Lam
Khê
Tôi là một đứa trẻ khác thường. Người ta đã nói vậy ngay khi tôi vừa mới trồi
đầu ra khỏi cái cung tối tăm chật hẹp trong bụng mẹ. Vừa chào đời, việc đầu tiên
của tôi là mở to đôi mắt ra nhìn khắp lượt. Mọi thứ xung quanh có vẻ sáng sủa lạ
lẫm quá khiến tôi mải mê nhìn quên cả việc khóc thét lên khi bà mụ đánh một phát
vào mông đau điếng.
- Chà! Thằng bé lỳ đòn dữ à nghe. Nó mở to đôi mắt thao láo ra nhìn chứ
không thèm khóc. Ờ... Ờ...! Sao! Sao
hả con? Lạ quá phải không. Nặng tới hơn ba ký lô đấy. Quả là mẹ khỏe mạnh sanh
con bụ bẫm mà.
Sau khi được tắm rửa sạch sẽ và đặt lên giường nằm, tôi liền quay sang nhìn
người mẹ vừa sanh thành ra mình. Mẹ của tôi còn khá trẻ. Và hẳn đây là lần vượt
cạn đầu tiên nên trông bà đờ đẫn mệt mỏi đến không buồn nhìn con. Khi nghe tôi
chòi đạp ọ ẹ, mẹ chỉ hơi khẽ xoay nghiêng người liếc qua. Ngay lập tức tôi nhận
ra ánh mắt buồn bã có phần nặng nhọc u ám của bà. Biết mẹ mệt, tôi ngoan ngoãn
nằm yên. Khung cảnh lạ lùng khiến đầu óc còn non nớt của tôi cứ miên man nghĩ
ngợi.
Có nhiều tiếng chộn rộn chung quanh làm tôi chú ý. Một bà mẹ sanh con vừa
được đưa lên phòng. Những người thân đang vây quanh săn sóc. Đứa trẻ ra đời cùng
ngày với tôi, trông nhỏ xíu như bắp tay người lớn và đỏ hỏn như cục than lửa.
Thằng bé cứ ngo ngoe khóc thét lên làm bố nó sốt ruột, chốc chốc lại bước đến
nhìn con lo lắng. Cô ý tá đầy kinh nghiệm thản nhiên nói:
- Bé khóc to vậy là tốt chứ không sao đâu. Dù sanh sớm mấy tuần nhưng lúc mẹ
mang thai được chăm sóc kỹ nên cháu sanh ra đã khỏe. Cho bé bú sữa mẹ một thời
gian là cháu sổ sữa chóng lớn ngay.
Là đứa bé khác thường, nên tôi có thể nghe và hiểu hết những sự việc quanh
mình. Tôi thắc mắc vì sao những bà mẹ sanh con luôn có nhiều người tới lui thăm
hỏi, riêng mẹ của tôi chỉ có một thân một mình. Có thể bố và những người trong
gia đình tôi chưa kịp đến. Vì không thể nói được nên tôi chỉ biết nằm yên chờ
đợi. Tôi đã chờ đợi trong bụng mẹ suốt một thời gian dài... với ước mong ngày ra
đời sẽ được sự chào đón của cả đại gia đình thân thuộc. Thế mà giờ đây mọi việc
dường như khác hẳn.
... Người mẹ bọc kín đứa con trong chiếc khăn lông rồi vội vả bước đi. Đứa
bé không khóc cũng không ngọ ngoạy. Mẹ đang đưa bé về nhà. Bé sẽ được gặp những
người thân trong gia đình chưa từng gặp. Mọi việc chắc sẽ ổn thôi. Bé nghĩ vậy
nên yên tâm thiếp ngủ trong vòng tay ấm áp của mẹ.
... Trời hửng sáng. Gió se lạnh. Tôi giật mình thức giấc khi nghe có nhiều
tiếng người lao xao. Có ai đó vừa bế tôi lên, cất giọng tức tối:
- Con thấy nó bỏ đứa bé dưới gốc cây sứ trước cổng chùa. Con rượt theo thì
nó chạy bọc xuống đám ruộng khô rồi băng ra lộ mất hút. Nó còn trẻ măng hà. Lăng
nhăng bậy bạ rồi ôm bầu tâm sự... sanh con ra đem bỏ cửa chùa. Thật là đồ...
