Tâm Huy
Mẹ tôi xuất thân là một người con
gái thôn quê. Ông Ngoại tôi mất khi mẹ mới lên ba, bà
Ngoại nghèo nên mẹ ít được đi học, kể cả bằng tiểu học mẹ cũng chưa có.
Vả lại, ngày xưa dân mình hay quan niệm “con trai mới cho học cao, còn con gái
học biết đọc, biết viết là được rồi, đảm đang, tháo vát mới là gái ngoan.”
Ở tuổi đôi mươi, người ta nói mẹ là gái đảm đang nhất làng, hèn gì, mỗi lần mẹ
đưa anh em tôi về giỗ ông Ngoại, làng trên xóm dưới ai cũng thân thiết hỏi
chuyện ngày qua.
Mẹ tuy ít học nhưng rất thông minh,
lắm nghề và can đảm.
Mẹ lại giàu tình, nặng nghĩa và đầy lòng từ bi. Tôi
được nghe kể rằng: Hồi năm 1972, trong trận 81 ngày đêm khói lửa ở Quảng Trị.
Gia đình tôi theo dân tản cư vào Đà Nẳng. Khi đến gần Đại Lộ Kinh Hoàng thì cầu
bị cháy xe không qua được, nên mọi người đành phải sang xe.
Ba tôi lúc đó đi lính ở chiến trường. Mẹ đang mang tôi
trong bụng, tay bồng, tay dắt, tay xách, nách mang, trong khi pháo đạn nổ
liên hồi. Nội tôi mù, do hốt hoảng quá nên đi lạc ra bờ sông.
Bất chợt mẹ nhìn thấy, chỉ còn một bước chân nữa là Nội té
xuống sông.
Thế rồi mẹ từ trên xe
nhảy xuống, như sức mạnh phi thường, băng qua rào kẻm gai để nhanh chân kịp cứu
Bà. Thật là một hành động can đảm đáng nể phục.
Sau năm 1975 trở về quê, gia đình
tôi cũng vất vã lắm.
Mẹ tôi từ thợ may chuyển sang buôn bán. Với một gánh hàng rong trên
vai, sáng họp chợ, chiều dạo quanh làng, đêm về đạp máy, để kiếm đồng
tiền bát gạo cho anh em chúng tôi ăn học, lại còn có kẻ ở người nương.
Một buổi sáng mùa Đông mưa phùn, mẹ gặp một bà cụ
không rỏ gốc tích lai lịch ở đâu, đang la lết xin ăn ở
đầu xó chợ. Mẹ xót thương thân cụ già yếu, không nơi nương tựa,
phải lê la để kiếm miếng cơm qua ngày. Mẹ nói với ba
tôi và cùng với một cô giáo ở gần đó, ba người cùng nhau làm cho cụ một túp lều
gần chợ để hàng ngày đi chợ mẹ tiện chăm sóc cho cụ. Thế là sáng nào cũng
vậy, khi cơm nước xong cho anh em tôi đi học, mẹ vai gánh hàng,
tay xách cơm ra túp lều dâng cụ. Mẹ chăm sóc cụ như thể
người thân từ muôn kiếp. Thậm chí hồi đó gia đình tôi
ăn cơm độn, nhưng phần cụ lúc nào cũng cơm mềm cá ngon. Cái rét mùa Đông
ở Quảng Trị lạnh buốt xương, mà cụ thì lại không tự đi vệ sinh được, nên mẹ ngày
nào cũng đem nước nóng tắm rửa cho cụ rồi thay áo ấm, chăn êm.
Nhìn mẹ chăm lo cho cụ, dân làng ai thấy cũng chạnh lòng. Mẹ tôi nuôi cụ được một thời gian thì cụ qua đời vì tuổi già sức yếu.
Mẹ cũng đã đứng ra xin đất địa phương để mai táng cụ.
Không những cụ già, ăn
xin, mà người điên, mẹ tôi cũng đem về nhà nuôi nốt. Hôm đó trên đường về, mẹ
gặp một cô gái tâm thần đang nhặt xơ mít quăng bên đường vừa
ăn
vừa ngâm thơ: “Thân em như cái xơ mít, thơm ngon thế mà người lại bỏ”.
