Tỳ kheo Nguyên Các
“Cha” và “mẹ” (hoặc “ba, má”
hay “bố, mẹ” )
thường là các từ đơn đầu tiên mà chúng ta bặp bẹ nói được.
Điều đó có lẽ là đương nhiên, vì người dạy cho chúng ta những tiếng đầu tiên
thiêng liêng ấy, đâu ai khác ngoài Cha Mẹ chúng ta. Những âm đầu tiên đó,
chúng ta phát ra đâu được tròn trịa là “bố” “mẹ” đâu, mà chỉ là những chuỗi âm
tương tự mà thôi. Và, dù là chẳng biết mình phát ra những âm gì, ý nghĩ thế nào,
nhưng sau khi lặp lại xong thì cười rất vui, rất sung sướng…Rồi cứ thế, “bố, mẹ”
theo ta trong mọi hoàn cảnh sống. Hai tiếng ấy quá gần
gũi, quá thân thương, để rồi chúng ta cảm nhận đó như điều tự nhiên, thậm
chí đôi khi quên đi sự tồn tại ấy.
Từ thuở ấu thơ, khi bị té ngã,
hay bị chúng bạn trêu chọc, người mà chúng ta liền gọi hoặc méc (mách) không ai
khác ngoài Cha Mẹ của chúng ta. Và, Cha Mẹ luôn ở vị trí số
một trong lòng ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như thế,
dù chưa hiểu biết nhiều, nhận thức còn chưa được là bao, nhưng lúc ấy chúng ta
đã ý thức được Cha Mẹ là người có thể bảo bọc, chở che chúng ta.
Hay nói cách khác, với trẻ thơ, Cha Mẹ là cả bầu trời.
Đúng thật như thế, Cha Mẹ có thể vì chúng ta mà làm tất cả, quản gì khó nhọc hy
sinh. Rồi chúng ta dần lớn lên trong tình yêu thương
không bờ bến ấy. Mặc thời gian không ngừng trôi, không gian có đổi dời,
và chúng ta có thế nào đi nữa, thì tình thương của Mẹ Cha vẫn mãi tràn đầy…
Tiếng “mẹ”
“cha” ôi sao quá giản dị, quá mộc mạc.
Thế nhưng, ẩn chứa bên trong sự mộc mạc, giản dị ấy là cả tình
yêu thương bao la, là sự hy sinh bất tận, là niền vui nỗi buồn, là cả cuộc đời
của Mẹ của Cha.
Từ lúc
chúng ta hình thành trong bụng Mẹ, là chuỗi ngày Cha Mẹ đứng ngồi không yên.
Phần vì hạnh phúc lớn lao khi được làm Cha Mẹ; phần vì
lo lắng mọi bề… Suốt chín tháng giữ gìn thai giáo, việc uống ăn đi đứng Mẹ nào
được như ý; Cha thì chăm mẹ chăm “con”, mong cho đến lúc vuông tròn cả hai. Rồi
đến thời lâm bồn Mẹ khổ, chịu đau đớn trăm phần mê mỏi, thậm chí tính mạng Mẹ có
thể gặp nguy; Cha thời xót vợ thương con, nhưng trong cảnh chẳng thể giúp gì
được, cảm giác “bất lực” ấy cũng đau không kém. Đau đớn là thế, nhưng khi nghe
được mẹ con đều khỏe mạnh, thì bao sự đau sự khổ liền đều biến tan, thay vào đó
là niềm hạnh phúc vui sướng khôn tả rõ. Đó chính là sức mạnh
của tình yêu thương, là tấm lòng của bậc làm cha mẹ.
Cùng với niềm vui sướng hạnh
phúc khi con cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc Cha Mẹ bắt đầu những tháng
ngày vất vả nuôi con. Vì cho con ăn no mặc ấm, dẫu mình mang nghiệp cũng cam. Miễn con
ăn
học nên người, thức khuya dậy sớm Cha thời xá chi. Để con có cuộc thanh nhàn, Mẹ
thân phụ nữ chẳng màng chuốt chau… Sự hy sinh ấy, ngoài Cha Mẹ
chúng ta ra ai làm được?
Thế nên trong kinh Báo Đáp Công Ơi Cha Mẹ có dạy: “Ơi cha nghĩa mẹ sánh bằng
Thái Sơn”. Thái Sơn to lớn thế nào không cần rõ, nhưng chúng ta phải biết là, vì
con cái mà Cha Mẹ ta hy sinh tất cả, điều đó lớn lao
cao cả chừng nào? Biết được điều đó, dù trong cuộc sống có bất kỳ biến cố nào, chúng
ta cũng không bao giờ quên nghĩa Mẹ công Cha.