Có tiếng vị sư nhỏ nhẹ nói:
- Thôi... cô đừng lớn tiếng làm gì. Người ta cũng vì hoàn cảnh mà bỏ con.
Người có công sanh thì nhà chùa có công dưỡng. Chỉ tội nghiệp cho một sanh linh
bé nhỏ, vừa chào đời đã không còn gặp mẹ. Tuổi thơ nào có tội tình gì...
Ôi! Người ta đang nói về mẹ của tôi đấy. Tôi lờ mờ hiểu ra rồi bất ngờ cất
tiếng khóc to. Lần đầu tiên sau khi chào đời tôi mới biết khóc. Tôi khóc khi
biết mình là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. Tôi khóc vì ước mơ về một mái ấm gia đình có
bố mẹ... đã không bao giờ thành hiện thực.
Năm tháng trôi qua. Tôi góp mặt và trở thành một thành viên bé nhỏ trong
ngôi chùa rộng tọa lạc tại vùng ven. Từ buổi đầu tiên được đón nhận vào chùa,
tôi phát hiện không chỉ có mình mà còn nhiều đứa trẻ khác. Những anh chị em
không cùng huyết thống của tôi cũng chỉ mới lên dăm bảy tháng cho đến một vài
tuổi. Những đôi mắt thơ ngây ngước nhìn đứa trẻ lạ vừa được sư phụ bế vào là
tôi, nửa tò mò nửa thích thú. Sau này tôi còn có nhiều em trai em gái nữa. Bởi
người ta cứ thản nhiên đem bỏ những đứa con vô thừa nhận trước cổng chùa. Khi
tôi bắt đầu đi học, thì số anh chị em của mình đã già hơn chục.
Vừa chập chững biết đi, tôi được sư phụ cạo tóc chừa lại ba chỏm. Mọi người
đến chùa tỏ vẻ thích thú khi nhìn mấy chú Tiểu nhỏ dễ thương ngộ nghĩnh. Sư phụ
đặt tên khai sinh cho tôi là Hiếu Tâm. Một cái tên nghe thật đạo vị. Sư chú tôi
vốn là nhà thư pháp nghiệp dư. Trong chùa ngoài ngõ treo đầy những bức tranh thư
pháp với mỗi một chữ tâm rất ấn tượng. Sư phụ tâm đắc lắm bèn lấy chữ tâm đặt
cho cả đám đệ tử nhóc tỳ của mình. Nào là Mẫn Tâm, Khánh Tâm, Minh Tâm, Phước
Tâm...
Ngay khi lọt lòng mẹ, tôi là đứa bé biết suy tư và hay cả nghĩ. Tuổi thơ
sống yên ấm dưới mái chùa, tôi cũng tinh nghịch, tham gia các trò chơi quậy phá
cùng các sư huynh sư đệ của mình. Sau những cuộc vui chơi ấy, tôi lại quay về
với bản chất trầm lặng cố hữu. Tôi thường ngồi yên... chỉ để nhìn lá rơi nắng đổ
bên sân chùa. Thích nhất là ngắm đàn bồ câu bay sà xuống khi tôi vừa công phu
cúng thí thực xong. Chị gà mái nhà hàng xóm hay dẫn đàn con bé bỏng sang chùa
kiếm ăn. Ăn xong mẹ con quây quần nằm sưởi nắng. Tiếng chim hót líu lo. Tiếng gà
kêu chích chích nghe thật vui tai. Tôi nhìn đến nổi quên cả công việc của mình
làm sư huynh Mẫn Tâm phải la toáng lên:
- Thưa sư chú! Hiếu Tâm không chịu quét sân... cứ đứng nhìn đâu đâu không
hà.