Chính vì câu thơ điên ấy làm mẹ tôi chạnh lòng đem cô ta về nuôi. Mẹ nghĩ,
văn chương như cô thì phải là người tài, do tình duyên trắc trở mới ra nông nổi
này. Mẹ cũng đã nhiều công dạy dỗ, luyện tập cho cô ta khôi
phục trí nhớ, những lúc cô ta vụng về mẹ cũng không một lời quở trách.
Nhiều lần cô ta nổi điên bỏ nhà ra đi, mẹ lại lo lắng cho người đi tìm như tìm
kiếm con nhỏ của mình vậy. Nuôi được mấy năm rồi cô ta cũng ra
đi như đời ruồng bỏ cô vậy.
Từ những năm 1980, dân làng quê tôi
vẫn còn nghèo khổ. Họ sống chủ yếu bằng ruộng vườn và
lên rừng tìm kiếm những mảnh sắt vụn của bom đạn sau chiến tranh để lại. Tuy nhiên vẫn còn những quả bom, viên đạn chưa nổ chôn vùi dưới lòng
đất.
Vì thế, cũng không ít người đã bỏ mạng ở núi rừng vì miếng cơm
manh áo.
Bão lụt thì xảy ra liên miên, hầu như năm nào cũng có.
Mỗi lần nghe có người chết vì bom đạn hay bão lụt là một lần mẹ tôi
ăn ngủ không yên. Hầu như suốt mấy ngày mẹ nuốt cơm không nổi vì họ.
Mỗi khi nghe tiếng nổ là mẹ hốt hoảng hỏi thăm khắp xóm làng xem ai bị gì không.
Mẹ thường hay an ủi, động viên, chia sẻ với những gia
đình khó khăn, đau khổ. Trên gương mặt mẹ lúc nào cũng biểu hiện sự lo lắng, ưu tư, mãi cho
đến bây giờ hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong đầu tôi. Mẹ làm như cuộc đời
này tất cả nỗi khổ của người khác đều do mẹ tạo ra.
Không những thương người mà các loài
súc vật mẹ tôi đều thương yêu. Con trâu dữ, trong làng ai cũng ngán, họ
đem bán vào lò mỗ, mẹ tôi thấy tội nghiệp mua về nuôi bắt anh em tôi phải chăn
giữ. Trời mưa gió, sợ trâu lạnh, mẹ bảo để trâu ở nhà đi cắt
cỏ về cho trâu ăn. Nhiều lúc anh tôi bực nói mẹ rằng: “Mẹ sợ trâu lạnh,
thế con đi cắt cỏ không sợ con lạnh sao?” Mẹ tôi nhỏ nhẹ: “Nhưng con có áo ấm và
mặc áo mưa, còn trâu đâu có mặc gì đâu”. Mỗi buổi tối mẹ đều
không quên nhắc chúng tôi nhúm lửa kẻo muỗi đốt trâu.
Nhiều lúc thương chúng tôi mẹ kiêm luôn cả công việc này mặc dù mẹ rất bận.
Chó mèo nuôi trong nhà, trời lạnh cũng được mẹ đắp chăn, đắp áo. Mỗi lần
anh em tôi ham chơi quên cho chó mèo ăn là mẹ lật đật,
hối hả xót xa lắm. Thật là lòng từ bi vô hạn.
Mấy năm sau, gia đình tôi khá giả
lên chút đỉnh. Mẹ đã giúp đỡ biết bao nhiêu hoàn cảnh
nghèo khó.
Tạo công ăn việc làm cho bà con lối xóm thất nghiệp.
Người ở xa nghe tiếng tìm đến, mẹ cũng hết lòng giúp đỡ. Nhiều người lợi
dụng lòng tốt của mẹ, đến năn
nỉ mẹ cho mượn tiền rồi họ cút cò đi luôn. Nhiều người được mẹ
hướng dẫn, đỡ đầu và cũng công thành danh toại, làm nên sự nghiệp.
