Vừa mới yên vị, bức màn vải hoa trước mặt được kéo lên, Raṭṭhapāla chợt thấy ba
đống châu báu chất cao, ánh sáng và màu sắc lóng la lóng lánh chói ngời. Và
tiếng của cha chàng trầm ấm, như mật ngọt rót vào tai:
- Này con thân yêu! Đống châu báu
lớn nhất là của tổ tiên để lại. Đống ít hơn một tí là tài sản mà cha đã khổ công
kinh doanh, làm ăn một đời. Đống nhỏ nhất là của mẹ con, một đời chắt bóp, dành
dụm được. Tất cả đấy là của con, ngay từ bây giờ. Vậy con hãy hoàn tục, trở lại
cuộc sống của một gia chủ hiền thiện; vừa thụ hưởng ngũ dục sung sướng một đời –
mà còn có thể làm các công đức, bố thí cúng dường gì đó tuỳ thích...
Con trai của Như Lai mỉm nụ cười trong tâm, nhưng giọng nói rất
bình thản:
- Châu báu nhiều thì sầu bi khổ ưu não nhiều, lại dễ kéo theo nhiều
ác nghiệp do tà vạy, bất
chánh... Châu báu ít thì sầu bi khổ ưu não ít, nhưng mà tâm
trí đâu có an ổn, nhẹ nhàng, thanh lương, trong sáng
trong
thế giới tham sân và
ái dục ấy? Vậy, muốn giải thoát ưu não cho
mình, gia chủ hãy sắm một chiếc xe lớn với bốn con ngựa kéo –
mang ba đống châu báu này đem đổ xuống sông Gaṅgā, có lẽ là việc làm tốt nhất cho gia chủ đấy!
Hai ông bà bàng hoàng. Cô vợ trẻ và những nàng
tỳ thiếp xinh như mộng - ăn mặc, trang điểm diễm lệ từ phòng bên bước ra, vây
quanh tôn giả với hoa
hương thượng hạng thơm lừng. Họ đồng thanh cất tiếng hỏi:
- Thưa phu quân! Chẳng hay vì
mục đích những vị tiên nữ có sắc đẹp như thế nào mà phu quân
lại chê chúng thiếp để sống đời phạm hạnh sa-môn?
- Thưa các bà chị! Các bà chị lầm rồi! Mục đích của sa-môn phạm hạnh không phải tầm thường, hạ liệt như thế. Các vị tiên
nữ dẫu xinh đẹp như thế nào, đối với thầy tỳ-khưu viễn ly trần
cấu - họ cũng chỉ được
xem như là những đống thịt
thối mà thôi!
Các cô vợ cũ la lên:
- Ôi! Than ôi! Phu quân đã
gọi
chúng em là những bà
chị!
- Ôi! Phu quân nói thân nữ
của chúng em là tầm thường, là hạ liệt!
- Ôi! Phu quân còn nói chúng em là những đống thịt
thối!
Rồi họ ngã ra, bất tỉnh.
Tỳ-khưu Raṭṭhapāla chợt ôm bát, đứng dậy:
- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi - là những trò quyến dụ ngây thơ và trẻ con ấy! Một ngàn lần thế, một vạn lần như thế cũng không thể làm động tâm những
đứa con trai, đệ tử của đức Tôn Sư. Nếu gia chủ không đặt bát cúng dường – thì tôi xin được
từ giã, không nên ngồi nán thêm một chút nào nữa trong
cái địa ngục ái luyến, trong cái hầm hố ái dục hạ liệt này.
Nghe vậy, cả nhà hối hả đặt bát với thức ăn thượng vị,
loại cứng, loại mềm. Thọ thực xong, rửa
tay xong, tay vừa rời khỏi bình bát,
con trai
của Như Lai đọc lên bài kệ nói
đến “ Tính chất dơ uế, khổ,
vô thường của thân xác – nhưng người đời lại muốn tô điểm, trau chuốt, phủ
hương, phủ hoa ra bên ngoài để lừa bịp kẻ ngu... Ngọc ngà, châu báu thế gian
cũng tương tợ thế. Dù người thợ săn kia có gian manh, quỷ quyệt, bỏ trong lưới
sập những thức ăn ngon, mỹ vị, mỹ hương – thì chúa loài nai
khôn ngoan vẫn không bao giờ dính bẫy đâu”.
Câu chuyện còn dài nhưng đức Phật chỉ kể đến chỗ cần thiết nhất để khích lệ,
sách tấn những vị tỳ-khưu sơ tu còn trẻ. Hội chúng hoan hỷ bởi pháp thoại ấy nên
họ đã tinh cần tu tập hơn.
·