Tôi và Mẫn Tâm được sư chú phân công tác quét sân trước. Mẫn Tâm lớn hơn tôi
một tuổi lại ỷ mình là sư huynh nên thường phó mặc cho tôi làm. Tôi cũng không
lấy thế làm phiền lòng. Một mình tôi vừa quét sân... vừa quan sát người ra vào
lễ chùa. Những bà mẹ ông bố hạnh phúc bên những đứa con xinh xắn của họ. Những
ông cụ bà lão trang nghiêm trong chiếc áo tràng lễ Phật. Phật tử của chùa đều
quen mặt biết tên mấy chú Tiểu và hay dừng lại xuýt xoa:
- Còn nhỏ thế mà đã có căn duyên ở chùa, thật phúc đức lắm...
Tôi luôn để mắt dõi tìm một hình ảnh thân quen. Gương mặt người mẹ trẻ lâu
ngày đã lu mờ nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn thơ dại, ánh mắt đăm chiêu buồn
tẻ ấy vẫn còn phảng phất. Mẹ hẳn đã quên đi núm ruột của mình. Mà nếu có nhớ tìm
tới... thì chắc bà không thể nhận ra đứa bé đỏ hỏn ngày nào trong số những chú
Tiểu có cùng một gương mặt hồn nhiên trong sáng.
- Sư huynh! Có khi nào... ba mẹ chúng ta đến chùa tìm lại đứa con mà họ đã
vứt bỏ?
Mẫn Tâm nghe tôi nói liền trố mắt nhìn:- Làm gì có chuyện đó. Mình là con
của Phật, con của sư phụ rồi. Còn ba mẹ nào nữa mà tìm kiếm.
Sự vô tư đôi khi là liều thuốc nuôi dưỡng những tâm hồn thánh thiện. Ngay từ
khi chào đời tôi đã không có được sự vô tư ấy. Tôi đã nhìn thấy mẹ của mình. Cái
nhìn thoáng qua khi vừa chạm mặt ngưỡng cửa cuộc đời.
- Chú Tiểu! Cho chú mượn chiếc xe điện tử nè. Chơi vui lắm đó.
Cậu bé khoảng tuổi tôi nhưng vóc dáng ốm nhom đang niềm nở khoe món đồ chơi
đắt giá. Tôi cười cười lắc đầu. Món đồ chơi lạ này làm tôi thích thú. Nhưng
chúng tôi cũng có nhiều đồ chơi của Phật tử đem đến chùa cho. Mẹ của cậu bé đang
ngồi nói chuyện với sư phụ bên nhà khách:
- Thằng bé sanh non, cứ trời trở gió là nóng đầu sổ mũi. Uống biết bao thuốc
men, tẩm dưỡng toàn đồ bổ mà nó vẫn ốm trơ xương. Con dẫn cháu đi chùa, lạy Phật
bà Quan Âm phù hộ cho được mạnh giỏi...
Gương mặt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ đang nói về đứa con trai ốm yếu
của bà. Hình ảnh vừa quen vừa lạ làm tôi ngỡ ngàng nhìn sững. Sự đời như gió
thoảng mây bay... mọi việc tưởng đã trôi mà sao cứ chập chờn như có như không.
* * *
Hiếu Tâm thường ra ngồi chơi dưới gốc cây sứ trước cổng chùa. Chú ngồi học
bài luôn tiện lượm hoa rụng đem vào cho cô Phước ở nhà bếp. Cô bảo hoa sứ phơi
khô có thể đem bán được. Nhưng cô dùng để kết tràng hoa cúng Phật. Hiếu Tâm có
cảm giác cây sứ này luôn có một mối nhân duyên đặc biệt với mình.
- Ngày nào cô cũng thấy chú Tiểu ra ngồi lượm hoa sứ khô.
Hiếu Tâm ngẩng lên. Một bà khách đứng dưới táng cây đang nhìn chú mỉm cười.
Hiếu Tâm ngạc nhiên vì mình chưa từng gặp bà.
- Sao cô lại biết là con... thường ra đây lượm hoa sứ.
- Vì ngày nào cô cũng đi qua chùa mà.
- Nhà cô ở gần đây ?
- Ơ... Cô ở xa lắm. Cô chỉ về chơi nhà người quen ít bữa.
- Vậy cô đến chùa lễ Phật?