Những người trong làng thường nói mẹ tôi có tấm lòng Bồ Tát, họ còn nói đi khắp
tỉnh Quảng Trị này không thấy có ai như mẹ tôi. Những
lời nói đó thật không ngoa chút nào. Nếu thử hỏi, không
có lòng từ bi như Phật, như Bồ Tát thì làm sao thương mọi người, mọi loài như
thương chính con đẻ của mình được. Nên lúc nào tôi cũng
xem mẹ như là một vị Phật của tôi.
Đối với tôi, mẹ còn là một đóa hoa
tuyệt đẹp giữa trần gian. Từ lúc học lớp một, đọc được câu: “Tháp mười
đẹp nhất bông sen” là tôi luôn hãnh diện với chúng bạn về mẹ mình.
Lúc đó, tôi chẳng hiểu ý nghĩa của câu ấy là mô tê gì cả, mà cứ nghĩ vì mẹ có
cái tên của hoa sen, nên mẹ là đẹp nhất. Khi đến Chùa
cũng thấy Phật ngồi trên hoa sen, nên nghĩ mẹ là đẹp nhất.
Lớn lên tôi mới hiểu “đóa hoa tuyệt đẹp giữa trần gian” của mẹ.
Đúng thế, những lúc sống trong cảnh nghèo nàn thiếu
thốn, nhưng mẹ không tham lam, không ô nhiễm trước mọi cám dỗ mà tự mình vươn
lên bằng chính đôi tay
và khối óc của mình. Mẹ đã xông pha
giữa chợ đời, tiếp xúc với đủ hạng người, đủ tầng lớp trong xã hội để tạo dựng
tương lai cho con cái nhưng mẹ không bị dòng đời lôi kéo. Mẹ vẫn biết ăn chay,
niệm Phật, biết bố thí, cúng dường, làm việc thiện, hiếu kính ông bà, dạy con
cái ăn ở có đạo đức, hướng dẫn con cái quy y Tam Bảo… Bằng sự thông minh và lòng
nhân từ của mẹ, nên từ một gánh hàng rong trên vai mẹ đã trở thành một thương
gia gây được tiếng tăm và uy tín trong xã hội, như hoa sen mọc trong bùn lầy
nước đọng mà vẫn vươn lên khỏi mặt nước tỏa hương thơm ngát cho đời.
Mẹ đã không hỗ thẹn với cái tên của loài hoa cao quý này.
Tôi rất thương mẹ và hãnh diện về mẹ. Vì tôi chưa bao
giờ thấy người phụ nữ nào có phẩm chất như mẹ. Có phải
chăng vì tôi quá yêu mẹ nên lúc nào cũng cho mẹ là đẹp nhất.
Nhiều lúc nhớ mẹ, tôi thầm thốt lên: Mẹ ơi! “Mẹ là hoa, hoa
đẹp tuyệt trần!”
Vâng! Mẹ tôi là người phụ nữ đảm
đang, đầy đủ công-dung-ngôn-hạnh. Một mình lặn lội thân cò nuôi sáu đứa
con ăn học và một bà mẹ chồng mù lòa mà không bao giờ
có một lời thở than. Ba tôi thì thật thà, chất phát, chỉ biết
chăm sóc khu vườn và làm việc thiện giúp người chứ không làm gì ra tiền, nên
kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mẹ tôi. Hồi nhỏ, tôi chỉ biết xin
mẹ tiền đi học và đòi ăn quà chứ tôi không hề hay biết mẹ đã thức khuya dậy sớm,
tần tảo nắng mưa. Những đêm đông giá rét lạnh thấu xương tủy, mẹ đã để yên cho
cha con chúng tôi ngon giấc trong chăn ấm màn êm, trong khi mẹ một hai giờ sáng
vẫn hì hục với xe hàng mắc lầy giữa đường rừng núi. Những ngày hè trời nắng
như đổ lửa, không khí nóng của gió Lào lùa về rát mặt cháy lưng, nhưng mẹ với
chiếc nón lá trên
tay lên thác xuống ghềnh. Mỗi khi trời mưa to gió lớn
mẹ không đi làm được thì tiếng cọc cạch của chiếc máy may trong nhà tôi không
bao giờ ngừng nghỉ. Những lúc như vậy là tôi vui lắm, vì có mẹ
ở nhà. Lần nào ở bên mẹ tôi cũng làm cho mẹ khô cả cổ họng vì cái tính hiếu
động của tôi. Tôi không chịu ngồi yên, cứ hỏi mẹ từ cái
này đến cái khác, hỏi đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Nhờ vậy mà sau
này tôi cũng biết được nhiều điều hay từ mẹ.
Ngoài ra, mẹ luôn giám sát và khuyến khích tinh thần
học tập của chúng tôi. Tôi đạt điểm 9 mẹ không chịu, lúc nào
mẹ cũng bắt phải đạt điểm 10; nhì lớp mẹ không chịu, mẹ chỉ muốn thứ nhất.
Tôi còn nhớ, mỗi khi kỳ thi đến, tôi thấy mẹ đối trước bàn
Phật đốt hương lâm râm cầu nguyện, mong sao cho chúng tôi vượt qua kỳ thi dễ
dàng. Lúc đó tôi nói với mẹ, học giỏi thì thi đậu chứ mẹ lo gì, mẹ liền
nói: “Học tài thi phận, con đừng ở đó mà chủ quan. Mẹ ít học, nên trong cuộc đời đã chịu nhiều cay đắng. Dù sao
mẹ cũng quyết tâm cho các con học hành đến nơi đến chốn”. Từ đó tôi mới hiểu vì
sao mẹ phải thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, làm đủ mọi việc, là để kiếm
thêm đồng tiền cho anh em chúng tôi ăn
học. Cho nên, mỗi thành quả đạt được của chúng tôi là một niềm vui lớn lao trong lòng mẹ.
Anh em tôi có được ngày hôm nay là
nhờ mẹ tảo tần sớm hôm, nuôi nấng dạy dỗ. Mẹ ngoài việc lao động chân tay và trí óc, còn giáo dưỡng chúng tôi trưởng
thành. Mẹ là người đã mang tôi đến cõi đời này để tôi thấy
được thế giới bao la muôn màu muôn vẻ. Mẹ là vị giáo sư đầu đời chắp cánh
cho chúng tôi bay cao trong cuộc sống.
Mẹ là người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã dẫn dắt tôi vào
nẻo Đạo. Mẹ là bậc thầy giáo huấn nghiêm minh, đã cho
tôi những đòn roi để tôi biết rằng cuộc sống sau này sẽ nhận những đau đớn gấp
trăm lần như vậy nếu phạm sai lầm. Mẹ còn là vị lương
y, tận tụy chăm sóc và thức trắng đêm bên ngọn đèn dầu vì sự đau ốm của chúng
tôi khi trái gió trở trời.
Chúng tôi thành đạt hay hư đốn đều được mẹ thương yêu như nhau mà không phân
biệt.
Tình thương yêu và sự hy sinh của mẹ dành cho chúng tôi thật
quá bao la như biển cả, như nước trong nguồn không bao giờ khô cạn.
Cả cuộc đời mẹ đã hiến dâng cho tương lai, cho sự sống của
chúng tôi, chỉ biết cho đi mà không nhận lại bao giờ.
Đó mới chỉ là cái nhọc nhằn lam lũ
và sự hy sinh của mẹ, chứ chưa nói đến những khổ đau mà mẹ âm thầm gánh chịu,
chất chứa trong lòng. Tất nhiên trên cuộc đời này không có gì là hoàn hảo. Trong xã
hội có gia đình nào con đông ăn học, trên thuận dưới hòa, mà trong ấm ngoài êm suốt cả
cuộc đời đâu.
Cho nên gia đình tôi cũng không thoát khỏi cái quy luật xoay
vần ấy. Vì vậy đôi lúc mẹ tôi cũng đã ngậm đắng nuốt
cay vì sự bồng bột, lầm lỡ của chồng, của con. Mỗi lần
nghĩ về cuộc đời mẹ là tôi thương mẹ đến chảy nước mắt. Có lẽ đời mẹ đã
chịu quá nhiều gian lao, vất vả nên trông mẹ già đi trước tuổi. Mẹ phải đè nén
bao nổi buồn đau nên tim mẹ hở van, huyết áp bất thường.
