Chia sẻ với quan điểm của Thượng tọa Thanh Quyết về việc đốt vàng mã trong dịp Vu Lan

Minh Thạnh

Minh Thạnh

 

Bài trả  lời của Thượng toạ Thích Thanh Quyết về việc  đốt vàng mã ngắn nhưng khá đầy đủ. Thượng toạ nói rất rõ là đạo Phật không dạy đốt vàng mã, tất nhiên, suy ra nó không có tác dụng gì trong việc siêu độ người quá vãng, càng không thể giúp họ “tài chánh”, của cải mang qua dùng ở thế giới bên kia. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý kiến của chư tôn đức về việc đốt vàng mã. Về sự vô ích của nó.

Thượng toạ  Thanh Quyết chỉ nói đến tác dụng của việc đốt vàng mã đối với người sống như là một nhu cầu về nghi thức tâm linh và cũng nói rõ “không cổ suý cho việc lạm dụng quá mức vàng mã”. Tôi chia sẻ quan điểm của Thượng toạ, đốt vàng mã chỉ nên tượng trưng, chỉ có ý nghĩa nghi thức, nếu cần thì chấp nhận, nhưng nên hết sức giới hạn.

Điều mà tôi muốn nói ở đây, trong sự chia sẻ với ý kiến của Thượng tọa Thanh Quyết, là tác dụng của ngọn lửa trong các nghi lễ tôn giáo và cả ở những nghi lễ ngoài tôn giáo có tính chất tuyên truyền, kích thích ý thức, tình cảm nào đó.

Ngọn lửa, trong đó đốt vàng mã là một hình thức có tác dụng mạnh đối với tâm lý của hành lễ tôn giáo, từ Đông sang Tây, ở nhiều tôn giáo khác nhau.

Thời gian viết bài cấp bách, đề cập một vấn đề có tính thời sự thu hút sự quan tâm, biểu lộ ý kiến cấp thời của bạn đọc, nên chúng tôi không kịp tìm để dẫn lại ở đây nghiên cứu của nhiều học giả về tác dụng của lửa và khói trong nghi thức tôn giáo. Các vị tư tế ở nhiều tôn giáo phương Tây vẫn thường tổ chức đốt nến trong các buổi cầu nguyện và họ cũng có những phương tiện tạo khói riêng để phục vụ cho nghi thức hành lễ.

Một nhà  nghiên cứu về tâm lý học tôn giáo có khảo sát tâm lý của người chủ lễ và người dự lễ tôn giáo ở phương Tây ở cùng một cuộc lễ với ba hình thức khác nhau:

1.      Dùng ánh sáng đèn ống trắng, cường độ sáng cao.

2.      Dùng ánh sáng đèn bách đăng vàng, cường độ sáng âm u.

3.      Dùng ánh sáng đèn nến có kèm hình thức tạo khói.

Hình thức thứ ba được coi là có tác động mạnh mẽ đối với con người khi hành lễ tôn giáo.

Thượng toạ Thanh Quyết chỉ nói đến tâm an vui, thanh thản như là một sự bù đắp cho mặc cảm của con cháu đối với những thiếu sót có thể có đối với bậc tưởng thượng khi còn sinh tiền, theo tôi, chỉ là một phần. Ngọn lửa từ đèn nến và đốt vàng mã tượng trưng (xin nhấn mạnh từ tượng trưng) có tác dụng tăng xúc cảm tôn giáo ở người hành lễ tôn giáo, đưa người hành lễ đến gần với các bậc thiêng liêng và người quá vãng, tạo không gian và tình cảm tôn giáo mạnh mẽ khi hành lễ.

Có nhà  nghiên cứu tôn giáo học đã chỉ ra rằng Goebels, lý thuyết gia của Đức Quốc Xã, đã nghiên cứu rất kỹ tác dụng của ánh lửa đối với việc kích thích tâm lý thiêng liêng ở con người, cho nên đã lợi dụng hình thức đốt lửa, đốt đuốc trong các buổi lễ phục vụ nước Đức Quốc Xã và thường tổ chức từ lúc nhá nhem tối đến về khuya.

Trong một cuốn sách khác, một nhà tôn giáo học đề nghị  làm một thí nghiệm, là so sánh tâm lý đám đông dự lễ trong cùng cuộc lễ  khi dùng đèn điện sáng và khi tắt đèn điện, chỉ dùng nến và các hình thức tạo ánh sáng chập chờn lung linh bằng các dạng lửa khác nhau (mà trong Phật giáo chúng ta có đốt nến, đốt đèn dầu và vàng mã).

Chúng tôi không hề có ý kiến bảo vệ cho một hủ  tục, cũng không hề cho rằng đốt vàng mã có tác dụng “chuyển khoản” cho người thân ở thế giới bên kia, mà nghĩ như Thượng toạ Thích Thanh Quyết, ý thức rõ về tác dụng của nó như một nghi thức, với một số tác dụng nhất định, không phải cho người quá cố, mà cho người sinh tiền hành lễ.

Tôi là  Phật tử Nam Tông, càng không tin vào việc đốt vàng mã đem lại lợi ích cho người quá cố.

Thời trẻ  tôi cũng khuyên người thân đừng nên đốt vàng mã, vì rằng người thân dưới âm phủ sẽ  bị tội về việc… sử dụng, lưu hành tiền giả.

Tuy nhiên, càng lớn tuổi hơn, tôi thấy một ít xấp vàng mã tượng trưng sẽ có ý nghĩa hơn đối với việc cúng tế ông bà tổ tiên người quá cố. Nó cũng như bó hoa, nén hương, rồi sẽ tàn, nhưng không phải là lãng phí.

Rồi  đến một hôm, sau khi đốt chỉ vài tờ vàng mã tượng trưng, bất chợt một con trốt xoáy xuất hiện chỉ riêng ở ngôi mộ của thân phụ tôi ở giữa nghĩa trang, bốc tất cả tàn lửa lên thật cao trong vòng xoáy trôn ốc thẳng đứng. Điều này đưa tôi vào một trạng thái tâm linh khó tả. Tôi không nghĩ là vong linh cụ về nhận vàng mã hiến cúng, nhưng ánh lửa bốc cao và cơn gió xoáy nhỏ có tác dụng như một sự chứng minh linh thiêng, nối kết, cảm ứng.

Vì vậy, cùng cách nghĩ với Thượng toạ Thanh Quyết, tôi cho rằng đốt nhà lầu, xe hơi, du thuyền, TV, hầu thiếp… là điều không nên làm, không có ích gì, trái với tinh thần đạo phật, nhưng hoá vàng vài xấp giấy mỏng, có giá trị như bó hoa, nén hương cho vong linh những người thân quá vãng trong ngày Rằm tháng bảy là điều cũng nên làm.

Xin hẹn một lần sau, tôi sẽ tổng hợp, trích dẫn với xuất xứ rõ ràng ý kiến của các nhà nghiên cứu tôn giáo học, cả phương Tây và phương Đông, về vai trò và tác dụng của ánh lửa đối với nghi lễ tôn giáo.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác