Ngọc Bảo
Trời miền Nam Cali
làm cơn hạn quanh năm, nên đôi khi một vài cơn mưa hiếm hoi nhỏ xuống cũng khiến
tâm hồn người ta ướt át lên một chút, mặc dù cơn mưa đó mỏng manh như bụi, không
đủ làm ướt áo. Một người bạn đã tức cảnh sinh tình làm một bài thơ như sau:
Buổi sáng trời mưa không ướt áo
Em về phố chợ, chiều mưa mau
Nắng mưa ai bảo phụ nhau
Thì trăm năm ấy cũng nhầu áo xưa.
“Mưa không ướt áo”, sao câu
này cứ vương vấn trong tôi như một điệp khúc mà không hiểu tại sao? Phải
chăng vì chỉ chữ “mưa” không cũng đủ để gợi lên bao nhiêu cảm xúc trong tâm,
những cảm xúc không tên, không duyên cớ mà chắc nhiều người cũng cùng có như vậy,
vì thế “mưa” bao giờ cũng là đề tài bất tuyệt trong thi ca, trong âm nhạc.
Ðã quá xa rồi những cơn mưa dầm dề lướt
thướt, mưa bong bóng, mưa rào mùa hạ ngày nào ở Việt Nam, ở đây chỉ
có chút mưa lất phất, họa hoằn lắm mới được một cơn mưa rào đổ xuống đủ để thấm
đất. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ rửa sạch một chút cho tâm hồn. Những ngày chân ướt chân ráo nơi xứ người, trong mùa lễ Noel tôi
thường hay đi xem những khu phố chăng đèn kết hoa. Một đêm nọ khi đang
dạo quanh một khu phố đẹpï, nhà nhà đều trang hoàng đủ kiểu, đủ mầu sáng rực,
bỗng trời đổ mưa ướt và lạnh. Chạy vội lên xe, nhìn qua cửa kính những ánh đèn trở nên nhạt nhòa. Tâm
hồn thơ ngủ quên từ lâu bỗng nổi lên, tôi làm vài vần thơ vụng dại, dù chưa bao
giờ biết làm thơ hay thưởng thức thơ:
Lại một mùa đông đến
Mùa rực rỡ ánh đèn
Lung linh muôn tia sáng
Như những vì sao đêm
Ðêm mưa, mưa lạnh giá
Như nhỏ xuống hồn ta
Những giọt sầu chai đá
Của những tháng ngày qua
Gặp nhau nơi xứ lạ
Tưởng chừng như đã xa
Trong ký ức nhạt nhòa
Bỗng ta tìm lại ta
Trải qua bao năm, tôi không còn đi xem đèn
mùa đông nữa. Cảnh còn đó, người còn đây, nhưng tâm xưa đã không còn nữa.
“Quá khứ tâm bất khả đắc”. Nhưng thật sự có cần phải
giữ lại tâm quá khứ đó không? Tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai, tất
cả đều cho qua, qua đi hết để chỉ còn cái Vô Tâm, có lẽ lúc đó bờ mê sẽ trở
thành bến giác của giải thoát chăng?
Cách đây không lâu, một tăng sĩ tài hoa có nét bút chữ
Hán thật sắc sảo và bay bướm đã viết cho tôi một bức thư pháp chữ “Như” thể theo
lời yêu cầu. “Như” của “Như Thị” hay “Như Như” gợi lên một chân lý bất
nhị, một cái nhìn tự tại đối với cuộc sống của nhàn đạo nhân đã thấu hiểu được thế nào là lý Sắc Không.