- Ừ! Cô thích lên chùa. Mấy chú Tiểu ở chùa thật dễ thương. À... Mà Tiểu còn
ba mẹ không?
Hiếu Tâm lắc đầu:- Tiểu không biết... Vì khi mới sanh ra, đã bị mẹ đem bỏ
trước cổng chùa rồi.
- Thế à!... Thật tội nghiệp. Mà chú lượm hoa sứ khô để làm gì vậy?
- Dạ. Hoa sứ rất thơm. Quý cô trong chùa hay dùng kết tràng hoa cúng Phật.
Dưới gốc cây hoa sứ này từng có một câu chuyện cổ tích đấy cô à.
Bà khách tò mò hỏi:- Chuyện cổ tích thời nay sao? Chú kể cho cô nghe được
không?
Tôi gật đầu nghiêm nghị:- Dạ được chứ. Nếu cô thích nghe. Chuyện là thế
này... Hồi đó cách đây chưa lâu lắm... có người mẹ sanh một đứa con trai tại
bệnh viện. Vì không có tiền trả viện phí nên bà bồng con trốn đi trong đêm
khuya. Đứa bé bụ bẩm nhưng nó không khóc cả khi bà mụ đánh vào mông. Lúc người
mẹ bồng con trốn đi thì đứa bé đã ngủ thiếp trên tay bà... Và khi tỉnh dậy, nó
thấy mình nằm dưới gốc cây sứ này, chung quanh đầy hoa rụng. Người mẹ đã bỏ đi.
Đứa bé được sư phụ đem vào chùa nuôi nấng cho đến bây giờ...
Một chiếc xe máy vừa chạy qua làm bụi tung mù. Bà khách đưa tay dụi mắt. Bà
có vẻ xúc động, dò hỏi:
- Đứa bé bị bỏ dưới gốc cây sứ buổi sáng sớm hôm ấy... là chú Tiểu sao?
Hiếu Tâm nhìn bà:- Cô biết câu chuyện đó?
- Là vì lúc ấy cô cũng ở gần đây... Cô nghe người ta kể về đứa bé bị bỏ rơi
dưới gốc hoa sứ trước cổng chùa... Thời gian rồi cô quên mất. Không ngờ đứa bé
ấy chính là chú Tiểu bây giờ. Mấy chú Tiểu ở chùa đều bị mẹ bỏ lại dưới gốc cây
sứ này à?
- Dạ không! Chỉ có Tiểu là bị mẹ bỏ dưới gốc cây sứ này thôi. Lúc ấy vì có
người trông thấy nên mẹ bỏ vội rồi chạy đi ngay. Sau này Tiểu nghe cô Phật tử
nói lại...
Một đàn bồ câu bay sà xuống sân. Hiếu Tâm cầm rổ hoa đứng lên lễ phép nói:
- Đã tới giờ công phu, Tiểu phải vào chùa cúng thí thực.
Bà khách nhanh tay ngắt lấy một bông hoa sứ trắng còn tươi rói trên cành
xuống. Bà bước tới nói thật khẽ vào tai chú:
- Chú Tiểu bị bỏ rơi dưới gốc cây sứ này... Vậy là chú vẫn còn mẹ, phải
không? Có duyên gặp Tiểu ở đây... nghe cậu chuyện của Tiểu, cô cảm động lắm. Vậy
cho cô gởi tặng chú bông hoa sứ này. Mẹ chú vì hoàn cảnh nào đó mà không dám
thừa nhận đứa con... Hẳn bà cũng đau khổ lắm. Chú Tiểu... chú đừng trách bà
ấy... Bây giờ chú là con nhà Phật rồi... Bà ấy dẫu có biết cũng không thể nhìn
con.
Hiếu Tâm thẩn thờ cầm lấy bông hoa và khi chú định thần ngước lên thì bà
khách đã đi xa rồi. Ôi! Lời nói và ánh mắt buồn sâu thẳm ấy... phải chăng đó là
đoạn kết có hậu cho câu chuyện cổ tích về đứa bé bị mẹ bỏ rơi năm nào.
Lam Khê (TN Hạnh Tâm)