Khi chúng
ta cắp sách đến trường, chữ a, b, c Cha Mẹ cùng ta học. Con điểm mười Cha
Mẹ còn vui hơn. Bao vất vả bộn bề cuộc sống, cũng chẳng bằng
con Cha Mẹ giỏi ngoan (con ngoan trò giỏi). Có sá gì nắng sớm mưa chiều,
quản ngại chi vai gầy gánh nặng; miễn cho con được như bạn bằng bè. Rồi đến lúc
con vào đời lập nghiệp, cũng không ngừng dõi theo bước
con đi. Con thành công Cha Mẹ - người vui nhất; lỡ vấp ngã trên đường đời trắc
trở, nơi con về nương tựa chỉ có Mẹ và Cha. Dẫu vui buồn tranh đua nơi thế cuộc,
Cha Mẹ già vẫn xót dạ thương con... Nhưng thế gian cũng lắm hạng người, dù làm
Cha Mẹ con thơ chẳng màng. Những người như thế nghiệp mang, sống trong “địa ngục”,
thác sanh tam đồ[1].
Còn trên bình diện rộng chung, công Cha nghĩa Mẹ non
xanh khó bằng.
Ấy thế mà,
được bao lần chúng ta nhìn lại, sự hiện hữu nhiệm màu của Mẹ Cha bên ta.
Hay chỉ nghĩ đó là điều tất yếu, mà quên rằng Cha Mẹ cũng có
khoảng trời riêng.
Giờ nghĩ lại ta thấy mình quá lỗi, khi chỉ biết Cha Mẹ phải vì
ta.
Chẳng thế mà trong kinh[2]
có nói, chúng ta là: “Mười phần mê muội cả mười, không tường ơn trọng đức dày
song thân.” Thật vậy, nếu đọc qua hiểu thấu kinh này, chúng ta
liền thấy mình sao quá đỗi nhẫn tâm, làm cho Cha Mẹ bao phen lo buồn.
Vậy mà chẳng biết chẳng thương, lại còn cho đó chuyện thường xưa nay.
Tội bất hiếu vì đây khó tránh. Thế nên, mau mau y pháp mà hành, một lòng
hiếu Mẹ thuận Cha, để mai con cháu nhìn ta mà làm.
Cha Mẹ già
xớm khuya thăm hỏi, cơm canh bày sẵn một lòng kính dâng.
Nếu chẳng vui thì nên nhớ lại, lúc chúng ta còn thuở thiếu thời, bón cơm bú mớm
song thân nào phiền. Lúc ốm đau tay nâng tay đỡ,
đừng cậy tiền người khác làm thay; chúng ta có được ngày nay, một tay Cha Mẹ
chăm lo ắm bồng, bao công dựng xây đắp bồi. Hơn nữa, Cha Mẹ đâu mãi sống đời, thế nên lựa ý chọn lời dạ vâng.
Từ vật chất đến tinh thần, coi sao báo được thù ân thì
làm. Kẻo mai Cha Mẹ mất rồi, có ngồi hối hận hiếu con chưa tròn, thì lúc
đó nào còn kịp nữa. Nên y theo Vu Lan Bồn pháp, cùng kinh Báo Đáp Công Ơi
Cha Mẹ, vào rằm tháng bảy hàng năm, sắm sanh lễ vật cúng dường chư Tăng, đặng
cầu nguyện song đường mạnh khỏe, thọ trường; nếu thác rồi về cảnh an vui…
Có thể nói, với Cha Mẹ con
cái là cả cuộc đời. Điều này nếu ai đã làm Cha là Mẹ, từng trải qua những cung
bậc vui buồn vì con rồi, thì mới hiểu rõ tấm lòng Cha Mẹ. Cũng có nghĩa, nếu
chưa từng sanh con nuôi dưỡng con cái, thì cả đời sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được
những khó nhọc và tình thương cao cả ấy. Thế nên, chúng ta sống trong văn hóa
đạo đức Việt, ít nhất phải tạc dạ ghi lòng:
CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN
NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA
MỘT LÒNG THỜ MẸ KÍNH CHA
CHO TRÒN CHỮ HIẾU MỚI LÀ ĐẠO CON.
Vĩnh Nghiêm, Vu Lan năm 2011
Theo: TVHS