Chỉ một chữ “Như” đó cũng đủ để nghiền ngẫm một đời, nhưng bên cạnh đó còn có
mấy câu thơ chữ Hán tuyệt vời gợi lên cả một liên hệ mênh mang giữa “tâm” và
“cảnh”. Tôi gọi đó là bài thơ “Vô sầu vũ”:
Ba tiêu diệp thượng vô sầu vũ
Chỉ vị thời nhân thính đoạn thường
Trên lá chuối những giọt mưa rơi nhỏ
xuống, mưa không biết buồn, nhưng người nghe tiếng mưa vì khởi tâm mà thấy có
buồn có vui trong đó. Tôi tạm
dịch bài này như sau:
Mưa rơi trên lá không sầu
Sao người nghe tiếng bỗng đâu thấy buồn
Một người bạn cũng đã dịch như sau:
Nghe mưa khẽ giọt bên tầu lá
Có kẻ vì đâu bỗng đoạn trường
Chỉ nghe tiếng mưa rơi trên lá cũng đủ dấy
lên một nỗi buồn không tên len lén đi vào hồn, huống chi là đi giữa trời mưa. Quả thật tâm con người đối cảnh luôn luôn nhậy cảm,
luôn luôn bị lôi cuốn theo cảnh để rồi khởi lên những
tình cảm vui buồn giận ghét, nhớ thương v.v... Những khoảnh
khắc đó thật mong manh và phù du vô cùng, nhưng đôi khi chúng cũng đem đến những
hậu quả di lụy đến cả một đời.
Thế nhưng, đôi
khi đi giữa trời mưa mà “mưa không ướt áo”, có thể vì mưa quá nhẹ chăng, hay
cũng có thể là vì người đi trong mưa không thấy ướt? Trong kinh Duy Ma Cật
có một đoạn tôi thích nhất cũng nói về mưa, nhưng là mưa hoa như sau:
Duy Ma Cật là một vị Bồ Tát hiện thân cư
sĩ, sống giữa giòng đời mà tâm không vướng bụi đời. Trí tuệ của ông thâm sâu như biển, khiến các vị đại đệ tử của Phật
còn phải nể sợ. Một hôm ông dùng phương tiện hiện thân
mang bệnh, để nhân cơ duyên đó nói pháp phá những chấp trước còn lại nơi các đại
đệ tử Phật khi các ngài đến thăm. Khi nghe những lời đối đáp quá thâm
diệu của Duy Ma Cật với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, một thiên nữ bỗng hiện ra
tung hoa trời xuống như mưa để tán thán khen ngợi. Hoa
rơi xuống mình các vị Bồ Tát đều rơi rụng hết, nhưng đến các vị đại đệ tử của
Phật thì dính lại. Các ngài dùng hết thần lực để phủi
hoa xuống, nhưng hoa vẫn không rời. Thấy thế, thiên nữ bèn hỏi Xá Lợi
Phất:
- Vì sao phải phủi hoa?
Xá Lợi Phất nói:
- Vì hoa này không như Pháp.
Thiên nữ chỉnh lại:
- Ðừng bảo hoa này không như Pháp. Vì sao? Hoa này không có phân biệt, chẳng
qua tựï nhân giả phân biệt đó thôi. Không phân biệt là như Pháp, trong khi vẫn còn phân biệt là không
như Pháp. Ðấy, ngài xem các vị Bồ Tát hoa có dính đâu? Ðó là vì tâm các ngài không còn phân biệt, không còn những tập khí
xưa nay nên hoa không dính vào được. Còn các vị đại đệ
tử vẫn còn phân biệt dính mắc, còn sợ hãi sinh tử, còn tập khí chưa dứt thì hoa
mới mắc nơi thân thôi.
Xá Lợi Phất là trưởng lão trong các đệ tử của Phật, tuy
thấm nhuần giáo lý
vi diệu mà vẫn còn tâm phân biệt nam nữ, còn chấp trước
đúng sai nên đã được thiên nữ dạy cho một bài học phá chấp.
Mưa hoa rơi xuống không dính áo, phải
chăng cũng là một hình ảnh của “mưa không ướt áo”?