Mẹ chịu được tất cả những điều nghiệt ngã nhất trên đời này, mà lòng mẹ vẫn hân
hoan, bao dung độ lượng …
Thưa mẹ kính yêu của con! Đã từ lâu và rất nhiều mùa
Vu Lan con muốn viết về mẹ nhưng con không tài nào viết
được, vì mỗi lần nghĩ đến công lao và nổi khổ của mẹ là nước mắt con lại tuôn
trào. Hôm nay, một lần nữa mùa Vu Lan trở về. Nơi xứ lạ chiều Thu mưa buồn lắm mẹ ạ! Con nghe
trong tiếng gió vi vu có cả lời ru của mẹ năm nào.
Trong trái tim con bây giờ là cả vạn niềm thương nổi
nhớ. Con cố nén thật nhiều xúc cảm mới viết lên được những dòng chữ này, để làm
món quà kính dâng lên mẹ nhân mùa Vu Lan. Vì con nghĩ
rằng nếu con không làm được việc này bây giờ thì phải đợi đến lúc nào nữa.
Năm trước về thăm, con thấy mẹ già đi nhiều lắm, tóc mẹ đã đốm bạc, mắt mẹ đã mờ
đi. Mắt mẹ mờ không phải vì thời gian mà vì mỏi mòn trông
theo từng bước chân của những người con xa xứ. Con mới
thấm thía lời Đức Phật dạy: “Đến khi đời con như hoa thì cha mẹ đã phải già. Đời
con khôn lớn là tinh hoa sự sống của cha mẹ đã truyền hết cho con mà nhận lấy
cái chết”.
Mẹ ơi! Mặc dù con đi xa nhưng lòng con vẫn luôn luôn
hướng về mẹ. Bao giờ con cũng biết: “Trên đời này, nếu có một tình yêu thật sự,
thì đó là tình yêu của mẹ.” Những lúc trên đường dài mệt mỏi là con như có cảm
giác mẹ đang ở bên con, vỗ về, an ủi, nên con đã vượt
qua nhiều chướng duyên mẹ ạ! Dù con có bao nhiêu tuổi đời đi chăng nữa con vẫn
thấy còn nhỏ bé trong vòng tay của mẹ. Ngày xưa con nhỏ,
thường khóc mỗi khi bị đánh đau, nhưng bây giờ mẹ không đánh mà con vẫn đau. Con
đã cúi mặt xuống cho những giọt nước mắt tuôn rơi khi nghĩ đến một ngày nào đó
căn bệnh huyết áp và tim
mạch ác quái kia mang mẹ ra đi khỏi thế giới này.
Không! “Con sẽ không đợi đến ngày kia khi mẹ mất đi
mới giật mình khóc lóc, vì dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ”. Con sẽ không
đợi đâu, con sẽ không để cho mẹ đi về một thế giới khác mà chưa nhìn thấy sự
thành đạt của con và của em. Con nhất định sẽ làm được điều đó mẹ ạ! Con không
muốn phải cài lên ngực áo một bông hoa màu trắng trong dòng nước mắt hối hận vì
chưa làm được điều gì cho mẹ. Con chỉ mong sao sức khỏe mẹ vẫn còn để chờ đợi
những đứa con của mẹ trở về trong sự thành đạt và niềm hạnh phúc. Con biết rằng,
bây giờ vật chất đối với mẹ không còn cần thiết nữa, mà điều mong mỏi và hạnh
phúc nhất của mẹ là nhìn thấy con cái đỗ đạt, cháu chắt sum vầy.
Có thể hôm nay đây, con được cài lên ngực áo một bông hoa màu đỏ trong niềm hạnh
phúc vô biên vì vẫn còn có mẹ. Nhưng không ai đoán
trước được ngày mai. Bởi thế trong lúc hạnh phúc nhất con vẫn thấy lòng
mình phập phòng lo sợ... Mẹ hãy ráng chờ con mẹ nhé!
Bây giờ con có nói bao nhiêu lời cảm ơn đi nữa cũng
không thể diễn tả hết công lao và đức hạnh của mẹ,
không thể nói hết những gì mẹ đã dành cho con. Con chỉ biết rằng có mẹ là điều
hạnh phúc nhất trên cuộc đời này.
Pune, Mùa Hiếu Hạnh, PL.2555