“Tâm vô phân biệt” là đặc tính siêu việt của đạo Phật,
cũng còn gọi là “tâm bình đẳng” của chánh đẳng chánh giác, chỉ có nơi các
vị đã giác ngộ hoàn toàn. Vô phân biệt không có nghĩa như những kẻ ngu si
không biết hay dở, tốt xấu, mà là nhìn xuyên thấu qua được những khác biệt bề
ngoài của hình thức để thấy được bản chất bên trong đồng đều của vạn pháp. Nam
hay nữ, trắng hay đen, thực vật hay động vật, tất cả đều được cấu tạo từ bản
chất của thiên nhiên vũ trụ, đều sinh ra từ tứ đại rồi lại trở về với tứ đại qua
một quá trình “thành, trụ, hoại không” như nhau. Với cái nhìn từ bản
chất đó, sự phân biệt giữa cao và thấp, mê và ngộ, sanh và tử v.v..
cũng bị xóa mờ, để chỉ thấy những biểu hiện muôn mặt
của Không và Sắc từ một nền tảng Chân Không Diệu Hữu bao la.
Con người sinh ra lưôn luôn chạy đuổi theo hạnh phúc bằng
đủ mọi cách, có khi bằng tiền tài danh vọng, bằng sự chiếm hữu vật chất hay tinh
thần, bằng những tình thương yêu chân thật hay giả dối, và cao hơn nữa là
bằng sự tu tập tâm linh. Phải chăng vì từ đáy tâm hồn người ta luôn luôn
có một khoảng trống bất an nào đó khởi nguồn từ một ngộ nhận về con người của
mình như một cá thể cô đơn và độc lập khác biệt với tất cả, cho nên phải luôn
luôn tìm cách bảo vệ, che chở cho con người riêng biệt ấy?
Từ mười mấy năm nay, tôi thường đi dự những ngày tu học mỗi
tháng với các nhóm Thiền. Tôi gọi đó là “một ngày đi tìm hạnh phúc”, một thứ hạnh
phúc bình an
cho tâm hồn. Nhưng hạnh phúc bình an
trong những giây phút đó cũng vẫn mong manh và sẵn sàng tan đi khi phải đối diện
với những hoàn cảnh sống thực của đường đời vạn nẻo. Dù là hạnh phúc gì đi
nữa, nếu còn phải tìm kiếm, còn phải cố tạo ra thì cũng vẫn chợt nổi chợt tan
như bong bóng nước. Nếu đặt mục đích chính trong sự tu là đi tìm sự an lạc
thì đó cũng vẫn là đuổi theo
vọng tưởng. Vì ở dưới đáy tâm hồn, khoảng trống bất an
vẫn còn đó, sự sợ hãi đau khổ muốn bảo vệ con người riêng biệt của mình vẫn còn
đó. Tu là để giác ngộ chân lý, để thấy được bản chất của
mọi hiện tượng mà được tự tại, giải thoát. Lúc ấy không còn phải tìm kiếm
an lạc, cũng không cần phải né tránh khổ đau , vì
khoảng trống bất an của cái ngã huyễn vọng đã biến thành khoảng Không trong sáng
thanh tịnh của tâm nguyên thủy.
An lạc thật sự chỉ có khi không còn sợ hãi đau khổ, khi thấy
đau khổ và hạnh phúc đều không khác trong bản chất vô thường của chúng.
Nói cách khác, khi không còn phải chạy đuổi tìm an lạc hạnh phúc, tự đó đã là an
lạc hạnh phúc rồi.
Ðó cũng là cái Dũng có được do tâm bình đẳng, tâm vô phân biệt,
xem
nghịch cảnh hay thuận cảnh đều như nhau. Dù là cơn mưa phùn của hạnh phúc, hay
cơn mưa bão của đau khổ, những giọt nước mưa đó cũng không làm thấm ướt được lớp
áo của người có cái Dũng đó.
Sinh lão bệnh tử vẫn còn đó, nhưng trong những khoảnh khắc
của cuộc đời, hạnh phúc đến trọn vẹn với những gì thật nhỏ nhoi trước mắt.
Cảm ơn
hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
(Tô
Thùy Yên)
Theo:
vinhhao.info